Sau chiến thắng của cô giáo Kiều Thị Giang (Đăk Nông) với hiệu trưởng và giám đốc sở của địa phương này thì đến lượt cô Hồ Thị Tâm (Huế) – người bị bẻ tay đẩy ra khỏi lớp gây xôn xao dư luận vào năm trước.
Suốt hơn 1 năm qua, trước những đòn o ép, trù dập của hiệu trưởng, cô giáo Hồ Thị Tâm đã chịu rất nhiều áp lực, có lúc sức khỏe và tinh thần sa sút nghiệm trọng, công việc bị đe dọa, phải nhập viện điều trị… Tuy vậy cô vẫn kiên cường đấu tranh chống lại bất công và cái ác.
Trước những ồn ào, Sở GD-ĐT TT Huế đã tiến hành thanh tra. Theo đó, kết quả thanh tra cho thấy Hiệu trưởng trường này là ông Ngô Đức Thức đã có các vi phạm, khuyết điểm trong điều hành, quản lý thu chi tài chính. Ông Thức và ông giáo viên thể dục (người đã bẻ tay cô Tâm) đã phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Nhưng, đáng chú ý là trước khi quyết định kỷ luật được công bố thì ông hiệu trưởng Hai Bà Trưng đã có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
Cuối cùng, một “ông vua” trường học xứ Huế đã thoái vị.
Những ai còn nhớ sự kiện “bẻ tay” trước đây sẽ thấy ông Thức ghê gớm đến mức nào, ông bảo rằng cô Tâm và những người có liên quan quan đã làm “hoen ố hình ảnh ngành giáo dục địa phương, hình ảnh nhà trường”!
Và nếu chưa quên, chúng ta sẽ không khỏi kinh hoàng khi nhớ lại việc học sinh trường Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ) đã tràn ra ngoài mạng xã hội và “tác chiến” khắp nơi như thế nào dưới sự chỉ đạo của ai đó từ trường này. Để đạt được mục đích của mình, họ sẵn sàng làm những việc thương luân bại lý như thế đó. Với sự việc này, ông bí thư đoàn trường của của trường Hai Bà Trưng không không thể vô can.
Những tin vui hiếm hoi của cô Giang, cô Tâm vừa là sự động viên cho giáo giới trong việc bảo vệ tôn nghiêm nghề nghiệp, vừa tiếp thêm niềm tin vào sự chiến thắng của tinh thần không khuất phục cường quyền trong môi trường giáo dục. Nhưng như tôi cũng đã nhiều lần lặp lại và nhấn mạnh, nếu không cân đối lại quyền hành trong nhà trường thì giáo viên sẽ còn bị trù dập trên phạm vi toàn ngành, tình trạng mất dân chủ sẽ ngày càng leo thang, và môi trường giáo dục tất yếu bị hủy hoại ngày một tang thương theo thời gian.
Một khi hiệu trưởng còn là những ông vua trường học có đầy đủ công cụ chuyên chế và sự thao túng toàn diện thì giáo viên, học sinh, xã hội và tương lai của đất nước sẽ còn bị đặt trước những rủi ro không thể tránh khỏi.
Đừng nghĩ cứ tăng lương thì sẽ giải quyết được câu chuyện chất lượng giáo dục và ngăn được tình trạng giáo viên bỏ việc. Lầm, lầm to, nhà giáo chân chính không phải chỉ cần tiền, họ còn cần được tôn trọng. Nếu không có một sự thay đổi chính sách toàn diện thì người giỏi sẽ còn ra đi và nhà giáo vẫn chỉ là thân phận thợ dạy.
Thái Hạo