Nga càng lúc càng gặp rắc rối vì nhà đối lập Navalny

0
226
Nhà đối lập Nga Alexei Navalny tại Berlin (Đức). Ảnh không ghi ngày lấy từ mạng xã hội ngày 23/09/2020. Courtesy of Instagram @NAVALNY/Social Media via REUTERS. via REUTERS - SOCIAL MEDIA
Đăng ngày: 25/09/2020 – 16:33
Nỗi lo ngại đang dâng cao tại Pháp trước tình hinh dịch Covid-19 tăng tốc lan rộng trở lại, kèm theo là phản ứng giận dữ của những địa phương bị áp đặt các biện pháp hạn chế sinh hoạt để ngăn dịch, là chủ đề bao trùm toàn bộ các nhật báo lớn ra ngày hôm nay 25/09/2020 tại Pháp. Dịch bệnh đã đẩy xuống hàng thứ yếu các đề tài thời sự như hệ quả của vụ nhà đối lập Nga Navalny bị đầu độc hay cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ…
Về hồ sơ Navalny, thông tín viên Le Monde tại Nga đã có một bài viết lý thú về những rắc rối bất ngờ mà nhà đối lập đang gây ra cho chính quyền Putin. Bài mang tựa đề “Bây giờ là Putin đấu với Navalny”
Nếu sáng ngày 20/08 vừa qua chiếc máy bay chở ông đến Matxcơva đã không khẩn cấp đáp xuống phi trường Omsk, Siberia, bất chấp một lệnh báo động về bom rất hợp thời, thì có lẽ Alexei Navalny đã chết rồi. Người mà Vladimir Putin thậm chí tên cũng không chịu nói đến, có lẽ đã bị xóa bỏ khỏi chính trường Nga, và điện Kremlin sẽ phải trải qua một lúc khó chịu, nhưng sẽ bớt đi được một mối lo.
Một tháng sau, chính Alexeï Navalny lại trở thành người áp đặt chương trình nghị sự – chính trị, thông tin, ngoại giao cho Nga. Dù phải nằm trong bệnh viện ở Berlin, nhà đối lập bị đầu độc đã trở nên nhân vật quan trọng không thể tránh được. Việc ông ra khỏi viện ngày 23/09 càng làm cho việc chính quyền Nga đối phó với “vấn đề Navalny” thêm tế nhị.
Nhà đối lập thường xuyên đưa lên các mạng xã hội tình trạng sức khỏe của ông. Quá trình ông bình phục rất được theo dõi, và mỗi bài đăng của ông đều có cả triệu “like”. Điều này đã vô hiệu hóa chiến lược của điện Kremlin là làm như không hề có sự cố Navalny, cũng không có một nhà đối lập tên là Navalny.
Cùng lúc thì điều “cấm kỵ Navalny” lại chen vào không gian truyền thông Nga. Dĩ nhiên các “chuyên gia” được mời phát biểu về ông trên truyền hình đều đưa ra những luận điểm càng lúc càng lố bịch hay những đoạn video giả mạo, nhưng cốt lõi vấn đề là Nga không thể làm ngơ, phớt lờ hiện tượng Navalny nữa.
Về mặt ngoại giao cũng vậy. Người ta hoàn toàn có thể tưởng tượng nỗi bực tức của ông Putin khi phải trả lời câu hỏi của tổng thống Pháp về Navalny. Tên của nhà đối lập cũng được nhiều lần nhắc đến ở khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và ngoại trưởng Nga Lavrov đã phải nhiều lần giải thích, lập di lập lại lập luận điểm là nếu có đầu độc thì điều đó xẩy ra sau khi ông Navalny rời Nga, cho dù nhà đối lập khi ấy đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Nói cách khác và ngay trước khi ông trở về Nga, nhà đối lập bị chế độ cho là không tồn tại, có thể gây xáo trộn lịch trình ngoại giao của Nga và có thể là nguyên nhân những trừng phạt mới nhắm vào Matxcơva
Covid-19: Pháp siết chặt các biện pháp hạn chế
Về các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập vừa được bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran loan báo tối thứ Tư 23/09, trong lúc Le Monde nêu lên sự kiện một cách khách quan trong hàng tựa lớn trang nhất: “Chính phủ siết chặt các hạn chế”, thì Le Figaro nói ngay: “Covid-19: Những hạn chế mới gây tranh cãi”. Riêng Libération thì chạy hàng tít gây sốc: “Các biện pháp chống Covid: Mảng đỏ lớn gây giận dữ”.
Le Monde đã tóm gọn các biện pháp như sau: “Tại 69 tỉnh bị xếp vào diện ‘vùng báo động’, những biện pháp mới nhằm hạn chế việc tụ tập, trong đó có yêu cầu áp dụng cách thức lập “nhóm người tiếp xúc cố định” (bulle sociale – mỗi người có thể thoải mái tiếp xúc, gần gũi, không cần khẩu trang, giữ khoảng cách, với một số người cố định). Các biện pháp sẽ đặc biệt được tăng cường tại các địa phương bị coi là bị nặng nhất, đặc biệt là vùng Aix-Marseille ở miền Nam nước Pháp và đảo Guadeloupe ở hải ngoại.
Quyết định của chính phủ dĩ nhiên đã bị chỉ trích, với nhiều đại biểu dân cử tại các địa phương phải áp dụng các biện pháp mới, như ở vùng Marseille hay Paris đã phản ứng giận dữ. Họ vừa lên án chính quyền trung ương là đã có hành vi “trừng phạt” nhắm vào người dân những nơi đó, vừa phàn nàn là các biện pháp được trung ương ban hành một cách độc đoán, không hề tham khảo ý kiến của địa phương.
Giới khoa học, theo Le Monde, cũng tỏ ý tiếc rằng chính quyền đã không đưa ra được một đề nghị nào nhằm cải thiện chính sách xét nghiệm và truy tìm những người bị nhiễm Covid-19 tại Pháp.
Le Figaro: Tranh cãi địa phương-trung ương
Cùng một nhận xét như đồng nghiệp Le Monde, nhật báo Le Figaro đã xoáy mạnh trên phản ứng giận dữ của các đại biểu dân cử địa phương cũng như của giới kinh doanh nhà hàng, quán nước, nạn nhân của các biện pháp hạn chế tụ tập được ban hành.
Trong gần một chục trang báo, Le Figaro đặc biệt chú ý đến phản ứng từ Marseille nói riêng và vùng PACA ở miền nam Pháp nói chung, nơi các đại biểu dân cử như đã liên kết với nhau thành một mặt trận để đối đầu với các biện pháp bị cho là từ trên dội xuống một cách quan liêu.
Một hôm sau thông báo của bộ trưởng Y Tế, làn sóng bất bình đã trào dâng tại vùng miền Nam nước Pháp, với các đại biểu dân cử địa phương từ tả sang hữu đều tỏ thái độ phẫn nộ, đặc biệt đối với biện pháp đóng cửa các nhà hàng và quán rượu bia.
Theo Le Figaro, các quan chức địa phương cảm thấy bị Paris coi thường vì họ không hề được tham khảo ý kiến về các quyết định áp đặt trên các thành phố, thị xã mà họ quản lý, nhất là khi thủ tướng Pháp Jean Castex vẫn không ngừng nhấn mạnh về tầm quan trọng của mối liên kết chặt chẽ giữa trung ương với địa phương và nhu cầu tham vấn trong việc chống dịch.
Trả lời phỏng vấn của báo Le Figaro, bà Maryse Joissains, thị trưởng thành phố Aix-en-Provence chẳng hạn đã không ngần ngại tố cáo: “Họ – tức là chính quyền trung ương – đang đẩy đất nước vào một tình trạng lo âu” một cách vô trách nhiệm.
Về phần mình, trước Thượng Viện Pháp vào hôm qua, bộ trưởng Y Tế đã biện minh cho phương pháp làm việc của chính phủ: “Hội ý không nhất thiết có nghĩa là đồng ý; đến một lúc nào đó, nguyên tắc trách nhiệm phải được ưu tiên”.
Quán bar và nhà hàng: Ổ lây nhiễm cực mạnh
Trong hồ sơ về các biện pháp chống dịch mới, Le Figaro đặc biệt tìm cách giải thích lý do thúc đẩy chính quyền Pháp đóng cửa trở lại các quán bar và nhà hàng, cũng như hạn chế tụ tập quá đông người.
Tờ báo trích dẫn giáo sư Xavier Lescure, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Bichat ở Paris cho biết là các dữ liệu về dịch bệnh ghi nhận được tại Mỹ đã cho thấy việc thường xuyên đi vào các quán bar hay cà phê sẽ làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 lên 3 hoặc 4 lần. Đối với những người đi ăn nhà hàng, rủi ro thấp hơn một chút, nhưng cũng tăng gấp đôi.
Trên đây là kết quả của một công trình nghiên cứu được thực hiện tại 11 trung tâm xét nghiệm trên khắp nước Mỹ vào tháng 7 và được công bố hôm 11/09 trong bản tin hàng tuần của các Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ CDC.
Theo các nhà nghiên cứu, hoạt động trong các phòng tập thể dục hay việc đi lễ hoặc tham dự các cuộc tụ họp tôn giáo cũng làm tăng rủi ro lây nhiễm, nhưng chưa thể kết luận một cách chắc chắn.
La Croix: “Cuộc sống của chúng ta dưới một cái chuông?”
Dù cũng khai thác đề tài chống dịch Covid-19, nhưng khác với các đồng nghiệp, nhật báo Công Giáo Pháp La Croix hôm nay đã xoáy mạnh trên yêu cầu của chính quyền muốn mọi người hạn chế giao tiếp không chỉ với người ngoài, mà cả giữa những người thân.
Ngay trang nhất, La Croix đã tự hỏi là với các hạn chế như vậy, phải chăng “Chúng ta sẽ sống dưới một cái chuông”, chỉ quanh quẩn giữa một nhúm người với nhau?
Trong bài phân tích bên trong mang tựa đề “Tiến tới một cuộc sống không bị phong tỏa mà cũng không được giải tỏa”, tờ báo ghi nhận là tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại địa phương của mình, người Pháp vẫn có quyền – với điều kiện là phải đeo khẩu trang hợp lệ – tiếp tục làm việc – theo phương thức từ xa càng nhiều càng tốt – và học tập. Thế nhưng giờ đây, họ phải thận trọng mỗi khi muốn đi ăn nhà hàng, đi du lịch, đi nghe hòa nhạc, thậm chí phải cân nhắc khi tham gia những buổi gặp mặt trong gia đình hoặc tham dự các sự kiện vui chơi, thể thao.
Theo nhà xã hội học Michel Wieviorka, nếu dịch bệnh kéo dài, hậu quả rất đáng lo ngại: “Mọi khả năng giao lưu với người khác sẽ biến mất, từ những chuyến du lịch, chương trình trao đổi sinh viên châu Âu Erasmus, các cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, chẳng hạn như ở nơi làm việc, hoặc trong một bữa tiệc với bạn bè…”.
Đối với triết gia Laurence Devillairs, việc hạn chế giao tiếp xã hội sẽ đặc biệt có hại cho giới trẻ vì “đối với các thiếu niên, mong muốn chính là thoát ra khỏi “bong bóng” của gia đình, để ra ngoài vui chơi theo băng nhóm.”
Sau cùng, đúng với tôn chỉ của mình, nhật báo Les Echos đã chạy hàng tựa lớn trang nhất: “Pháp đối mặt với làn sóng thứ hai”, nhưng nhấn mạnh đến sư kiện các doanh nghiệp lo ngại những hạn chế mới sẽ cản trở sự phục hồi đang manh nha trở lại.
Les Echos ghi nhận là chính phủ không chỉ phải đối phó với làn sóng phản đối từ phía các đại biểu dân cử địa phương, mà cả từ các ngành nghề bị tác hại. Riêng tại các sở làm, các biện pháp y tế đang càng lúc càng đặt ra những vấn đề nan giải.
Libération: Donald Trump không hứa chuyển quyền êm thắm
Về thời sự nước Mỹ, việc tổng thống Donald Trump tiếp tục từ chối cam kết chuyển quyền một cách êm thắm trong trường hợp ông thất cử ngày 03/11 tới đây đã được nhiều tờ báo chú ý.
Trong bài viết “Donald Trump độc tài, nước Mỹ ơi, đừng dọa tôi!”, Libération nhắc lại sự kiện là hôm 23/09 vừa qua, trước yêu cầu của một nhà báo muốn ông cam kết đảm bảo chuyển quyền êm thắm, bất kể kết quả cuộc đấu với Joe Biden, ông Trump đã từ chối trả lời, chỉ nói rằng “phải xem điều gì xẩy ra”. Một lần nữa, ông lại chỉ trích việc bỏ phiếu qua thư, cho rằng điều đó mở đường cho phe Dân Chủ gian lận ồ ạt.
Giáo sư luật người Mỹ Lawrence Douglas mà Libération trích dẫn nhận định: “Tuyên bố này vừa gây chấn động, vừa không mấy ngạc nhiên… Chấn động là vì trong lịch sử Mỹ chưa bao giờ một tổng thống đặt lại vấn đề chuyển giao quyền hành một cách hòa bình, nhưng không mấy gây ngạc nhiên là vì nó khớp với những gì mà ông Trump nói từ nhiều tháng nay”.
Theo tổng thống Trump, ông Joe Biden chỉ có thể thắng bằng gian lận. Và lập luận được ông Trump nhắc đi nhắc lại ở mỗi mít tinh đã bắt đầu có tác hại không thể đảo ngược và làm dấy lên nguy cơ một cuộc khủng hoảng hậu bầu cử.
Ông Trump đã tạo ra suy nghĩ là nếu ông thắng, thì hệ thống đã chứng minh tính chính đáng, còn nếu ông thua tức là hệ thống đã biến chất, hư hỏng. Một số trong số hàng chục triệu người ủng hộ ông đã đồng tình với thông điệp này, và điều đó đã tạo ra một môi trường độc hại trong nước.
Dấu hiệu phát biểu của ông Trump đã gây khó chịu sâu sắc là nhiều người trong đảng Cộng Hòa đã lên tiếng tỏ thái độ bất bình tuy không công khai chỉ trích ông.
575510cookie-checkNga càng lúc càng gặp rắc rối vì nhà đối lập Navalny