17-2-2018
Tôi chờ đợi đến chiều tối hôm nay để viết những dòng này. Đó là sự thờ ơ của báo chí Việt Nam với cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam với quân Tàu xâm lược xảy vào tháng 2/1979.
Rất nhiều tờ báo đã im lặng và như mọi khi, mạng xã hội “lên ngôi”. Chỉ có Tuổi Trẻ và Infonet, Vietnamnet là có những bài viết về cuộc chiến tranh vệ quốc bi tráng ấy trong ngày này. Nhưng Việt Nam có đến hơn 1.000 tờ báo, ấn phẩm và các đài phát thanh truyền hình từ trung ương đến địa phương cơ mà?
Trước đó, rất rất ít những thông tin về việc tướng quân Tàu ngạo mạn “Chỉ cần 3 ngày để biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc.” Trước đó, rất rất ít những thông tin về việc các đảo và bãi cạn mà Tàu đã cướp của Việt Nam được xây dựng thành pháo đài. Trước đó, biển Đông được Tàu nhanh chóng thiết lập để 9 đoạn lưỡi bò trở thành vùng nhận diện phòng không phi pháp.v.v.. Rất nhiều câu chuyện đã không xuất hiện hoặc xuất hiện rồi lại nhanh chóng lặng lẽ biến mất trên mặt báo.
Ngày 9/2/2009, nhà báo Huy Đức đã viết về Biên giới tháng 2 (1979-2009). Bài đăng chính thức trên báo giấy Sài Gòn Tiếp Thị và bản online bị gỡ ngay trong buổi sáng hôm ấy. Từ đó đến nay, anh Huy Đức đã đau đáu phải gọi đúng tên cuộc chiến.
Vì những anh hùng trong cuộc chiến vệ quốc ấy bỗng dưng bị biến mất khỏi tên trường, tên đường. Vì những tấm bia nhắc đến quân xâm lược bị đục bỏ phần tên của kẻ thù. Vì sách giáo khoa đã được “biên tập” ngắn nhất có thể phần lịch sử về cuộc chiến tháng 2/1979.v.v..
Mạng xã hội Việt Nam cơ bản phản ánh đầy đủ những vấn đề của đất nước. Báo chí không cần phải chạy theo mạng xã hội nếu báo chí viết ra được lòng dân. Tôi không thắc mắc vì sao những tờ báo thờ ơ với cuộc chiến tranh vệ quốc chống Tàu.
Tôi thắc mắc về việc tại sao trong một đất nước chưa từng khuất phục trước ngoại xâm mà DNA của những kẻ cơ hội bán nước vẫn còn nổi trội đến vậy?