Nguyễn Bá Thanh và những vụ bức tử, “giết người diệt khẩu”, kinh hoàng ở Đà Nẵng (Phần 1)

2
195

Mai Hoa Kiếm 

Thành phố Đà Nẵng tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc trung ương từ tháng 1-1997. Kể từ đây, những cuộc quyết đấu tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm chính trị địa phương, gay gắt và kinh hoàng hơn bao giờ hết. Nguyễn Bá Thanh, một trong những hung thần khét tiếng, giờ đây đã mồ yên mả đẹp, nhưng dư âm về ông ta mãi là nỗi ám ảnh kinh hoàng…

Thủ tiêu Viện trưởng Viện Kiểm sát Phúc thẩm Tối cao 2

Nguyễn Văn Tùng sinh năm 1942, quê Nghệ An. Năm 1998, khi đang là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát xét xử hình sự, thuộc VKS Tối cao, ông được chuyển về làm Viện trưởng VKS Phúc thẩm tại Đà Nẵng (còn gọi là Viện Phúc thẩm 2) phụ trách địa bàn từ Quảng Trị đến Khánh Hoà và các tỉnh Tây Nguyên. Nhận nhiệm sở mới, ông đưa cả vợ con vào Đà Nẵng sống. Nguyễn Văn Tùng là mẫu người cộng sản liêm chính còn sót lại của thời bao cấp, là cán bộ có năng lực, điềm đạm và khiêm tốn.

Ngày 4-6-2000, tin từ Viện Phúc thẩm 2 báo về VKS Tối cao, ông Tùng mất tích, không đến nhiệm sở, không liên lạc được. Sự việc chấn động, người của Vụ Tổ chức cán bộ VKS Tối cao bay gấp vào Đà Nẵng. C16 của Bộ Công an cũng vào cuộc. Thông tin từ cơ quan và người nhà dần hé lộ, diễn biến vụ án mất tích thật đáng ngờ…

Ngày ngày 30-5-2000, ông Tùng có lịch cùng vợ ra Hà Nội bằng máy bay. Sáng hôm đó, ông trực tiếp cầm CMND để đi mua vé và không thấy trở về. Xác minh tại Vietnam Airlines, thì trong danh sách hành khách các chuyến bay đi từ Đà Nẵng đến Hà Nội từ ngày 30-5 đến 1-6-2000, không tìm thấy tên ông Nguyễn Văn Tùng. Như vậy ông Tùng không hề bay ra Hà Nội, vậy ông đi đâu?

Trong khi đó, tại Thị xã Hội An (nay là TP Hội An) cách Đà Nẵng hơn 30km, buổi chiều ngày 31-5-2022, anh Trần Văn Tuấn sinh 1973, trú tại thôn Phước Trạch, xã Cẩm An, thị xã Hội An, đi thể dục và phát hiện ra tư trang của ông Tùng tại bãi tắm biển Cửa Đại, gần khách sạn Victoria. Tư trang gồm: đôi dép, một mũ lưỡi trai, một cặp da màu đen và chiếc áo mưa. Cách đó 200 mét, trên rừng dương liễu ven biển, phát hiện xe máy của ông Tùng, hiệu Custom màu xanh, biển số 29-846 K9.

Ảnh: Khu vực Victoria Hotel Cửa Đại, Hội An, nơi có hiện trường giả năm 2000. Nguồn: Tác giả gửi TD

Vụ mất tích của một Viện trưởng VKS đã dấy lên nhiều đồn đoán và dư luận xôn xao tại Việt Nam. Người ta thêu dệt, cho rằng ông tự sát, bị thủ tiêu hoặc tạo hiện trường giả để vượt biên trốn sang nước ngoài.

Cô Nguyễn Thu Trang, con gái ông Tùng, cho biết, gia đình cô rất hạnh phúc. Bố Tùng không việc gì phải đào tẩu hoặc tự vẫn.  Ngoài ra, trong quan hệ xã hội, công việc cũng không thấy bố Tùng than vãn gì về việc căng thẳng và ông cũng chưa từng gây thù, chuốc oán với ai.

Vụ án ông Nguyễn Văn Tùng, Viện trưởng VKS Phúc thẩm 2 mất tích được khởi tố điều tra. Có điều, cơ quan thụ lý là Công an tỉnh Quảng Nam, chứ không phải Công an Đà Nẵng, trong khi mọi diễn biến trước ngày ông Tùng mất tích, đều xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng. Cơ quan điều tra đưa ra nhận định ban đầu, hiện trường trên bờ biển xã Cẩm An, Hội An, nơi phát hiện vật dụng của ông Nguyễn Văn Tùng, có khả năng chỉ là một cách đánh lạc hướng cơ quan điều tra.

Nhưng ai đã giết ông Tùng, tạo hiện trường giả đánh lừa cơ quan chức năng? Vì sao kẻ chủ mưu thủ tiêu ông Viện trưởng và xác ông Tùng hiện ở đâu?

Tất cả các câu hỏi đều đi vào ngõ cụt. Cơ quan Công an Quảng Nam im hơi lặng tiếng, không công bố bất kỳ tin tức gì. Báo chí quốc doanh cũng không có dòng nào lần theo dấu vết điều tra.

Một tháng sau, tức đầu tháng 7-2000, một xác chết được phát hiện, nổi trên vùng biển Quảng Ninh, khuôn mặt đã phân huỷ, quần áo nguyên vẹn, trong túi áo có CMND mang tên Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1942, quê Nghệ An. Thật bí ẩn, ly kỳ, khi mà người chết trôi ngược gần 1000 km, từ biển Hội An, Quảng Nam ra đến biển Quảng Ninh và quần áo còn nguyên trên người.

Không tìm ra hung thủ, Cơ quan điều tra CA Quảng Nam vĩnh viễn đóng lại hồ sơ vụ ông Nguyễn Văn Tùng mất tích bí ẩn.

Trong khi đó, dư luận ở Đà Nẵng và Quảng Nam, kể cả trong và ngoài ngành công an, lại rò rỉ nhiều thông tin đáng sợ đến ghê người.

Trước khi ông Tùng đi lấy vé máy bay, ông nhận được cuộc gọi hẹn gặp gấp. Đầu dây bên kia chắc chắn là người có thế lực, có thể liên quan hoạt động nội chính, tư pháp. Do đó, khi lên xe máy, ông Tùng đem theo cả cặp da đựng hồ sơ quan trọng. Tin nội bộ cho biết, ông Tùng có đầy đủ tài liệu vụ án Cầu Sông Hàn và Phạm Minh Thông đang gây xôn xao cả nước.

Vào ngày 29-3-2000, Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng bắt khẩn cấp Phạm Minh Thông, sinh năm 1938, quê Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam. Lúc đó, Thông là giám đốc Công ty hợp doanh Xây lắp và kinh doanh nhà Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong các bản cung, Thông khai đã đưa hối lộ cho Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiều lần, số tiền xấp xỉ 4-5 tỷ đồng, theo yêu cầu chia phần trăm từ Nguyễn Bá Thanh.

Viện Phúc thẩm 2 nhận được các báo cáo từ VKS TP Đà Nẵng. Ông Tùng được cho là sẽ đi Hà Nội, xin lệnh bắt Nguyễn Bá Thanh, nhưng đã muộn…

Ông Nguyễn Bá Thanh (phải) tặng hoa cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc CA TP Đà Nẵng. Ảnh: PLTP
Ông Phạm Minh Thông, bị cáo vụ án Cầu sông Hàn. Nguồn: AS&CS

Những người theo dõi sự kiện này có chung nhận định rằng, sát thủ đã giết ông Tùng buổi sáng, xe máy cùng tư trang ông Tùng được chuyển đến Hội An vào tối 30-5-2000 để dựng hiện trường giả, trong đó chiếc cặp da trống rỗng. Xác ông Tùng được các thủ phạm nguỵ trang thành hàng hoá, gởi kho ướp đông. Gần một tháng sau, chúng lại đưa lên xe thùng chuyên chở hàng thuỷ sản đông lạnh, vận chuyển ra Quảng Ninh và ném xuống biển.

Vụ án ông Nguyễn Văn Tùng mất tích bế tắc, không lâu sau đó, đại tá Trần Văn Thanh, nhân vật đối đầu trong “Chuyện song Thanh tại Đà Nẵng” bị mất chức giám đốc Sở Công an và bị điều về Bộ Công an. Sau cái chết của ông Tùng, lo sợ đến lượt mình, ông Trần Văn Thanh nhanh chóng bán nhà tại Đà Nẵng, đưa cả vợ con ra Hà Nội…

Ông Nguyễn Quốc Dũng, tức Dũng “lửa”, Viện trưởng VKS Đà Nẵng, anh ruột ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng nghỉ hưu sớm.

Đã hơn hai mươi năm trôi qua, các cơ quan nội chính của nhà nước cộng sản cố xoá đi tài liệu về vụ án. Tuy vậy, cái chết của ông Nguyễn Văn Tùng đến nay vẫn còn tranh cãi âm ỉ, nhức nhối trong hàng ngũ cán bộ CA và cả VKS Tối cao.

Vì sao một Viện trưởng VKS đầy quyền lực, bị giết hại giữa thanh thiên bạch nhật, mà cả hệ thống chính trị của đảng phải bó tay, hung thủ thì vẫn nhởn nhơ, thách thức pháp luật?

Đập chết “Anh hùng Lực lượng Vũ trang”

Đỗ Văn Quả, sinh năm 1948, quê làng Ô Gia Nam, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tuy sống miền quê thanh bình, nhưng tuổi thơ của Quả cực kỳ dữ dội. Đỗ Văn Quả bị xúi giục, lôi kéo đi làm giao liên cho Việt Cộng từ năm 15 tuổi. Lớn hơn một chút, được huấn luyện thành sát thủ, Quả tham gia đội vũ trang An ninh Quảng Đà và lập nhiều công trạng.

“Chiến công” lớn nhất của Quả phải kể đến là, ông ta đã giết rất nhiều đồng hương xứ Quảng, kể cả những người là bà con họ hàng, chỉ vì họ bị Việt Cộng tình nghi có cộng tác, làm việc hoặc có thân nhân dính dáng đến chế độ VNCH. Phần thưởng mà Quả nhận được là danh hiệu “Anh hùng LLVT” mà chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng vào năm 1976. Sau này, Đỗ Văn Quả mang lon trung tá, Trưởng công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Thời bao cấp, khoảng năm 1988-1989 có Đặng Thanh Bình, sinh năm 1963, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp II, Đại Nghĩa – Đại Lộc – Quảng Nam, câu kết với Nguyễn Bá Thanh, lúc này là Chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn 3, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, buôn lậu hàng chục tấn thóc giống của nhà nước. Đỗ Văn Quả trực tiếp chỉ đạo điều tra, phá án, nhưng rốt cuộc tội phạm vẫn lọt lưới, cao chạy xa bay, bởi tội phạm được bảo kê, thậm chí nhiều kẻ có thế lực trong tổ chức đảng không muốn làm to vụ này.

Chẳng những không bị pháp luật sờ gáy, bộ đôi Bá Thanh – Thanh Bình càng ngày càng “chui sâu, leo cao”. Năm 2007, khi đã là Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư thành uỷ Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh đưa Đặng Thanh Bình lên ghế Giám đốc Công ty Phát triển và khai thác Hạ tầng KCN Đà Nẵng. Cùng năm ấy, “cuộc chiến song Thanh” đã đến đỉnh điểm, tướng Trần Văn Thanh, Chánh thanh tra Bộ công an bị khởi tố điều tra, đình chỉ công tác.

Có thông tin cho hay, trung tá Đỗ Văn Quả tuyên bố muốn “lật lại hồ sơ vụ án” để giúp giải nguy cho tướng Trần Văn Thanh, người bạn, người đồng đội cùng chiến hào năm xưa ở Ban An ninh Quảng Đà. “Tai vách mạch rừng”, Đỗ Văn Quả, Trưởng công an huyện Đại Lộc chưa kịp làm gì thì đối phương đã ra tay trước.

Vợ ông Quả là bà Trương Thị Hạnh, sinh năm 1954, kể rằng, ông đi công tác, có kẻ mạo danh, gọi điện thoại báo tin khẩn, kêu ông Quả về nhà ngay vì vợ đang cấp cứu. Nửa đêm, đường quê nhá nhem, sát thủ giấu mặt từ bụi rậm nhảy ra, phang một nhát gỗ to vào gáy Quả. Người và xe máy ông trung tá bị bay xuống mương nước. Quả bị gãy cổ, dập não, đa chấn thương, chết không kịp trối một lời.

Những tài liệu mà trung tá Đỗ Văn Quả có, mọi bí mật mà ông biết rõ về Nguyễn Bá Thanh, đã vĩnh viễn mang theo ông xuống mồ. Rất nhiều cơ quan vào cuộc điều tra mà không có kết quả. Hoặc người ta biết, nhưng không dám làm. Vụ án khép lại, hung thủ biệt tăm.

Ai giết Đỗ Văn Quả? Cơ quan điều tra không trả lời được. Nhưng dân chúng rất nhạy, họ biết kẻ chủ mưu không ai khác ngoài “hung thần” Nguyễn Bá Thanh và đám tay sai. Tuy nhiên, vì sợ đại hoạ vào thân, dân tình tụ tập đây đó chỉ dừng lại ở mức xầm xì, bàn tán.

Có bốn sĩ quan CA biết tường tận về những gì Nguyễn Bá Thanh nhúng tay. Đó là trung tướng Lê Ngọc Nam, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng BCA, giám đốc CA Đà Nẵng; đại tá Nguyễn Đình Chính, cựu Phó giám đốc CA, Chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát Đà Nẵng. Cả Nam và Chính đều cùng tuổi, đều là con liệt sĩ, học sinh miền Nam trên đất Bắc với Nguyễn Bá Thanh, cũng là hai “hung thần” khét tiếng tàn bạo tại Đà Nẵng. Hai nhân vật còn lại cũng hiểu rõ nội tình, đó là thượng tá Vũ “nhôm”, là người đang thụ án 30 năm tù giam và đại tá Hùng “CD”, một người bạn, được phong “anh hùng LLVT” cùng đợt với ông Quả vào năm 1976.

Chân dung Lê Ngọc Nam và Nguyễn Đình Chính
Ảnh: Hùng “CD” và Vũ “nhôm”

Hùng “CD” tên thật là Nguyễn Thanh Hùng, sinh năm 1950, quê Quế Sơn, nhưng đầu quân dưới trướng Nguyễn Bá Thanh nên nhận bổng lộc đầy đủ. Hùng “CD” từng là Đội trưởng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, cấp bậc sau cùng là lon đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động CA Đà Nẵng. Ông ta nghỉ hưu năm 2011.

Sau mấy chục năm vơ vét đầy túi, Hùng “CD” đã kịp đưa hai cô con gái sang Mỹ du học, bỏ ra mấy triệu Mỹ kim để mua nhà ở Mỹ cho con bên đó. Hùng “CD” có ba vợ, có bốn cây xăng kinh doanh tại các vị trí đắc địa, cùng hàng chục căn nhà lầu đang cho thuê tại Đà Nẵng.

Vợ chồng Hùng “CD” có nhà riêng ở Ravensworth Virginia, Hoa Kỳ và đi về liên tục giữa Mỹ và Việt Nam mỗi năm vài lần.

Chúng tôi trở lại bốn nhân vật đồ đệ của Nguyễn Bá Thanh này vào một dịp khác.

Theo báo Tiếng Dân

(Còn nữa)

665230cookie-checkNguyễn Bá Thanh và những vụ bức tử, “giết người diệt khẩu”, kinh hoàng ở Đà Nẵng (Phần 1)

Your article gave me a lot of inspiration, I hope you can explain your point of view in more detail, because I have some doubts, thank you.