Wednesday, September 18, 2024
HomeDIỄN ĐÀN"Người rơm" thời hiện đại.

“Người rơm” thời hiện đại.

Christine Nguyen

Bài viết thể hiện quan điểm của Bùi Uyên đăng trên Nhịp Cầu Thế Giới – tựa được chủ nhà đặt lại.

Đọc báo mạng của Pháp, chợt dừng lại trước dòng caption ngắn có tứ “người Việt Nam”. Đáng chú ý hơn nữa, hiếm hoi mới thấy “Médiapart” – mạng tin chuyên điều tra các khuất tất của chính quyền có đến hơn 3 ngàn reaction và 1,5 ngàn lượt chia sẻ chỉ sau 7 giờ đăng (bình thường tin, bài nổi bật lắm cũng chỉ vài trăm đến 1K là nhiều). Mình tò mò đọc.

Với tựa “Những đứa trẻ biến mất ở Roissy” (Les enfants disparus de Roissy), nội dung phóng sự kể về tình trạng trong 2-3 năm trở lại đây, ghi nhận số lượng tăng vọt trẻ vị thành niên Việt Nam bị “bỏ rơi” sau khi hạ cánh ở sân bay Pháp. Thường các em bay cùng một người lớn, khi nhập cảnh xong, người này cầm sạch giấy tờ tùy thân của các em. Các em sẽ lang thang trong sân bay và khi gặp cảnh sát, thì câu tiếng Pháp duy nhất các em nói là xin… tỵ nạn chính trị.

Theo quy định tại Pháp và một số nước Châu Âu, trên tinh thần bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên nước ngoài không có giấy tờ, không có thân nhân, có mặt trên lãnh thổ Pháp sẽ được bảo hộ, tiếp nhận bởi các trung tâm bảo trợ xã hội và sau đó gửi đến các gia đình đón tiếp nhận nuôi. Tuy vậy, với các trường hợp trẻ em Việt Nam, trong thời gian chờ đợi tại khách sạn ở sân bay, chờ chuyển cho bên bảo trợ xã hội thì các em này… biến mất! 

Bài báo tìm hiểu và vạch ra những kẽ hở, yếu kém của việc phối hợp giữa cảnh sát biên phòng, các tổ chức bảo vệ trẻ em, bên bảo trợ xã hội và chính quyền Pháp, cụ thể là Bộ Nội vụ… dẫn đến tình trạng các nạn nhân nhỏ tuổi bị (cho là) bắt cóc vào tay bọn buôn người. 

Bài báo cũng điều tra trên diện rộng toàn Châu Âu để lần ra những dấu vết buôn người đưa các trẻ vị thành niên này sang Hà Lan và Anh để trồng cần sa hay làm móng tay. Các nhà báo điều tra bên Hà Lan cũng ghi nhận hiện tượng tương tự: số ca tăng đột biến trong vài năm gần đây của trẻ vị thành niên từ Việt Nam được đưa vào các nước Châu Âu và biến mất ở các trung tâm chờ xin tỵ nạn hay trung tâm bảo trợ xã hội. 

Cuối bài, nhà báo chỉ trích sự tắc trách của các cơ quan có trách nhiệm trước sự an nguy của trẻ em, đặt câu hỏi những đứa trẻ “bốc hơi” đáng thương giờ rơi vào tay ai, số phận ra sao?

Mình đọc xuống hàng trăm bình luận của độc giả, đa phần phẫn nộ và sửng sốt về câu chuyện.

Người ta chỉ trích chính quyền lơi là làm ngơ trước vấn nạn buôn trẻ em, chê trách nước Pháp “nước của Quyền Con người” mà lại không bảo vệ những đứa trẻ tội nghiệp? Họ vẽ ra viễn cảnh những đứa trẻ vô tội (khai là 16-17 tuổi) ấy sẽ là nô lệ tình dục, mại dâm, bóc lột lao động… Họ thương xót cho những người làm cha làm mẹ Việt Nam chắc đã gửi con đi mong được nhận làm con nuôi ở xứ văn minh, giờ đau khổ mất con. Họ lo lắng cho những đứa trẻ bơ vơ bị bọn buôn người bắt cóc không ai hay biết….

Phản ứng đầu tiên của mình là chỉ muốn cười khổ vào những người Pháp có suy nghĩ tử tế đến thơ ngây. Mình muốn comment cho họ rằng những “đứa bé vô tội” hay “cha mẹ đáng thương” kia đã hoàn toàn có kế hoạch cho chuyến “đổi đời” đó. Họ biết đích đến rõ ràng là đi làm kinh tế, thậm chí trồng cần sa – một nghề phi pháp mà mạng lưới lớn mạnh khắp thế giới đang cầm đầu bởi những nhóm người Việt.

Rằng những cô cậu 16-17 tuổi kia, mang gánh nặng nợ nần trên vai và giấc mơ nhà lầu xe hơi cho bố mẹ. Họ đến từ những xóm làng túng quẫn, mấy chục năm vặt lộn thoát nghèo không xong, nay trông cả vào cái “phao” “xuất khẩu lao động”. 

Các em thậm chí là người trưởng thành nhưng khai dưới 18 tuổi để tránh mọi nguy cơ pháp lý hay được xét là vị thành niên để được bảo vệ và hưởng các chế độ bảo trợ. Đó là một biện pháp quen thuộc của những đường dây “xuất khẩu lao động”. Có thể thấy trong những cuộc điều tra, rất nhiều thanh niên Việt Nam đang lưu trú tại Calais – thành phố biên giới Anh để chờ đợi bám xe thùng sang Anh, luôn trả lời khi được hỏi về tuổi như thế. 

Chẳng lẽ mình lại kể với họ rằng những suất đi bằng máy bay như thế, ngay cả những người tử nạn trên xe thùng đợt cuối năm trước, là những chuyến đi dạng VIP phải trả giá đắt đỏ. Rằng cha mẹ họ chẳng có ý gửi con nuôi hay mong con mở mang nơi xứ văn minh. Họ và con họ, sục sôi trong cơn khát nhà lầu, xe cộ, đua cho bằng nhà hàng xóm. 

Rộng hơn, là những xóm làng một vài năm ào ạt xóa nghèo, những nhà tầng khang trang mọc nhanh hơn cỏ dại. Quan chức địa phương hài lòng, chính quyền lấy xuất khẩu lao động cơ bản rẻ mạt là mục tiêu thoát nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn. Không cần biết dân mình đã trả những giá nào cho cuộc ra đi ấy.

Làm gì có những nạn nhân bơ vơ bị bắt cóc? Làm gì có những cha mẹ khóc thương vì con rơi vào ổ “trồng cỏ”? Làm gì có những đứa trẻ ngây thơ không hay biết mình bị lạm dụng buôn người?

Định cười những người Pháp cứ mãi ngây thơ tin vào sự trong sáng vô tội của những người vượt biên ấy. Rồi tự lúc nào lại xót xa cho những thân phận đồng hương kia. Ở một vị trí may mắn hơn, bỗng giận mình sao không thể mở lòng bằng những người khác chủng tộc? 

Đáng thương, khi nhìn cảnh đồng bào mình, cả một gia đình, chạy theo mơ ước đổi đời, làm giàu bằng mọi giá, bất chấp công việc trái phép, mặc kệ sự sống còn của con cháu mình.

Hay vì người ta không thấy cơ hội trên mảnh đất hết kế sinh nhai vì ô nhiễm, kiệt tài nguyên? Hay vì sống ở quê hương thì thân phận cũng mờ mịt không kém? Nơi sự giàu lên nhanh chóng của người này, bởi lấy đi đất đai nông nghiệp của người này, bởi phá đi môi trường sống của kẻ khác? 

Nơi mọi giá trị và nấc thang xã hội đong đếm bằng vật chất ta sở hữu, đẩy những người trẻ vào cuộc phiêu lưu bán mạng mưu cầu giàu sang?

Đáng trách, những địa phương, nhà quản lý, làm ngơ, thậm chí tạo điều kiện cho những đường dây môi giới buôn người với cái tên mỹ miều “môi giới lao động” đưa người Việt trẻ đi khắp thế giới theo mọi cách. Kiếm những khoản tiền khổng lồ bằng những bánh vẽ giàu sang kiếm tiền nhanh chóng.

Chỉ cần những đồng ngoại hối gửi về, bất chấp sạch bẩn, thấm mặn nước mắt, tanh cả máu, những thanh niên hay những đứa trẻ ngậm ngùi giấu đi cô đơn, tủi nhục hay cái chết cận kề, để gửi về làm vẻ vang gia đình, quê hương. Tự hào thêm tăng trưởng đất nước!

Vài chục người “thành công” trở về, ai cũng biết đến như mẫu hình tiêu biểu. Còn hàng trăm, hàng ngàn người, chẳng ai thống kê, nếu không bỏ mạng, thì cũng chỉ vất vưởng thân phận bấp bênh xứ người. Có ai hay?

Mà sao trong hơn 200 quốc gia trên thế giới, tại sao chuyện vượt biên, buôn người, trồng ma túy… lại nổi bật trên thế giới bởi người Việt Nam? Một đất nước không chiến tranh? Đang phát triển thay da đổi thịt? Nơi giàu sang và đẳng cấp tiện nghi nhiều khi còn tự hào hơn Châu Âu? 

Sao không phải Trung Quốc o ép hơn? Sao không phải Lào, Campuchia nghèo khổ hơn? Sao không phải Ấn Độ đông dân hơn? Hay Myanmar bất ổn hơn? Hoặc những nước châu Phi nghèo xơ xác?

Sao lại là người Việt phải ra đi và “được biết đến” trên báo chí nước ngoài theo cách này? Với số lượng ngày càng tăng, quy mô tổ chức ngày càng bài bản? 

Không đành comment kể sự thật cho độc giả Pháp để họ hiểu đúng. Lại viết những dòng này bằng tiếng Việt, rồi tự hỏi người Việt có ai quan tâm? Chính quyền biết hay không? Có khác gì? Chỉ là những thân phận bé mọn, lặng lẽ “bốc hơi”…?

RELATED ARTICLES

3 COMMENTS

  1. olá, gosto muito da sua escrita, tanto que mantemos uma correspondência extra sobre sua postagem na AOL. Preciso de um especialista neste espaço para desvendar meu problema. Talvez seja você. Estou ansioso para vê-lo

  2. Eu simplesmente não consegui sair do seu site antes de sugerir que realmente adorei as informações habituais que um indivíduo fornece aos seus visitantes. Voltarei regularmente para verificar novas postagens

  3. hiI like your writing so much share we be in contact more approximately your article on AOL I need a specialist in this area to resolve my problem Maybe that is you Looking ahead to see you.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular