Manh Dang cùng với Nguyễn Đình Thảo
Tôi tin rằng, người từ trên 60 tuổi có thể đã từng nghe về Mãi Lai Thục (bán có thể chuộc lại), một từ Hán Việt. Nhưng người dưới tuổi ấy, có lẽ chưa từng nghe về Mãi Lai Thục trong đời để biết nó là gì. Tôi may mắn, tuy chưa đầy 60 tuổi, nhưng cùng với nhiều bạn đồng môn đã từng được học về Mãi Lai Thục trong những ngày theo học chương trình cử nhân luật dưới những giờ giảng quý báu của cố TS Đào Quang Huy, người thầy của nhiều thế hệ, kể cả những người từng theo học tại Trường Quốc Gia Hành Chánh từ trước những năm 1975.
Mãi Lai Thục là một định chế về loại khế ước rất đặc sắc của luật lệ điền sản Việt Nam từ trước năm 1945. Nguyên thủy, từ loại khế ước mua đứt, bán đoạn về ruộng đất, thì Mãi Lai Thục là thỏa thuận cho phép người bán ruộng đất có quyền chuộc lại trong một thời gian giao kết. Nếu khế ước không dự liệu thời gian, thì hạn định cuối cùng là 30 năm. Quá hạn, nếu người bán không chuộc, việc mua bán ruộng đất mới thành tựu. Trong thời gian chưa chuộc, hoa lợi phát sinh từ ruộng đất thuộc về người mua thụ hưởng.
Đến năm 1972, khi chính quyền Sài Gòn cũ ban hành Bộ luật Dân sự cũng đã tiếp tục chế định về khế ước Mãi Lai Thục cùng với tên gọi khác đồng nghĩa là Điển Mại. Trong đó, đã quy định giới hạn thời hạn chuộc lại bất động sản là từ 2 năm đến tối đa là 10 năm.
Biến tướng của loại khế ước này đã từng phổ biến từ xưa và kéo dài cho đến tận ngày nay, nhất là trong các giao dịch về vay mượn tiền có thế chấp tài sản để bảo đảm trái khoản (tức món nợ). Theo đó, chủ nợ có thể sử dụng loại khế ước này, ép con nợ làm khế ước Mãi Lai Thục, để khi con nợ không trả được nợ, thì chủ nợ dễ dàng chiếm lấy tài sản con nợ để cấn trừ món nợ, mà đỡ phải kiện thưa rườm rà, mất nhiều thời gian, công sức.
Bộ luật Dân sự hiện thời không hề biết đến hoặc dự liệu gì về Mãi Lai Thục cho đến tận năm 2017. Thật vậy, sau khi tu chính năm 2017, thì Bộ luật Dân sự mới chế định Mãi Lai Thục tại điều 454 với tên gọi “Chuộc lại tài sản đã bán”, trong đó, đã mở rộng sự áp dụng cho cả động sản. Đồng thời, quy định thời hạn chuộc lại đối với động sản là 1 năm và bất động sản là 5 năm.
Vào thời gian Bộ luật Dân sự chưa tu chính, thì sự thiếu sót của luật pháp không hề ngăn trở công chúng thực hiện về khế ước Mãi Lai Thục trong cuộc sống hàng ngày, nhất là khi chúng vẫn còn là nhu cầu. Thường thấy nhất là trong các giao dịch vay tiền, chủ nợ thường ép con nợ ký kết hợp đồng mua bán tài sản (thường là bất động sản). Nếu con nợ hoàn trả nợ, thì hai bên sẽ ký kết văn bản hủy hợp đồng mua bán tài sản. Trong trường hợp con nợ không trả được nợ, thì người chủ nợ mang hợp đồng mua bán tài sản ấy đi đăng ký sở hữu chủ để hoàn tất thủ tục mua bán tài sản. Như thế, về phương diện pháp lý, cho dù con nợ có trả được nợ hay không, nhưng với thỏa thuận có thể chuộc lại tài sản, thì mặc nhiên, về bản chất, đã có một khế ước Mãi Lai Thục tồn tại giữa hai bên giao dịch.
Chưa kể, nhiều chủ nợ gian ý, ngay sau khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản như là một hợp đồng giả cách (hợp đồng được lập để che đậy giao kết thật là vay tiền), thì họ đã tiến hành thủ tục thuế và đăng ký ngay để chiếm đoạt tài sản của con nợ. Bất chấp sau đó con nợ có hoàn trả nợ hay không. Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi và các đồng nghiệp đã tiếp xúc với khá nhiều với loại tranh chấp này, mà phần thiệt thường nghiêng về phía con nợ. Vì lẽ, các chủ nợ thường là người cho vay chuyên nghiệp, họ thừa kinh nghiệm đối phó bằng cách che dấu đi các chứng cứ thể hiện mối giao dịch giữa hai bên chỉ là cho vay mượn nợ.
Trong vụ án Tân Hiệp Phát cũng vậy. Bốn người bị hại cho rằng họ chỉ vay tiền của ông Trần Quí Thanh mà thôi, các khế ước chuyển nhượng cổ phần, dự án hoặc mua bán bất động sản chỉ là hợp đồng giả cách. Sau khi họ đề nghị hoàn trả nợ vay để nhận lại tài sản thì bị từ chối. Trái lại, phía ông Trần Quí Thanh và hai con gái lại cho rằng giao dịch giữa hai bên đúng như các khế ước đã ký kết, không có vay mượn tiền gì cả…
Tất nhiên, sự thật của vụ án sẽ phải xác định bằng những chứng cứ xác đáng có liên quan. Nhưng nhân vụ án này, chợt giúp tôi nhớ về người thầy tài hoa đáng kính đã dạy cho chúng tôi về một loại khế ước có cái tên Hán Việt rất cổ xưa: Mãi Lai Thục.
Mãi Lai Thục là một định chế thú vị, giá như sinh viên nào có thể nghiên cứu dùng làm đề tài tốt nghiệp chương trình cử nhân luật, hoặc thậm chí, đề tài cho học vị cao hơn. Vì nó xưa, lạ, cho dù luật pháp đã có lúc quên bẵng về nó, nhưng nó vẫn hiện diện trong khá nhiều giao dịch của người dân trong đời sống hiện nay.
Tặng chị Thi Viet Thu Phan và LS Định Công Lê, để nhớ những năm ’90 – ’95
DC, ngày 24/02/2024
Manh Dang
——-//——-
* Xin phép tag tên một số bạn đồng môn
* Bài viết có chỉnh sửa theo Bộ luật Dân sự