Phát hành trái phiếu doanh nghiệp gấp 47 lần vốn chủ sở hữu

0
266
DN với khả năng quản lý có giới hạn nhưng huy động lượng vốn quá lớn thì khó lòng quản lý. Ảnh: Hải Nguyễn

LAO ĐỘNG

CAO NGUYÊN  –  Thứ ba, 07/06/2022 08:48

Bộ Tài chính có báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp(TPDN) năm 2021 và quý I/2022, chỉ ra nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành TPDN nhiều nhất. Theo đó riêng trong năm 2021, nhóm 20 DN BĐS này đã vay nợ qua phát hành TPDN lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, lãi vay từ 8-12,9%/năm. Có công ty phát hành trái phiếu DN gấp 47 lần vốn chủ sở hữu.

20 Cty bất động sản vay nợ qua trái phiếu DN hơn 100.000 tỉ đồng 

Theo Bộ Tài chính, hàng loạt DN BĐS có tỉ lệ và khối lượng phát hành lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu – là đáng báo động. Điều này gây nên tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ.

Những DN lớn trong danh sách này như Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát 8.000 tỉ đồng, Công ty cổ Tập đoàn Địa ốc No va (Novaland) phát hành 6.938 tỉ đồng, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phát hành 6.000 tỉ đồng.

Nhiều DN địa ốc phát hành trái phiếu với tỉ lệ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Điển hình như Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỉ đồng nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỉ đồng trái phiếu DN, tương đương tỉ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu hơn 47 lần.

Hay Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỉ đồng TPDN nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có một số tên tuổi được kể đến như Công ty CP đầu tư Golden Hill; Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An; Công ty CP vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang; Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence…

Bước sang quý I/2022, khối lượng phát hành TPDN của nhóm công ty BĐS đạt hơn 47.000 tỉ đồng. Vào tháng 4.2022, sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh thì tổng khối lượng phát hành trái phiếu của nhóm BĐS giảm sâu, chỉ còn chiếm tỉ trọng 11,6%.

Chia sẻ về vấn đề này với Lao Động, chuyên gia kinh tế – PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, nhiều quốc gia trên thế giới quy định rất rõ ràng về tỉ lệ cụ thể vốn vay (trong đó có TPDN) trên vốn tự có, như tại Canada tỉ lệ này 2:1, Trung Quốc 2:1 với DN thông thường. Bởi DN với khả năng quản lý có giới hạn nhưng huy động lượng vốn quá lớn thì khó lòng quản lý, sử dụng hiệu quả và khả năng trả nợ cũng kém.

Giải pháp uốn nắn thị trường

Cổ phiếu và trái phiếu là hai trong số các nguồn vốn quan trọng mà thị trường BĐS cần hướng đến, nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay, đó là phải minh bạch thị trường. Bộ Tài chính khẳng định, năm 2022, khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau COVID-19, nhu cầu huy động vốn của các DN dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, việc thị trường TPDN tăng trưởng nóng, không bền vững sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các DN để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong năm 2022, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi khung khổ pháp lý để khắc phục các tồn tại trong thời gian qua, tăng cường quản lý, giám sát để thị trường TPDN phát triển theo hướng minh bạch, an toàn và bền vững.

Đề cập đến kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu DN trong năm 2022, Bộ Tài chính chỉ rõ, đầu tiên là rà soát, hoàn thiện khung pháp lý. Theo đó, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và thành viên thị trường, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 về hoạt động chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm hạn chế những rủi ro trên thị trường.

Song song với việc ban hành Thông tư, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ… Bộ Tài chính sẽ giám sát việc phát hành và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, một số DN phát hành có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao…

PGS-TS Trần Kim Chung – nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng, trước hết cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát những văn bản liên quan đến việc phát hành trái phiếu; tổ chức thực hiện nghiêm túc văn bản quy phạm pháp luật, rà soát là cần thiết, nhưng vẫn phải định hướng thúc đẩy việc phát triển trái phiếu, cổ phiếu BĐS.

Ngoài ra, phải thực thi nghiêm minh chế tài xử lý sai phạm của DN, đảm bảo cho thị trường trái phiếu hoạt động lành mạnh nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ vốn để nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng phát triển.

620340cookie-checkPhát hành trái phiếu doanh nghiệp gấp 47 lần vốn chủ sở hữu