Thảo Dân
Câu cửa miệng của nhiều người là Từ cái thể chế này mà ra. Bao giờ lật đổ được thể chế này mới khá được. Họ nói như triết gia rồi bỏ đó. Coi như mình không có trách nhiệm nữa. Với họ, chỉ có đánh đổ được chế độ mới là việc đáng làm còn mọi thứ khác chỉ là nhỏ nhặt, ngắt ngọn.
Nhiều khi, rất nhiều khi cá nhân tôi, hoặc bạn bè gặp phải tình trạng những người có trình độ, có quan điểm sống, quan điểm chính trị tương đồng, nhưng chỉ vì bất đồng với nhau ở một vài điểm nhỏ trong tranh luận mà dẫn tới giận nhau, ra mặt hoặc âm thầm thậm chí tuyệt giao, lãng phí những mối duyên lành hữu hảo.
Điều này thật đáng tiếc. Bởi lẽ, tỉ lệ người có ý thức về quyền công dân quá ít ỏi, những người nhận thức được vấn đề không đáng bao nhiêu, lại còn xé lẻ nhau, tự cô lập nhau, rồi ra, những tiếng nói đơn độc đó sẽ làm được gì? Tôi nghĩ rất khó để chân thành, cầu thị bắt tay nhau khi mỗi chúng ta mang một trái núi cái Tôi to tướng trên vai. Đồng nghĩa với việc những con cua tiên phong sẽ nhiệt tình chiến đấu quanh miệng chậu, hoặc chỉ tạo sóng gió trong một tách trà chứ chả làm được điều gì giá trị.
Tôi có quan điểm rất rõ ràng.
Thứ nhất, tôi quý trọng tất cả những ai vượt qua nỗi sợ hãi, ý thức được quyền và nghĩa vụ công dân của mình để lên tiếng một cách lý trí, tỉnh táo, khách quan, vô tư ở các mức độ khác nhau, tùy theo khả năng. (Nhưng rất ác cảm với nhà nọ nhà kia tự phong sàm ngôn để méo mó hình ảnh những người thực sự mong mỏi một ngày mai tốt đẹp).
Thứ nhì, khi tranh luận, có thể gay gắt, quyết liệt nhưng tôi xác định rõ, tôi không đồng tình với điểm này điểm kia trong suy nghĩ của bạn, chứ không ganh ghét, phủ nhận con người bạn. Vậy thì nếu chúng ta trái chiều trong tranh luận cũng đừng vì thế mà giận dỗi tôi. Cái gì cũng đồng tình với nhau thì khác gì 17 cánh tay vô lương vô năng biểu quyết đồng tình giết 1 người chưa có chứng cớ xác đáng? Tuy nhiên, khi tranh luận, cũng cần chú ý cảm xúc người đối thoại. Có nhiều người không tranh luận, không phải vì họ chỉ muốn nghe lời khen ngợi, lời ủng hộ mà có thể họ có những lý do cá nhân để dừng trao đổi. Hoặc họ chờ đợi được bổ túc sâu hơn ở vấn đề mình quan tâm chứ không phải cần chứng minh ai đúng ai sai. Khi đó mình nên tôn trọng, vì có nói thêm họ cũng sẽ bộc lộ phản ứng chối từ, thế thì vô ích.
Có một số người tự cho mình là người cấp tiến, dân nọ dân kia nhưng khi ai trái ý thì kéo bè kéo cánh, xúc xiểm cá nhân, lôi đời tư người ta ra mỉa mai, đăng đàn viết tút năm lần bảy lượt bêu riếu cay độc hoặc dùng ngôn từ bến bãi để bày tỏ hằn học cá nhân. Bọn dlv thì đã đành. Tụi nó do nhận thức hạn chế hoặc vì tiền. Không chấp. Cấp tiến mà thế thì xin lỗi, tôi coi đó là dân đấu tranh đầu đường xó chợ, rạch mặt ăn vạ, làm nên trò trống gì ngoài sự gây thù nghịch tị hiềm. Nguyên điểm xấu này đã thua xa cộng sản đời đầu, bởi cộng sản chỉ có một dúm người, thậm chí nhiều cá nhân học hành lỗ mỗ, mà ngồi được trên đầu trên cổ mình thì thời trứng nước, họ phải đồng lòng đoàn kết vô cùng. Và ngay cả bây giờ, một mặt, họ sẵn sàng cấu xé nhau, đưa nhau vào lò nhưng trước nguy cơ lợi ích đảng phái bị đe dọa, thì họ nhất tề coi dân là giặc. Dù bản chất vấn đề khác nhau, nhưng không lẽ những người bất đồng chính kiến không rút ra bài học cho mình? Nhiều khi tôi nghĩ, không biết những người đấu tranh này lên tiếng vì chính trực, yêu mến sự công bình, tự do hay chỉ để bộc lộ, tô vẽ bản thân, lấy số lấy má rồi mưu lợi cá nhân. Bởi nếu vì cái chung, thì người ta sẵn sàng dẹp cái Tôi qua một bên mà ngồi với nhau ôn hòa, điềm tĩnh, tin cậy, tôn trọng chứ không phải hơi một chút là tự ái, hơi một chút là từ mặt nhau rồi co lại trong thế giới của mình và ôm thất vọng.
Câu cửa miệng của nhiều người là Từ cái thể chế này mà ra. Bao giờ lật đổ được thể chế này mới khá được. Họ nói như triết gia rồi bỏ đó. Coi như mình không có trách nhiệm nữa. Với họ, chỉ có đánh đổ được chế độ mới là việc đáng làm còn mọi thứ khác chỉ là nhỏ nhặt, ngắt ngọn.
Tôi không nghĩ như thế.
Đồng ý rằng, loài trùng độc, loài cỏ dại thì phải tận diệt. Nhưng diệt bằng gì khi bạn tay không tấc sắt, có thể bị bạo lực đập nát bét như đập một con gián? Mà nếu đem máu để đánh đổi, thì núi xương sông máu là bao nhiêu cho đủ, và liệu có bao nhiêu người tin và làm theo trong khi chỉ việc tôn trọng suy nghĩ khác mình còn không làm nổi? Có phải quá viển vông, vô căn cứ? Chúng ta còn cách nào tốt hơn là phải biết bao dung, thừa nhận nhau, hòa bình với nhau để từng bước, nhỏ thôi, bất bạo động để đi về phía trước?
Tôi thường im lặng quan sát mỗi khi xảy ra một sự việc mang tính thời sự. Rất lâu rồi, tới vụ Hồ Duy Hải, mới thấy có một sự gắn kết gần như của rất nhiều giới, cho dù ngày thường, họ không thuộc nhóm của nhau, thậm chí bút chiến, khẩu chiến dữ dội, hoặc đâu đó có những ì xèo rằng vụ án này của phe nhóm đánh nhau, nhưng lúc này, tất cả họ đang cùng lên tiếng đòi hỏi công bằng cho một công dân. Dù chưa biết rồi kết cục thế nào, nhưng đó là “tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, vì tất cả đều ý thức được rằng, nếu Hồ Duy Hải bị xử chết thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ là tù nhân dự khuyết.
Người thân luôn nhắc với tôi câu ngạn ngữ Pháp, đại ý Lỗ nhỏ đắm thuyền. Những tiêu cực, bất công, oan trái xảy ra hàng ngày trên đất nước này chính là trăm ngàn lỗ thủng li ti trên con thuyền đang mục nát. Đẩy lật con thuyền lớn ngay lập tức là việc rất khó. Nhưng sẽ tới ngày thuyền đắm khi các lỗ hổng ngày một lớn dần thêm. Chỉ cần tất cả chúng ta Đồng Tâm và kiên nhẫn.
(Tấm hình không liên quan nhưng tôi cho là biểu tượng đẹp về tình yêu, tình người, biểu tượng đẹp về sự vượt qua lễ giáo phong kiến cổ hủ để sống văn minh, tích cực. Chàng 82. Nàng 77. Chúng ta cùng chúc phúc cho đôi trẻ nhé. ❤).