QUỐC KHÁNH…

0
323

Lưu Trọng Văn

Ông cả Ngọt sửa xe đạp đầu đường Cao Bá Quát cắt Nguyễn Thái Học tối 1.9 vác cái loa sắt chĩa vào các nhà: Loa! Loa! Ngày mai Quốc khánh 2 tháng chín các nhà phải treo cờ. Xin nhắc hộ nhà ông Phước, nhà ông Lư hay quên treo cờ lắm. Hì ông Phước đây là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn ông Lư là cha gã.

Loa! Loa! Nhiệt liệt chào mừng Quốc khánh các hộ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, không phơi áo quần trên ban công, không vứt rác ra đường. Loa! Loa!

Nhà gã sớm 2.9 cảm thấy không khí mừng Quốc khánh nhất khi mạ gã dựng gã dậy đi xếp hàng đổi bún.

Mạ gã đong mấy lon gạo mậu dịch cho vào cái túi. Gã ton ton lên đường. Các con đường Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát, Thanh Miến, Sinh Từ vỉa hè và các gốc cây được quét vôi trắng xoá từ đêm 1.9. Cái mùi vôi xông nồng nặc nghẹt mũi gã. Có hai nơi đổi bún gần nhà gã. Một là chợ Hàng Da. Một là lò làm bún ở phố Quốc Tử Giám gần phố Sinh Từ. Gã đứng ở trước toà nhà sau này là Bảo tàng Mỹ thuật. Cua trái ra Cao Bá Quát tới chợ Hàng Da, cua phải đi Thanh Miến, Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Đổi bún ở chợ Hàng Da thì nhanh hơn nhưng hết bún thì vác gạo về. Đổi bún ở lò bún Quốc Tử Giám lâu hơn, nhưng bún không bao giờ hết. Gã cua phải. Qua cây phượng trước cổng hông Văn Miếu ông Lục đã từ lúc nào đứng cắt tóc rồi. Ngồi xổm vỉa hè có mấy khách chờ tới lượt. Ông Lục đầu hớt cua, chuyên cắt tóc cho anh em gã, khua cái tông đơ lên hỏi gã: Mày đi đâu sớm thế? Cháu đi đổi bún ăn Quốc khánh ạ. Gã thấy trong đám khách chờ cắt tóc có thằng Ngân con bà bán nước mía. Đầu thằng Ngân bị bẹt nên gọi là Ngân bẹt. Nó học lớp 6 khi gã học lớp 2. Thế nào khi gã vào lớp 6 trường Lý Thường Kiết, nó lại ngồi cùng bàn với gã. Thằng Thông con ông Ngọt bảo thằng Ngân học đại học lớp 6. Thấy gã, Ngân bẹt bảo, tóc mày dài thế sao đéo cắt. Mày đéo có tinh thần yêu nước chào mừng Quốc khánh gì cả. Gã gân cổ cãi, tao đổi bún ăn mừng Quốc khánh đây này. Nhà mày có đổi bún ăn mừng không? Ngân ta cười toét:Nhà tao thích ăn bánh cuốn. 

Tại lò bún người xếp hàng đông nghịt. Gã không rời mắt xem các bà giã gạo, xay gạo thành bột rồi đổ bột vào tấm vải lớn nhúng vào nồi nước sôi, khi kéo tấm vải lên vắt sợi bún tuồn ra.

Một ông của lò bún không chịu nhận gạo của cụ già bán nước mắm ở ngõ Hàng Cháo gần phố Hàng Bột vì gạo có mùi mốc. Cụ kia cãi, gạo này nhà tôi vẫn thổi cơm ăn có sao đâu. Nhưng gạo mốc thì làm bún không ngon được. Tôi nói vậy có phải không bà con? Ông kia réo rõ to. Mọi người cùng nhao nhao ủng hộ ông đại diện lò bún.

Đến gần trưa gã mới đổi được bún về nhà. Khi gã vừa xuất hiện thì trên ban công nhà gã thằng Nông, thằng Ninh với con Nhi em của gã reo lên: Mạ ơi! Anh Nê về rồi!

Thế là bún đã về. Gã thấy mặt mạ gã khi bê nồi canh măng sườn hôi hổi khói, tươi hẳn lên, gã hãnh diện lắm.

Nào! Mừng Quốc khánh nào! Anh Nu, anh Na của gã vừa vung đũa gắp bún rưới canh măng sườn, vừa đồng thanh.

639900cookie-checkQUỐC KHÁNH…