Friday, December 13, 2024
HomeBLOGNgười Bắc có đáng ghét không (?!) - Phần 1

Người Bắc có đáng ghét không (?!) – Phần 1

Nguyễn Ngọc Già
7/10/2019

Nguyễn Phú Trọng phát ngôn: “Tổng Bí thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận! ” khi nội bộ người CS tranh giành quyền bính vào năm 2015.

Nguyễn Thiện Nhân – vào năm 2018 – thuyết phục người dân mất đất tại Thủ Thiêm: “Tôi nói tiếng Bắc nhưng tôi là người Nam. Tôi không gạt bà con đâu”.

Ông Trọng và ông Nhân không phải là những người đầu tiên “kêu gọi” chia rẽ dân tộc Việt Nam, nhưng họ là những người Cộng Sản đầu tiên không cần che giấu (đặc biệt cả hai ông đều đang nắm trọng trách rất cao trong chế độ độc đảng toàn trị) sự kỳ thị vùng miền kinh khủng như vậy!

Lời phát ngôn hàm hồ của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Thiện Nhân dường như “động viên” toàn dân Việt Nam lao vào cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” đời mới (!).

“Trôi theo dòng đời” tao loạn…

Lịch sử dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ phía Bắc – điều không thể chối cãi.

Kể từ khi vĩ tuyến 17 được phân định, người Bắc tháo chạy khỏi “bàn tay người CS” vào năm 1954.

Khi di cư, người Bắc mang theo văn hóa và cả giọng nói làm “hành trang” vào Nam.

Để thuyết phục đông đảo bạn đọc, nhất thiết phải chứng minh tính đại diện cho bất kỳ đề tài nào.

Hãy nhìn “dân Bắc Kỳ” thành danh và nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc để dễ thấy nhất: đại gia đình nhạc sĩ Phạm Duy (cả ca sĩ Thái Thanh và các con của bà), đại gia đình nhạc sĩ Lữ Liên (với các con: Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích, Anh Tú) , Khánh Ly, Lệ Thu, Sĩ Phú v.v… và hàng hà sa số “ca nhạc sĩ Bắc Kỳ” khác.

Trong lĩnh vực điện ảnh, người ta không thể nào quên “nữ tài tử Bắc Kỳ” Kiều Chinh với tài sắc vẹn toàn. Song song bà Kiều Chinh là “nam tài tử Bắc Kỳ” Trần Quang với chất “đàn ông đất Bắc” đậm nét, một thời làm “chết mê chết mệt” phụ nữ miền Nam và sự ngưỡng mộ của nam nhân Sài Gòn…

Bên cạnh đó, các lãnh vực khác, người gốc Bắc không thiếu: Chính trị (Phó TT Nguyễn Cao Kỳ), khoa học (Dương Nguyệt Ánh, Lưu Lệ Hằng), quân sự (Lương Xuân Việt, Nguyễn Từ Huấn) và nhiều nhân vật tên tuổi chói lọi không thể dẫn ra hết được.

Phải nói công tâm, giọng nói “đúng gốc” của người Bắc chuẩn xác và sang trọng. Hãy nhìn nữ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, dù cô rời Sài Gòn ở tuổi thiếu nhi, nhưng giọng nói của cô vẫn “đặc sệt” chất Bắc Kỳ mà sang trọng. Về nam, hình ảnh đại diện về “giọng nói đàn ông miền Bắc”, có lẽ nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đủ thuyết phục đông đảo bạn đọc, dù ông đã ngoài 70.

Ngay trong đời sống thường nhật, giọng nói của người miền Bắc, trước đây không có kiểu uốn éo (kể cả nam nhân). Quý độc giả có thể xem qua chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” sẽ thấy rất rõ “kiểu nói” của lớp trung niên và lớp trẻ miền Bắc hiện nay.

Đặc biệt cách phát âm dấu “sắc” với chữ “cố lên”, “đánh nhau”, “chú – cháu” v.v… Nó không còn đúng nữa! Nếu chú ý một chút, cách phát âm đó ở giữa dấu “hỏi” và dấu “sắc”, chính nó đã làm giọng nói bị méo mó rất nhiều và nghiêng hẳn về “làm màu” cho đủ độ… “sang trọng” (!), nhưng lại gây khó chịu cho người nghe. Rất tiếc, người Bắc hiện nay dường như không nhận ra mà kiểu “uốn éo” dấu “sắc” đang ngày càng lan rộng, dễ dàng bắt gặp trên các đài truyền hình phía Bắc.

Người Bắc chính gốc Hà Nội có tốc độ nói vừa phải. Cách nói của người Bắc sau này, không những nhanh mà tỏ ra rất vội vã, rất bộp chộp như sợ người khác tranh phần (!).

Văn hóa và giáo dục

Tại sao phải nói dông dài về dấu “sắc” và cách nói vội vã?! Việc ngỡ nhỏ xíu, nhưng thật ra không hề nhỏ!

Nhân cách của một dân tộc xuất phát từ văn hóa và giáo dục.

Sau cuộc tháo chạy vào năm 1954, người Bắc chính gốc Hà Nội hầu như còn rất ít, như người Sài Gòn chính gốc còn ở lại, sau “siêu thảm họa” 1975.

Số lượng “dân Hà Nội chính gốc” ít ỏi đó tuân theo quy luật “lượng đổi chất đổi” của Triết Học.

Chính “lượng người Hà Nội chính gốc” quá ít (tức lượng đổi), nó không còn đủ sức níu giữ “văn hóa ngàn năm văn hiến” (tức chất đổi) của người Bắc nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Cùng với “văn hóa ngàn năm văn vật” tháo chạy vào Nam, thì “giáo dục XHCN” chễm chệ vị trí “chính diện” trong toàn bộ các ngôi trường từ vĩ tuyến 17 trở ra (!).

Trẻ con đều được dạy nói trước khi biết đọc, biết viết. “Chất giọng” người Hà Nội Xưa cũng mai một dần theo năm tháng. Đó là hậu quả của “giáo dục XHCN” làm cho “giọng nói uốn éo” mất đi sự sang trọng và tự nhiên. Thật dễ hiểu với giáo viên có khá nhiều thầy cô “ngọng líu ngọng lo”! Phùng Xuân Nhạ bị người đời chế giễu chữ “lờ” và chữ “nờ”, thật ra ông ta là một “sản phẩm đời sau” của loại “giáo dục phi triết lý” mà thôi!

Như “mưa dầm thấm đất”, giọng nói, cách nói của người Hà Nội chính gốc đã phôi phai dần… Hàng chục năm rồi! Còn gì nữa mà không thấy?!

Người ta dễ dàng phân biệt được một người “Bắc 54” và một người “Bắc 75” thông qua, không chỉ giọng nói mà còn cách nói chuyện, cách hành xử, cách đi đứng, thẩm mỹ trong trang phục & phục sức, kể cả trong “văn hóa ẩm thực” tại nhà hàng sang trọng hay ở bàn nhậu trên vỉa hè…

(Còn nữa)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular