ÔNG THỂ 

0
255

JB Nguyễn Hữu Vinh

Đã lâu lắm, dễ đến vài chục năm không gặp lại ông Thể, kể từ ngày ông đi nhận xứ tận Quảng Bình, thi thoảng gặp lại ở quê nhà trong những khi có công việc chung thì cũng ít khi có dịp để trò chuyện.

Nhiều lần gọi điện hỏi thăm rồi ông cháu hẹn hò khi nào có dịp ghé Đan Sa – một Giáo xứ mà mình nghe từ khi còn bé tí cứ mỗi lần rao chầu lượt thì Đan Sa, Văn Hạnh thường cùng một tuần – nơi ông Thể ở đó. Từ đó, những giáo xứ như Đan Sa, Xuân Hòa… trở thành quen trong bộ nhớ hơn, dù chưa một lần ghé các giáo xứ đó được.

Cho đến khi ông về hưu, trở lại Giáo xứ An Nhiên, ở chỗ vườn ông Hoan, thì nghĩ rằng thôi để sau này khi có thể thì ghé thăm ông. Rồi thời gian qua đi, cũng không thực hiện được. 

Rất lạ, hôm trước, mình gọi điện nói chuyện với bà Dì, hỏi bà về ông Thể lâu khỏe không, được bà cho biết là ông đang đi Quảng Bình. 

Sáng qua, chợt nhớ đến ông Thể, lần trong danh bạ điện thoại, gọi cha Thể, thì một người trả lời mới nhận ra cũng là cha Thể, nhưng là cha ở Giáo phận Lạng Sơn mà tôi đã biết. Thấy ngài đang điều trị bênh zona, nên hỏi thăm và chúc tết ngài luôn. 

Rồi gọi lại số của Ông Thể, nhưng không gọi được. Định bụng sẽ gọi lại hỏi thăm ông khi có thể. 

Chiều nay, bỗng nhận được tin từ fb của cha Peter Nguyen Van Huong báo tin ông đã từ trần vào lúc 5h15 phút sáng nay, ngày 9/2/2022, tại bệnh viện Cu Ba, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Đau buồn và đột ngột. Một cảm xúc khó tả dâng lên trong tôi.

Quá khứ, những năm tháng ở quê hương như một cuốn phim hiện về trong tôi với hình ảnh của ông Thể.

Tôi gọi là ông Thể, vì ông là em trai của ông Hoan, ông Hoan là rể của cụ ngoại tôi, nghĩa là ông ngoại tôi và chị dâu của ông Thể là anh em ruột. Nhà ông ở An Nhiên là Xứ dưới, còn nhà tôi ở Văn Hạnh, là Xứ trên. 

Quãng đường cách nhau chắc chỉ chưa đến hai cây số, nhưng chỉ khi nào tuần Chầu lượt hoặc lễ lạt, có công việc gì đó, tôi mới có dịp xuống An Nhiên gặp họ hàng. Những năm tháng tôi về thiết kế Nhà thờ và Nhà xứ An Nhiên, thì ông còn đi học vắng.

Tôi lớn lên, thỉnh thoảng gặp ông Thể từ khi tôi còn nhỏ, cho đến một thời gian rất dài, ông Thể biến mất đâu tôi không thấy. Năm 1973 khi ông Hoan ốm năng, tôi cùng ông ngoại và các dì đến thăm ông, cũng không thấy ông Thể đâu. 

Mãi đến một ngày, ông xuất hiện ở gia đình tôi. Tôi mới biết ông vừa đi tù về. 

Ông đi tù hơn chục năm, mà tù mút mùa nhưng không có án, không hiểu mình bị đi tù về tội gì. Tội của ông chỉ là định đi tu phục vụ nhà thờ từ nhỏ và như vậy là “Phản động” theo nghĩa của chính quyền cộng sản, là đối tượng của cuộc “Cách mạng về Tư tưởng và văn hóa”. Và đã là đối tượng, thì cứ phải đi tù, công giáo và phản động là đồng nghĩa với nhau trong từ điển cộng sản.

Thế nên tôi mới biết ông cũng đã phải đi tù như Thầy Cừ ở xứ tôi.

Ông trở về, vẫn hiền hậu, khiêm tốn như ngày nào. Ông kể cho chúng tôi những ngày tù đày khắp các nhà tù miền núi cho đến Lạng Sơn… 

Những câu chuyện trong nhà tù cộng sản ông kể cho tôi nghe lúc bấy giờ vẫn cứ ám ảnh trong tôi cho đến nay. 

Tôi còn nhớ câu chuyện ông kể về những bữa ăn trong nhà tù. Ông nói: Không biết chúng nó đong đếm kiểu gì, mà mỗi bữa ăn của tù, chúng phát ngô rang thì nhiều nhất là được 85 hạt, ít nhất là 81 hạt một bữa, không sai bao giờ. 

Bon tôi ngạc nhiên hỏi lại: Làm sao mà ông đếm được tất cả? Ông bảo: thì trong tù thừa thời gian thì vừa ăn vừa đếm cho kéo dài thời gian thêm một chút, vừa có cảm giác đang được ăn. 

Là tù nhân nhưng tù phải lao động cực nhọc, sản phẩm không biết đưa đi đâu nhưng tù nhân không được hưởng. Không quan trọng, đến bữa đi làm là cứ vậy đi không hỏi. Ông vào nhóm tù làm thợ mộc. 

Ông kể những ngày đi lao động ra khỏi trại là thích nhất. Đi qua đồi sắn của Trại, thằng quản tù ôm súng đi sau, một đứa dẫn đầu, tù nhân cứ đủng đỉnh để qua đó, có đứa xông xuống ruộng sắn nhổ được mấy củ giấu trong áo quần, rồi chạy nhanh đến đào cái lỗ xuống đất và bỏ sắn vào lấp lại. Đến giờ giải lao, rủ nhau đốt một đống củi, lửa cháy “như lửa hỏa ngục” để sưởi, nhưng mục đích chính là nướng chín số sắn ở dưới chia nhau ăn cho đỡ đói.

Khủng khiếp nhất là cảm giác bị đi tù mà không biết thời hạn nào được tha, khi nào thì hết thân phận tù. Bởi đi là đi chẳng có án cũng không có tòa. 

Thế rồi ông ra tù, về quê, có lẽ là để lấy chỗ cho những đối tượng khác đang ngày càng được đảng ưu tiên cho đi tù càng đông đúc.

Thế rồi ông tiếp tục đường tu hành, đi theo tiếng gọi dâng mình tận hiến cho Chúa. Cuộc đời của ông cũng lắm trắc trở chông gai và gập ghềnh.   

Một câu chuyện mà tôi được nghe kể lại về ông. Tính xác thực của câu chuyện không biết được đến đâu, vì tôi không có điều kiện để kiểm chứng, nhưng cũng nói lên tính nghiêm cẩn của Giáo hội khi lựa chọn một linh mục. 

Chuyện kể rằng:

Thời Cải cách ruộng đất, một gia đình giàu có gửi vào nhà chung An Nhiên một chiếc két sắt để tránh bị cướp đoạt bởi đội cải cách cộng sản. Trong két đựng gì, chỉ có gia đình chủ nhân biết. 

Thế rồi một buổi sáng, người ta thấy két sắt đã bị mở và trong đó không còn có gì. Việc chiếc két bị mở, người phát hiện ra đầu tiên lúc bấy giờ là ông Thể. Và câu chuyện dừng ở đó vì không thể điều tra ra ai đã mở, mở bằng cách nào và mất mát những gì trong đó. 

Và vì không điều tra ra, nên ông là người chứng kiến đầu tiên việc chiếc két bị mở, tức là có liên hệ với một vụ việc chưa được sáng tỏ. Thế nên, con đường tu hành của ông cũng gặp nhiều trắc trở không minh định được rõ ràng.

Cho đến khi người con trai của gia đình kia sắp từ trần, mới thú nhận rằng chính ông ta là người có chìa khóa, và đã mở két sắt lấy hết tài sản trong đó về. Tuy nhiên vì những lý do cá nhân, nên đã không công khai việc đó. Và ông Thể là người chịu liên lụy bấy lâu. Đến khi đó vụ việc của ông mới được sáng tỏ không bị ảnh hưởng. Đó là câu chuyện tôi nghe được từ lâu, mỗi khi nhớ đến ông Thể, tôi lại nhớ câu chuyện này, và vẫn chưa có dịp để hỏi lại ông thực hư ra sao. 

Và đến khi ông được chịu chức linh mục, thì ông đã 59 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra đã chuẩn bị nghỉ hưu. Với tuổi già, với sức khỏe, bệnh tật ốm đau vì bị vắt kiệt trong cả chục năm ở nhà tù cộng sản. Nhưng khi đó ông mới bắt đầu sự nghiệp hiến dâng chính mình trong thiên chức Linh mục. 

 Và 30 năm gán bó với thiên chức Linh mục, một người đã có tuổi, gắn bó với bà con giáo dân vùng Quảng Bình, ông đã tận hiến những năm tháng cuối của cuộc đời mình cho Giáo hội, cho giáo phận và cộng đồng dân Chúa. 

Hôm nay không có mặt được để tiễn biệt, chia tay ông lần cuối. Tôi viết vài dòng để nhớ đến ông, một con người, một cuộc đời đã chịu bao nhiêu gian nan để tận hiến chính bản thân mình.

Tiếc thương ông, một cuộc đời bị đánh cắp mất quãng đẹp nhất trong đọa đày, đau khổ. Phần còn lại, ông đã không giành cho mình điều gì mà để lại tất cả cho tha nhân. 

Xin cầu nguyện cho Linh hồn Giacobe Nguyễn Trọng Thể sớm được về hưởng nước Chúa, để được thưởng công cho những năm tháng gian nan hy sinh của ngài vì danh Chúa nơi trần thế. 

Bái biệt ông, xin ông luôn bầu cử cho đàn cháu con của ông nơi trần thế đầy gian nan này. 

09/02/2022

 JB Nguyễn Hữu Vinh

610450cookie-checkÔNG THỂ