MUỘN MÀNG??

0
464
Hoàng Mỹ Uyên

Hồi còn đâu lớp bẩy lớp tám, chị Mẹ cho đi học nhảy đầm, thêm sinh hoạt hội chữ thập đỏ, sinh hoạt đoàn, nhóm văn nghệ này nọ đồ ta nói cha cha cha, bebop là muỗi. Nhớ hoài, theo học thầy Thục, được thầy lôi lên nhảy cặp, dìu ngẩu hứng làm mẫu miết. Nghe loáng thoáng người ta nói “bà Oanh, con đã không cha, còn không biết dạy, cho đú sớm cũng có ngày”. Chị Mẹ gạt qua tai cười khẩy, chỉ dạy tụi tui “ra đường biết mới không ham mê, làm lén, làm bậy. Không biết muôn đời nhà quê dốt nát…”

Lớn chút, thèm thi Mỹ Thuật, tưởng người cởi mở, đầu óc thoáng như chị Mẹ sẽ được ủng hộ, ai dè chị Mẹ xé cái rẹt đơn xin dự thi. Chỉ vỗ cái đơn thi kinh tế xuống bàn, đập cây bút. Nhớ hoài câu chỉ nói bất hủ “vẽ vời mấy người hoạ sĩ nổi tiếng thì đợi chết hoạ may tranh mầy mới có giá, mà bán được thì mầy xanh cỏ rồi”

Ô kê, muốn kiếm tiền thì kiếm tiền vậy. Lần kế cuối tui cầm cây bút chì khi còn ở Sài Gòn là hồi còn ở Hàng Xanh. Nằm liệt giường liệt chiếu chị Mẹ qua dọn dẹp sao mà sau đó tỉnh hồn thì những bức chân dung vẽ Na Heo, vẽ Đức Mẹ…nguyên một cuốn theo gió theo mây. Giận chị Mẹ bầm gan tím ruột còn chỉ thì cứ “ủa tranh gì tao đâu biết à”. Thề bỏ vẽ vời từ đó rồi cũng tự đạp ngang lời thề tự độ hai năm trước.

Kiếp Nào Có Yêu Nhau Thơ: nữ sĩ Minh Đức Hoài TrinhNhạc: Phạm Duy Đờn: Huy LeCa: Ubee(Thâu mộc nên có tạp âm, hì hì) Bài thơ gốc của bà: Anh đừng nhìn em nữaHoa xanh đã phai rồi Còn nhìn em chi nữaXót lòng nhau mà thôi .Người đã quên ta rồiQuên ta rồi hẳn chứTrăng mùa thu gãy đôiChim nào bay về xứ .Chim ơi có gặp ngườiNhắn giùm ta vẫn nhớHoa đời phai sắc tươiĐêm gối sầu nức nở .Kiếp nào có yêu nhauNhớ tìm khi chưa nởHoa xanh tận ngàn sauTình xanh khong lo sợ .Lệ nhòa trên gối trắngAnh đâu, anh đâu rồiRượu yêu nồng cay đắngSao cạn mình em thôi ?

Posted by Hoàng Mỹ Uyên on Sunday, February 26, 2017

Năm nhứt, chị Mẹ ủn vô cái dãy nhà trọ tập thể tư nhân. Chỗ mà hồi nẳm tui có biên chuyện tình “Xóm Trọ” hay gì đó quên rồi. Tháng đầu tiên chị Mẹ cho ba trăm ngàn ăn ở, tiền học chị Mẹ đóng quý đầu. Tiền nhà, tiền ăn đóng cho chủ mỗi tháng trăm tám, tiền xà bông, dầu gội, tiền thẻ điện thoại, tiền nước mía….tất tần tật, tuốt tuồn tuột nằm trong khoảng một trăm hai. Cái nòi đang một mình một phòng, nhà cái gì cũng có cũng đủ bị đẩy ra sống chung. Quần áo tụi cùng phòng không hỏi cứ có bồ có hẹn là dớt mặc trước trả sau. Dầu gội sữa tắm mượn tắm ké không đời nào mua trả. Tiền lẻ để cũng mất. Được vài tháng chịu hết nổi. Cặp kè Út Na ra đi làm thêm tiệm kem, chánh thức không nhận trợ cấp nữa để di dân khỏi cái xóm trọ và căn gác ngủ xếp cá mòi.

Chị Mẹ nghe chủ nhà méc, gọi xuống phủ đầu chửi sợ đi làm gái. Hai đứa phải chụp hình cả tiệm, chụp mặc đồng phục rửa hình gửi về cho chỉ coi, thề hứa đi làm đàng hoàng chứ không có đi làm gái. Chỉ còn cử ai đó chạy tới tiệm rình. Biết đúng chỉ mới thôi.

Lá thư đầu tiên và cũng là duy nhứt nhận được từ chị Mẹ là thời điểm đó. Mở thư nghe “Ly con,” xong chưa kịp đọc câu xuống dòng mắt đã nhoè nhoẹt vì bất ngờ xúc động với sự ngọt ngào hiếm hoi của chị Mẹ. Thế rồi lá thư là cả một sự ngắn ngủi đến hụt hẫng với hai câu duy nhứt không hơn.

“Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”

Cuối thư “Mẹ!”

Gấp lá thư kẹp vô cuốn nhật ký mà băn khoăn nghĩ hoài về ý nghĩa. Lúc đó chưa giỏi google như giờ nên phải dò đọc tìm nghĩa của từ hán việt. Khi hiểu ra nghĩa của câu lại càng không hiểu về chị Mẹ. Hai câu trên kia ý chị Mẹ biểu nếu biết đủ thì sẽ an vui. Chả phải vậy sao? Rồi vậy lâi nay là sao? Chả phải lúc nào chị Mẹ cũng muốn con cái thành công, kiếm tiền giỏi sao? Lúc này lúc khác thiệt khó hiểu.

Rồi thời gian cứ vậy mà trôi. Con con của chỉ vẫn bôn ba, kệ cha cuộc đời muôn ngàn sóng gió. Vùi xuống nó ngoi lên, té xong đứng dậy, vẫn kiên quyết tạo lập cuộc sống đủ đầy. Học muôn ngàn bài học về người, về tiền, về giá trị…vẫn thấy chưa bao giờ là đủ bởi lẽ, đủ miếng ăn lại thích thêm miếng ngon. Đủ cái áo lành lại ham thêm cái quần đẹp. Đủ cho mình lại muốn dư để giúp người. Loanh quanh vẫn là tiền.

Đến một ngày, chị Mẹ ra đi nhẹ nhàng chỉ một hơi thở hắt. Không buồn đợi dòm mặt đứa con nào lần cuối hay không trăn trối bất cứ điều chi. Mỗi đêm thắp cho chỉ một cây nến trắng, đọc đôi bài kinh, ngắm lại cuộc đời mình, đời bạn, đời con, đời cháu…tâm sự rổn rảng một mình, ghẹo chỉ vài ba chuyện tào lao đợi nghe chửi tuyệt nhiên vắng lặng, thấy thiếu gì đâu à.

Biên một lá thư còn ngắn hơn cái lá thư hồi nẳm chị Mẹ gửi cho nữa.

“Mẹ,

Con hiểu rồi!”

Đốt thư dưới ngọn đèn cầy trước di ảnh mà nước mắt trào nhanh hơn sáp nến chảy.

Đời sống, dường như phải đến khi miệng đắng, mắt hoa mờ mới hiểu cao lương mỹ vị cũng không bằng chén cháo hành nên khi đói mà ụp vội tô mì gói cũng thôi kêu than. Đến khi thở mà lồng ngực cũng đau thì mới hiểu xiêm y kia rực rỡ mấy cũng không đẹp bằng một tấm thân khoẻ mạnh và nụ cười rạng rỡ nên khi kẹt mặc lại cái đầm cũ cũng không muộn phiền. Nhìn người khác chống chọi với ung thư bằng cả khối tiền mới nhận ra mình thật giàu có và may mắn.

Dường như cứ phải mất mới biết “ơ kìa, mình đã từng đủ”

Nước mắt chảy xuôi, buồn lòng đứa con gái cứng đầu, bướng bỉnh mà chợt nhớ giọt nước mắt hiếm hoi của chị Mẹ đêm nao quẹt khẽ.

Kiếp đờn bà, phận làm mẹ, vui cũng nhiều mà tủi cực cũng bằng bấy nhiêu. Có qua mới hiểu lòng mẹ. Ngày con hiểu chữ “Túc” chữ “Nhàn” mẹ dặn cũng là ngày mẹ không còn. Ngày con có “túc” có “nhàn” cũng là ngày không có mẹ trên đời để khoe.

“Trách gì nhau, đời người con gái, con như mẹ trách thì trách ai…”

Ubee Hoang
Nhật Ký Mồ Côi

398120cookie-checkMUỘN MÀNG??