Nghiêm Huấn Từ
31-7-2020
Tiếp theo bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu? Bài 2: Chống oan sai: Khó như lên Trời! Bài 3: Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành án
Bài 4: Sai trái phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải
1. Tổng quát
– Phiên tòa giám đốc thẩm được mở khi cơ quan giám sát thi hành luật (ở đây, là Viện KSNDTC) nhận thấy một bản án (tuy đã có hiệu lực) nhưng vi phạm những quy định trong điều tra, lập hồ sơ và xét xử. Nếu bản án được thi hành sẽ đưa đến bất công cho bị cáo. Lần này, đó là bản án phúc thẩm (2009) kết tội tử hình Hồ Duy Hải vì tội “giết người, cướp của”.
– Chỉ riêng việc kháng cáo kiên trì của luật sư – được báo chí và dư luận ủng hộ mạnh mẽ – đến nỗi bản án không thể thi hành suốt 11 năm, đã đủ chứng tỏ nó có vấn đề. Đến nay, số chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải thu thập đã đủ nhiều để người dân bình thường cũng thấy những vi phạm nghiêm trọng ngay từ khâu điều tra vụ án. Do vậy, việc kháng nghị bản án do VKS đưa ra, tuy rất muộn, rất đáng chê trách, nhưng dẫu sao vẫn cần thiết.
– Năm 2008 và 2009 Hồ Duy Hải bị xử theo luật cũ (2003) trong đó quan tòa trực tiếp thẩm vấn bị cáo, dựa theo những tội trạng do công tố viên nêu lên. Cách thẩm vấn này khiến quan tòa và công tố đứng cùng một phe. Còn luật sư và bị cáo rất đơn độc, chống đỡ ở thế yêu. Oan sai là chuyện đương nhiên, không thể tránh. Nhưng luật mới (2015) với nhiều cải tiến cho phù hợp với trình độ văn minh của thế giới, đã có hiệu lực thi hành từ mấy năm nay. Chính dịp này, mọi người phân biệt rất minh bạch hai kiểu xử án: Xử án kiểu thẩm vấn (luật 2003) và xử án qua tranh tụng (luật 2015).
– Hơn đâu hết, hơn bao giờ hết, phiên tòa giám đốc thẩm càng phải mẫu mực trong thực thi luật mới. Đáng xấu hổ nhất cho một phiên tòa do cấp tối cao lập ra, nếu chính nó bị tố giác là vẫn xử theo cách cũ.
Do vậy, phiên tòa giám đốc thẩm phải là một phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa và bình đẳng – giữa bên kết tội và bên gỡ tội – và phải có kết luận Đúng/Sai “từng điểm một”.
Quan tòa (các thẩm phán) sẽ không thẩm vấn (nói nhiều, truy hỏi bị cáo), mà giữ vai trò trọng tài: Điều khiển phiên tòa, quan sát và lắng nghe lập luận của hai bên và (dựa vào Luật) đánh giá sự Đúng – Sai của mỗi bên, trên tinh thần “suy đoán vô tội”. Những câu hỏi của thẩm phán – nếu có – chỉ nhằm một mục đích: Làm sáng tỏ thêm vấn đề đang tranh tụng, để khỏi lạc đề. Còn bị cáo, có quyền, nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Đó là việc của luật sư, đứng ở vị trí bình đẳng với công tố viên (bên gỡ tội và bên buộc tội).
2. Áp dụng vào phiên tòa giám đốc thẩm lần này
– Giám đốc thẩm là một phiên tòa cấp cao (sau phúc thẩm), càng phải triệt để tuân theo Luật 2015. Đó là tranh tụng (thay vì thẩm vấn) và suy đoán vô tội (thay vì suy đoán có tội), giảm oan sai, thay vì lải nhải cái khẩu hiệu bất khả thi, gồm hai vế: “1. Không bỏ lọt tội, 2. không để oan sai” – trong đó vế đầu thể hiện tư duy “suy đoán có tội”.
– Đối tượng bị đưa ra xử ở phiên tòa giám đốc thẩm không phải là con người, mà là các bản án. Chúng bị “kiện”, vì chúng được tạo ra bằng con đường vi phạm Luật tố tụng hình sự. Bị cáo (cụ thể là bản án) cũng có người bảo vệ. Đó là những người tạo ra chúng, gồm: Điều tra viên, kiểm sát viên, công tố, quan tòa. Họ phải tranh tụng với những người là nạn nhân của bản án này…
– Rất dễ thấy, hai bên tranh tụng với nhau gồm có:
a) Bên tạo ra bản án: gồm điều tra viên, kiểm sát viên, quan tòa, nhân chứng (nếu khai gian dối)… có nghĩa vụ bảo vệ “thân chủ” của mình – tức là bảo vệ bản án do chính họ tạo ra, nay bị kiện. Trường hợp cụ thể: Lần này, chính là bản án phúc thẩm (xử tử Hồ Duy Hải) do giới chức tư pháp Long An tạo ra.
b) Bên phê phán, kết tội bản án: Gồm nơi kháng nghị (VKS), các vị luật sư Nguyễn Văn Đạt, Trần Hồng Phong, bị cáo Hải… Nếu trong quá trình kêu oan cho con, bà mẹ của Hải có bằng chứng bị cản trở, thù hằn… cũng có quyền xuất hiện ở phiên tòa. Họ là bên đi kiện vì bị thiệt hại do bản án này mang lại. Ví dụ, tuy bị cáo nhiều lần ký vào “biên bản nhận tội”, nhưng mỗi lần ra tòa lại kêu oan, phản cung… thì đó là dấu hiệu bị bức cung. Muốn sáng tỏ điều này, nhất thiết bị cáo phải có mặt ở phiên giám đốc thẩm, tự đưa ra chứng cứ của mình. Thật vô nghĩa, khi tại phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua, người ta cứ sưng sưng (thay mặt Hồ Duy Hải) nói rằng… không có bức cung (!)
– Các thẩm phán là trọng tài. Phán quyết của họ dựa vào bộ luật tố tụng hình sự và chỉ dựa vào nó mà thôi. Điểm nhấn mạnh (nhấn mạnh 1000 lần) là bất cứ chứng cứ gì (của mỗi bên) đưa ra trước tòa cũng phải được tranh tụng cho đến khi trọng tài (thẩm phán) có đủ cơ sở để phán quyết Đúng – Sai ngã ngũ, ở mức cả hai bên đều phục.
3. Một ví dụ, lẽ ra phải đưa ra và phải tranh tụng đến cùng
– Ông Đinh Vũ Thường tới bưu điện Cầu Voi để sử dụng dịch vụ (gọi điện về Cà mau) hồi 19h39′, do vậy có vai trò nhân chứng. Ông đã khai rõ trong bút lục số 20 (nay còn lưu trong hồ sơ vụ án): …nhìn thấy một thanh niên trong phòng khách (nhân chứng đứng từ xa, nên chỉ có thể mô tả sơ qua: màu áo mặc, mái tóc, độ tuổi…). Và hai bên không quen biết. Ấy thế mà giấy trắng, mực đen trong Cáo Trạng lại bịa ra (nguyên văn) như sau: “Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong ghế tại Bưu điện lúc 19:39′“.
Chính cái câu 20 chữ bịa đặt nói trên đã biến Hồ Duy Hải từ ngoại phạm thành tội phạm. Đã gọi là phiên giám đốc thẩm, phải tranh tụng đến cùng, để giải đáp dứt khoát các câu hỏi: Hành vi này (sửa đổi lời khai của nhân chứng) là cố ý hay không cố ý? Đây chỉ là “sai sót”, hay thật sự là “sai phạm”? Có thể coi đây là hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án” hay không? Bản án được tạo ra từ hồ sơ sai lệch có còn giá trị?…
Phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua tốn 2,5 ngày. Nếu ví dụ trên được tranh luận cho ra nhẽ, chỉ cần tốn 2,5 giờ là phiên tòa kết thúc! Nhưng đó là “nếu”.
4. Những hy vọng và nghi ngờ trước khi khai mạc phiên tòa
a- Những người hy vọng phiên tòa sẽ chấp nhận kháng nghị của Viện KS trước hết là gia đình Hồ Duy Hải và vị luật sư đã theo đuổi vụ này hàng chục năm. Nói khác, đó là hy vọng vụ Hồ Duy Hải sẽ được xử lại. Luật sư đã chuẩn bị rất đầy đủ để tham gia tranh tụng. Bởi lẽ, đây là phiên tòa phải xử theo luật tố tụng 2015 (mới), lấy tranh tụng làm hoạt động chính của phiên tòa, còn hội đồng thẩm phán trở thành trọng tài đánh giá sự tranh tụng giữa 2 bên (buộc tội và gỡ tội) và lấy phương châm suy đoán vô tội để để tránh oan sai (đã nói ở trên). Nhiều bài báo và dư luận xã hội cũng thể hiện thái độ theo chiều hướng này.
b- Vẫn có những nghi ngờ, cho rằng đây là phiên tòa đã có sẵn bản kết luận “bỏ túi”. Có 2 căn cứ:
a) Ông Nguyễn Hòa Bình suốt nhiều năm, ở cương vị tối cao, đã không kháng nghị vụ án này. Lẽ ra, ông nên từ chối chủ tọa phiên tòa, thì dường như ông lại hăm hở nhận việc.
b) Vụ BS Hoàng Công Lương tuy được xử theo luật mới, nhưng vẫn bị buộc tội bằng các chứng cứ ngụy tạo – được luật sư công khai hóa. Lẽ ra, ở cương vị “tối cao” ông Nguyễn Hòa Bình phải biết, phải có ý kiến…
5. Sai phạm gì ngay tại phiên giám đốc thẩm?
Rất nhiều chứng cứ mới được phát hiện gần đây cho thấy, ngay từ bước điều tra đã có những sai phạm lớn trong vụ án Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, chúng không thuộc nội dung của phần này. Nếu chúng được nhắc tới ở phần này thì chỉ có vai trò là những ví dụ minh họa. Còn ở đây, chỉ nói tới sai phạm của bản thân phiên tòa giám đốc thẩm do đồng chí Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa mà thôi.
a) Phù hợp chủ đề, có vài bài trên mạng đáng lưu ý:
Bài 1: “Nếu không hủy bản án Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, uy tín của nền tư pháp Việt nam sẽ bị sụp đổ” của Tiến sĩ khoa học Thái Vĩnh Thắng, cựu Chủ nhiệm khoa Pháp Luật Hành chính – Nhà nước, thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội, từng tu nghiệp và lấy bằng Thẩm phán của trường Thẩm phán quốc gia Cộng hòa Pháp tại Bordeaux. Ông Thắng nêu ra nhiều điểm sai phạm, như: Chánh án Nguyễn Hòa Bình lẽ ra không được tham gia phiên tòa; không tạo điều kiện để các thẩm phán được độc lập quyết định…
Tuy nhiên, có vài “sai phạm” được ông nêu nhưng chưa phù hợp. Đó là: Không tôn trọng quyền tự bào chữa của bị can (ở tòa này, bị can là bản án, không thể tự bào chữa); hoặc: Tòa này đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội (có lợi cho bị cáo Hồ Duy Hải). Thật ra, bị cáo tại phiên tòa giám đốc thẩm không phải là bản thân Hồ Duy Hải, mà là bản án phúc thẩm vụ án.
Bài 2. Vụ Hồ Duy Hải: 10 sai sót của hội đồng thẩm phán, của tác giả Nguyễn Hùng, đăng trên VOA. Trước hết, đó là: Chủ toạ phiên giám đốc thẩm chính là người từng quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Hải. Đây đúng là sai phạm của phiên tòa. Nhưng từ sai sót thứ hai trở đi, chưa đủ để gọi là “sai sót diễn ra tại phiên tòa”. Ví dụ: Ông Bình là bí thư TƯ đảng thì không được chủ tọa phiên tòa (không có quy định nào như vậy); hoặc ví dụ khác: Tất cả 16 thẩm phán đều bỏ phiếu theo ông Bình (chưa có bằng chứng)…
6) Thật sự, phiên tòa này sai phạm gì?
a) Trước hết, 17 thẩm phán đã từ bỏ chức năng trọng tài của mình. Và đây chính là sự vi phạm luật (mới), và vi phạm nặng nề, nhưng rất ấu trĩ.
Các vị thẩm phán được ngồi ở đúng vị trí trọng tài: vừa cao, vừa bao quát, vừa oai nghiêm… để thuận tiện điều khiển phiên tòa, theo dõi, lắng nghe hai bên tranh tụng (đấu lý). Khi cần phán quyết thắng/thua, các vị ở vị trí đủ oai nghiêm để phát ngôn. Rõ khốn khổ! Các vị lại tự biến mình thành người tham gia đấu lý.
Cứ xem cách bố trí phiên tòa là đủ rõ. Mọi người thấy các ông áo đỏ đối diện với các ông áo xanh. Các ông áo đỏ áp đảo các ông áo xanh về số lượng (17 và 5) về vị trí (ngồi cao hơn, tư thế oai hơn) và về quyền hành (áo xanh muốn nói phải được áo đỏ cho phép). Thật, chẳng còn ra thể thống gì…
b) Hội đồng trọng tài lần này gồm toàn thể 17 vị thẩm phán tối cao của đất nước, bằng cấp đầy mình, nhưng không phân biệt được đâu là bên “nguyên” (khởi kiện), đâu là bên “bị”; để bố trí họ ngồi ngang nhau và đối diện nhau (thuận lợi để hai bên tranh cãi, đấu lý). Rốt cuộc, các đấng trọng tài quốc gia (đứng đầu là chánh án tòa tối cao) đã bố trí cả hai phía đối diện với… chính các ông!!!
– Ngay trẻ em tiểu học khi xem một trận đấu bóng chuyền cũng biết hai đội (đối thủ) phải quay mặt vào nhau, tức đối diện nhau, để đấu tài, đấu sức; còn trọng tài phải ở vị trí cao hơn, để thuận tiện quan sát, điều khiển trận đấu và quyết định thắng thua “từng bàn một”.
b) Phiên tòa này không có tranh tụng đúng nghĩa. Đó là vi phạm luật. Do vậy, không thể bật ra sự thật, không thể kết luận đúng/sai. Không có trọng tài, do vậy hai bên không thể tranh tụng đến cùng, mà chủ yếu là mỗi bên đối đáp với… thẩm phán và trả lời mỗi khi được thẩm phán hỏi. Bóng ma một phiên tòa phúc thẩm vẫn hiện về khá rõ.
Cuối cùng, các thẩm phán “hội ý nội bộ” để sản xuất ra Bản Quyết Định giám đốc thẩm gồm 17 điểm (có báo nói 18 điểm), được coi là đã “bác bỏ toàn bộ nội dung mà Viện KS kháng nghị”. Ông Nguyễn Trí Tuệ sẽ lưu tên trong Lịch Sử vì đã thay mặt 17 thành viên HĐTP đọc to nó vào chiều 8/5/2020.
Xin trích (nguyên văn) điểm Thứ 2 (trong số 17 điểm nói trên) để bàn luận. Nó được trích vì phù hợp với ví dụ đã nêu ở phần 3 của bài (liên quan nhân chứng Đinh Vũ Thường).
– Thứ 2, kháng nghị cho rằng Hải không thể có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trước 19h39 ngày xảy ra vụ án. HĐTP nêu viện dẫn việc nhân chứng Đinh Vũ Thường có mặt ở bưu điện trước thời điểm này; thời gian Hải ở quán cầm đồ, gặp một số người khác… rồi đến bưu điện. Qua đây, HĐTP kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường lúc 19h34 là có căn cứ.
“Nếu” có tranh tụng đúng nghĩa, “từng điểm một”, để đi tới cùng… thì đoạn in nghiêng ở trên không thể ngông nghênh như vậy. Đã không “thực nghiệm hiện trường” mà chỉ toàn suy luận, sao dám bảo rằng “có căn cứ”?
c) Bản án bỏ túi: Thể hiện không nhiều thì ít, ở 4 câu hỏi đưa ra để lấy biểu quyết về toàn bộ vụ án.
Câu 1: Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết quá trình điều tra vụ án có những sai sót về tố tụng nhưng “không thay đổi bản chất vụ án”.
– Thế này ạ! Hai chữ “sai sót” do các vị thẩm phán chọn lựa để đưa vào câu hỏi… là sự cố ý, hay là do trình độ tiếng việt chưa đủ? Nếu có tranh tụng tới cùng, tranh tụng từng bằng chứng… Ví dụ, việc bịa đặt lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường là “sai sót” hay “vi phạm” (?). Miễn cần bàn tiếp, chúng ta cũng thấy lấp ló một bản án soạn sẵn, nhét túi, trước khi khai mạc phiên tòa.
Lại còn 4 chữ “bản chất vụ án”… Nó cần được các vị thẩm phán định nghĩa – vì khái niệm chưa có trong Luật. Việc cứ đai đi, đai lại 4 chữ này có phải là cố ý? Nếu cố ý, thì để làm gì? Liệu có phải là để nằng nặc giết Hồ Duy Hải?
Tôi nghĩ thế này: Đã gọi là “bản chất” thì nó không thay đổi qua không gian và thời gian. Tức là bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, vụ án ở bưu điện Cầu Voi vẫn là vụ án giết người. Vậy thôi. Bản chất vụ án không thay đổi, nhưng tình tiết vụ án (ví dụ, thủ phạm) thì thay đổi theo kết quả điều tra và xét xử. Giả sử, nếu Hồ Duy Hải được minh oan, thì bản chất vụ án vẫn là “giết người”.
Bàn thêm, nếu Hồ Duy Hải thoát chết, thì sẽ tạo ra vụ án mới, bản chất là mưu sát. Tên gọi đúng bản chất sẽ không thay đổi theo thời gian. Nhưng thủ phạm, tòng phạm mưu sát có thể thay đổi tùy theo kết quả khám phá và xét xử.
Câu 2: Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết các bản án xét xử Hồ Duy Hải là “đúng người, đúng tội, đúng mức án”.
– Chẳng cần bàn dài, tốn công. Câu 2 là con đẻ của câu 1. Chúng cùng trình độ tư duy, cùng ý đồ, cùng do “tập thể” nghĩ ra. Đọc, thấy chán vãi trấu!
Nó cho thấy cái TÀI của 17 vị thẩm phán quốc gia (suốt 4 tháng nghiên cứu mà không phát hiện nổi những vô lý, mâu thuẫn trong hồ sơ và trong bản án. Các bút lục được ghi theo thứ tự, do vậy thiếu cái nào rất dễ phát hiện, nhưng 17 con người này lại không thấy có nhiều bút lục (có lợi cho Hải) bị rút khỏi hồ sơ. Lại còn cái TÂM nữa. Chủ đạo trong đầu của 17 con người này là “suy đoán có tội”.
Câu 3: Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực như vậy quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có đúng pháp luật hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.
Đây là câu khôi hài, giúp vui… để mọi người đỡ bực mình khi trót đọc câu 1 và câu 2. Câu 3 được chuẩn bị sẵn, bỏ túi từ rất lâu rồi. Cái bản Kháng Nghị của VKS được gửi đến tòa án tối cao từ tháng 11-2019. Nếu ông chánh tòa tối cao thấy nó “không đúng pháp luật” sao ông không bác bỏ nó ngay lúc đó? Chính vì ông chấp nhận nó đúng pháp luật, nên mới có phiên tòa này.
Câu cuối: Hội đồng thẩm phán có chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.
Liệu có nên bàn câu 4 không?
d) Bỏ phiếu công khai
Việc huy động cả 16 thẩm phán dưới quyền (lẽ ra chỉ cần 5 vị) tham gia phiên tòa, nói lên, đây là trận quyết đấu của đồng chí Nguyễn Hòa Bình. Bỏ phiếu công khai (giơ tay) nói lên thái độ thách thức. Kết quả bỏ phiếu 17/17 nói lên thái độ ngạo nghễ (chiến thắng vẻ vang). Nhưng đây là con dao hai lưỡi. Nếu bàn, sẽ viết được một bài dài. Nhưng nếu bàn ở đây sẽ lạc đề.
Chỉ xin nói rằng, bầu cử dân chủ phải tuân theo 4 nguyên tắc:
– Phổ thông: Mọi cử tri, ai cũng có quyền bỏ một lá phiếu;
– Bình đẳng: Mọi lá phiếu có giá trị như nhau (bất kể địa vị cử tri…);
– Trực tiếp: Tự bỏ phiếu vào hòm. Không chấp nhận đại cử tri;
– Phiếu kín: Thể hiện đúng quyết định cá nhân, với suy nghĩ độc lập.
(Còn tiếp)