Tập Cận Bình đang tái định nghĩa chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đừng xem thường.

0
1462
Logo TikTok và cờ Mỹ. Ảnh minh họa chụp ngày 16/07/2020. © REUTERS - Florence Lo
Người Thông Dịch

Nhà lãnh đạo độc tài của Trung Quốc đang có một chính sách kinh tế mới.

Translated article from Xi Jinping is reinventing state capitalism. Don’t underestimate it

Bài báo này xuất hiện trong mục Leader của ấn bản in với tiêu đề “Nền kinh tế mới của Tập.”

Sự đối đầu của nước Mỹ với Trung Quốc đã leo thang đến mức độ nguy hiểm. Trong những tuần lễ trước Nhà Trắng đã thông báo rằng họ có thể sẽ sớm cấm Tiktok và Wechat ( 2 ứng dụng của Trung Quốc), áp đặt cấm vận lên giới lãnh đạo Hồng Kông và gửi thành viên nội các của chính phủ tới thăm Đài Loan.

Những hành động gia tăng áp lực này phần nào là chiêu trò bầu cử: ra vẻ cứng rắn với Trung Quốc là yếu tố chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Một phần nữa là do ý thức hệ của những viên chức diều hâu trong nội các đang gấp rút phản ứng lại một Trung Quốc càng ngày càng quyết liệt trên mọi phương diện. Nhưng điều này cũng phản ánh một giả định đã trở thành nền tảng cho thái độ của chính quyền Trump đối với Trung Quốc ngay từ lúc bắt đầu thương chiến: rằng cách tiếp cận này sẽ đạt hiệu quả vì chủ nghĩa tư bản nhà nước được chính quyền bơm thổi của Trung Quốc thực sự yếu ớt hơn người ta thấy bề ngoài. Logic này có vẻ đơn giản như đang giỡn. Đúng, Trung Quốc đã cho thấy tăng trưởng, nhưng chỉ vì họ phụ thuộc vào sự kết hợp giữa công nợ, trợ cấp, chủ nghĩa thân hữu và việc trộm cắp tài sản trí tuệ. Chỉ cần tạo áp lực đủ mạnh thì nền kinh tế của Trung Quốc sẽ ngã quỵ, ép những lãnh đạo của họ phải nhượng bộ, và rồi giải phóng toàn bộ hệ thống nhà nước chuyên chế của họ. Như bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo từng nói: “Những quốc gia yêu tự do trên thế giới phải ép Trung Quốc thay đổi.” Nhưng quan niệm đơn giản đó lại là sai lầm. Nền kinh tế Trung Quốc ít bị tổn thương từ cuộc chiến thuế quan hơn dự kiến, và trụ vững hơn nữa trong suốt đại dịch covid 19; quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng trong năm 2020 của Trung Quốc sẽ là 1%, so sánh với tăng trưởng âm 8% của Mỹ. Shenzhen là thị trường chứng khoán nhộn nhịp nhất thế giới trong năm nay, không phải New York.

Và, như tiêu đề đã cho thấy, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc là Tập Cận Bình đang tái định nghĩa chủ nghĩa tư bản nhà nước cho thập kỳ mới. Hãy quên đi những nhà máy thép và chỉ tiêu. Định hướng kinh tế mới của ông Tập là khiến cho thị trường và sự sáng tạo hiệu quả hơn trong phạm vi giới hạn chặt chẽ và sự giám sát toàn diện của Đảng Cộng Sản. Đây không phải là chủ nghĩa tư bản kiểu Milton Friedman, nhưng sự kết hợp thô bạo của chủ nghĩa chuyên chế, công nghệ và sự cơ động có thể thúc đẩy phát triển trong nhiều năm nữa. Đánh giá thấp nền kinh tế Trung Quốc không phải là hiện tượng gì mới mẻ. Từ năm 1995, ảnh hưởng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu đã tăng từ 2% lên 16%, bất chấp làn sóng hoài nghi từ phương Tây. Những giám đốc tập đoàn công nghệ ở thung lũng Silicon dè bỉu các tập đoàn công nghệ Trung Quốc là bọn nhái theo; những tay buôn ngắn hạn của Wall Street bảo rằng những thành phố ma với những căn hộ trống không sẽ dẫn đến sụp đổ hệ thống ngân hàng; những nhà phân tích số liệu lo lắng số liệu GDP đã bị chỉnh sửa; và các nhà đầu tư cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiền tệ khi dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng họ đã đánh tan mọi sự hoài nghi bằng cách thay hình đổi dạng nền kinh tế tư bản nhà nước của họ và thích ứng với thời cuộc. Ví dụ, 20 năm về trước kinh tế Trung Quốc đặt trọng tâm vào thương mại, nhưng bây giờ tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 17% GDP. Trong thập niên 2010s, các quan chức nhà nước đã tạo vừa đủ không gian để những công ty công nghệ như Alibaba và Tencent phát triển thành những kẻ khổng lồ, và trong trường hợp của Tencent, cho phép họ tạo ra WeChat, một ứng dụng nhắn tin đồng thời là công cụ bảo đảm sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản. Giờ thì giai đoạn tiếp theo của chủ nghĩa tư bản nhà nước tại Trung Quốc đang được xúc tiến – có thể gọi nó là “Kinh tế học kiểu Tập”. Từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, mục tiêu của ông Tập là siết chặt hơn nữa sự thống trị của Đảng Cộng Sản, cũng như đàn áp mọi sự bất đồng chính kiến cả trong và ngoài nước.

Chiến lược kinh tế của Xi được thiết kế để tăng cường trật tự và sức chịu đựng trước mọi mối đe doạ, và điều đó không phải vô cớ. Nợ công và tư đã tăng vọt trong năm 2008 lên tới gần 300% GDP. Môi trường kinh doanh bị chia ra làm hai phe: một bên là các tập đoàn quốc doanh cồng kềnh, và bên còn lại là một khối tư nhân còn hoang dã, có sức sáng tạo nhưng phải đối mặt với nạn tham nhũng và luật lệ mập mờ. Khi chủ nghĩa bảo hộ trở nên phổ biến, các tập đoàn Trung Quốc có nguy cơ bị cho ra rìa khỏi thị trường và bị từ chối tiếp cận công nghệ Tây phương.

“Kinh tế học kiểu Tập” có 3 yếu tố. Đầu tiên là kiểm soát chặt chẽ chu kỳ kinh tế và bộ máy nợ. Những ngày của ngân sách phình to và cho vay liên tục đã qua. Các ngân hàng buộc phải ghi chép các hoạt động ngoài báo cáo tài chính và xây dựng các bước đệm. Việc cho vay diễn ra nhiều hơn thông qua thị trường trái phiếu đã được làm trong sạch. Không như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-09, phản ứng của chính phủ với dịch bệnh Covid-19 đã bị hạn chế, với viện trợ kích thích kinh tế chỉ chiếm khoảng 5% GDP, ít hơn một nửa quy mô viện trợ của Mỹ.

Thứ hai là xây dựng một nhà nước hành chính hiệu quả hơn, với các luật lệ áp dụng nhất quán trên toàn bộ nền kinh tế. Thậm chí cả khi ông Tập đã áp đặt luật của Đảng Cộng Sản để gieo rắc nỗi sợ hãi ở Hồng Kông, ông đã xây dựng một hệ thống pháp luật thương mại phản ứng nhanh chóng hơn cho các doanh nghiệp ở đại lục. Các vụ phá sản và các vụ kiện đăng ký bản quyền, từng rất hiếm, hiện đã tăng gấp 5 lần kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2012. Khai trương công ty không còn tốn thời gian như trước; bây giờ chỉ mất có 9 ngày để thành lập một công ty. Các quy tắc dễ đoán hơn trước sẽ cho phép thị trường hoạt động trơn tru hơn, gia tăng năng suất của nền kinh tế. Yếu tố cuối cùng là xoá bỏ ranh giới giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Các công ty quốc doanh đang bị buộc phải tăng lợi nhuận và thu hút các nhà đầu tư tự do.

Trong khi đó, nhà nước đang gia tăng sự kiểm soát mang tính chiến lược đối với các công ty tư nhân, thông qua các chi bộ đảng. Một hệ thống tín nhiệm đen sẽ trừng phạt các hãng cư xử không đúng mực. Thay vì chính sách công nghiệp bừa bãi, như là chiến dịch “Made in China 2025” được đề xuất vào năm 2015, ông Tập đang chuyển sang tập trung cao độ vào các nút thắt trong chuỗi cung ứng, nơi mà Trung Quốc dễ bị đối tác nước ngoài chèn ép, hoặc có thể gây ảnh hưởng ở ngoại quốc. Điều đó có nghĩa xây dựng khả năng tự cung cấp cho các công nghệ chủ chốt, bao gồm chip bán dẫn và pin.Trong ngắn hạn thì “kinh tế học kiểu Tập” đang cho thấy hiệu quả tốt. Việc tích tụ nợ đã chậm lại từ trước khi Covid-19 xảy ra, và cú sốc kép từ chiến tranh thương mại và đại dịch đã không dẫn đến khủng hoảng tài chính. Năng suất của các tập đoàn quốc doanh đang tăng dần, và các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào một thế hệ doanh nghiệp công nghệ mới của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thử thách thực sự sẽ đến theo thời gian. Trung Quốc hy vọng rằng việc kế hoạch hoá tập trung xoay quanh công nghệ cao có thể duy trì sự đột phá sáng tạo, nhưng lịch sử cho thấy rằng trao quyền quyết định cho thị trường, biên giới mở và tự do ngôn luận mới là những yếu tố then chốt.Một điều rõ ràng là: hy vọng đối mặt với Trung Quốc để bắt họ phải đầu hàng là một điều sai lầm. Mỹ và các đồng minh phải chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh lâu dài hơn giữa các xã hội tự do và chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc. Bao vây sẽ không hiệu quả: không như Liên Xô, nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc rất tinh vi và liên kết với phần còn lại của thế giới. Thay vào đó, phương Tây cần xây dựng năng lực ngoại giao (xem bài viết ở đây) và tạo ra các quy tắc mới và ổn định cho phép sự hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, như chống lại biến đổi khí hậu và đại dịch, và tiếp tục giao thương cùng lúc với đòi hỏi các biện pháp bảo vệ nhân quyền và an ninh quốc phòng mạnh mẽ hơn.

Đừng mơ mộng rằng sức mạnh của nền kinh tế tư bản nhà nước trị giá 14 ngàn tỷ đô la của Trung Quốc sẽ tự nhiên mà tan biến đi. Đã đến lúc dẹp bỏ ảo tưởng đó rồi.

Người dịch: Nhân và Tegan Trần

Biên tập: Khoa Lê

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/tap-can-binh-dang-tai-dinh-nghia-chu-nghia-tu-ban-nha-nuoc-dung-xem-thuong

561900cookie-checkTập Cận Bình đang tái định nghĩa chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đừng xem thường.