Nguyên cán bộ Tòa án và các Luật sư nói về vụ án Hồ Duy Hải: Quyết định giám đốc thẩm sẽ tạo “tiền lệ nguy hiểm”

0
406
Hồ Duy Hải. Ảnh-VnExpress.
ANH BA SÀM

Bảo vệ pháp luật

Cập nhật lúc 11:29, Thứ tư, 17/06/2020 (GMT+7)

(BVPL) – Vụ án Hồ Duy Hải lại một lần nữa “dậy sóng” khi mới đây nhất, ngày 15/6, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình đã có báo cáo trước Quốc hội nội dung và quan điểm giải quyết vụ án, dư luận xã hội và trên các diễn đàn tiếp tục “nóng” về vụ án sát hại hai cô gái 12 năm trước.

TS. Vũ Thị Phương Lan: Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải chưa thực sự thể hiện công lý

Vụ án Hồ Duy Hải: Lệch hướng điều tra hung thủ, do không kết luận giám định thời gian nạn nhân tử vong?

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Một cơ hội bị … bỏ lỡ?

Thành viên Ủy ban Tư pháp có quan điểm như thế nào về vụ án Hồ Duy Hải ?

UBTV Quốc hội giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý vụ án Hồ Duy Hải

Viện trưởng Lê Minh Trí: Kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải là có căn cứ, đúng thẩm quyền và đúng pháp luật

Vụ án Hồ Duy Hải: Rất nhiều “điểm mờ” cần được làm sáng tỏ

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải”

Vụ án Hồ Duy Hải: Nếu không có kháng nghị, người dân sẽ không biết được sai sót trong điều tra, tố tụng

Về tính hợp pháp của quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong vụ án Hồ Duy Hải

Vụ án Hồ Duy Hải: Những trăn trở và dư âm sau phiên xét xử giám đốc thẩm

Giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải: Cần điều tra lại để làm rõ những sai sót trong tố tụng

Giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải theo kháng nghị của VKSND tối cao

Chánh án TAND tối cao làm chủ tọa phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải

Ngưỡng “sinh – tử” của tử tù Hồ Duy Hải

VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải

“Tôi gửi kiến nghị tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vì muốn có một nền tư pháp trong sạch”

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Cần giám sát tối cao để bảo đảm pháp luật về tố tụng được thi hành nghiêm cẩn

Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp luật, trong đó có ý kiến của nguyên thẩm phán Tòa hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh): “Không thể biện minh để giữ kết quả của một quá trình tố tụng có sai sót”

“Mặc dù trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những thiếu sót nhưng những thiếu sót này không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”, là nguyên văn câu nhận định của Hội đồng thẩm phán để đi đến bác toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao vào ngày 8/5 vừa qua. Nhận định như vậy là không phù hợp với tinh thần Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015. Việc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định nó sẽ ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án. Cho nên không thể biện minh như thế để giữ nguyên kết quả của một quá trình tố tụng có sai sót.

Trong thực tế, khi chúng ta làm một chương trình gì đó mà kết quả đạt được mục đích yêu cầu đề ra từ ban đầu, mặc dù quá trình làm có những thiếu sót nhưng kết quả vẫn được chấp nhận. Nhưng chúng ta lưu ý, trong công tố tội phạm thì pháp luật tố tụng hình sự không cho phép điều này. Mục đích của trình tự, thủ tục tố tụng hình sự là nhằm bảo đảm kết quả tuyên xử đúng người đúng tội. Cho nên khi tố tụng bị vi phạm, thủ tục trình tự không đúng thì kết quả sẽ không bảo đảm.

Việc hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ Hồ Duy Hải để điều tra, truy tố và xét xử trở lại là cần thiết cho tính nghiêm minh của pháp luật.

Đồ đạc và vật dụng tại hiện trường nghiêng, đổ, xáo trộn

Nguyên thẩm phán Tòa hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh, LS Nguyễn Minh Cảnh: “Tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc vận dụng đường lối xét xử của các cấp Tòa án” 

Qua theo dõi phiên tòa, đọc nội dung quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao và quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao bác kháng nghị, tôi rất băn khoăn.

Tôi nhận thấy, bản án giám đốc thẩm nhận định “vi phạm tố tụng không làm thay đổi bản chất của vụ án”, nhận định cảm tính như vậy là trái với nguyên tắc pháp chế XHCN của pháp luật tố tụng hình sự. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc vận dụng đường lối xét xử của các cấp Tòa án trong tương lai.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn LS TP Hồ Chí Minh): Quyết định Giám đốc thẩm không đúng với tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự

Cùng với việc phủ định tính hợp pháp và có căn cứ của quyết định kháng nghị, khi đánh giá về những sai sót, vi phạm trong quá trình thu thập chứng cứ của vụ án, Quyết định giám đốc thẩm cũng cho rằng, mặc dù “có sai sót trong hoạt động điều tra nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”

Theo quy định tại Điều 86 BLTTHS về chứng cứ thì, “chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định…”. Điều đó cũng có nghĩa, những gì không có thật hoặc không được thu thập đúng theo trình tự, thủ tục của BLTTHS thì không được xem là chứng cứ. Và do vậy, nó cũng không được sử dụng để chứng minh cho việc buộc tội hay gỡ tội trong vụ án hình sự nói chung.

Việc quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thừa nhận, có sai sót trong hoạt động điều tra, nhưng lại không chấp nhận kháng nghị hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải, vì cho rằng, những sai sót này không làm thay đối bản chất vụ án, là không đúng với tinh thần của BLTTHS.

Trụ sở bưu điện Cầu Voi, nơi xảy ra vụ án

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật: Có điều gì đó khiên cưỡng trong việc chứng minh dấu vết tội phạm

“Ngày 15/6, giải trình trong phiên thảo luận trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu: “Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra không thể biết cái thớt là hung khí, chỉ khi bắt được Hải thì Hải mới khai ra dùng thớt đập vào đầu thì người ta mới biết là hung khí, khi đó thớt đã bị dọn đi”. Vậy khi xét xử Giám đốc thẩm thì Hội đồng thẩm phán đã nghiên cứu hồ sơ thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Theo diễn biến vụ án mà Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu thì đã rõ, ngoài động cơ mục đích phạm tội của Hồ Duy Hải đang mâu thuẫn với bản án, còn có vật chứng, dao, thớt, tài sản, sim điện thoại, nhẫn… của nạn nhân không thu được để chứng minh dấu vết tội phạm, mà chỉ dựa vào lời khai nhận tội để kết án là mang tính chủ quan, phiến diện, trái nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định của BLTTHS. Đặc biệt là, bản ảnh hiện trường đã chụp đầy đủ thì tại sao các dấu vết công cụ phạm tội lại bị mất đi sau đó lại tìm vật tương tự không có dấu vết tội phạm để chứng minh?

Mẫu ADN và dấu chân, vân tay, thu được lại không trùng với Hồ Duy Hải. Đây là vấn đề quan trọng nhất của vụ án lại không chứng minh được các dấu vết phù hợp với lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải. Nhận tội trong 4 bức tường khi bị giam đã từng xảy ra với ông Huỳnh Văn Nén và với Hồ Duy Hải thì việc chứng minh 25 lời nhận tội và truy xét chủ quan phù hợp với diễn biến quá trình phạm tội là không khách quan.

Tôi băn khoăn về việc phải lấy tới 25 bản lời khai và nhận tội đối với Hồ Duy Hải? Trong khi chỉ cần tới 3 bản (tường trình, lời khai, hỏi cung) đã chứng minh được thủ phạm? Có điều gì đó khiên cưỡng trong việc chứng minh dấu vết tội phạm”.

Hồ Duy Hải trong phiên Tòa phúc thẩm.

Luật gia Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình (Giảng viên Đại học): Vụ án cần phải thực hiện lại toàn bộ quá trình tố tụng

Án sơ thẩm và phúc thẩm có những thiếu sót là căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị giám đốc. Những vi phạm tố tụng và nhiều chi tiết không làm rõ theo quy định tại Điều 371 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 nên mới dẫn đến có quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, yêu cầu hủy 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm. Những sai sót tố tụng liên quan quá nhiều vấn đề trong vụ án mà kháng nghị đã dẫn ra, như: Vật chứng, thời gian nạn nhân chết, số nữ trang tang vật, nhân chứng…

Mặc dù có nhiều sai sót mà ngay Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng thừa nhận trong quyết định giám đốc, nhưng rất tiếc Hội đồng đã không hủy án để thực hiệu điều tra truy tố lại. Tôi nghĩ, để bảo đảm pháp luật nghiêm minh, chính Hội đồng thẩm phán phải xem xét lại toàn diện vụ án theo thủ tục đặc biệt tại Chương 27 BLTTHS 2015. Vụ án cần phải thực hiện lại toàn bộ quá trình tố tụng.

Luật gia LS Nguyễn Đức Nhuần (Hội luật gia quận 9 TP Hồ Chí Minh): Không bảo đảm tính khách quan trong tố tụng hình sự

Tôi băn khoăn rất nhiều về việc Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế Chủ tọa phiên Giám đốc thẩm, bởi trước đó năm 2011 ông từng với tư cách Viện trưởng VKSND tối cao đã ký văn bản tố tụng không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.

Phiên tòa Giám đốc thẩm như thế, tôi cho rằng không bảo đảm tính khách quan trong tố tụng hình sự. Pháp luật đã qui định rõ tại Điều 49 và Điều 53 BLTTHS năm 2015. Theo đó, thẩm phán phải bị thay đổi hoặc từ chối tiến hành tố tụng khi đã tiến hành tố tụng trước đó. Như vậy, phiên tòa giám đốc thẩm đã có vấn đề vi phạm tố tụng hình sự, không khách quan, thì làm sao bảo đảm kết quả quyết định bác kháng nghị là khách quan toàn diện đúng pháp luật.

TÓM TẮT VỤ ÁN HỒ DUY HẢI

Vụ án Hồ Duy Hải xảy ra vào tối ngày 13.1.2008 tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Nạn nhân là hai cô gái nhân viên bưu điện tên Nguyễn Thị Ánh Hồng (SN 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (SN 1987) bị sát hại.

Ngày 21.3.2008, nghi phạm Hồ Duy Hải bị bắt. Qua phiên tòa: sơ thẩm do TAND tỉnh Long An xét xử năm 2008 và phúc thẩm do Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009 đều tuyên Hồ Duy Hải án tử hình về tội giết người và 5 năm tù về tội cướp tài sản.

Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan suốt nhiều năm qua. Năm 2014, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.Ngày 22.11. 2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Ngày 8.5.2020, sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã biểu quyết không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO KHẲNG ĐỊNH “CÓ NHIỀU VI PHẠM TỐ TỤNG NGHIÊM TRỌNG”

Theo hồ sơ vụ án, tối ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xảy ra vụ giết người, nạn nhân là hai nhân viên bưu điện Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân chết do bị cắt cổ. Qua hai cấp xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Long An năm 2008 và phúc thẩm tại Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là Tử hình.

VKSND tối cao nhận thấy đây là vụ án giết người và cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng; bị cáo bị áp dụng mức án cao nhất Tử hình nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo, không có chứng cứ vật chất trực tiếp, trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán, mâu thuẫn với nhau (có lúc nhận tội, lúc khác lại kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác; nhiều tình tiết quan trọng chưa làm rõ và có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra.
Hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng phải kể đến:

Một là,chưa làm rõ mâu thuẫn về thời gian bị cáo xuất hiện tại nơi xảy ra vụ án vì nhân chứng Đinh Vũ Thường đến Bưu điện gọi điện về Cà Mau lúc 19h39’22” có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong Bưu điện, nhưng vào lúc 19h13′, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ, việc tiêu thụ thời gian sau đó thể hiện Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19h39’22”. Nội dung này rất quan trọng cần làm rõ nên tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKSND tối cao cho rằng phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại.

Hai là,quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ 5 dấu vân tay, trong đó có 2 dấu thu tại trên cửa kính và Lavabo, kết quả giám định không phải của bị cáo nhưng chưa làm rõ của ai; các tài liệu thu giữ dấu vân tay và truy nguyên dấu vân tay cũng không có trong hồ sơ vụ án.

Ba là,chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải hung thủ không, cần hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm tử thi (mô tả mẫu thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi).

Bốn là,chưa làm rõ cơ chế gây ra một số vết thương trên cơ thể nạn nhân, về khả năng con dao với đặc điểm bị cáo mô tả có thể gây ra các vết thương đó không.

Năm là,chưa làm rõ động cơ gây án của đối tượng vì kết luận của bản án sơ thẩm, phúc thẩm về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Chủ tọa phiên tòa đã thừa nhận nhưng trong phần nhận định của quyết định giám đốc thẩm không nêu những vi phạm này.

Sáu là,có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đặc biệt là bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu bị cáo không nhận tội, lời khai nhân chứng, tài liệu thu giữ dấu vân tay và kết quả truy nguyên cá biệt dấu vân tay, cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.

Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm, trưa ngày 8/5, Chủ tọa phiên tòa đã tiến hành lấy biểu quyết 4 vấn đề cụ thể.

1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.

2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng pháp luật hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị ? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

Với nhận định như trên, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định: “Không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Hoa Việt – Đình Dũng – Vũ Cảnh

544230cookie-checkNguyên cán bộ Tòa án và các Luật sư nói về vụ án Hồ Duy Hải: Quyết định giám đốc thẩm sẽ tạo “tiền lệ nguy hiểm”