Tuesday, October 22, 2024
HomeBLOGÔNG NGOẠI 

ÔNG NGOẠI 

Huỳnh Thị Tố Nga

Ông ngoại tôi, là con trai một của một gia đình tư sản, rất hiền lương. Ông cố ngoại làm việc cho cho nhà nước bảo hộ Pháp, bà cố chuyên kinh doanh mặt hàng tơ lụa, nổi tiếng ở Gò Vấp-Sài Gòn, thập niên 1940s. Ông ngoại là một bác sĩ chuyên khoa tim mạch, được đào tạo ở Pháp, ông ngoại mở một bệnh viện tim mạch ở đường Võ Tánh (Phan Đăng Lưu ngày nay) để khám bệnh cho người dân. Từ bé, ông hấp thụ hoàn toàn nền giáo dục của Pháp. 

Năm 1975, mẹ tôi gặp ba tôi và về Đồng Nai ở trên mảnh đất của ông bà ngoại mua trước đó, ông ngoại cũng về ở chung với ba mẹ tôi, còn bà ngoại thì ở Sài Gòn, nhưng vẫn chạy lên xuống giữa hai nhà. Năm tôi một tuổi, ba mẹ chia tay, kể từ đó mẹ con tôi sống với ông ngoại. Việc ba mẹ tôi xảy ra như vậy thì tôi không biết, tôi nghe mẹ kể lại. Lúc này ông ngoại đã lớn tuổi, ở nhà và khám bệnh cho người dân trong làng. Ông ngoại khám và chích thuốc từ thiện không lấy tiền dân làng. Trong các đứa cháu, ông ngoại thương tôi nhất, có lẽ tôi là đứa bé nhất, nhút nhát nhất. Khi tôi tầm 2, 3 tuổi là đã biết như vậy. Mỗi khi ông ngoại đi đâu về, ông hay mua cho tôi ít bánh kẹo, vừa vô nhà là kêu liền, “bé bỏng của ngoại đâu rồi” và bế thốc tôi lên hôn tới tấp. Lúc nào tôi cũng đẩy ông ra vì bị râu ông làm đau, ông cười thích thú. 

Bánh kẹo ông ngoại đưa, tôi không ăn, không biết sao, ngay từ khi còn bé tí, tôi đã không thích bánh kẹo, ai cho bánh kẹo là đem về nhà để đó, tới bây giờ cũng vậy, thấy bánh kẹo là sợ. Ít có đứa bé nào không thích ăn ngọt, mà tôi là một trong số ít đó. 

Trong gia đình, có lẽ ông ngoại là người để lại ký ức ngọt ngào nhất cho tôi, dù thời gian ngắn ngủi, năm tôi 7 tuổi, ông về Sài Gòn ở vì bệnh tim tái phát liên tục, đến năm tôi 8 tuổi thì ông mất. Nghe bà ngoại và mấy dì nói, buổi sáng, mọi người thấy trễ rồi mà chưa thấy ông dậy, dì tôi lên lầu kêu thì thấy ông nằm im như đang ngủ, nhưng lay hoài không dậy, sau đó thì biết ông mất rồi. Ông ngoại tôi mất một cách nhẹ nhàng như vậy, không quằn quại, kêu la khi hấp hối, ra đi sau một giấc ngủ nghìn thu. Người xưa có câu “sinh nghề, tử nghiệp” thấy cũng đúng, ông ngoại là bác sĩ tim mạch, nhưng cũng mất vì bệnh tim mạch, cuộc đời vốn như vậy, cứu người nhưng không thể cứu được bản thân, đó chính là số mệnh. 

Sau khi ông ngoại mất một năm, thì bà ngoại bị tai biến, sau bốn năm đau đớn vì căn bệnh, phải nằm một chỗ vì liệt nửa người, bà ngoại cũng mất, lúc đó tôi 13 tuổi. 

Từ khi ông ngoại mất, mẹ con tôi bắt đầu một bước ngoặt mới trong cuộc đời, tôi bắt đầu cuộc sống tự lập kể từ đó. Vậy nên, ký ức về ông ngoại là ký ức sống động nhất, chỉ vài năm ngắn ngủi nhưng ảnh hưởng đến sự chọn lựa của tôi sau này. Tôi theo nghề y, luôn tôn kính nhân tính thiện lương, tính cách ôn hòa của ông đối với tôi và mọi người. Có lẽ, tính cách bẩm sinh của ông đã có sẵn, cộng với nền giáo dục trong gia đình và xã hội rất tốt đã hình thành những con người có nhân cách như ông ngoại tôi thời đó. 

Nhân tính con người một phần có được từ bẩm sinh, và phần lớn ảnh hưởng từ nền giáo dục. Chúng ta nhận thấy rõ ràng, thời ông ngoại tôi sống, khoảng thập niên 1940s, Việt Nam xuất hiện nhân tài vô số, những nhà tư tưởng lớn của đất nước đều ở thập niên này, thời gian sau đó, nhân tài ngày càng ít đi và cho đến bây giờ thì xã hội nát như tương, lý do vì sao chắc ai cũng hiểu. Giáo dục là cốt cán đào tạo nên con người có trí tuệ và nhân cách, muốn có nền giáo dục tốt lại phải do một chế độ chính trị điều hành ưu việt, nó như một vòng lẩn quẩn. 

Đã 32 năm từ khi ông mất, hình ảnh về ông đã có chút phai mờ trong tôi, nhưng nhân cách của ông thì tôi nhớ mãi, từ khi tôi nhận biết được cuộc sống xung quanh cho đến khi ông xa tôi, là thời gian ngắn ngủi, chỉ khoảng 5 năm. Năm năm, nhưng ông đã để lại cho đứa cháu bé bỏng ngày nào một ký ức vô giá, một ký ức đẹp và đầy yêu thương duy nhất trong một gia đình với hoàn cảnh cực kỳ phức tạp. 

Vậy nên, phải biết rằng, ảnh hưởng của người lớn đối với trẻ con vô cùng quan trọng, đừng để cho trẻ con phải sống và phát triển trong xã hội với một nền giáo dục suy thoái, chúng như những mầm non, chưa kịp lớn đã thối nát rồi.

HUỲNH THỊ TỐ NGA 

Oct 22, 2023

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular