NHẬN XÉT VỀ THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC SAU NGÀY THỨ 142 CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE (15/7/2022)

0
313
đầu mối đường sắt và kho hậu cần ở Kupyansk

Phúc Lai GB cùng với Chân Vũ 

1. Đáng nhẽ không viết bài review tình hình chiến sự trên các mặt trận trong ngày thứ 142 của cuộc chiến Nga – Ukraine nhưng nhớ ra là ngày mai đi vắng cả ngày không viết được, nên lại loay hoay. Vì loay hoay nên có thể không hay, xin các bác bỏ quá cho.

• Bộ chỉ huy Nga vẫn cố gắng xua quân tấn công ở Donbas trên khá nhiều hướng: Spirne – Ivano – Daryivka (Donetsk) Dolomytne – Novoluhanske và Dolomytne – Semihirya (Bakhmut, hướng Luhansk). 

• Ngoài các hướng trên, họ vẫn tiếp tục pháo kích một loạt các điểm dân cư vùng Donbas, ngoài ra vẫn duy trì pháo kích ở Sumy và Kharkiv.

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai: Tin tức từ nhiều nguồn đều ghi nhận khả năng tấn công của Nga ở mặt trận Donbas trong những ngày qua và cả hôm qua, đều rất yếu và không những không tiến được mà còn phải rút lui khỏi những vị trí đã chiếm được.

Đồng thời ghi nhận của tình báo cả Ukraine lẫn phương Tây đều cho thấy, cường độ và mật độ, cả tần suất hỏa lực gián tiếp bằng pháo binh Nga đã yếu đi rất nhiều, có thể đánh giá trung bình đạt 10% so với trước đây – như hôm trước tui còn đọc một nguồn cho rằng chỉ đạt 5%. Con số không quan trọng, nhưng hiện nay Nga đang bắn nốt bằng đạn dược của những kho dã chiến cấp tiểu đoàn, tức là chỉ cách tiền duyên cỡ dưới 30km. 

Vì với mức độ tạo ra hỏa lực yếu như vậy thì bản thân nó so với yêu cầu tiêu chuẩn của Nga không có hiệu quả gì cả, nên việc cố gắng phản pháo và tìm các kho hậu cần dã chiến cũng không quá cần thiết. Tuy nhiên chúng ta vẫn thấy thỉnh thoảng có video trên mạng xã hội chia sẻ việc đơn vị này khác của Ukraine diệt một số khẩu đội pháo của Nga, là trong trường hợp thuận lợi, phát hiện ra người ta vẫn bắn.

Hôm nay thì đọc tin Nga bắn tên lửa vào Odesa.

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai: Câu chuyện có thể nói dở hôm qua vẫn tiếp tục. Khi bắn tên lửa vào Vinnytsia, truyền thông nước này dựa vào thông báo của Bộ Quốc phòng Nga đã tung tin địa điểm bị bắn là nơi… các quan chức cấp cao của Ukraine đang họp với quan chức Phương Tây. 

Thành phố Vinnytsia là thủ phủ của tỉnh Vinnytsia cùng tên, nằm ở phía Tây của Ukraine, cách thành phố Odesa 350km về phía bắc. Căn cứ vào vị trí này thì chúng ta cũng có thể đoán được đây là “tác phẩm” của Hạm đội Biển Đen và sử dụng Kalibr vẫn còn. Nếu #đoán_mò này đúng thì nó khẳng định những đoán mò hôm qua chúng ta đã đi đến được: Nga bắt đầu có hiện tượng buông mục tiêu chiếm miền nam Ukraine và do đó, đem tên lửa Kalibr ra bắn khá thoải mái. Hôm nay thì họ tiếp tục bắn vào Odesa.

Còn về phía Nga thì việc tấn công bằng tên lửa hành trình còn có mục đích kiếm chất liệu sáng tác truyện cổ tích. Tui không rõ giới chức quân sự chóp bu của phương Tây họ sang Ukraine mà lại tá túc ở cái thành phố quá xa mặt trận ấy để làm gì. Nếu là các quan sát viên, tình báo viên thu thập tin tức, đại diện của các hãng chế tạo vũ khí… thì phải càng gần mặt trận càng tốt. Còn nếu có “chóp bu” thật đến để, theo các DLV người Nga là để chỉ huy quân đội Ukraine (chứ người Ukraine tuổi gì mà đánh nhau được với quân đội Nga) thì họ ngồi luôn ở Kyiv “tiện đường tới bộ tổng, thuận lối tới trung ương” chứ. Thủ đô là chỗ có bảo vệ phòng không đàng hoàng, nhà cửa san sát, hầm hố metro dày đặc… ra cái chỗ khỉ ho cò gáy để nghe chim kêu vượn hót à. Có phải thời lập chiến khu Thủ đô gió ngàn đâu mà làm cái chuyện cháo bẹ rau rừng, sáng chui ra khỏi hang tối chui vào. Hâm bỏ mẹ. 

Đùa thế thôi chứ Vinnytsia là thành phố chẳng khỉ ho cò gáy tí nào. Nó cách thủ đô Kyiv có 260km về phía tây, còn từ đó đến thành phố Dnipro là 573km theo đường Е50/М04 và Е50/М12. Hiện nay Dnipro là trung tâm hậu cần của lực lượng Ukraine cho mặt trận phía đông. Vinnytsia với khoảng cách 429km đến Odesa, 369km đến Lviv thì rõ ràng, thành phố này có vị trí chiến lược về hậu cần trong tiếp nhận hàng hóa khí tài từ phương Tây sang và từ đó phân đi các mặt trận.

Vinnytsia là một trung tâm công nghiệp ở Ukraine. Ở thành phố này có tập đoàn bánh kẹo Roshen, tập đoàn đánh bóng kim cương Crystal, Tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất Ukraina RPC Fort, tập đoàn Analog (chuyên sản xuất thiết bị cho các trung tâm giải trí, công viên lớn), tập đoàn Mayak (thiết bị vô tuyến quân sự, thiết bị sưởi, thiết bị hàn…), tập đoàn Budmash (khai thác mỏ (mỏ đá), nhà máy xi măng, doanh nghiệp chế biến ngũ cốc, khu liên hợp năng lượng và nông công nghiệp), tập đoàn Agregat (mạng internet, IT), tập đoàn Pnevmatika (chuyên sản xuất các bộ phận và thiết bị khí nén dùng trong hệ thống khí nén của máy kéo, máy nông nghiệp, ô tô và thiết bị xây dựng đường bộ), Công ty PlasmaTec (công nghệ và vật liệu hàn)…

Trước đây, từ khi Thế chiến II kết thúc, Vinnytsia là nơi đặt căn cứ Không quân lớn của Liên Xô, bao gồm sân bay, bệnh viện, kho vũ khí và các cơ sở quân sự khác. Trụ sở của Tập đoàn quân tên lửa 43 thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược Xô-viết đóng tại Vinnytsia từ năm 1960 đến đầu những năm 1990. Tập đoàn quân máy bay ném bom hạng nặng độc lập số 2, sau này trở thành Tập đoàn quân không quân 24 của quân đội Liên Xô đóng tại Vinnytsia từ năm 1960 đến năm 1992.

Từ năm 1992, Vinnytsia là nơi Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine đặt trụ sở. Ngày 25 tháng 3 năm 2022 trung tâm chỉ huy của không quân Ukraine đã bị hư hại đáng kể bởi tên lửa hành trình của Nga bắn vào, và mới đây nhất là cuộc tấn công bằng 3 tên lửa hành trình ngày 14/7.

Chúng ta cũng không nghi ngờ rằng người Nga có tai mắt gián điệp và SBU dù truy quét đến mấy, cũng vẫn còn. Nếu họ có mục đích tấn công vào các kho khí tài của Ukraine nhận được từ phương Tây mà sử dụng tên lửa hành trình như thế thì đúng là chán – hoặc là tin tình báo đểu; hoặc là tên lửa đểu, có vấn đề.

Câu chuyện cũ lại nổi lên: cứ hễ bị đánh đau là họ lại bắn bừa và sáng tác truyện cổ tích. Lần này là mấy chục cái kho ở Donbas, Nova Kakhovka… và cả một Bộ chỉ huy ung dung họp bị “phơ” cho bốc hơi luôn. Đau hơn hoạn. Ngoài Nga đau còn có anh em DLV Tây Phi cũng đau không kém.

Kết luận về vụ bắn tên lửa lần này: Nga không đủ tên lửa chứ đủ thì chắc họ bắn nát thành phố ra rồi chứ. Vinnytsia trung tâm công nghiệp thế cơ mà.

• Chuyện hay nhất đối với tui là hôm nay đọc tin cái kho hậu cần to đùng của Nga ở… Kupyansk bị bắn bằng HIMARS (bản đồ kèm theo). 

đầu mối đường sắt và kho hậu cần ở Kupyansk

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai: Đó, chờ mãi. Chuyện này ngay từ khi bắt đầu #The_Battle_of_Donbas tui nói không dưới 5 lần: không cần phải chiếm Izyum làm gì đâu, chỉ cần quại đầu mối đường sắt và kho hậu cần ở Kupyansk là cụm 22 BTG của Nga ở đó đủ chết đói. Y như rằng.

Mà đúng là cũng kỳ thật – như mấy bài gần đây tui đều mò bản đồ rồi kể cho các bác, là rất nhiều điểm dân cư Ukraine họ chiếm được đã đặt Kupyansk vào trong tầm pháo, (còn Izyum thì khỏi nói, nó ở trong tầm pháo từ lâu rồi, chẳng qua là người ta chưa muốn bắn mà thôi) thế mà Nga cứ khơi khơi để tàu chạy huỳnh huỵch rồi kho bãi xếp thoải mái ra đó.

Cho đến hôm nay với tin này, “Tát được quyền bốp bốp” mà chính thức tuyên bố, chiến dịch Donbas của Nga đã đi vào ngõ cụt. Tầm này quân Nga ở Donbas tiến không xong mà lùi cũng không được. Mấy hôm nữa các kho dã chiến cạn hẳn thì cũng dừng tấn công cả thôi, lấy tay ra mà bắn à.

Du kích Ukraine ở Crimea tuyên bố “săn lùng” chỉ huy một tàu ngầm hoạt động độc lập của Hạm đội Biển Đen thuộc Liên bang Nga, thuyền trưởng đại tá Anatoly Varochkin

• Trong một diễn biến khác, các đội viên du kích Ukraine ở Crimea tuyên bố “săn lùng” chỉ huy một tàu ngầm hoạt động độc lập của Hạm đội Biển Đen thuộc Liên bang Nga, thuyền trưởng đại tá Anatoly Varochkin, địa chỉ căn hộ 108 phố Yumasheva 25 thành phố Sevastopol vì có thông tin cho rằng chính ông ta là người ra lệnh bắn phá Vinnitsa bằng tên lửa hành trình. Họ đề nghị một mức bồi dưỡng cho người xử lý Varochkin là 15.000 đô-la.

• Tin mới nhất: Lính Nga bộ phận canh kho đạn đã đào ngũ hàng loạt. Tình báo Ukraine báo cáo như vậy. 

He he, tin này không cần bình loạn các bác nhé.

2. Chuyện #Nga_tổng_động_viên

Thế là cái điều chúng ta nói từ trước ngày 9/5 là liệu cái lão Putox này có tổng động viên nay không, đã đến. Hồi đó tui có đọc ý kiến của một chuyên gia nào là “Putox có thể ra lệnh tổng động viên một phần” – nhưng ông đó không nói một phần là như thế nào, và bây giờ thì đã rõ.

Về nhân lực, lão ta yêu cầu 85 oblasts (vùng) của Nga mỗi vùng tuyển cho được một tiểu đoàn, quân già ốm cũng được. Cái này nghe có vẻ chưa… tổng động viên lắm.

Về nguồn lực, thì rất… tổng động viên. Lão ta ký luật yêu cầu tất cả các doanh nghiệp trong nước bất kể dân sự hay quân sự, tư nhân hay Nhà nước đều phải phục vụ cho quốc phòng. Đây là mệnh lệnh thời chiến, ngoài việc công nhân phải làm tăng ca và không có ngày nghỉ, còn là việc yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu và kế hoạch của nền quốc phòng, chứ không theo nhu cầu thị trường. Tất nhiên là để bù đắp, thì ngân sách nhà nước thông qua ngân sách quốc phòng vẫn chi trả, chứ không đến nỗi… cướp trên giàn mướp. 

Cơ mà nếu như vậy thì sẽ có sự chia sẻ bắt buộc giữa một bên là các chú bộ đội Nga và bên kia là các cháu sơ sinh trong vấn đề giấy ướt. Cách đây cỡ hơn tuần tui đọc ở đâu có thằng Nga nó chửi: doanh nghiệp nước ngoài rút đi, bây giờ doanh nghiệp Nga mới vào sản xuất đến cái giấy ướt chùi đít cũng không ra hồn, chưa chùi đã bục. Tởm.

Tởm ở đây không chỉ là tởm vì bẩn, mà tởm vì cái nền sản xuất của một trong những cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân mà chẳng có sản phẩm nào ra hồn.

Bây giờ đã là lúc toàn bộ nền sản xuất bị bỏ hoang lâu nay của “cường quốc” bắt đầu cựa quậy, nó phải sản xuất từ cái đinh đóng vào tưởng (hôm trước nghe tin họ nhập khẩu từ Phần Lan hay Trung Quốc nhỉ, bác nào nhắc hộ tui cái) cho đến những bộ phận rất quan trọng của động cơ ô tô và xe tăng – như hệ thống phun nhiên liệu, hộp số…

Các bác cho xin 5 phút hoài niệm. Hồi tham gia vào vụ hãng xe K muốn quay lại thị trường Tây Phi sau một số năm gián đoạn, tui có mấy lần rất bất ngờ. Một số chủ buôn hàng nông sản từ Tây Phi sang… Bắc Lào khẳng định, xe tải chở kim loại không phải hàng nặng, chở máy móc cũng chưa nặng, mà nặng nhất là chở quặng và… sắn lát. Sắn sấy khô, thái lát các bác ạ. Nặng kinh khủng. Một cái K “3 chân, 2 cầu sau” cỡ 7 tấn hay 8, 9 tấn gì đó tui không nhớ, chỉ dám chở lưng lưng xe nhưng chỉ vài chuyến thu mua leo đèo Tây Bắc nhà mình, là bắt đầu có hiện tượng khó điều khiển. Về sau họ mới phát hiên ra là bu-lông ốc nhái phần gầm của K rất kém, chờn hết… thì đi một nhẽ, mà thép để làm khung xe cũng mềm, non… thua xa xe của Hàn Quốc. Vì thế khi chở nặng leo đèo, đường của ta thì hồi đó bé và chênh vênh, làm cho cả cái khung nó bị vặn.

Xe tải quân sự của K tui tin có khá hơn xe dân sự, nhưng chắc chắn thua xa tiêu chuẩn của rất nhiều nước trong khi chiến tranh thì ở đâu cũng như vậy.

Về nguyên tắc, nước La-tư có thể làm được nguyên chiếc xe tải quân sự, kể cả lốp dù đầu chiến tranh người ta phát giác ra họ mua lốp Trung Quốc lắp cho giàn phòng không hay gì đó. Tuy nhiên và câu chuyện sau khi chiến tranh nổ ra, xe của họ sẽ phải chạy bơm cao áp sản xuất trong nước, kim phun trong nước, piston plunger trong nước và hệ thống điều khiển chắc là… cơ khí của thế kỷ trước. Tui còn nghi nếu thiếu linh kiện để lắp hệ thống đánh lửa cùng bộ chia điện điện tử họ còn phải dùng lại bộ cơ khí (distributor) mà ở Việt Nam gọi là “đen-cô” (từ tên bộ chia điện lắp trên xe Cadillac đầu tiên năm 1912 do hãng Delco sản xuất).

Nghe thì có vẻ trào phúng như chuyện là thật – tui có thể khẳng định là với thâm niên mua linh kiện Liên Xô từ thời con đi-ốt to tướng bán cho cái bọn mạ điện và điện phân thuốc pháo, may ra bây giờ còn sản xuất được cái thứ đó chứ transistor là không có làm được đâu – sản xuất làm gì trong khi mua của Trung Quốc rẻ bèo. Bây giờ lại lóc cóc sang Trung Quốc mà mua thôi chứ còn gì. Những hàng đó thì mua tốt, vác lậu vài xe tải qua biên giới chẳng có gì khó khăn. Nên câu chuyện Delco cơ khí, chỉ là đùa thôi, La-tư họ giỏi lắm.

Vậy hậu quả của hành động lần này sẽ như thế nào?

Hôm qua có bác bảo là Nga “đốt tiền” – tui ngẫm ra chưa chắc đã hẳn như vậy – nếu giải thích theo hướng có lợi cho đương sự. Với đà này, Nga sẽ bị đóng cửa lâu lâu chứ không có được mở sớm các lệnh cấm vận và trừng phạt đâu. Như vậy, họ sẽ phải khởi động lại toàn bộ nền kinh tế tự cấp tự túc, và với mệnh lệnh thời chiến thì là nền kinh tế kế hoạch hóa, không biết có được kiểu Xô-viết ngày xưa hay không.

Vì khép kín, nên cũng có thể suy ra được rằng họ không bị chảy máu ngoại tệ vì hầu hết các nguyên liệu họ đều có, ngồi trên mỏ tài nguyên mà. Về nhu yếu phẩm, thì chỉ hơi khó khăn tí thôi, ví dụ như vụ thiếu đường hồi đầu chiến tranh chẳng qua lâu nay dân La-tư họ lười họ không chịu đi trồng củ cải, thì vay tạm bên Cuba lấy 1 ít rồi sang năm trồng bù lại sau.

Nôm na là từ bây giờ dân La-tư sẽ phải ra đồng, có thế thôi. Với nền sản xuất nông nghiệp trong nước, họ thừa sức nuôi cả nước, không có ai chết đói cả. Với nền sản xuất công nghiệp trong nước, thì nói quả đáng tội là lâu nay công nghiệp cả nặng lẫn nhẹ đều phó mặc cho nhập khẩu, bây giờ khởi động lại trong hoàn cảnh không mua được máy, là cả một vấn đề. Về công nghiệp quốc phòng, nếu xem các video về sản xuất của nhà máy Uralvagonzavod là nhà máy sản xuất T-90 và nâng cấp T-72 hiện nay, phần “sản xuất nặng” không thành vấn đề, chỉ còn là vấn đề của các hạng mục tinh vi, điều khiển điện tử… 

Theo thông tin của một người Tây Phi đã vào tận trong nhà máy xem khi anh ta đi mua xe tăng thì máy móc toàn của Đức và một ít của Nhật Bản nhưng không phải hiện đại nhất. 

Vấn đề lớn nhất của La-tư hiện nay, là không sản xuất được máy cái. Máy tiện độ chính xác thấp của những năm 1930 thì có thể, còn CNC thì… hãy đợi đấy.

Theo thông tin của một người Tây Phi nắm được, từ những ngày đầu chiến tranh với Ukraine đã có một đoàn người La-tư sang Tây Phi tìm cách mua máy CNC cũ của Nhật Bản đem về, nhưng không thành công.

Vì thế, câu chuyện của quân sự nước này bây giờ, là ngoài tăng tốc sản xuất chi tiết cho súng trường tấn công đang hỏng hàng loạt ngoài chiến trường và đạn cho nó, thì vấn đề lớn nhất là quay về sản xuất đạn pháo cũ loại ngu, hay loại mới thông minh?

Nếu sản xuất loại cũ và ngu, muỗi! Chỉ cần lôi máy móc ngày xưa ra lau dầu đánh rỉ, “Hỏng đâu sửa đấy, hỏng đấy sửa đâu? Sửa đâu hỏng đấy!” ra mà sản xuất, cần nhiều thì tăng ca. Đồng nhôm nguyên liệu La-tư đầy, không thành vấn đề. Thuốc nổ cũng sẵn. Còn nếu sản xuất đạn thông minh, thì lại là vấn đề. Chíp mua của ai, đến Trung Quốc còn bị “Liên minh chipset Hoa Kỳ Đài Loan Hàn Quốc Nhật Bản” cấm vận chíp, thì La-tư lấy đâu ra mà mua? Rồi có phải mỗi quả đạn không thôi đâu, câu chuyện còn nằm cả ở chỗ “tích hợp hệ thống.” Bây giờ tích hợp vào đâu, Glonass hay Loran-C gì gì đó à?

Thế tui mới muốn nhắc lại chuyện trước đây hỏi anh em DLV học viên trong một trường quân sự Tây Phi: nếu có chiến tranh thì quân sự La-tư có còn dựa trên nền tảng Intel không, hay là lôi Elbrus ra dùng? – Câm tịt.

Hiện nay chip xịn nhất của Nga là con Elbrus-8S (Эльбрус-8С) với công nghệ 28 nanomét, 8 nhân. 

Còn nếu hùng hục sản xuất đạn ngu, thì lại là câu hỏi “xe tải ở đâu?”. Sản xuất thục mạng ngày 3 ca, cứ cho là được 15.000 đạn / ngày đi, hay cho hẳn 30.000 đạn 1 ngày mà chỉ trong 1 tuần Ukraine họ phá đến hàng nghìn tấn nổ như trong phim “Ngày tận thế,” bây giờ mà vác ra nữa họ phá nữa.

Quay lại với #Nga_tổng_động_viên, đúng là chỉ thiếu mỗi việc Quốc hội đưa ra nghị quyết đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh, và tổng động viên một cách chính thức. Khi đó thì tất cả các công dân của đất nước bị bắt buộc phải tham gia vào các hoạt động phục vụ chiến tranh và không có quyền từ chối, từ chối có thể bị khép vào tội phản quốc.

Hiện nay theo công bố mới nhất về cơ cấu dân số Nga, người trong độ tuổi lao động từ 18 đến 60 chiếm khoảng 57 đến 60%. Như lúc nào đó chúng ta đã từng tính để chiếm toàn bộ Ukraine, Nga cần tổng động viên và quăng vào chiến tranh cỡ 5 triệu quân, sau đó nếu chiếm được thì cũng phải duy trì cỡ từng đó quân để chiếm đóng và bảo vệ chính quyền bù nhìn.

Theo kế hoạch này, thì những người ở nhà trong điều kiện kinh tế khép kín sẽ phải ra đồng săn bắn hái lượm để có bánh mì nuôi bộ đội ngoài chiến trường. Viễn cảnh đã mở ra cho anh em Pro-Putox Tây Phi khi La-tư sẽ tự xây dựng cho mình một thiên đường riêng chẳng liên quan đến ai. Cơ mà lúc này, Putox chưa làm thế, mới chỉ huy động thêm cỡ 40 – 45.000 quân Hoàng Trung vừa già lại vừa đảm thôi.

Đên đây tui lại nhớ hôm trước ai gửi cho câu chuyện của ông #trạng_sư_Trạm_Biến_Áp nói cứ như thánh. Ông ta bảo Ukraine làm sao mà đánh nhau được với La-tư khi mà Ukraine có mỗi 200.000 hay 250.000 quân gì đó, trong khi quân đội La-tư có 850.000 người. Đây là một trò ngụy biện xảo trá. 

Một quân đội như Hoa Kỳ nếu có 1 triệu người, thì cũng đồng nghĩa với việc họ chỉ có 90.000 lính cầm súng trực tiếp, còn lại là 900.000 người phục vụ cho 90.000 ông đó, và hơn 10.000 nhân viên “vô tích sự” như kế toán hay tạp vụ lau dọn.

Còn với quân đội La-tư thì tỉ lệ có khác, mà phải nói là khác hẳn mới đúng: họ có khoảng 300.000 lính cầm súng trực tiếp, 300.000 ông phục vụ cho 300.000 ông đánh nhau và 250.000 ông “vô tích sự.” Nếu như những con số này là không hợp lý chúng ta có thể điều chỉnh ví dụ như 400.000/400.000/50.000. Còn tại sao lại là tỉ lệ đánh nhau/hậu cần của Mỹ là 1/10 và của Nga là 1/1, nhìn hậu cần yếu kém của Nga thì biết.

Về con số 250.000 quân của Ukraine thì đúng, đó là trước chiến tranh. Ngay khi chiến tranh nổ ra họ đã ban hành lệnh tổng động viên, điều đó có nghĩa là lúc này đây quân số của họ hoàn toàn có thể đạt mức 1 triệu quân.

Tui đề nghị các bác luôn phải chuẩn bị tinh thần khi đọc các bài của mấy ông Pro-Putox kiểu #trạng_sư_Trạm_Biến_Áp này. Mấy ông này lúc buồn quá là ngồi tự cù vào nách để cười đấy.

Tại sao Putox (trong khi tổng động viên toàn bộ nền sản xuất) mà vẫn không ban bố tình trạng chiến tranh? – Đơn giản là người Nga rất sợ chiến tranh, và như hôm trước tui đã viết, họ nghe theo tuyên truyền và cho rằng cuộc đánh nhau bây giờ ở Ukraine, cái mà gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” là cần thiết để ngăn chặn chiến tranh. Nếu như bây giờ mà ban bố tình trạng đó, đồng nghĩa với việc họ bắt đầu phải nhận ra Putox đã thất bại, vì ngăn chặn chiến tranh kiểu gì mà lại gây ra một cuộc chiến tranh như vậy. 

Cũng chính vì lẽ đó, mà Putox ngoài đặt toàn bộ nền sản xuất tã bỉm giấy ướt, bông băng thuốc đỏ của đất nước vào phục vụ quân đội, thì còn ký một loạt các luật để sẵn sàng bỏ tù công dân của nước mình vì tội… chống chiến tranh, nôm na là ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng.  

Một trong những cái tệ hại nhất, chán đời bất tài nhất của lãnh đạo là không giúp cho đất nước tránh được chiến tranh. Chiến tranh của nước La-tư, chỉ giúp bọn Pro-Putox nước Tây Phi sung sướng cái tâm hiếu chiến, còn thì cả dân La-tư đều khổ, trước mắt là khả năng thiếu giấy ướt tã bỉm là rất cao.

Thấy gì khi Putox tổng động viên toàn bộ nền sản xuất mà vẫn không tổng động viên dân chúng đi lính? – Đơn giản thôi, ngoài lý do không thể tuyên bố tình trạng chiến tranh, thì hành động này cho thấy dù mới chỉ tiến hành ở mức “Chiến dịch quân sự đặc biệt” nhưng quân đội thứ hai thế giới đã bắt đầu cạn kiệt nguồn lực quân sự xuống đến con số KHÔNG.

Kỳ lạ chưa, một cường quốc Á – Âu sở hữu vũ khí hạt nhân, quân đội thứ hai thế giới, dân số thứ 9 thế giới, cường quốc về xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu, thành trì của hòa bình thế giới, ngọn cờ đầu trong chống áp bức của đế quốc, niềm tin của anh em Tây Phi với cái đồng hồ Pa-li-ốt đập chết Omega… Thế mà bây giờ tiến hành một “Chiến dịch quân sự đặc biệt” bé con con dùng có 20 vạn quân mà phải huy động toàn bộ nguồn lực quốc gia vào đó, nực cười chưa.

So sánh: chiến dịch “Bão táp sa mạc” do Hoa Kỳ và liên quân tiến hành năm 1991 hay còn gọi là “Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất” với lực lượng hai bên là Liên quân 956.600, bao gồm 700.000 quân Mỹ; Iraq có 650.000 quân. Chi phí của phía Liên quân được tính toán khoảng 71 tỉ đô-la, trong đó Hoa Kỳ chiếm khoảng 70%. GDP của Hoa Kỳ năm 1991 là 5,963 nghìn tỷ đô-la, năm 2021 là 23 nghìn tỉ đô-la (23 trillions). Trong khi đó năm 2021 GDP của Nga là 1,71 nghìn tỉ đô-la còn chi phí chiến tranh trong điều kiện dùng đạn pháo tồn kho, là từ 900 triệu đến 1 tỉ đô-la/ngày. Đến nay sau 140 ngày nếu tính chỉ cần chi 700 triệu thôi, họ đã tốn đến gần 100 tỉ đô-la cho cuộc chiến. 

Để đánh “Bão táp sa mạc” Mỹ tốn 0.83% GDP của năm trước; trong khi đó “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tốn gần 6% GDP của năm trước… “and keep counting.” Bác nào chuyên gia kinh tế làm ơn tính giúp xem với mức độ chi tiêu như thế này đã phải là “đốt tiền” chưa và Putox sẽ chịu được bao nhiêu lâu nữa.

Nếu có ai muốn hỏi tại sao Putox tiến hành chiến tranh lại tốn kém như thế, thì câu trả lời đơn giản thôi: cái xe công nghệ cũ thì nó ăn xăng hơn công nghệ mới. Bộ máy tham nhũng bê bối từ trên xuống dưới, bây giờ bắt nó vận hành chiến tranh vốn là hoạt động cần ăn khớp chính xác tăm tắp, thì hoặc nó lăn cổ ra, hoặc là bắt nó chạy lấy được thì nó ngốn đủ thứ như con quỷ đói. Vậy thôi mà.

Đến đây thì đã có câu trả lời cho cái câu nói thường xuyên nghe được từ nhiều bác: “Phương Tây muốn Putox quỵ hẳn nhưng một cách từ từ.” Xin thưa, chẳng có ai tên là từ từ ở đây cả. Ngay từ ngày 24/2, Nga chiếm một diện tích lớn miền Nam Ukraine đúng là “không tốn một viên đạn” – là do có rất nhiều thành phần thân Nga trong chính quyền ở đó, cũng như có rất nhiều gián điệp Nga cài cắm. Từ đó đến nay, ông Zelensky đã làm rất nhiều trong việc thanh lọc bộ máy, ví dụ cách đây khoảng tháng, tháng rưỡi SBU đã bắt mấy chục gián điệp Nga luồn sâu leo cao trong các cấp bộ máy chính quyền Ukraine.

Chúng ta cần hiểu với một bộ máy đầy nhóc vi trùng như thế, họ có thể đầu hàng bất cứ lúc nào. Lúc đó mà HIMARS đưa rồi, thì có mà vỡ trận. Tôi cũng phải xem anh thế nào thì tôi mới tin tưởng được chứ.

Phương Tây chỉ biết thóp được Putox là với bản tính của mình, lão sẽ không dừng lại cho đến khi cả đất nước quỵ hẳn. Với những hình dung trên đây, chúng ta hiểu chắc chắn nền kinh tế nước này sẽ không ngã ngục, nhưng họ sẽ ngã gục vì những đổ vỡ xã hội. Thương binh sẽ tràn ra đường. Đất nước vốn quen với hàng công nghệ và xa xỉ nhập khẩu từ nước ngoài, nay sẽ quay lại với cuộc sống khắc khổ. Càng ngày những gánh nặng về an sinh xã hội sẽ tác động lên từng con người, cả người hưởng phúc lợi lẫn những người lao động. Cuộc chiến tranh sẽ tác động sâu sắc lên quan niệm sử dụng năng lượng của các khách hàng, rét có thể chịu được nhưng hưởng ấm áp mà nuôi béo khỏe một thằng Chí Phèo luôn tiềm tàng khả năng chém người tứ tung, là không nên – chắc chắn sẽ đến lúc thu nhập của toàn bộ dân La-tư sẽ giảm đi vì nền kinh tế khai thác phụ thuộc bán năng lượng sẽ không còn được như trước nữa.

Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi, Trần Lập hát thế. Hai năm nữa là cùng, dân La-tư sẽ thấy rõ luôn. Chẳng có ai muốn tận diệt Putox và người dân của lão ta cả, chỉ có bản tính ngoan cố diệt lão ta mà thôi. Đã ngoan cố, thì khôn ngoan mấy cũng thành ngu ngốc.

Thôi bài dài quá rồi, xin phép các bác mai kia kìa chém tiếp.

Bản tin chiến sự của BTTM các lực lượng vũ trang Ukraine tại đây:    

https://www.facebook.com/thelastvagabond/posts/2306077216197398

#Nga_xâm_lược_Ukraine

614790cookie-checkNHẬN XÉT VỀ THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC SAU NGÀY THỨ 142 CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE (15/7/2022)