1. Một buổi sáng chào cờ năm 2010, sau quốc ca, hơn một nghìn nữ sinh trung học trường Trung học Đài Nam (Đài Loan) đã đồng thời tụt quần ngay giữa sân trường. Các em cởi bỏ chiếc quần dài đồng phục, để lộ ra chiếc quần đùi phất phơ. Các em đang làm một cuộc vận động xã hội về bình đẳng giới trong đồng phục khi không nhận được sự ủng hộ từ Ban giám hiệu, với một thầy quản giáo quá khắt khe!
Các em cho rằng, ngoài kiến thức, một ngôi trường trung học cần phải là nơi tôn trọng giới tính, nguyện vọng, không áp đặt các định kiến lên học sinh, là môi trường thân thiện, tôn trọng bản sắc và thấu hiểu. Căn bản, chúng ta không nên dùng đầu óc của những thế hệ đi trước để áp đặt lên lối sống của thế hệ khác trong môi trường khác. Khi có hàng ngàn lời đề nghị của nữ sinh được phép mặc quần soóc hoặc quần đùi thể thao trong những ngày có giờ thể dục nhưng đã không được chấp nhận, vì cho rằng, nữ sinh mặc quần đùi là thiếu lịch sự.
Sau 15 ngày suy nghĩ, Ban giám hiệu đã chào đón cuộc vận động của các em, bãi bỏ quy định đồng phục 7 ngày/tuần. Cho phép học sinh nữ được mặc quần đùi trong giờ thể dục!
Có lẽ một nghìn cái quần dài mà các cô nữ sinh cởi ra để lại trên sân trường cũng là một chiến dịch truyền thông rất mạnh mẽ về việc, nữ sinh tuy chưa đủ 18 tuổi, nhưng có hoàn toàn quyền và năng lực để xác định bản sắc, nhu cầu cũng như tiếng nói của mình!

2. Bức ảnh này chụp năm 2006, như một cuộc chiến thắng định kiến đồng phục ở trường Trung học Bản Kiều. Các em nam sinh đã đồng loạt hẹn nhau qua ứng dụng chat PPS để mặc váy tới trường! Các em nam sinh đấu tranh cho quyền mặc váy của chính các em.
Đây có lẽ là một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục của hòn đảo này. Câu chuyện giới – định kiến giới – áp đặt định kiến lên mong muốn và bản sắc của người trẻ – là một nội dung cực kỳ mới mẻ và xa lạ trong trường học. Các nam sinh nói rằng, nếu chỉ có nữ sinh mặc váy, vậy có phải là một định kiến khiến nam giới đánh mất đi một cơ hội có quyền được lựa chọn? Có rất nhiều nam sinh thấy mình thoải mái trong váy hơn là trong quần dài đồng phục. Nam sinh chạy nhảy, vận động nhiều, một chiếc váy tôn lên cá tính và chỉ dành cho những nam giới mạnh mẽ, dũng cảm, biết mình đang làm gì và mình là ai! Cũng có nam sinh mặc váy để ủng hộ việc xoá bỏ định kiến giới trong trường học!
Và hơn hết, thời đại này, các em học sinh mới chính là chủ nhân của thời đại, chứ không phải thầy giám thị!
Đây không phải là sự kiện, bởi nó không diễn ra một lần. Sau khi “đại thắng truyền thông”, các nam sinh trường Bản Kiều (Tân Bắc – Đài Loan) đã tiếp tục thỉnh thoảng mặc váy đến trường học như một đồng phục chính thức!
Nội quy trường trung học đã thay đổi. Trước đây, bản điều lệ đồng phục có hơn 10 dòng quy định cho nữ (ví dụ, mặc váy không được cao quá đầu gối 10cm), chỉ có 1 dòng quy định cho đồng phục nam. Sau khi học sinh vận động thành công, Ban giám hiệu đã phải sửa quy định: Chung cho cả nam và nữ là “Mặc quần / váy tối màu”. Các điều khoản chia đồng phục theo giới tính đã chấm dứt. Điều khoản “mặc váy ko được cao hơn 10cm đầu gối” cũng biến mất.
Nhưng điều kỳ diệu hơn đã đến, sau một số cuộc vận động của học sinh trung học, Bộ Giáo dục Đài Loan đã chính thức lên tiếng, ra văn bản, không cho phép các trường bắt lỗi đồng phục học sinh, nếu các em sai sót trong đồng phục cũng không được ghi vào sổ đầu bài, không được coi đồng phục là một sợi dây trói.
Hãy tôn trọng các em, các em sẽ tôn trọng lại bản thân và nhà trường!

3. Sự im lặng của Ban giám hiệu trường Bùi Thị Xuân rất lâu sau thỉnh nguyện của học sinh, cho thấy, thầy cô đang rất cần được các em giúp đỡ!
Câu chuyện này đối với nhà trường hoàn toàn không phải là việc đồng phục nữ sinh sẽ đắt gấp đôi đồng phục nam sinh, hay nhà trường nhận được bao nhiêu hoa hồng từ “pink tax” 1,6 triệu đồng phục nữ sinh tối thiểu kia.
Mà là câu chuyện triết lý giáo dục của ông bà hiệu trưởng trường này. Trước khủng hoảng truyền thông, hàng ngàn bài chia sẻ trên mạng trong vài ngày, thư và lời kêu gọi từ phụ huynh, thỉnh đơn từ các cựu bí thư đoàn trường, BGH hầu như chỉ trả lời bằng quyền lực, không đối thoại. Những vết tích thông báo bị xoá của trường cũng như văn bản đưa ra cho tôi nhìn thấy điều đó. Không hề có bất kỳ một đối thoại trực tiếp nào mà tôi được biết!
Nhà trường chỉ là không biết nên làm gì mà thôi. Trong khi nếu thực sự tìm kiếm một không gian giáo dục cởi mở, cơ hội đối thoại, BGH có thể tạo nên một cơ hội trưởng thành cho cả các thầy cô và các em:
– Một toạ đàm trực tiếp, mở, tại chỗ, livestream sẽ là một cơ hội tranh biện quan trọng để nâng cao ý thức và kiến thức của cả thầy cô và các con về nhận ra định kiến giới.
– Một đề xuất của nhà trường: Đây không phải là vấn đề của Bùi Thị Xuân, đây là vấn đề của một xã hội quá độ, Sở giáo dục và Bộ giáo dục cũng cần được nhận những kiến nghị này! Nhà trường hãy tạo cơ hội để học sinh trưởng thành, bằng cách giao “nan đề đồng phục vướng định kiến giới” thành một chủ đề thảo luận hoặc một dự án thay đổi nhận thức xã hội do học sinh trường Bùi Thị Xuân vận động. Tôi tin là các em sẽ nhận ra, giải quyết xong câu chuyện của Bùi Thị Xuân, sẽ còn nguyên hàng ngàn quy định bất bình đẳng ở tất cả mọi trường Trung học khác, mà khi sửa sai, người ta không hề sửa sai! Người ta chỉ lùi về điểm xuất phát vốn đã sai mà thôi!
– Nhạy cảm giới là câu chuyện bắt đầu từ kiến thức – định kiến được phá bỏ – hành vi được thay đổi. Phản ứng của BGH nhà trường cho thấy, sự im lặng nghĩa là, từ chối thông tin và kiến thức về giới?
– Sao không mời 1 chuyên gia về giới để hỗ trợ nhà trường trong thời điểm này? Tôi tin các chuyên gia về giới đều sẵn sàng đi cùng các em và các thầy cô, vấn đề hoàn toàn không phải là tiền!
4. À vấn đề vẫn là tiền đấy, nhân tiện: Năm 2021 tôi có may mắn được tham dự cùng đội ngũ các giảng viên, chuyên gia về giới trong dự án “Triết học về giới – VGEM” với 8 buổi học, thực hành là một chuỗi tương tác và đào tạo về giới.
Học viên tới từ rất nhiều lĩnh vực. Bản thân tôi, ban đầu, tôi đăng ký vào học khoá này vì rất cần các kiến thức chuyên ngành. Không hiểu sao các thầy không cho tôi học, mà chỉ mời tới nói chuyện.
Học phí khoá ấy giá 4 hay 4,5 triệu thì phải. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc các thầy cô cần được các em học sinh giúp đỡ. Các em hoàn toàn có thể góp tiền nhau, mỗi em 2 nghìn đồng, để tặng học bổng cho thầy cô hiệu trưởng đi học VGEM. Không phải mọi thầy cô đều là chuyên gia về giới. Nhưng tất cả hàng chục bạn đi học VGEM năm nay đâu phải là chuyên gia về giới? Họ là giám đốc, họ là nhà báo, họ là người mẹ vừa đẻ con, họ là doanh nhân, du học sinh, cán bộ nhà nước.
Họ đi học để họ làm việc tốt hơn, để trong công việc chính, họ không mắc những lỗi về nhạy cảm giới như BGH trường Bùi Thị Xuân đã lỡ vấp phải.
Tôi nghĩ, các em học sinh có quyền tặng học bổng cho thầy cô, để thầy cô trở nên tiến bộ, thấu hiểu, mở rộng các giới hạn tiếp nhận. Tiền học phí thực ra chỉ là tiền tương đương vài cái váy áo đồng phục, và cũng sẽ có rất nhiều người trong xã hội cùng bỏ 2.000 đồng ra góp cho các em! Nếu các thầy cô cần giúp, sao các em từ chối?
Còn nếu các thầy cô hoặc BGH từ chối đi học, tự nhận: “Tôi đã giỏi rồi, tôi đã là chuyên gia về bình đẳng và về các cơ hội bình đẳng bị cướp đoạt rồi!”, hoặc tiếp tục im lặng, thì khả năng lớn là, những gì chúng ta nói với nhau ở đây, là một lời nguyền lớn cho giáo dục hiện tại!
Từ 2018, hơn 500 trường Tiểu học và Trung học tại Nhật Bản đã đưa ra chế độ đồng phục trung lập, không tách bạch “cái này cho nữ mặc, cái kia cho nam mặc”. Cùng năm, hơn 80 trường Tiểu học và Trung học ở Anh cũng đưa ra chế độ “đồng phục trung lập” làm lựa chọn cho học sinh, không bị thiên kiến về giới tính. Tất cả những cụm từ như “của nam” và “của nữ” đã được bãi bỏ.