VOA 02/02/2019
Phạm Chí Dũng
Một cách cầm chắc như niềm tin vào chủ nghĩa xã hội của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng không suy xuyển và ‘đất nước ta có bao giờ được như thế này không’ của cùng tác giả, Quốc hội đã cắm mặt gật đầu với dự toán thu ngân sách năm 2019 với số thu lên đến 1.411 ngàn tỷ đồng để phục vụ cho số chi ngân sách, trong đó có hơn 70% chi thường xuyên cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức chỉ tăng không giảm với 30% trong số đó ‘sáng cắp ô đi tối cắp ô về’ – lên đến 1.633 ngàn tỷ đồng.
Được đằng chân lân đằng đầu
Liên tiếp trong nhiều năm qua, dự toán thu ngân sách năm sau đều được ‘quyết’ tăng hơn nhiều so với năm trước – từ 10 đến 12% vào thời kỳ kinh tế còn chưa rơi hẳn vào cơn suy thoái nhưng vẫn vống đến 8 đến 9% trong những năm gần đây, bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận xã hội và tiếng kêu than oán ‘doanh nghiệp và sức dân đã cạn’, mà bằng chứng thảm thiết nhất là tỷ lệ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới.
Nhưng nếu số thu ngân sách năm 2018 vẫn cố ép thu và vẫn vượt dự toán khoảng 3%, thì số thu ngân sách năm 2019 đầy tham lam và duy ý chí sẽ rất có thể va phải bức tường kiên cố của tình trạng ‘thu không bền vững’ từ bất động sản, dầu khí và khối doanh nghiệp.
Nguy biến từ ‘nguồn thu không ổn định’
Kết quả thu ngân sách năm 2018 đối với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã bị giảm thu từ hơn 2% đến gần 3% so với dự toán, trong khi khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua – còn tồi tệ hơn nhiều: giảm thu đến 15% so với dự toán.
Trong khi đó, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam được công bố vào tháng Mười năm 2018 đã phải thừa nhận rằng số thu vượt dự toán năm 2018 chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9%, dầu thô tăng 53,2%. Tuy nhiên, thu từ đất không ổn định còn thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế ($73,5/$50/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.
Nỗi lo lắng của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước về nguồn thu từ nhà đất và dầu thô “không ổn định” (hay còn được xem là “cấu trúc thu không bền vững”) cũng chính là tâm trạng lo sợ không nguôi của chính thể độc đảng ở Việt Nam: nếu trong năm 2019 và những năm sau đó mà hai nguồn thu này vẫn “không ổn định” theo chiều hướng suy giảm chứ không tăng vọt ồn ào như năm 2017 và 2018 – đặc biệt đối với thu thuế buôn bán nhà đất, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại?
Và nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.
Thế tiến công ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’ của đảng và quốc hội Việt Nam còn bị giáng cho một cú thất thần: vào cuối năm 2018, giá dầu thô thế giới lao dốc thảm hại từ mức hơn 73 USD/thùng xuống chỉ còn chưa đầy 50 USD/thùng, tức sụt đến 30%. Dự toán thu ngân sách năm 2019 về dầu thô của Việt Nam cũng bởi thế rất có thể sẽ ‘trật đường rày’ và mất đi một khoản tiền lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Trong lúc đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu thế giới vẫn được dự báo sẽ vượt hơn 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019. Trong lúc triển vọng nhu cầu yếu hơn, OPEC và Nga vẫn tăng sản lượng, và nguồn cung tại Mỹ cũng nhảy vọt.
Vào năm 2014 khi giá dầu thô thế giới còn ngất ngưởng ở vùng trên 100 USD/thùng, các cơ quan Việt Nam đã mạnh tay dự báo giá dầu sẽ còn tăng hơn nữa, hoặc có giảm cũng không đáng kể. Tuy nhiên sau khi lập đỉnh, giá xầu thô thế giớ đã lao dốc không phanh, giá đến hơn 50% và rơi về vùng 45 – 50 USD/thùng, khiến ngân sách Việt Nam bị ‘hụt thu’ đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng/năm.
Rất có thể là khi dự báo giá dầu thế giới vào năm 2017, các cơ quan Việt Nam đã căn cứ vào tình hình thực tế khi đó là giá dầu chưa tăng mạnh mà vẫn chỉ quanh quẩn ở vùng 50 USD/thùng. Nhưng họ không ngờ là vào cuối năm 2017 và sang đầu năm 2018, giá dầu thô thế giới bắt đầu tăng rồi tăng mạnh, lên đến hơn 70 USD/thùng.
Còn giờ đây, dự báo về giá dầu thô của chính phủ Việt Nam lại một lần nữa phải… xuống theo thế giới. Giới quan chức ‘còn dầu còn đảng’ và ‘còn đảng còn mình’ chỉ mong ngóng giá dầu tăng để tăng thu ngân sách và do đó tiếp tục duy trì chính đảng độc trị được ngày nào hay ngày đó… có lẽ đang tràn trề thất vọng vì mất tiền.
Vậy ngân sách nhà nước năm 2019 sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình” mà có ít nhất 30% trong số đó ăn không ngồi rồi?
Lại in tiền ồ ạt?
Nhưng vào lúc này, ngay cả thao tác in tiền để “bù đắp khó khăn ngân sách” đang trở nên quá nguy hiểm trong bối cảnh lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm chứ tuyệt đối không phải “được kềm chế dưới 5%/năm” như các báo cáo chính phủ bất cần biết dân chúng và dân sinh. Chỉ so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2,3 triệu tỷ đồng và vào năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng – tức gấp đến 3 lần, thì trong gần một chục năm qua Bộ Chính Trị đảng và Ngân Hàng Nhà Nước rất có thể đã phải cho in tiền từ 400.000 – 500.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vào thời Nguyễn Tấn Dũng “tiền ra như nước Sông Đà.”
Chỉ còn cách tăng thuế.
Thuế, thuế và thuế!
“Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững về các nguồn thu Chính phủ và bảo đảm rằng các nguồn lực được đầu tư một cách có hiệu lực và được sử dụng có hiệu quả. Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng nguồn thu trong nước từ thuế như là một nguồn thu bền vững hơn và đáng tin cậy hơn” – theo một khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra tại Báo cáo đánh giá tình hình tài chính cho phát triển bền vững tại Việt Nam, được công bố vào chiều 11/9/2018 tại Hà Nội.
Báo chí nhà nước cho biết ‘báo cáo này được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đặt hàng và do một nhóm chuyên gia biên soạn, với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030’.
Nhưng ai có thể tưởng tượng rằng tổ chức Liên Hợp Quốc – lấy giá trị căn bản tồn tại là phát triển bền vững và công bằng giữa các giai tầng – lại khuyến khích chính thể độc đảng ở Việt Nam đè thuế lên đầu dân càng nhiều càng tốt để bảo vệ cho chế độ chỉ còn hơi thở lụi tàn ấy?
Hoặc chính là ‘các chuyên gia’ của chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam đã lợi dụng nguồn kinh phí được tài trợ từ UNDP để ‘nghiên cứu’ theo phương châm ‘lấy mỡ nó rán nó’: mở rộng diện thu thuế để tăng thu ngân sách trên danh nghĩa UNDP đứng phía sau khuyến nghị này.
Các mưu đồ tăng thuế lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 10 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết,” sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Thói vô tâm, vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức chính quyền đã tích tụ từ nhiều năm qua và mang tính hệ thống.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Một đảng Cộng sản ‘của dân, do dân và vì dân’ nhưng đang đẩy dân chúng vào cảnh tàn mạt bởi chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’.
Nhiều người dân ở các tỉnh đói nghèo ấy thốt lên: “Túi chẳng còn gì để nộp thuế nữa. Nếu nhà nước cứ tróc nã thì dân chỉ còn cách hoặc trốn đóng hoặc phản ứng tự vệ thôi.”
Thực tế ít nhất 1/3 trong số 63 tỉnh thành thu ngân sách không đạt kế hoạch năm 2018 là một bằng chứng sống động về thực tế ‘trong dân chẳng còn tiền để thu’. Thậm chí ngay cả ‘con bò sữa’ Sài Gòn cũng chỉ đạt kế hoạch thu ngân sách 2018 khoảng 98%.