Tuesday, December 3, 2024
HomeGiáo DụcSách mới:

Sách mới:

LUẬT KHOA

“Nhân từ với quỷ dữ”, nằm trong top 10 cuốn sách bìa cứng phi hư cấu bán chạy nhất năm 2014 của The New York Times, vừa được Domino Books và Nhà xuất bản Đà Nẵng ra mắt bạn đọc Việt ngữ trong những ngày cuối năm 2017.

Luật Khoa tạp chí trân trọng giới thiệu bài giới thiệu sách của Ted Conover, hiện đang là giảng viên của Học viện Báo chí Arthur L. Carter thuộc Đại học New York.

“Nhân từ với quỹ dữ” được dịch từ hồi ký “Just Mercy” của luật sư Bryan Stevenson. Ảnh: Domini Books.

***

Vi Yên, phỏng dịch và bổ sung từ Ted Conover, ‘Just Mercy’ by Bryan Steveson, The New York Times, 17/10/2014.

Chuyện về hệ thống tư pháp bất công đang là vấn đề nhức nhối của thời đại ngày nay. Phân tích DNA cho thấy dường như cứ mỗi tuần lại có những vụ án oan. Trong nhà tù và trại giam, nhóm sắc tộc thiểu số luôn chiếm phần đông hơn các nhóm dân khác, như thể cả hệ thống đang mang nặng định kiến. Các cuộc chiến chống ma túy dùng tới những án phạt ngày càng khắc nghiệt. Các nghiên cứu nghi ngờ độ chính xác trong lời khai của nhân chứng. Thậm chí những quốc gia vẫn tiếp tục tử hình tội phạm cũng như thể quên mất rằng gần đây các vụ hành quyết đã gây ra tác động khủng khiếp tới mức nào.

Người dân trước nay tiếp cận những tin tức kiểu này thông qua báo chí rồi thì các kênh ti-vi về những vụ ngược đãi. Song giờ đây, bạn đọc có thể tiếp cận chúng qua cuốn hồi ký “Nhân từ với quỷ dữ” (tên tiếng Anh: Just Mercy) của Bryan Stevenson, kể về câu chuyện của chính ông, một luật sư – một nhà hoạt động, trên hành trình đấu tranh chống lại sự bất công.

Bryan Stevenson sinh trưởng ở Delaware, một tiểu bang miền trung duyên hải Mỹ. Ông bà của ông vốn là nô lệ ở Virginia. Trong thời gian sống ở căn hộ công cộng ở Philadelphia, ông của Stevenson đã bị giết chết khi cậu còn đang là một chàng thiếu niên.

Stevenson theo học trường Đại học Eastern, một trường Cơ Đốc giáo nằm ngoài Philadelphia, và rồi về sau ông theo học Đại học Luật Harvard.

Tốt nghiệp ra trường, Steveson bắt đầu làm luật sư đại diện cho những thân chủ nghèo khó ở miền Nam, đầu tiên ở là Georgia và rồi ở Alabama, nơi ông đồng sáng lập nên tổ chức Sáng kiến Công lý Bình đẳng (Equal Justice Initiative).

“Nhân từ với quỷ dữ” tập trung chủ yếu vào công việc luật sư của Stevenson cùng với những khách hàng của ông.

Mạch văn xoay quanh câu chuyện về một người đàn ông da đen tên là Walter McMillan. Stevenson bắt đầu làm luật sư đại diện cho ông này từ cuối những năm 1980 khi ông bị kết án tử hình với cáo buộc đã giết chết một người phụ nữ trẻ ở Monroeville, bang Alabama – đây cũng chính là quê hương của nữ nhà văn nổi tiếng Harper Lee.

Từ lâu, thị trấn Monroeville đã gắn liền với cuốn tiểu thuyết trứ danh “Giết con chim nhại”, kể về một người đàn ông da đen bị buộc tội oan rằng ông đã hãm hiếp một người phụ nữ da trắng. Nhắc tới chuyện này, Stevenson viết rằng, “tình cảm về câu chuyện của Lee vẫn nảy nở bất chấp những sự thật hà khắc trong cuốn tiểu thuyết này chẳng hề có căn nguyên”.

Walter McMillian chưa bao giờ nghe tới cuốn sách ấy, và anh ta lại vừa gặp phải rắc rối với luật pháp. Tuy nhiên, anh ta có dính líu tới một người phụ nữ da trắng, và Stevenson đưa ra một giả thuyết khá thuyết phục rằng chính điều này khiến cho anh chàng thợ gỗ McMillian dễ dàng bị truy tố.

Đối với Stevenson, án của McMillian là một vụ cam go, trước hết là vì nó quá ư kỳ quặc. Độc giả nhanh chóng nhận ra căn nguyên trong câu chuyện này khi thấy giới chức trách luôn tìm cách chống lại anh ta, phớt lờ rất nhiều nhân chứng đã ở cùng anh trong buổi quyên góp cho nhà thờ tại chính nhà của anh khi xảy ra vụ giết người, và bắt anh vào nhà lao cho tử tù trước khi xét xử, trong khi đáng lẽ chỉ bị giam ở trại tạm giam.

Khi hầu hết các vị bồi thẩm đoàn đồng ý với hình phạt tù chung thân, thì vị thẩm phán tên là Robert E. Lee Key lại tự ý quyết định chuyển sang án tử hình.

Luật sư Steven Bryanson và cuốn hồi ký “Just Mercy” của ông. Ảnh: Rider.edu.

Stevenson không phải là người đầu tiên kể về vụ án oan này: nó từng xuất hiện trong chương trình truyền hình “60 phút”, và nhà báo Pete Earley cũng đã kể lại chuyện này trong cuốn “Circumstantial Evidence” xuất bản năm 1995. Khi McMillian được phóng thích vào năm 1993, anh đã được lên trang bìa của tờ The New York Times.

Song, cuốn sách của Stevenson làm sống lại câu chuyện bằng cách đặt nó giữa hai bối cảnh: công việc của Stevenson, và tình trạng bất công chủng tộc diễn ra căng thẳng trong đời sống ở Mỹ. Vụ án McMillian đã giúp nâng tầm chuyên môn của của Stevenson, đồng thời cũng đưa tên tuổi của ông bay xa.

Một điểm đáng chú ý ở đây là, thay vì tung hô và xưng tụng khi cuối cùng tòa cũng trao trả tự do cho McMillian, thì Stevenson lại thừa nhận rằng ông “bối rối trước nỗi tức giận sục sôi bột phát của mình”. Ông nghĩ tới nỗi đau đã giáng xuống McMillian và gia đình anh và cả cộng đồng, và biết bao nhiêu người khác cũng đang bị kết án oan bởi họ không chịu án tử hình và do đó họ ít thu hút được sự chú ý của các luật sư nhân quyền.

Stevenson giữ liên lạc chặt chẽ với McMillian mãi cho tới khi người này qua đời vào năm 2013. Ông cũng hết lòng quan tâm tới cả những vấn đề nghiêm trọng thường thấy trong hệ thống pháp luật của Mỹ.

Đấu tranh trước những vụ án tưởng chừng như vô vọng, Stevenson càng giành được thành công thì ông lại càng được ủng hộ nồng nhiệt. Không lâu sau đó, ông đã được trao cho một khoản tài trợ “kỳ tài” MacArthur, giải thưởng Olof Palme của Thụy Điển và nhiều giải thưởng khác.

Trong nửa sau của cuốn sách, Stevenson dành để nói về các bản án chung thân đối với trẻ em (giờ đây đã bãi bỏ) và khuyến khích người Mỹ nhận ra cái di sản lỗi thời của chế độ nô lệ trong hệ thống tư pháp hình sự ngày nay.

Luật sư Stevenson tự tay viết ra cuốn sách về chính mình, đối mặt với tình huống khá phức tạp khi muốn chỉ ra rằng điều tốt có thể giành chiến thắng như thế nào, mà không tự phô trương mình như người duy nhất lãnh công.

May thay, bạn không cần phải đọc quá lâu để bắt đầu tán dương người đàn ông này. Vượt qua những trở ngại ghê gớm, Stevenson đã cứu được nhiều người khỏi những án phạt quá nặng hoặc sai trái, và từng tranh luận năm lần trước Tối cao Pháp viện. Và, như bạn đọc sẽ thấy, cuốn sách không hề tán dương sự thanh cao của tác giả mà nó tập trung vào vụ án, và nó được viết ra như một lời kêu gọi hành động cho tất cả những thiếu sót còn chưa được bổ khuyết.

Cuốn sách cũng phản ánh góc nhìn của một luật sư bào chữa, khi từ chối thừa nhận động cơ đen tối của các thân chủ của mình. Một cậu chàng bị kết án vì một vụ giết người do cố ý gây hỏa hoạn rồi cũng được trả tự do; một người đàn ông đặt bom trên hành lang nhà bạn gái cũ, vô ý làm chết đứa cháu của cô ấy, lại là kẻ “có một trái tim nhân hậu”.

Như chính ông từng nói trong một cuộc trò chuyện trên TED, “rốt cuộc thì chúng ta sẽ không bị đánh giá bởi công nghệ, bởi trí tuệ, hay là bởi lý tính. Rốt cuộc thì, bạn sẽ đánh giá bản chất của một xã hội … bằng cái cách mà xã hội ấy ứng xử với người nghèo, với người bị kết án, và những ai đang bị tống giam”.

Cách nghĩ này phù hợp với nhiều tuyên bố khác của Stevenson trước nay: “Thứ đi ngược lại với nghèo đói không phải là thịnh vượng; mà chính là công lý.” Những ngôn từ này giống như rút ra từ những bài thuyết pháp cổ vũ cho hành động hướng tới công bình. “Câu hỏi đích đáng về hình phạt tử hình ở đất nước này là, liệu chúng ta có xứng đáng có được quyền xử tử hay không?”

Thông điệp của cuốn sách này, được nhấn mạnh bằng những ví dụ đầy kịch tính về một người khước từ việc ngồi yên và đồng loã với cái ác, ấy là chúng ta có thể chiến thắng cái ác, và tạo nên sự khác biệt.

Bình luận

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular