Nhà báo Đoan Trang bị bắt cóc

0
2821
Nhà báo Phạm Đoan Trang

Dân Luận

Sáng 16/11/2017 đã diễn ra một phiên họp chuẩn bị cho phiên Đối thoại Nhân quyền hàng năm giữa Việt Nam và EU, dự kiến diễn ra đầu tháng 12 tới. Phái đoàn EU đã mời một số nhà hoạt động xã hội Việt Nam tới gặp gỡ và trao đổi về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian qua.

Bốn nhà hoạt động được mời gồm có tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà báo Phạm Đoan Trang, blogger Nguyễn Chí Tuyến và blogger Bùi Thị Minh Hằng.

Ngay sau cuộc họp, tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị bốn người mặc thường phục chặn đường và tống lên xe đưa về đồn CA Gia Thuỵ. Tại đây trung tá tên Khôi (người đã hỏi cung tiến sĩ Quang A 15 tiếng ngày 1-2/9/2015 ở Nội Bài) đòi ông khai báo ai đã tham dự, ai nói những gì,.. trong cuộc họp, nhưng ông đã nhất quyết từ chối. Đến 17 giờ cùng ngày họ mới nói ông về nghỉ ngơi.

Blogger Bùi Thị Minh Hằng và Đoan Trang cũng bị câu lưu ngay sau khi cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ 30. Theo chị Bùi Hằng: “Chị và Trang đi cùng nhau. Đang định xuống tầng hầm ăn trưa rồi về thì bọn chúng xông ra cả hơn chục tên xô chị lên xe. Trang bị chúng gạt ra không cho níu tay chị nữa. Rồi chúng đưa chị về phường Thành Công sau khoảng 20 phút chạy vòng vòng. Chị chắc họ cũng sẽ làm chuyện tương tự với Đoan Trang và đưa Trang đến một nơi nào đó. Như vậy việc Đoan Trang bị an ninh Bộ công an cùng an ninh thành phố Hà Nội bắt là thông tin chính xác! Không coi là “Mất tích” mà khẳng định an ninh bắt!“. Chị Bùi Hằng đã ra khỏi công an phường Thành Công chiều nay, còn nhà báo Đoan Trang đến nay chưa có tin tức.

FBker Đinh Thảo cho biết: “Phái đoàn EU ở Hà Nội cũng như tại Brussels đang cập nhật và theo dõi sát sao tình trạng của các nhà hoạt động mà họ mời tới buổi tham vấn sáng nay để chuẩn bị cho đối thoại nhân quyền lần thứ bảy giữa EU và Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 12 này.

Đối thoại chính thức còn chưa diễn ra, hình ảnh Việt Nam trong mắt EU đã sẵn tồi tệ rồi, hơn nữa FTA vẫn đang chờ thông qua. Mong rằng bộ công an nên cân nhắc hơn về lợi ích quốc gia trước khi hành động.

Đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam là một thủ tục ngoại giao được đề cập trong Thoả thuận Đối tác và Hợp tác giữa hai bên (EU-Vietnam Partnership and Cooperation Agreement) nhằm tạo ra một cơ sở đối thoại mang tính xây dựng để qua đó, EU có thể khuyến khích và hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy tình tình nhân quyền của mình một cách thực tiễn nhất.

Từ lúc bắt đầu đến nay đã có tất cả 6 cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai bên, năm nay sẽ là lần thứ 7, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tại Hà Nội. Để có thể đưa ra những khuyến nghị tốt nhất, Phái đoàn EU luôn tổ chức các buổi tham vấn ý kiến của xã hội dân sự và các đại diện của cộng động quốc tế trước khi cuộc đối thoại chính thức diễn ra.

Trong những cuộc tham vấn như vậy, EU luôn đưa ra những câu hỏi đa chiều, trong đó có một câu được hỏi đi hỏi lại nhiều lần, đó là: Vậy thì có bất cứ dấu hiệu thay đổi tích cực nào trong năm qua hay không?

Ngày 15/12/2015, luật sư Nguyễn Văn Đài cùng đồng nghiệp của anh đã bị bắt khi đang chuẩn bị đến tham dự buổi đối thoại lần thứ 5 tại Hà Nội. Năm 2016 cũng chứng kiến hàng loạt các đàn áp nhằm vào giáo dân, nạn nhân Formosa, người biểu tình ôn hoà, bắt giữ Mẹ Nấm, bác sỹ Hồ Hải và nhiều người nữa,… Năm nay, 2017, cũng đã có 18 người hoạt động nhân quyền, bloggers bị bắt và xử với mức án rất nặng nề, những cuộc đàn áp tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp,… cũng diễn ra hàng loạt, và chưa có một dấu hiệu nào cho thấy thiện chí thay đổi từ phía chính quyền.

Chính vì vậy, câu hỏi trên xin được để chính quyền tự trả lời. Và cũng xin được hỏi thêm một câu rằng: Rút cuộc thì ai xây, ai phá?

Theo blogger Trịnh Kim Tiến, những nội dung nhà báo Đoan Trang đem đến trao đổi với phái đoàn EU sáng này bao gồm:

1. Báo cáo tình hình môi trường và vi phạm nhân quyền, liên quan đến thảm họa Formosa.

2. Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo.

3. Tuyên bố và kiến nghị của một số tổ chức XHDS độc lập.

Xin điểm qua tiểu sử của nhà báo Đoan Trang, theo blogger Lê Quốc Tuấn: “Nhà báo Phạm Đoan Trang sinh năm 1978 tại Hà Nội, từng học Đại học Ngoại Thương và làm việc cho các cơ quan truyền thông lớn tại Việt Nam như VnExpress, VietnamNet, Tuần Việt Nam, HCMC Legal Daily, Tạp chí Khoa học pháp lý và trang web tiếng Anh Vietnam Right Now.

Sau khi tham dự khóa học 10 tháng về chính sách công ở Hoa Kỳ, cương quyết từ chối lời đề nghị ở lại Mỹ từ nhiều bạn bè, người thân và chính quyền Hoa Kỳ, Trang quay trở lại Việt Nam vào tháng 1 năm 2015. Kể từ đó, cô tiếp tục hoạt động như một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và quyền con người ở trong nước.

Cô là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách, trong số đó là “Việt Nam và Cuộc tranh chấp ở Biển Đông (2012),”Vẻ đẹp của chính trị “(2013),” Báo chí và truyền thông cơ bản” (2014), “Anh Ba Sàm” (2016), “Từ Facebook xuống đường” (2016), “Tổng quan về thảm họa sinh vật biển ở Việt Nam” (2016).

Bìa sách Chính trị Bình dân. 9/2017.
Ảnh do tác giả cung cấp

Gần đây nhất là cuốn “Chính trị Bình dân” (vẫn đang bán trên Amazon) và trong khi đang chuẩn bị xuất bản cuốn “Chính trị Phi Bạo Lực” thì bị bắt sáng nay.

Hiện tại bạn bè và giới tranh đấu tại VN đang rất lo lắng cho an sinh của nhà báo Phạm Đoan Trang, vì sức khoẻ và thể chất của cô (bị suyễn kinh niên và bên một chân cô gần như liệt vì những trận đòn hiểm ác của an ninh VN trước đây).

Việc sách nhiễu 4 nhà hoạt động nói trên của chính quyền VN tiếp tục cho thấy Đảng CSVN ngày càng gia tăng khủng bố giới bất đồng chính kiến trong nước, thách thức lương tâm tất cả những người Việt trong ngoài nước và thách thức dư luận thế giới.

255560cookie-checkNhà báo Đoan Trang bị bắt cóc