PHÁC HỌA TRỊNH CÔNG SƠN

0
580
Nhạc sĩ TRịnh Công Sơn
THẢO DÂN

Thời chiến, dù muốn dù không, những người thanh niên đều buộc phải chọn lựa, buộc phải đứng về một phe nào đó. Nếu không đăng lính VNCH để đi theo sự nghiệp Bảo Quốc An Dân thì cũng nhảy núi lên xanh, mưu cầu một con đường, cho dù ban đầu còn nhuốm màu mơ mộng. Họ được gọi bằng cái tên đầy bi tráng: Trai thời loạn. Còn một cách khác để không phải cầm vũ khí: theo nghiệp công chức. Trịnh Công Sơn lựa chọn cách thứ 3.

Sau khi học một niên khóa ở trường Thiên Hựu (1957-1958), vào Đà Nẵng thi và đỗ tú tài, cũng vừa khi Bộ Quốc gia giáo dục Sài Gòn chiêu sinh để mở trường Sư phạm Qui Nhơn. Vì sợ bị bắt đi lính nên cậu học sinh Trịnh Công Sơn đã lập tức đăng ký học trường này, cho dù gõ đầu trẻ chưa chắc là con đường mà nhạc sĩ tương lai hứng thú, môi trường sư phạm gò bó không hẳn đã phù hợp với tâm hồn nghệ sĩ luôn lãng đãng, cô đơn, mà có lẽ nơi này chỉ là điểm trú chân tránh tháng ngày bom đạn. Từ đây, phố biển Qui Nhơn xuất hiện một ban nhạc đình đám “Thanh Sơn Hải”. Thanh: Trương Văn Thanh, cây violon quen thuộc trong những buổi thánh lễ trong nhà thờ ở Huế, Sơn: Trịnh Công Sơn: chơi guitar thùng cự phách và Hải: Hồ Quang Hải, cây guitar điện chuyên chơi Kích động nhạc trong các vũ trường. Có lẽ ít ai ngờ, đây chính là thời kỳ nâng bước sáng tác và đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn nổi danh trong làng nhạc. Chàng nhạc sĩ trẻ được biết tới với những ca khúc được nồng nhiệt chào đón ngay từ khi mới ra đời: Chiều chủ nhật buồn, Vết lăn trầm, Nắng thủy tinh, Cát bụi, đặc biệt là bài Biển nhớ với câu chuyện tình trong sáng của chàng sinh viên Trịnh Công Sơn với cô thiếu nữ Bích Khê “Trời cao níu bước sơn khê”. (Đây không phải là lần duy nhất nhạc sĩ đưa tên người tình vào bài hát, ví dụ: Em theo đời cơm áo. Mai ra cùng phố xôn xao, Diễm xưa, Từ khi trăng là Nguyệt, đèn thắp sáng trong tôi, Bống nhảy lên bờ Bống đi chơi phố, Ta mang cho em một đóa Quỳnh…).

Nhạc sĩ TRịnh Công Sơn

Tài năng âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã được công chúng thừa nhận, chỉ xin điểm qua vài nhận xét mang tính cá nhân. Nhạc Trịnh Công Sơn rất đơn giản, mỗi bài chỉ cần thuộc 3 hợp âm là đánh được, vì thế nó luôn được lấy làm giáo trình dạy guitar cơ bản, và có lẽ chính điều đó khiến nhạc Trịnh có điều kiện lan tỏa và được người nghe nhạc bình dân quen thuộc hơn so với những nhạc sĩ đương thời khác. Xét về kỹ thuật viết nhạc, Trịnh Công Sơn không thể so sánh với Phạm Duy hay Văn Cao như một số người hâm mộ đánh giá. Phạm Duy tung hoành ở tất cả các thể loại, và rất khó để ai vượt qua. Ông viết tình ca, dân ca, hùng ca, quân ca, tục ca, trường ca, tâm ca, tâm phẫn ca, du ca, Đạo ca, Thiền ca, tị nạn ca, ngục ca, thơ phổ nhạc…nội dung nào cũng để lại dấu ấn đỉnh cao với kỹ thuật âm nhạc điêu luyện. Văn Cao, gương mặt tiêu biểu của nền tân nhạc, người mà chính Phạm Duy tự nhận, mình đã chịu nhiều ảnh hưởng trong sáng tác, thì lại là ông hoàng của thứ nhạc sang trọng, mang nhiều nét Tây phương. Văn Cao bên cạnh tài năng âm nhạc, còn một bản lĩnh sống kiên cường, cho dù ông bị vùi dập một thời gian khá dài sau vụ Nhân văn giai phẩm, nhiều sáng tác của ông bị cấm lưu hành ở miền Bắc. Nếu là Văn Cao, trong trường hợp đó, chưa biết Trịnh Công Sơn có giữ được bản lĩnh như vậy không.

Cái hay, cái lạ của nhạc Trịnh Công Sơn là ở phần ca từ và âm điệu. Về ca từ, mỗi bài hát có giá trị tồn tại độc lập như một bài thơ với những ẩn dụ đẹp, sâu sắc, mang thiền tính cao. Nhạc của ông ảnh hưởng triết lý Phật giáo, có nhiều điển tích, đòi hỏi sự am hiểu nhất định mới cảm thụ được hết cái sâu xa đẹp đẽ của câu chữ… Nhưng có hề gì, chả phải có nhiều bài thơ đọc lên chỉ thấy hay, còn nói hay thế nào chưa chắc ta đã cắt nghĩa nổi. Đó là sự hấp dẫn bí ẩn của thi ca. Về âm điệu, có thể, do sinh ra và lớn lên ở Huế, vùng đất thấm đẫm không gian Phật giáo nên nhạc Trịnh có giai điệu như câu kinh, tiếng kệ ngân nga, ru vỗ phù hợp với sự xoa dịu nỗi đau thương mệt mỏi thời loạn lạc và sau này là thời kỳ hậu chiến thiếu thốn, đói kém cả vật chất lẫn tinh thần. Có thể nói, trong nhạc Trịnh Công Sơn, nếu ca từ hay và sâu sắc bao nhiêu thì tiết tấu và giai điệu đơn giản bấy nhiêu.

Quan sát kỹ, thấy rõ một điều Trịnh Công Sơn được khán giả miền Bắc ái mộ, thì với giới mộ điệu âm nhạc miền Nam, Trịnh Công Sơn không phải cái tên duy nhất, không muốn nói ít nhiều kỳ thị khi nhìn nhận, đánh giá. Có thể lý giải: Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu tiên của Miền Nam được người Bắc tiếp xúc sớm nhất, với những bản tình ca lạ lẫm từ nhạc tới lời, khác hoàn toàn với những ca khúc cách mạng ngự trị hàng mấy thập niên, những bản tình ca ngọt ngào vẫn cứ phải thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý chí chiến đấu, vì thế, “nhạc Trịnh” trở thành lựa chọn hàng đầu với sở thích nghe nhạc của dân Bắc bảo thủ, cực đoan trong cả yêu và ghét khi văn hóa miền Nam giải phóng tâm hồn người Bắc. Những nhạc sĩ tài danh khác, tới khi internet phát triển mới có cơ hội lan rộng ra ngoài vĩ tuyến 17. Ngược lại, với miền Nam, vốn có một nền âm nhạc nói riêng và nền văn nghệ nói chung vô cùng phóng khoáng, hiện đại, trữ tình, vừa nối tiếp mạch tân nhạc tiền chiến với những tài hoa di cư từ Bắc vào Nam sau 1954, vừa nở rộ tài năng từ mảnh đất châu thổ Cửu Long Giang, từ phố núi Đà Lạt với những tên tuổi rực rỡ như Phạm Duy, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Nguyễn Văn Đông, Tuấn Khanh, Duy Khánh, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Trường Sa… khiến cho họ có nhiều lựa chọn, và Trịnh Công Sơn lại chỉ được yêu, ghét qua từng giai đoạn lịch sử, gắn liền với những nhạc phẩm của ông theo từng khúc đoạn thời gian và theo cả cảm quan chính trị. Không phải không có lý khi những người miền Nam sống từ giai đoạn 1975 trở về trước thờ ơ, kỳ thị với âm nhạc Trịnh Công Sơn vì lập trường chính trị mơ hồ, xu thời của ông. Thậm chí có người còn cho rằng, muốn nghe nhạc của Trịnh Công Sơn thì chỉ nghe nhạc thôi chứ đừng để ý đến người sáng tác.

Vì sao?
Cuối đời, Trịnh Công Sơn có nhạc phẩm tuyệt hay, mà theo tôi, không ca sĩ nào hát thấm hơn chính ông: Tiến thoái lưỡng nan. Đó có thể coi là bản tổng kết bằng âm nhạc cho cuộc đời của nhạc sĩ tài năng này. Đâu phải chỉ có lúc bấy giờ, Trịnh Công Sơn mới tiến thoái lưỡng nan. Dường như, cả cuộc đời ông là sự lưng chừng, lỡ cỡ, hai chân đặt ở 2 con thuyền, không tiến không lui, không tà không chính, lập trường chính trị không rõ ràng, ngay cả âm nhạc cũng là sự bội phản, phủ định lẫn nhau.

Trong đời, ông mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè, xã hội. Trước 1975, ông thân thiết với Đại tá Lưu Kim Cương, một sĩ quan không quân tài hoa có tâm hồn nghệ sĩ. Cũng chính vì đam mê âm nhạc, Lưu Kim Cương mới mời Trịnh Công Sơn- Khánh Ly vào hát ở câu lạc bộ sĩ quan Không quân, còn gọi là câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, và Trịnh Công Sơn đã kết thân với Đại tá Lưu Kim Cương từ dạo đó. Khi Đại tá tử trận, Trịnh Công Sơn đã có bài hát nổi tiếng Hát cho một người nằm xuống để bày tỏ nỗi tiếc thương. Mặt khác, ông lại thân thiết với Ngô Kha, một sinh viên theo Cách mạng và sau 1975 là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, những người khá có “uy thế” với văn nghệ miền Nam nói chung và xứ Huế nói riêng sau ngày thống nhất.

Trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn mâu thuẫn với chính ông.
Ở đề tài nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn thể hiện rất rõ sự mâu thuẫn này. Ông không theo Cộng hòa, dù sống trong chính thể Cộng hòa. Ông sợ cảnh đại bác đêm đêm dội về thành phố, ông thương những kiếp người lầm than điêu linh trong bom đạn nhưng không đặt ra câu hỏi, Ai là kẻ đêm đêm nã đại bác vào thành phố? Những người bạn tôi sau này có kể lại, đại bác đó dội vào những khu gia binh, bởi lính VNCH hay mang theo gia đình, có vợ và con nhỏ, dội đại bác vào đó để gây bấn loạn tinh thần của binh sĩ. Thời gian ở Qui Nhơn, Bảo Lộc hay khi ở Quán Văn Sài Gòn chính là những tháng ngày Trịnh Công Sơn trốn lính. Ông viết những ca khúc phản chiến, và tự đặt mình đứng ra ngoài, đứng lên trên, cao hơn cuộc chiến, cho dù ông đau nỗi đau của thân phận người dân trong một đất nước đầy bom đạn. Phản chiến nhưng không nhận thức một cách rõ ràng vì sao có chiến tranh và cần làm gì để kết thúc nó. Nhiều người gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Tôi cho rằng, so sánh như vậy là khập khiễng. Bob Dylan không chỉ phản đối chiến tranh, ông còn viết những ca khúc đòi nhân quyền, chống kỳ thị chủng tộc, và hơn thế, tâm thế mà người Mỹ tham chiến trên chiến trường Việt Nam, Triều Tiên khi đó hoàn toàn khác cuộc chiến trong lòng đất nước Việt Nam. Trịnh Công Sơn, qua nhiều bài hát, thể hiện cái nhìn mang tính tiên tri. Ông là nhạc sĩ đầu tiên nhìn nhận chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến, vì thế trong các sáng tác, ông gần như không nhắc tới sự có mặt của người Mỹ. Hình ảnh của họ chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong trái mìn claymore ở bài Đại bác ru đêm. Có câu chuyện thế này. Thầy Bửu Ý trước khi vào Saigon dự đám tang Trịnh Công Sơn có hỏi anh Đ.N.P.H., một guitarist có tiếng, dạy Học viện Âm nhạc Huế: “Thầy vào dự đám tang, em có gửi gì không?” thì anh Đ.N.P.H. đã trả lời, “Âm nhạc của anh đã giết chết một thế hệ thanh niên mới lớn như tụi em. Những ca khúc trong tuyển tập Da Vàng đã sinh ra một thế hệ thanh niên yếu đuối và hèn nhát”. Có thể, đó chỉ là suy nghĩ của 1 cá nhân, trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, nhưng không phải là không có lý.

Trịnh Công Sơn, cũng như hàng triệu người Việt lúc bấy giờ ước mơ, hi vọng về một đất nước thống nhất hòa bình “Bắc Nam Trung tình nghĩa mặn nồng, bước ra ngoài một lần diệt vong dựng mái nhà chung”. Từ tâm lý đó, có thể hiểu được tại sao ông đọc lời kêu gọi Văn nghệ sĩ trên đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. (Có người đã viết: Vào 11h30 ngày 30/4: có một nhạc sĩ thiên tài qua đời và 1 nhạc sĩ ba phải ra đời). Rồi, hơn ai hết, Trịnh Công Sơn âm thầm đau xót trong nỗi cô đơn, thất vọng không dễ gì bày tỏ của một người luôn chọn tránh đạn bằng cách cúi mình giữa 2 làn đạn, và cả hai phía đều nhìn ông bằng con mắt hoặc thù địch, hoặc nghi ngờ. Dường như, Trịnh Công Sơn chưa bao giờ chọn cho mình một tâm thế đứng thẳng, rạch ròi, mà thường nghiêng ngả theo thời cuộc, theo những nhân vật của thời cuộc và trở thành nạn nhân của chính mình. Bởi thế, dù tôi, một người Bắc yêu ghét cực đoan có thời gian rất dài chỉ nghe nhạc Trịnh, tới giờ vẫn thích nghe, nhưng càng ngày càng hay đặt ra những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Tôi không lý giải được:

Tại sao một người từng viết Ca dao Mẹ, Gia tài của Mẹ, Bà mẹ Ô Lý, …lại có thể viết Huyền thoại Mẹ? Hơn chục năm trước, Tết Mậu Thân 1968, Trịnh Cộng Sơn phải trốn chui trốn nhủi y như một nhân vật trong phim Đất Khổ mà ông đóng vai nam chính, suýt chết dưới tay những người tấn công thành phố Huế, mà sau 1975, ông lại viết rất ngọt, mượt về một bà mẹ đứng dưới mưa “ngăn từng bước chân thù”. Thù nào? Lẽ nào lại là những người bạn từng che chở, cưu mang khi ông trốn lính “dư sức qua cầu”? Lẽ nào ông không nhìn thấy những người mẹ, người vợ mỏi mòn chờ con chờ chồng đi cải tạo mãi mãi không về? Lẽ nào ông không nhớ những lời mình từng viết Xác người nằm trôi sông trôi trên ruộng đồng. Trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co. Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa. Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu….Xác người từ đâu ra, chắc Trịnh Công Sơn hiểu hơn ai hết.

Trịnh Công Sơn từng chơi thân với 1 vài chỉ huy có tiếng tăm của Quân Lực VNCH, khi Đại tá Lưu Kim Cương tử trận, ông viết ngay một nhạc phẩm để đời trên chuyến bay C130 từ Huế vào Saigon, nhưng sao khi các bạn là sĩ quan đi tù thì ông không viết được bài nào cả? Tại sao ông không viết được một câu hát về những người bạn sĩ quan đang bị tra tấn, hành hạ, ngược đãi trong các nhà tù sau 1975? Khi hơn 3000 người lính của Quân lực VNCH đủ mọi binh chủng đang sống cuộc đời tù tội địa ngục trần gian tù La Sơn, Nam Đông, Khe Tre, Buôn Hồ, Cồn Tiên, Ái Tử, Đô Lương, Bình Điền, Hàm Tân, Suối Máu, Ba Sao, Hồng Ca, Tân Lập, Cổng Trời Cán Tỷ… thì ông thong dong hát Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười. Ông thanh thản hát Chiều trên quê hương tôi có những chốn riêng cho mọi người, những con đường lứa đôi, những góc hè phố vui…

Tại sao nhạc Trịnh viết về thân phận con người thấm thía như thế nhưng khi đồng bào miền Nam bị đày ải trên các vùng kinh tế mới, thiếu ăn thiếu mặc, chết đói chết rét, phải chấp nhận đánh cược tính mạng làm mồi cho cá để vượt biên, thành thuyền nhân, bộ nhân để tìm đường sống thì ông lại không viết được 1 bài nào về những phận người mong manh đó, ông không viết được một câu chia sẻ sự thống khổ của đồng bào bị cướp nhà, cướp tài sản, bị tước đoạt nhân phẩm, bị xua đuổi ra khỏi nơi đang sống, phải lên vùng núi rừng heo hút sống lay lắt bằng cách khai hoang, bị xua đuổi phải bỏ nước mà đi. Tệ hơn, ông hồn nhiên hát Em ra đi nơi này vẫn thế, vẫn vô tư hỏi Em còn nhớ hay em đã quên? Nhớ gì và quên gì?… Khi những em gái Saigon chỉ quen với sách bút, mặc áo dài, đi giày cao gót bị đưa ra biên giới làm việc trên các nông trường lam sơn chướng khí, thực chất là một việc vô cùng thiếu nhân đạo, một sự đày ải khủng khiếp mà ông có thể cất lên những gia điệu rộn ràng tươi vui Em ở nông trường em ra biên giới? Ông có biết sự kiện 8 cô gái TNXP cùng với gần 2 chục đồng đội của mình bị bọn Polpot giết hại không lâu trước đó?

Sau rất nhiều hứng khởi của Hoa xuân ca, Em ở nông trường em ra biên giới, Khăn quàng thắp sáng bình minh, Huyền thoại mẹ, 20 mùa nắng lạ.., có lẽ ông bắt đầu thấm mệt với trò chơi đu bám thời cuộc. Hoặc giả, khi đó xã hội bắt đầu có sự cởi mở hơn với những đề tài sáng tác, thì Trịnh Công Sơn bộc lộ sự chán chường không thể che đậy. Hàng loạt ca khúc sau này chính là nỗi lòng ông. Có lẽ, đó là những bản nhạc thật lòng nhất. Hãy nghe Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Đâu phải chỉ tuyệt vọng vì người con gái ông yêu bỏ đi lấy chồng. Nó còn là sự an ủi chính mình khi tuyệt vọng về một con đường ước mơ, một xã hội đẹp đẽ trong trí tưởng nay đã thành tuyệt lộ. Hãy nghe Mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm…đâu chỉ là người mẹ thương yêu ông hết lòng. Đó còn là Mẹ Việt Nam đã bỏ con đi…Mẹ bỏ con đi…những đứa con gia tài của mẹ, lai căng và bội tình. Hãy nghe Đi mãi trên đường để thấy một con đường đi mãi, đi đi và không tới.. Làm sao mà tới được khi đó là đường tới thiên đường mù. Tiến thoái lưỡng nan có thể nói là bài hát cuối cùng mà Trịnh Công Sơn trút tất cả nỗi niềm. Một sự bơ vơ, bế tắc, hối hận, biết sai lầm nhưng không thể còn thời gian để kịp sửa chữa. Dù đi về cuối ngõ nơi quê nhà hay đi về nơi cuối trời vĩnh hằng, thì sống hay chết, cũng không thể lựa chọn lại. Nên mới bơ vơ, hoang mang, chênh chao, không đi đâu nữa, chỉ ngồi để tôi tìm lại tôi. Có thể nào tìm lại? Có tìm được không? Trịnh Công Sơn là nhà tiên tri bằng âm nhạc. Nhưng ông có tiên tri được nỗi cô đơn cay đắng của mình?

* Bài viết này được viết khi nghe những chia sẻ của một người bạn lớn về Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông. Có thể hợp lý có thể chưa vì đó là những suy nghĩ cá nhân. Những ý tốt nhất của bài viết là từ ý tưởng của bạn tôi. Thậm chí, có nhiều câu tôi chép lại nguyên văn. Tôi chỉ biên soạn lại cho phù hợp những điều vừa tầm tôi suy nghĩ. Kính mong sự chỉ bảo, đóng góp của những bậc tiền bối và bạn bè.

Nhạc sĩ TRịnh Công Sơn
396340cookie-checkPHÁC HỌA TRỊNH CÔNG SƠN