Đăng Khoa
17-7-2020
Vụ án bưu cục Cầu Voi và tử tù Hồ Duy Hải bỗng chốc khiến hàng triệu người dân Việt Nam bừng tỉnh và tìm hiểu thật sâu về pháp luật và các quyền của cơ quan điều tra, viện kiểm sát đến tòa án. Trước đó những án oan sau của Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa tạo được hiệu ứng dữ dội như vậy bởi chưa ai đối diện với án tử hình giống Hồ Duy Hải.
Nên biết rằng Hồ Duy Hải đã thoát chết 2 lần trong đường tơ kẽ tóc là lần đầu vào năm 2011 khi Liên minh Âu châu (EU) đã cấm xuất các hóa chất, thuốc độc lẫn thiết bị thi hành án tử hình sang Việt Nam khi phương án thi hành tử bằng tiêm thuốc thay cho xử bắn được áp dụng. Lần thứ hai, Hồ Duy Hải thoát án tử chỉ trước 24 tiếng đồng hồ là do quyết định khẩn cấp đình chỉ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2014.
QUYỀN CÔNG DÂN VÀ KẼ HỞ PHÁP LUẬT BỊ CQĐT LẠM DỤNG
Khi Hồ Duy Hải bị CQĐT Long An triệu tập lên ngày 20/3 và 21/3/2008 ban đầu chỉ lấy lời khai về chuyện cá độ và nợ tiền do thua độ. Chiều tối ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải đột nhiên khai nhận là hung thủ giết người tại bưu cục Cầu Voi hơn 2 tháng trước.
Chuỗi ngày bi kịch của Hồ Duy Hải và gia đình bắt đầu từ đó.
Chúng ta không cần bàn sâu nữa về các chuyện bất minh, mờ ám và phi lý của CQĐT Long An, VKS Long An, Tòa án Long An, Tòa án Tối cao TPHCM và cả phiên giám đốc thẩm Tòa án tối cao 17/17 đầy tai tiếng nữa vì dư luận, giới luật sư, báo chí và các chuyện gia tư pháp nói quá nhiều.
Chúng ta thử đặt tình huống mình là Hồ Duy Hải hay chí ít con em, người thân mình là Hồ Duy Hải để thấy rõ hơn những lỗ hổng kiến thức pháp luật của công dân Việt Nam lẫn sự lạm dụng bạo lực của CQĐT.
Việc lạm dụng bạo lực, ép cung, mớm cung và tước đoạt các quyền phản kháng, quyền bảo hộ giám sát của người thân và quyền tham vấn của luật sư của CQĐT (Công An) đã thực sự gây ra nguy cơ oan sai quá lớn.
Bạo lực khi được sử dụng thường xuyên gây ra vấn đề mất kiểm soát do lạm dụng, thậm chí còn gây ra hiện tượng nghiện dùng bạo lực của không ít người trong đội ngũ điều tra viên. Bên cạnh đó sự tê liệt của Viện kiểm sát, theo chức năng là đơn vị kiểm sát và kiểm tra độc lập với CQĐT cũng là vấn đề nghiêm trọng. CQĐT và Viện kiểm sát Long An trong vụ án Bưu cục Cầu Voi là một và khi đưa ra tòa án Long An xử trớ trêu tòa án thay vì xét xử trên tinh thần suy đoán vô tội cũng hùa với 2 đơn vị trên ép Hồ Duy Hải vào chỗ chết.
Hồ Duy Hải chưa chết có lẽ vì mệnh Trời, vì tiếng kêu oán thán của bà Loan mẹ Hải đã chấn động nhân tâm lẫn quỷ thần chăng? Có lẽ vậy, và có lẽ rằng người ta vẫn còn hy vọng công lý ở Việt Nam chưa tắt nốt ánh sáng cuối cùng.
Vụ án Bưu cục Cầu Voi và tử tù Hồ Duy Hải chắc chắn đi vào sử sách. 100 năm nữa hay 200 năm nữa khi tất cả chúng ta hôm nay đã vào cõi hư vô thì chắc chắn con cháu chúng ta còn truyền tụng nhau mãi về câu chuyện ngày hôm nay.
Và con cháu chúng ta cũng sẽ truyền tụng luôn cả thái độ của cha ông chúng về hành trình tranh đấu tìm công lý cùng những bia miệng thích đáng dành cho kẻ đã chà đạp lên lẽ phải, luân lý và pháp luật.
Nguồn : Báo Sạch