
How Citizen Spies Foiled Putin’s Grand Plan for One Ukrainian City
– Cù Tuấn dịch từ New York Times.
Tóm tắt: Một chi bộ quân kháng chiến ở Kherson đã theo dõi, phá hoại và thậm chí săn lùng binh lính Nga. Giờ đây, khi quân lính của Vladimir V. Putin đã không còn ở đây nữa, mọi người có thể thoải mái nói chuyện – và khoe khoang một chút về các hoạt động của mình.
Vài tháng trước, vào một buổi sáng đầy sương mù, Valentyn Dmytrovych Yermolenko, một ngư dân lớn tuổi người Ukraine với cái lưng và đầu gối đau nhức như búa bổ, đang lê bước xuống một con kênh hẹp ngoài khơi sông Dnipro, chiếc xuồng bơm hơi của ông lướt qua màn sương.
Thành phố của ông, Kherson, đã bị quân Nga tiếp quản, và trên sàn thuyền của ông, được giấu dưới lưới đánh cá trong một chiếc bồn nhựa màu đen, là ba khẩu súng trường tự động đã tháo rời.
Yermolenko nhớ lại, khi ông rẽ vào một khúc cua trên sông, một chiếc tàu tuần tra của Nga xuất hiện ngay trước mặt. Một chỉ huy đứng trên boong trong bộ đồ rằn ri sắc lẹm quát: “Ông già kia! Đi đâu?”
Sau khi ông Yermolenko lẩm bẩm về việc kiếm cá ăn cho vợ, viên chỉ huy đã ra lệnh lục soát con thuyền. Một người lính trẻ khệnh khạng bước lên thuyền và tiến thẳng đến chiếc bồn nhựa đen.
“Cái này là cái gì?” người lính hỏi.
Ông Yermolenko, 64 tuổi, cho biết lúc đó ông sợ đến mức vãi đái ra quần.
Kherson, ở cửa sông Dnipro, gần Biển Đen, đã bị chiếm trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Các quan chức Nga nhanh chóng tuyên bố nó là một phần của Nga mãi mãi.
Chính phủ chiếm đóng của Kherson, được điều hành do các chỉ huy quân sự Nga và những người Ukraine cộng tác với Nga, đã rất nhanh chóng hạ cờ Ukraine, chiếm các trường học Ukraine, vận chuyển tới đây những thùng đựng tiền rúp Nga bằng xe tải, thậm chí chuyển cả các gia đình Nga tới đây. Có lẽ không nơi nào khác ở Ukraine mà nhà lãnh đạo Nga, Vladimir V. Putin, đã đầu tư nhiều tiền và bạo lực, áp dụng chính sách củ cà rốt và cây gậy, để uốn nắn một thành phố theo ý chí đế quốc của mình.
Nhưng nỗ lực này đã không thành công.
Được hướng dẫn nhờ các quan hệ với các cơ quan an ninh Ukraine, một nhóm công dân bình thường đã tự thành lập một phong trào kháng chiến cấp cơ sở. Trong hàng chục cuộc phỏng vấn, người dân và các quan chức Ukraine đã mô tả cách những người về hưu như ông Yermolenko – cùng với các sinh viên, thợ máy, người già và thậm chí là một cặp vợ chồng giàu có vì bận sửa chữa chiếc du thuyền của họ và bị mắc kẹt tại thành phố này trong hơn một năm – đã trở thành những người ủng hộ tinh thần cho Kherson một cách âm thầm. Tất cả giống như những phân cảnh trong một bộ phim gián điệp.
Họ đã quay các video bí mật về quân Nga và gửi chúng cho quân Ukraine cùng với tọa độ bản đồ. Họ đã sử dụng tên lóng và mật khẩu để luân chuyển súng và chất nổ ngay trước mũi người Nga. Một số thậm chí còn thành lập các đội du kích quy mô nhỏ để tiêu diệt binh lính Nga vào ban đêm, khiến nỗi sợ hãi và hoang tưởng bao trùm thành phố này trở nên hai chiều, cho cả người Ukraine và binh lính Nga.
Khi quân đội Nga vội vã rút quân vào giữa tháng 11, có lẽ là sự thất bại lớn nhất cho đến nay đối với nỗ lực chiến tranh của ông Putin, Kherson đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ. Đối với các đồng minh đặt câu hỏi về quyết tâm của Ukraine, và đối với chính những người Ukraine đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ và chết chóc và cần một tia hy vọng, Kherson đã cho thấy những gì Ukraine có thể làm được.
Bây giờ, khi quân Nga đã chạy mất và mọi người cảm thấy thoải mái khi nói về những gì họ đã làm và thậm chí khoe khoang một chút, một thông điệp vẫn tiếp tục tỏ ra nổi bật.
“Tôi chưa bao giờ thắc mắc chúng tôi đang làm gì,” Dmytro Yevminov, chủ du thuyền được ông Yermolenko thuê để giấu súng và bao tải lựu đạn ở nhiều chỗ neo thuyền khác nhau, cho biết. “Tôi chưa bao giờ biết rằng tôi yêu Tổ quốc mình đến thế.”
1. Giống như các liên kết trong một chuỗi mắt xích
Ông Yermolenko và vợ của ông, Olena, có vẻ không phải là kiểu người thích nổi loạn.
Đi lượn lờ cạnh nhau trong căn bếp nhỏ, với ngọn lửa xanh bập bùng trên bếp là nguồn sưởi ấm duy nhất của ngôi nhà, hai người xua đuổi nhau và dè bỉu nhau, và tranh cãi xem ai là người yêu nước nhiều hơn.
“Em là người đã buộc anh phải cảm nhận tình yêu nước như thế như thế,” bà Olena cười nói.
“Chà,” ông Yermolenko thở dài, “có lẽ đất nước này không cho anh mọi thứ mà anh muốn. Nhưng đó vẫn là đất nước của anh.”
Họ gặp nhau ở Kherson vào năm 1978. Olena là thư ký tại một nhà máy đóng tàu. Còn ông Yermolenko sinh ra ở Belarus và vừa giải ngũ khỏi quân đội Liên Xô.
Anh bắt gặp cô đang tắm nắng trên một bãi biển dọc theo sông Dnipro và chẳng bao lâu sau họ kết hôn, chuyển đến một khu phố Kherson ven sông có tên là Đảo, nơi mọi người kiếm sống bằng cách này hay cách khác: đánh cá, làm việc tại xưởng đóng thuyền hoặc tại các nhà máy đóng tàu, bảo dưỡng động cơ hàng hải. Gia đình Yermolenko từng buôn bán cá hun khói nhưng đã nghỉ hưu cách đây vài năm. Cuộc sống của họ bị đảo lộn không lâu sau đó.
Vào ngày 24 tháng 2, ngày đầu tiên của cuộc xâm lược, hàng nghìn quân Nga đã tràn vào Kherson, nơi có dân số khoảng 300.000 người trước chiến tranh. Giống như ở nhiều thành phố khác của Ukraine, các cư dân địa phương, với một số có kinh nghiệm quân sự, đã tập hợp lại thành một nhóm được gọi là Lực lượng bảo vệ lãnh thổ, nhằm mục đích cố gắng đẩy lùi quân Nga. Ông Yermolenko và cháu trai tuổi thiếu niên, cũng tên là Valentyn, đã nhập ngũ.
Họ có khá ít vũ khí, chủ yếu chỉ là một số khẩu súng săn cũ. Tồi tệ hơn, quân đội Ukraine đã đưa ra một quyết định chiến lược là rút khỏi Kherson, bỏ mặc các chiến binh địa phương.
Theo các nhân chứng, họ đã cố gắng phục kích một toán quân Nga vài ngày sau cuộc xâm lược nhưng thất bại thảm hại, khiến ít nhất 18 thành viên dân quân thiệt mạng trên mặt đất còn đóng băng. Sau đó, quân kháng chiến Kherson đã thay đổi chiến thuật và chuyển sang hoạt động bí mật.
Ảnh: Valentyn Dmytrovych Yermolenko, một ngư dân 64 tuổi, lãnh đạo một nhóm kháng chiến trong một cộng đồng dân cư sống ven sông ở Kherson.
——————