Nhớ Cây Gọi “Chú”, Nhớ Nhà “Bậu Ơi!”

0
263
Một góc Dinh Thượng Thơ

TriViet News

Thúy Hà

Hôm kia đọc từ Facebook bài thiệt dài của một người Việt trẻ ở San Jose khóc Dinh Thượng Thơ ở Sài Gòn sắp bị phá bỏ không thương tiếc bất chấp mọi lời can gián bảo vệ một di sản văn hóa của cộng đồng. Bài viết (1) kết thúc bằng câu:

“Qua thương bậu lắm bậu ơi !

Vĩnh biệt nha Dinh Thượng Thơ Sài Gòn của qua!!!”

Tôi bỗng nhớ bài thơ Bông Giấy của nhà thơ Cao Tần:

“Tưởng ta nhớ chú lắm sao 
Này cây bông giấy bên rào năm xưa
Chẳng qua trời đổ cơn mưa
Thì thương cành mọn đong đưa một mình”

(12-1977)

Đều ở nơi xứ xa nhớ về Sài Gòn, người thì nhớ tiếc một tòa nhà cũ đến phải kêu nhà là “bậu” xưng “qua”, người thì nhớ cây bông giấy cũ thân quen đến độ gọi “chú” (em) xưng “ta”! Cái thương nhớ ấy, thốt lên như thế, xưng hô như thế, là gì ngoài nỗi quê hương?

Nỗi quê hương là gì nếu không là ký ức từ ngọn cây, mái nhà, ô cửa, con đường… từng gắn bó đời mình, rồi đến lúc nào đó tự nhiên thành máu thịt. Những người – dù đang sống ngay giữa quê hương hay đà xa xứ – nếu không có cái nỗi niềm này, thì neo đậu vào đâu cái bản ngã nguồn cội của mình? Người biết nhớ cái cây như một đứa em, biết thương cái nhà như tình qua với bậu… ắt là người giàu có lắm. Thi thoảng, tôi vẫn mừng vui khi bắt được cái sự giàu có ấy, trên những trang viết – như đọc ở Facebook Lưu Hương đoạn tự sự này: “Tôi đồ rằng, bất cứ đứa trẻ nào cũng có một cái cây của riêng mình, như tôi từng có một cây kim phượng hoa vàng gắn với những rung động tuổi thơ trong trẻo. Mỗi cái cây đều có thể kể cho bạn nghe một câu chuyện. Có những câu chuyện chỉ riêng mình bạn biết. Có những câu chuyện là ký ức chung của nhiều thế hệ, nhiều khu phố, nhiều gia đình… Nếu như từ những ô cửa sổ nhìn ra không thấy một cái cây nào, cuộc sống hẳn là sẽ trở nên khó khăn nhiều hơn nữa!”

Hương làm tôi nhớ đến hàng cây xà cừ đường Tôn Đức Thắng vừa bị đốn hạ, hàng cây trùm bóng như rừng dẫn đến cổng trường Văn Khoa-Tổng hợp của chúng tôi những năm tuổi trẻ…

Đóa hồng đỏ tiếc thương hàng xà cừ trăm năm đường Tôn Đức Thắng bị đốn hạ tháng 1-2018

Hàng cây Tôn Đức Thắng làm tôi nhớ đến những dòng thơ “Khóc Cây” của Ly Hoàng Ly đã được đăng trên tạp chí Người Đô Thị hồi tháng 1 năm nay. Đó là những dòng đau đớn và bất lực mà Ly viết trong đêm 16-1-2018 khi cô đi dọc con đường Tôn Đức Thắng trống hoác, xa lạ với những gốc cổ thụ vừa bị chặt, trên mỗi gốc cây đang còn tươm nhựa là một bông hồng đỏ ai đó đã đặt lên, như một lời đưa tiễn.

“…Cắt phăng trăm năm cần bao nhiêu công?
Cần bao nhiêu máy móc thiết bị?
Nói cho tôi nghe
Để tôi viết vào sổ tay lịch sử

… Mọi người và tôi đi trong nghĩa trang không bia mộ
Ô tô xe tải
Xe gắn máy
Xe đạp
lừ lừ chúng tôi những cái xác
ướp bảo tàng diệt chủng bằng chất liệu thờ ơ

… Nhìn pháp trường hành quyết những tiền nhân đương xanh um vào mỗi nửa đêm
Bầu trời Tôn Đức Thắng
hoang hoác
Nước mắt trở nên hèn hạ quá
Nên không khóc đâu
Không khóc đâu
Không
Khóc”

Trước đó, năm 2016, khi rộ lên thông tin chặt bỏ 258 cây xanh trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng để thi công cầu Thủ Thiêm 2 – một dự án còn gây tranh cãi về giải pháp giao thông có phù hợp cho nội thành hay không và dư luận đòi hỏi không chỉ ở góc độ kết nối giao thông mà phải được nhìn ở góc độ quy hoạch đô thị, bảo tồn môi sinh, lịch sử… ”, tháng 3-2016, Ly Hoàng Ly cùng nhiều bạn trẻ đã lặng lẽ thực hiện một cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt trên con đường này với chủ đề “Ôm cây – Ôm người ta yêu thương – Ôm chính mình”. Con đường trở thành một bảo tàng không gian, thành một phòng triển lãm ngoài trời cho người người ôm cây với sự biết ơn và tiếc nhớ. Triển lãm có một không hai ở Sài Gòn.

Người Sài Gòn trẻ trong cuộc trình diễn “Ôm cây… Ôm chính mình” trên đường Tôn Đức Tắng tháng 3-2016

Hoặc như hồi Tết rồi tôi đọc được một bài thú vị (trên báo Xuân Người Việt) của nhà báo Đỗ Quí Toàn: “Cây Thanh Lương Trà Ở Làng Cây Phong“, kể lại hành trình hàng chục năm đi tìm kiếm loài cây mà ông chỉ biết tên nó từ tác phẩm Doctor Zhivago đọc thời trai trẻ, như một mối tương tư với người đẹp là cái cây chưa biết mặt. Tôi cũng thấy ông nhà báo họ Đỗ này giàu có quá với tài khoản tâm tồn dành cho cây cối nơi ông: “Chắc tiền kiếp xa xưa tôi là cây mọc trong rừng, tới kiếp này khi nhìn cây cối là bồi hồi cảm động như gặp lại “cố tri”… Suốt đời nhìn cây là thấy đẹp, tôi chưa bao giờ thấy một thứ cây nào xấu xí”.

Cái cây đã ám ảnh ông nhà báo ấy tôi cũng đã gặp ở Alaska dịp hè năm ngoái mà không biết đó là thanh lương trà trong tác phẩm lừng danh của Boris Pasternak. Tôi cũng không có cái mê say dành cho nó như ông nên tôi chỉ trầm trồ trước vẻ đẹp của nó, chụp ảnh nó, rồi thôi.

Nhưng cái nhớ nhung với “chú em” bông giấy ở Sài Gòn như nhà thơ Cao Tần thì tôi có. Phía trên cánh cổng nhà tôi ở con hẻm nhỏ đường Bạch Đằng – Tân Bình là một giàn bông giấy, những cây những cành ấy từng chứng kiến bao vào ra, đổi thay, được mất của tôi ở chốn ấy. Tôi còn nhớ buổi sớm đầu tiên về lại Sài Gòn sau ba năm sang Mỹ định cư, cả đêm không ngủ được tôi đã xuống nhà đứng dưới vòm bông giấy xum xuê, bồi hồi khôn tả… Rồi trời đổ mưa, khi vừa tạnh ráo tôi vội cầm máy ảnh ra, thu vào ống kính giọt nước mưa đọng cuối chiếc lá nhỏ rung rinh, trên chiếc lá ấy là vòm bông giấy xum xuê, trên vòm bông giấy xum xuê là đám dây điện chằng chịt, trên đám dây điện chằng chịt là bầu trời, bầu trời Sài Gòn, một phần đời của tôi. Cảm giác thật gần gũi, như mới hôm qua vậy.

Cây Thanh Lương Trà ở Alaska (tháng 8-2016)

Nên khi vô tình đọc được bài thơ Bông Giấy, tôi thích lắm, và bật cười: ông Cao Tần gọi cây bông giấy bên rào của ổng bằng “chú”, thì mình gọi cây bông giấy nhà mình là… “dì” vậy, vì nó xùm xòe trĩu nặng thế kia, che được cả vài người núp mưa dưới cổng…

Nếu người Sài Gòn gọi cây là chú là dì, thì người Mỹ gọi cây là Tướng quân! “General Sherman” là tên gọi đầy ngưỡng mộ và tự hào mà họ dành cho cây cổ thụ lớn nhất quả đất gần 3.000 năm tuổi ở Vườn quốc gia Sequoia-California. Sherman là vị đại tướng huyền thoại trong Nội chiến Mỹ, có nhiều công trạng thời lập quốc. Cao gần 100 mét, chu vi thân 34m, nặng 2.000 tấn, cái cây mang tên tướng quân này được coi là nhân chứng sống lâu nhất trên hành tinh của chúng ta. Vào rừng Sequoia một ngày mưa cách nay hơn tháng, tôi đã xúc động không phải với tấm bảng khắc tên “General Sherman” lừng lững dựng trước cái cây huyền thoại, mà là với những tấm bảng nhỏ xíu cắm ngay các lối đi: “Hãy cho cây cỏ một cơ hội. Làm ơn đừng dẫm đạp vào!”.

Cây cổ thụ”General Sherman” lớn nhất trái đất 3.000 năm tuổi ở Sequoia

Hãy cho cây cỏ một cơ hội, dưới đất kia là bao hạt mầm! Người ta biết rằng loài tùng Sequoia khổng lồ này sinh ra từ hạt giống bé tí, chỉ bằng cỡ đồng xu nhỏ, có nghiên cứu còn cho rằng vào thời điểm khi các Pharaoh ở Ai Cập đặt nền móng xây dựng Kim Tự Tháp, thì ở vùng rừng California này, hạt giống sequoia bắt đầu nảy mầm. Sau 2.000 năm, đế quốc La Mã đến hồi cực thịnh, thì cây tùng đã đạt đến kích cỡ khổng lồ. Và cho tới nay, khi nhiều nền văn minh biến mất, các Kim Tự Tháp bị những cơn bão vùi chôn, thì những cây tùng khổng lồ vẫn hiên ngang sống. Người Mỹ đã rất tự hào về rừng cây vĩ đại ấy và biết ơn chúng như biết ơn vị tướng quân kia.

Còn chúng ta, hàng xà cừ đường Tôn Đức Thắng của của chú, dì, qua, bậu… chỉ hơn trăm tuổi, trồng từ trước năm 1873 (2) đã đủ già chưa, đã đủ tự hào chưa, đã đủ nhớ thương chưa, đã đủ biết ơn chưa với thành phố 300 năm tuổi này? Tôi thấy Ly Hoàng Ly và những bạn trẻ đã đến ôm từng cây đường Tôn Đức Thắng trong những ngày tháng 3-2016 ấy thật giàu có bởi họ đã kịp tỏ bày. Bởi hôm nay bao người Sài Gòn đã không còn kịp giữ lại gì cho mình khi một quãng bóng mát của ký ức đã ra đi, kể cả một vòng ôm cảm ơn và từ biệt.

“Cám ơn hoa đã vì ta nở” (Tô Thùy Yên)

Biết ơn cái đẹp, biết giữ gìn ký ức, con người ta sẽ trở nên giàu có biết bao nhiêu. Cái sự giàu khi có cái cây để gọi là “chú”, có cái nhà để kêu bằng “bậu”, biết đâu là nơi neo đậu của tâm hồn… Nó khác ngược với cái kiểu trịch thượng gọi Dinh Thượng Thơ là “nồi niêu xoong chảo” mà dân Sài Gòn đã được nghe, hôm kia, từ một trong những người đang nắm trong tay quyền sinh, quyền sát… (3).

“Nồi niêu xoong chảo” cũng là kiểu lập luận để người ta dựa vào nhân danh phát triển phải tạo “di sản mới” bằng cách xóa đi “di sản cũ”, xóa đi hồn đô thị, xóa đi vùng ký ức của thành phố này như đã lần lượt xóa Givral, Thương xá Tax, hàng cây Tôn Đức Thắng, di tích Ba Son, hay các cảnh quan Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn, Nhà hát lớn đã lần lượt bị những công trình hiện đại lấn át, che lấp.

Rồi sắp tới đây sẽ là Dinh Thượng Thơ 130 tuổi, Nhà thờ Thủ Thiêm gần 200 tuổi…

Cứ như thế, họ – những người đang nắm quyền sinh quyền sát – thật quá nghèo nàn bởi họ chẳng có gì để giữ, ngoài tiền.

Tác giả gửi Trí Việt News

…..

(1) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1983939885190297&set=a.1379012825683009.1073741828.100007229136959&type=3&theater)

(2) Theo một bài khảo cứu đăng trên báo Thanh Niên (https://thanhnien.vn/doi-song/cay-xanh-sai-gon-trong-tu-bao-gio-ky-2-giai-ma-hang-co-thu-tram-tuoi-694711.html): “… Sau khi rút kinh nghiệm từ việc trồng những cây me, bàng, xoài đã thất bại thì người Pháp triển khai việc quy hoạch và trồng những loại cây khác có tính bền vững hơn đó là cây xà cừ, hay còn gọi là cây sọ khỉ tại con đường này… Trên đường Tôn Đức Thắng những hàng cây xà cừ này đã được trồng từ trước năm 1873… việc trồng cây cũng không ngoài việc tạo bóng mát, điều tiết khí hậu trong một đô thị mới…” 

(3) http://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-can-trung-tam-hanh-chinh-hay-cai-cach-hanh-chinh-13496.html

292550cookie-checkNhớ Cây Gọi “Chú”, Nhớ Nhà “Bậu Ơi!”