Ông Đinh La Thăng bị xử ép?

0
744
Ông Đinh La Thăng: Ảnh: Báo Đầu tư

FB Trần Vũ Hải

20-3-2018

Hôm qua, 19/3/2018, toà án Hà nội bắt đầu xử ông Đinh La Thăng và nhiều cộng sự cũ của ông tại Tập đoàn Dầu Khí Việt nam (PVN) vì đã quyết định đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceabank (OJB), sau đó bị mất vốn vì ngân hàng nhà nước mua lại OJB với giá 0 đồng. Các vị này bị buộc tội theo điều 165 Bộ Luật Hình Sự (BLHS) cũ về tội “cố ý làm trái Quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, dù tội danh này đã được BLHS mới xoá. Đây là lần thứ hai ông ra Toà, cùng với cáo buộc về tội danh này.

Theo Viện kiểm sát, ông Thăng ký thoả thuận với OJB góp vốn 20% vào ngân hàng này trong khi chưa thông qua Hội đồng Quản trị- HĐQT PVN (sau này là Hội đồng thành viên – HĐTV). Sau đó HĐQT thông qua việc góp vốn này, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận. Sau đó, đến đầu năm 2011, trước khi ông Thăng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Thăng và các thành viên ký Nghị quyết để PVN góp vốn thêm 100 tỷ đồng vào OJB, với tỷ lệ góp vốn giữ nguyên. Theo VKS, việc này vi phạm Luật các tổ chức tín dụng 2010, có hiệu lực từ 1/1/2011, theo đó một tổ chức không được góp quá 15% vốn sở hữu của một ngân hàng. PVN bị mất vốn 800 tỷ đồng là do những hành vi làm trái đó.

Ông Thăng lập luận rằng, quyết định đầu tư của PVN là không trái pháp luật. Ông ký thoả thuận trước với OJB, và HĐQT PVN đồng ý sau, là chuyện thường trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Sau đó Thủ tướng đồng ý cho PVN đầu tư vào OJB, PVN mới rót vốn đầu tư vào PVN. Nếu Thủ tướng không đồng ý, nghị quyết của HĐQT PVN cũng vô giá trị, PVN cũng không mua 20% cổ phần của OJB. Sau đó, PVN góp thêm 100 tỷ đồng trong năm 2011 là thực hiện chủ trương giữ nguyên 20% OJB từ năm 2010. Nếu giảm tỷ lệ này, phải được sự đồng ý của Thủ tướng. PVN từng định bán số cổ phần này cho đối tác nước ngoài, nhưng Thủ tướng chưa đồng ý, cũng phải chịu. Đến năm 2011, khi ông Thăng quản lý PVN, OJB vẫn có lãi. Sau này nếu có lỗ, lãi, ông không còn trách nhiệm ở PVN. Việc Ngân Hàng Nhà Nước mua OJB 0 đồng là sai, không có luật nào cho phép điều đó. Tóm lại ông không thể chịu trách nhiệm về khoản mất vốn 800 tỷ đồng này.

Những lập luận của ông Thăng rất rõ ràng, những người có kinh nghiệm kinh doanh đều hiểu rõ. Ngoài ra chuyện lỗ lãi là chuyện thường ở các doanh nghiệp, không thể đổ lỗi cho những người quyết định đầu tư. Kinh doanh, đầu tư bản thân là những quyết định rủi ro.

Mặt khác nếu đúng PVN vẫn duy trì 20% trái luật các tổ chức tín dụng 2010 khi tăng vốn, thì lẽ ra chính Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN), cơ quan phê duyệt và giám sát việc tăng vốn phải biết ngay từ năm 2011, khi OJB báo cáo tăng vốn để “tuýt còi”.

Một trớ trêu nữa, khi OJB bị NHNN mua 0 đồng vào 2015, khi đó chính thức phát sinh thất thoát 800 tỷ cho PVN, tức tội trạng cố ý làm trái theo điều 165 BLHS cũ đã hoàn thành (Ít nhất theo cách hiểu của VKS), nhưng không thấy quan chức có thẩm quyền nào, kể cả quan chức ngân hàng đứng đơn tố cáo hay kiến nghị khởi tố, dù việc OJB chiếm 20% (kể cả tăng vốn sau 2010) và OJB bị mất vốn 800 tỷ được công khai hết. Như vậy nếu ông Thăng và các cộng sự vi phạm điều 165 BLHS cũ, cần xem xét trách nhiệm hình sự những vị đã không thực hiện đúng chức trách tố giác tội phạm ngay từ năm 2015, mà mãi sau này khi ông Thăng ngã ngựa (mất ghế Bộ Chính Trị), cuối năm 2017, trước thời điểm 1/1/2018 không được phép khởi tố tội cố ý làm trái nữa, các cơ quan pháp luật mới khởi tố bị can đối với ông Thăng (và các cộng sự khác).

Phải chăng ông Thăng (và các cộng sự) bị xử ép? Tôi nghĩ giới luật và kinh doanh sẽ không phục, nếu xử có tội cho ông Thăng và các cộng sự theo điều 165 BLHS cũ.

Nếu ông Thăng thật sự tham nhũng, hãy tìm những chứng cứ phù hợp và tội danh khác về tham nhũng để cáo buộc và xử! Để dân, doanh lẫn quan được tâm phục, khẩu phục về nền tư pháp Việt.

Còn không , Công Lý chỉ là tên một diễn viên hài ở Việt nam!

264660cookie-checkÔng Đinh La Thăng bị xử ép?