Đánh vợ cũng là một “đặc sản” VN, rất “đậm đà bản sắc dân tộc”. Đánh, vì người ta nghĩ rằng vợ là “của mình”, mình có quyền đánh, cũng như đánh con vậy, họ coi đó là “lẽ thường”. Một phụ nữ đánh chồng thì tày trời, chứ chồng đánh vợ thì chẳng có gì đáng bàn. Đánh, còn bởi vì đó là bản tính bạo lực đã nằm sẵn trong “di truyền văn hóa”. Sự hoang dã về nhận thức và sự xơ cứng về cảm xúc khiến họ có thể đánh đập chởi bới người mà mới đêm qua vừa chăn gối với mình, như đánh kẻ thù. Và có thể ngay sau trận đòn ấy, tối đến họ lại đè vợ ra như chưa từng có chuyện gì.
Không biết “nói chuyện” với nhau. Người Việt không có văn hóa nói chuyện, vì thế, mâu thuẫn thường được giải quyết bằng bạo lực ngôn từ, và giải pháp cuối là “cho một trận”.
Đánh vợ, nông thôn phổ biến hơn thành phố, nông dân phổ biến hơn trí thức. Thế hệ từ 8x về sau thì đã tiến bộ hơn, ít người đánh vợ hơn, nhưng tính tôn ti còn ngự trị, đặc biệt là trong quan niệm và ứng xử.
Cậy quyền, “quyền làm chồng”, để đánh là một nhẽ; nhưng khổ quá người ta cũng đâm ra bạo lực. Trong một xã hội mà sự đói khổ, bất công ngự trị triền miên suốt dằng dặc chiều dài lịch sử, người ta phải “điên lên vì xoay tiền” và đi ra xã hội thường bị khinh khi, chà đạp, ấm ức, thì việc trút giận lên đầu kẻ yếu hơn mình dường như sẽ trở thành quy luật tâm lý. Đây cũng là lý do tại sao những cộng đồng vốn luôn được cho là “chịu thương chịu khó, hiền lành tốt bụng”…, lại thường hay bỗng chốc trở nên hung bạo và tàn ác. Tìm hiểu về cải cách ruộng đất chẳng hạn, sẽ thấy thêm một khuôn mặt khác của nông dân: đấu tố cha, đấu tố anh em, đấu tố xóm giềng, đấu tố người cưu mang mình, và sẵn sàng bức hại không chớp mắt.
Nay, thế hệ trẻ ít đánh vợ hơn cha ông họ, một phần là bởi nhận thức tốt hơn, điều kiện sống cũng đỡ hơn chút ít; nhưng quan trọng là “cứ thử đụng đến bà xem!”. Phụ nữ ngày nay không còn phụ thuộc kinh tế hoàn toàn vào chồng và nhà chồng như xưa nữa. Họ có công ăn việc làm, không bao giờ còn sợ không chồng thì chết đói như xưa. Nên, bọn 9x cứ thử tát vợ một cái xem, ở một mình ngay.
Nay nữ càng ngày càng “có giá”, một phần vì chênh lệch tỉ lệ sinh, phần nữa là nữ cũng rời quê đi học hay đi làm ăn xa, thậm chí đi lấy chồng nước ngoài, (VN đang là một cường quốc về “xuất khẩu cô dâu”). Vì thế, những phụ nữ đã có một hai đời chồng và vài đứa con vẫn sẽ lấy được trai tơ như thường, thậm chí điều này gần như đang trở thành một “trào lưu”. Một xã hội cứ đẩy từ cực này sang cực kia và khó tìm được điểm cân bằng.
Đánh vợ là một sản phẩm văn hóa đáng ghê tởm chỉ tồn tại tromg các xã hội dã man (dã man về kinh tế, về văn hóa, về tri thức…). Nó để lại những di chứng nặng nề trong cá nhân, không chỉ ở người vợ mà còn ở con cái. Nó nuôi dưỡng tính bạo lực để sẵn sàng bùng nổ trên phạm vi xã hội. Ở lớp trẻ, việc đánh vợ đã ít đi, nhưng tình trạng bạo lực ngôn từ, bạo lực tâm lý còn rất nặng nề. Chỉ đến khi nào sự tôn trọng giữa người với người (vợ – chồng, cha – con, anh – em, sếp – nhân viên, công chức – người dân…) trở thành văn hóa, khi ấy xã hội mới bước ra khỏi tình trạng hoang dã.
Điều đáng nói là trong lớp trẻ vẫn còn có không ít người đánh vợ, nhất là ở những nơi lạc hậu, và đáng nói hơn là lớp già (từ 7x về trước) đa số vẫn còn sống! Nạn bạo lực kinh tởm kia vẫn nhan nhản trong xã hội. Tôi ủng hộ những người vợ khi bị chồng đánh thì lập tức báo chính quyền; và tôi coi thường những người hàng xóm nghe tiếng người phụ nữ nhà bên la hét kêu khóc vì những trận đòn của chồng họ mà bình chân như vại, đó là “việc nhà người ta”. Hãy lên án và “báo công an”, đó không phải chỉ là lòng tốt mà còn là trách nhiệm công dân của mỗi người.
Xã hội này cần gột rửa tính bạo lực, bắt đầu từ mỗi cá nhân.
TB: đối với trẻ em thì lại càng không thể chấp nhận được việc đánh đập và các hình thức bạo lực khác. Trẻ em cần được bảo vệ khỏi những cha mẹ độc hại như bảo vệ các em trước ác quỷ.
Thái Hạo
Your writing has a way of making even the most complex topics accessible and engaging. I’m constantly impressed by your ability to distill complicated concepts into easy-to-understand language.