Thằng … chụp mũ

0
393
Trong đời, cá nhân tôi có biết dăm thằng chụp mũ. Trong đó có vài thằng … từng chụp mũ tui.
Thằng thứ nhất, từ lần đụng chạm trong khi làm công việc chung, hắn chụp mũ tui. Mấy chục năm rồi, tôi không thèm nhìn mặt hắn nữa. Mãi tới gần đây, ở cái tuổi không còn trẻ lắm, có lẽ ăn năn, hắn gởi message xin lỗi. Tui im lặng. Hắn message xin lỗi lần nữa, tui cũng im lặng. Tui không làm cao, nhưng muốn hắn học cho trọn bài học: khi bạn đã chụp mũ, đã gây đau đớn cho người khác thì 1000 lần xin lỗi sau này, cũng không xóa hết. Bởi vết thương lành, chỗ cắt vẫn còn đau.

Thằng thứ 2 chụp mũ tôi, chỉ vì tôi bênh vực cho người khác. Chuyện là vầy….
Hội thương phế binh và quả phụ, do bà Hạnh Nhơn (lúc còn sống) làm hội trưởng. Mỗi năm gây quỹ giúp thương phế binh VNCH và quả phụ, đã được nhiều bà con khắp nơi ủng hộ. “Thằng” này biết tui cũng đóng góp chút ít. Y thì không, trên răng dưới dép. Y bảo tui đừng. Bởi, làm sao kiểm chứng tiền đó gởi về VN cho thương phế binh VNCH. Mà có gởi, cũng nên gởi về cho thương phế binh của CHXHCNVN chứ. Vì họ cũng bị tàn tật, là nạn chân của cuộc chiến.

Tôi giải thích là: thương phế binh của CHXHCNVN đã có hội thương binh và liệt sĩ lo. Chỉ có những người thương binh VNCH là tự mình … ên lo. Không giúp họ thì giúp ai? Hắn gân cổ cải chày cãi cối: làm sao mày biết tiền đó tới tay người nhận. Tôi nghĩ: Lạ! mày không đóng góp mà lại lên tiếng hạch hỏi. Chuyện hạch hỏi, xin để những người đóng góp bạc tram, bạc ngàn và nhiều hơn nữa, chừng nào tới phen mày?
Hắn để thầm trong bụng. Một hôm hắn chửi nhạc sĩ Nam Lộc (NL) là ăn trên đầu trên cổ tiền đồng bào giúp thương phế binh (mà cũng nói thêm, hắn cho biết là hắn không bao giờ đóng góp cho những chuyện gây quỹ trong cộng đồng VN; và tôi tôn trọng suy nghĩ của hắn). Tui ngạc nhiên. Y nói: Bà Hạnh Nhơn trả $3000 để làm MC, mà NL không chịu. NL đòi $8000. Tui hỏi: tài liệu đâu?. Y chuyển cho tôi 1 bài viết trời ơi đất hỡi (câu không thành cú) của 1 gã gần như homeless nào đó, chửi nhạc sĩ Nam Lộc về vụ này; và bài viết cũng nói là NL đã về bắt tay với cộng sản từ đầu thập niên 90. Tui nói: chuyện dễ quá mà, cứ tới thẳng văn phòng và hỏi. Y phang 1 câu: mày cũng là thằng CS như NL. Vậy là đường ai nấy đi từ đó đến nay. Tui không buồn gì chuyện Y ghét và chụp mũ tui, nhưng buồn là 1 người như nhạc sĩ NL mà còn bị vậy, thì huống hồ gì bao người khác.

Sau này, tôi có xem 1 đoạn video, Bà Hạnh Nhơn nói: người ta vu khống nhạc sĩ NL và Hội, chứ tất cả mọi chi tiêu đều giấy trắng, mức đen. Nhạc sĩ NL chưa bao giờ nhận 1 đồng nào trong các kỳ tổ chức đại nhạc hội. Bất cứ ai thắc mắc, ghé tới văn phòng, hội sẽ cho xem từng chi tiết về chi thu.
Cũng có thằng chụp mũ chụp ca nhạc sĩ Việt Dzũng lúc còn sinh tiền.

Cũng có kẻ phát nón … miễn phí cho những tù nhân luơng tâm.
Có kẻ … rộng lượng, sẵn sàng ban phát mũ cho những người tuổi trẻ dấn thân.
Có kẻ dễ dãi vừa phát 1 và tặng 1 (cho bạn của của người vừa chụp mũ). Bởi kho mũ của họ là không đáy, và có thể phát cho người khác bất cứ lúc nào.

Chuyện chụp mũ có khi nào là để giấu cái hèn của 1 thằng trai thời mạt vận chăng? Hay để dễ dàng phủi tay tất cả, không cần làm gì hết mà lòng không cảm thấy áy náy? Trong đời, không làm gì hết là 1 thái độ lựa chọn. Và mọi người sẽ tôn trọng sự lựa chọn ấy, chỉ xin là đừng chụp mũ người khác.

Nếu họ là dư luận viên, chuyện này cũng dễ hiểu. Trong lúc đó, họ nhân danh toàn chuyện lớn mà đi làm những việc … nhỏ, và đầy dễ dãi: chụp mũ. Vậy mà cũng có nhiều người đọc/nghe, rồi tin, rồi chuyền đi những câu chuyện hoang đường và dường như chỉ có họ biết.

Và dù nhân danh những chuyện lý tưởng nọ kia, nhưng có lẽ những … thằng chụp mũ luôn ghét những người làm được việc tại hải ngoại hơn là ghét những kẻ đang dã tâm bán đứng nước VN.

Tôi chia sẻ ý nghĩ của mình với anh bạn thân. Anh ấy nói: “mấy … thằng đó đã đổi căn cước”. Tôi không hiểu, hỏi lại: là sao. Anh cười cười bảo: thì tụi nó đổi căn cước từ “tị nạn” sang “khốn nạn”.

Tôi không cay đắng như anh, nhưng tôi học được 1 điều: để khỏi bị chụp mũ (dù là nhãn hiệu gì: lợi dụng, danh vọng, Việt gian, Phản động, etc.), chúng ta nên làm 1 việc, đó là: KHÔNG làm gì cả. Cứ lặng im xem người khác làm, lâu lâu, thích thì vỗ tay, không thích thì im lăng. Xong, về nhà ngủ.

Nhưng, tôi cam đoan với bạn rằng: sống như 1 người tử tế, thật khó lòng làm như ậy. Ta không thể dửng dưng trước nỗi mất mát của người khác (như áp bức mất đất của bà con Thủ Thiêm), không thể quay lưng khi thấy những ánh mắt của các em bé đang rơi vào tuyệt vọng (như các cháu bị SMA mà các anh chị trong KNV đã giúp đở), không thể chăm sóc cho màu da của mình khi thấy người khác đang trong bước đường cùng .v.v.

Cho nên, nhúng tay vào làm, trước sau gì, cũng như tôi, bạn có thể hay sẽ bị chụp mũ.

Mà thôi, theo bạn, tui có nên nhận lời xin lỗi của thằng đã chụp mũ mình từ mấy chục năm trước?

(Hình chỉ có tính cách minh họa)

360680cookie-checkThằng … chụp mũ