Tối qua, gã nghe Lộc Vàng hát, quán nhỏ bên hồ Tây. Trước khi hát, Lộc Vàng nói: ngày mai, 27.3 tròn đúng 50 năm tôi bị bắt giam. Đêm nay là canh hát tưởng nhớ tới cái ngày ấy. Tôi xin hát lại những bài hát mà chính vì nó mà tôi cùng Toán Xồm và một số chàng trai Hà Nội bị còng tay.
Lộc Vàng hát.
Khoan khoan hò ơi
Đường về dương thế xa vời
Khoan khoan hò ơi
Lạnh lùng em đã rời tôi.
Lộc Vàng hát.
Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Lộc Vàng hát và khóc:
Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều.
Và cố nén tiếng nấc: Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ…
Ngày ấy 27.3.1968 chàng trai vừa qua tuổi 20 tên là Nguyễn Văn Lộc vì mê và yêu những tình ca Hà Nội, một Hà Nội xưa được gọi là nhạc vàng nên gán thành tên Lộc Vàng. Và một cô gái xinh đẹp 16 tuổi tối tối lén chân cầu thang nghe chàng trai ấy hát những tình khúc buồn của chia ly ấy, của khói sương mơ màng ấy đã thầm yêu chàng. Rồi nàng đã chờ đúng 10 năm chàng biền biệt nơi rừng rú trở về để chạy tới ôm chặt chàng,khóc.
Lộc Vàng kể cho nàng nghe, 10 năm tù vì hát những tình khúc của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Anh Bằng… khi ra tù, đến ga Lao Cai để lên tàu về Hà Nội, đã như chết đứng khi nghe từ các quán nước, quán cafe phát ầm ĩ chính những bài hát đó.
Đêm hát gọi là kỷ niệm 50 năm ngày bị tù chỉ vài người bạn. Hoa hồng vàng sáu lọ. Sao lại sáu? Lộc là sáu, hay sáu là sáu người bạn trong ban nhạc đàn hát cho nhau lén nghe giữa hai hồi còi báo động của chiến tranh những tình ca… vàng rồi cùng bị tống vào trại giam, rồi đến hôm nay, sáu người bạn ấy đã không còn nữa. Trong đó có chàng lãng tử Toán Xồm tài năng guitar hút hồn bao cô gái Hà Nội phố đài các và xinh đẹp đã trút hơi thở cuối cùng một đêm hè bên vỉa hè…
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi theo dòng đời…
Lộc Vàng đã hát tiễn đưa Toán Xồm câu ca ấy.
Gã ngồi lặng nghe Lộc Vàng kể trong nước mắt về Mai, cô gái đã mê tiếng hát của Lộc Vàng để rồi 10 năm chờ đợi. Để rồi gánh bao cơ cực làm vợ một tên từng đi tù.
Mai là diễn viên chính, trẻ, tài năng của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương, chỉ vì câu nói của vị trưởng đoàn: Em đang rất nhiều triển vọng, tại sao lại dính vào một tên tù phản động như thế? Mai đã nói: hát những bài tình ca sao lại là phản động?! Nói xong, Mai bỏ đoàn, bỏ danh hiệu nghệ sĩ nhà nước để ra vỉa hè bán đậu phụ.
Lộc Vàng kể: Sân khấu ca nhạc của nghệ sĩ Khắc Huề mời tôi hát. Tôi bảo tôi chỉ biết hát dòng nhạc vàng. Khắc Huề bảo, thì ông cứ hát nhạc vàng. Tôi đi hát, Mai ôm con đi theo. Tôi bảo em theo làm gì? Mai bảo, em sợ, anh lại bị bắt, em còn biết chỗ mà tìm anh.
Lộc Vàng kể:
Thế mà Mai nỡ bỏ tôi mà đi. Mai bệnh, biết khó qua khỏi, đêm trước khi ra đi, Mai bảo tôi: Anh hát cho em nghe đi. Tôi muốn hát một bài thật vui, nhưng tôi chả biết hát bài nào vui cả. Mai bảo, anh hát “Niệm khúc cuối” của Ngô Thuỵ Miên đi!
Tôi hát:
Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây bay, cho bão tố kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, tình ơi, dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em…
Gã cầm một bông hồng vàng bước lên sân khấu tặng cho Lộc Vàng khi Lộc Vàng hát lại bài hát ấy, bài hát mà ông đã hát tiễn biệt người con gái Hà Nội ông yêu thương nhất…
Khi gã bước xuống, nói với nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, người chụp được những tấm hình Lộc Vàng đi tìm Toán Xồm để mời bạn điếu thuốc trước khi Toán Xồm chết trên hè phố Hà Nội : Hồng không có gai ông ạ.
Nguyễn Đình Toán bảo: Hồng do chính Lộc Vàng mua, đêm hát nào cũng vậy cắm vào sáu bình và trước khi cắm Lộc Vàng đã tỉ mẩn cắt từng chiếc gai …