Thursday, November 14, 2024
HomeBLOGMỘT NGÀY TÙ NGHÌN THU Ở NGOÀI VÀ CÁI KẾT CỦA NHỮNG...

MỘT NGÀY TÙ NGHÌN THU Ở NGOÀI VÀ CÁI KẾT CỦA NHỮNG KẺ MÊ NHẠC VÀNG NGÀY ẤY

LÃ MINH LUẬN
(Phần hai)

I. CÁI GIÁ TRỊ NGƯỜI Ở CHỐN LAO TÙ
“Một ngày tù nghìn thu ở ngoài. Lời nói người xưa đâu có sai.”
Chốn lao tù của cộng sản nói riêng và của bất cứ lao tù ở đâu, chế độ nào thì cũng chỉ gói gọn trong hai tiếng ĐOẠ ĐÀY.

Người ta viết nhiều, lên án nhiều về sự vô đạo của của nhà tù đế quốc thực dân hay nhà tù của bên kia chiến tuyến thời còn chiến tranh nhưng sao người ta lại không ngợi ca tính ưu việt của nhà tù XHCN nhỉ? Vậy nhà tù XHCN có thực sự là môi trường “cải tạo, giáo dục, phục hồi nhân phẩm” để khi trở lại với cộng đồng, người ta hoàn toàn hoàn lương, trở thành người tốt hay hầu hết là HỎNG?

Thưa bạn đọc! Đại đa số người ta nhận định rằng (nhất là những người trong ngành công an, an ninh) tất cả những đối tượng khi đã bước qua lằn ranh của song sắt nhà tù XHCN VN thì đều chẳng bằng con vật. Con vật có khi người ta còn giết nhân đạo, tức là giết chết ngay tức khắc để nó không phải chịu cảnh hành hạ, đau đớn. Còn những “thằng tù, con tù” là thường phạm hay tù chính trị (số chẵn hay số lẻ), thì tất cả đều bị tước sạch quyền công dân. Cái quyền ở ngoài đời vốn đã què quặt thì vào đây, dẫu có bị vét sạch đi chăng nữa thì cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Theo như Lộc Vàng, Vũ Thư Hiên và biết bao tù chính trị khác, người tù không những chỉ phải chịu cảnh đói rét, khổ sai, đoạ đày mà nhiều hơn thế… chẳng ai còn có cả cái tên mà cha mẹ sinh ra, đặt cho nữa… Tất cả chỉ còn là một con số (chẵn hay lẻ) chứ đừng nói đến cái thân xác “thiêng liêng, cao quý” mà Chúa đã ban cho và quyền con người. Sống hay chết đều phụ thuộc vào cai tù và đồng loại của mình – hiện thân của một xã hội vô nhân tính thu nhỏ – người ăn thịt người.

Mắc-xim Gorki đã từng ngợi ca về con Người: “Con Người là Đấng sáng tạo – hai tiếng ấy vang lên thật thiêng liêng xiết bao!” Con Người là tất cả, là đáng quý nhất… nhưng Chúa ơi! Con Người cũng là loài động vật dã man nhất, đáng sợ nhất! Ở đâu có bước chân con người thì ở đó có sự tàn lụi, chết chóc. Nhất là từ khi chủ nghĩa Mác-Lê… ra đời và những nhà tù mà chế độ cộng sản dựng lên để “trấn áp tội phạm” – những kẻ chống lại, đi ngược lại nó. Cái giá trị Người và quyền con người ở đây không còn một chút cân nặng. Bởi mục đích của nhà tù cộng sản là phải làm cho người ta kinh sợ trước uy lực của công cụ bạo lực, bạo hành mà KHUẤT PHỤC, gục ngã hoàn toàn.

Lộc Vàng cùng nhóm hát của anh từ khi bị đẩy vào chốn lao tù chỉ vì mê hát nhạc vàng, chỉ vì không nghe lời đảng chỉ được hát nhạc Đỏ – nhạc cách mạng mà thân tàn ma dại. Trong cuốn CUNG ĐÀN SỐ PHẬN, anh kể về nỗi cùng cực của mình – thân phận của một thằng tù mang số hiệu 927 (số lẻ, tù chính trị), với 10 năm tù giam, 4 năm quản thúc, trong đó có 5 năm anh ở trại Phong Quang (Lào Cai) – cái trại cải tạo nổi tiếng một đi không trở về ấy, nhưng anh đâu đã mô tả hết được nỗi khắc nghiệt, dã man của nó như trong “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên về cái hình phạt “khoá cánh tiên” mà anh đã từng nếm vị, nó còn kinh hãi hơn cái “Nhà cùm” mà anh kể.

Ngày ở trại Phong Quang, trong bảy người cùng đi thì sáu người đồng ý tham gia vào nhóm hát nhạc đỏ còn Lộc Vàng thì không. Anh vẫn “bướng bỉnh” như lúc ở giữa nghị toà Hà Nội và tất nhiên, anh đã bị kỉ luật, bị đẩy xuống “sở đóng gạch”, hình phạt lao động nặng nhọc nhất. Nguyên nhân anh bị hốt vào “Nhà cùm” chỉ vì vống lên một câu lúc đang bị gánh gạch đè nát đôi vai: “Đảng của tôi ơi! Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng…” thế là ngay hôm đó, anh đã bị bạn tù tâng công với các “thầy, ban” và tất nhiên anh thoát sao cuộc “dạy dỗ” của các “thầy” – một trận bê-xê-lết khiến anh muốn được chết ngay cho rảnh nợ. Nhưng ai cho anh được chết, anh còn phải sống mà nếm mùi “khoá cánh tiên”, mùi CÙM.

Cái cùm được người ta đúc mặc định cho tất cả các cổ chân gầy, béo, lớn, bé… ở cỡ nào thì nó cũng có chung một mẫu số: làm cho bàn chân người tù tụ huyết, xưng phù rồi vỡ ra, chảy nước, chảy mủ… Cái chất lầy nhầy đầy ma lực mời gọi đêm đêm giòi bọ, chuột, gián, rận, rệp, muỗi… tất cả những “quý khách” nào muốn thưởng thức thứ thịt người đã thối rữa, bốc mùi ấy đến quấy nhiễu tinh thần, thân xác người tù. Lộc Vàng còn bị giòi rúc ráy cả vào lỗ mũi khiến anh khiếp sợ. Chưa hết, dưới nơi anh nằm khấp khểnh cây que còn là hai rãnh nước cứt đái của tù róc rách chảy qua suốt đêm ngày. Cái mùi sánh đặc hôi thối làm đầu óc tù nhân nhức nhối, ngạt thở ấy là cả triệu triệu những con vi trùng gây bệnh thâm nhập vào đường hô hấp, lọt vào đường máu…để lại cho người tù nhiều chứng bệnh hiểm nghèo và đoản mệnh. Nhiều tù nhân không vượt qua được sự đoạ đày này mà không bao giờ trở về với gia đình, cộng đồng nữa. Chết trong tù không là chuyện lạ. Đó là cái chết lãng nhách, vô cảm, vô nghĩa nhất, chẳng ai cần phải quan tâm, hoặc nhỏ cho họ nửa giọt nước mắt ngoài ruột thịt … Chết như con vật ốm chết vùi đi, hay nói văn hoa hơn như hòn đất ném xuống lòng giếng cạn…

Những năm 70-90 của thế kỉ trước và ngay cả bây giờ, cái “hay”, cái “thành công” của nhà tù chế độ hiện đại này là nó chẳng làm cho người ta khi trở về tốt lên mà hầu hết là hỏng hơn theo mọi nghĩa… Những Chí Phèo, Năm Thọ… xưa trong tác phẩm của Nam Cao (dưới nhà tù của phong kiến, đế quốc) vẫn đổ bóng xuống những thế hệ hậu duệ của nó và nó còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần thế.

II. CÁI KẾT CỦA NHỮNG KẺ MÊ NHẠC VÀNG NGÀY ẤY
Trong nhóm nhạc vàng bị chính quyền bỏ tù ngày ấy, bảy người thì đã chết sáu nay chỉ còn sót lại một Lộc Vàng. Trong nhóm ba người thân nhau nhất, Lộc Vàng, Đắc Sọ, Toán Xồm, khi ra tù, Đắc Sọ đoạn tuyệt với nhạc vàng, gắn đời vào cái xích lô nuôi vợ con; Toán Xồm “kẻ chủ mưu”, một tài năng âm nhạc hiếm có một thời, anh đã bị cái nhận thức ấu trĩ, độc ác của các nhà cầm quyền và nhà tù XHCN giết chết anh hoàn toàn.. Anh vốn là con một nhà tư sản Hải phòng bị cách mạng ruộng đất phá, cướp sạch sẽ. Anh có một căn nhà cho chính quyền thuê nhưng ra tù bị mất trắng (dù giấy tờ giao kèo anh vẫn nắm trong tay). Anh trở thành bụi đời vô gia cư lang thang đường phố, rượu chè rồi chết đường, đúng vào ngày 30/4/ 1994. Ngẫm Chí Phèo xưa bị bá Kiến vì ghen mà đẩy Chí vào tù nhưng khi ra tù, Chí vẫn còn được bá Kiến cho một mảnh đất cắm dùi mà tá túc. Chế độ phong kiến ấy thế mà vẫn còn ưu việt…!

Lộc Vàng, với cái dáng vóc khi nào cũng hom hem vì đói nhưng bù lại, anh có một gương mặt đầy can trường, kiêu hãnh, phục thù. Những ngày còn ở trong tù, dù bị rơi vào tình thế nào, anh cũng vẫn nuôi ý chí kiên cường. Phải kiên cường để sống, để trở về với Mai, người phụ nữ của đời anh, với NHẠC VÀNG – CÁI ĐẸP CỦA NHÂN LOẠI. Bởi trong trái tim thành thật của anh, duy nhất có hai tình yêu lớn, đó là Mai – vợ yêu quý của anh và nhạc vàng, tình yêu cái đẹp.

Thoát ra khỏi cái cũi chật hẹp của nhà tù, Lộc Vàng vật lộn với kế mưu sinh, không ai có thể tin rằng cuộc đời anh lại triền miên đắm chìm trong khổ đau, nước mắt như thế. Và tất nhiên, chính quyền XHCN vẫn không thôi truy đuổi anh, những Gia-ve của Việt Nam trong thời đại mới. Anh mở quán cà phê để được hát lại, được thoả cái thú đam mê NHẠC VÀNG, thứ nhạc hồn người cao sang, phong lưu ấy mà sao năm lần bảy lượt anh bị cấm cản. Ngay cả gần đây nhất, năm 2014, anh được mời vào Sài Gòn hát cho một nhà hàng thôi mà chính quyền vẫn đang tâm cắt đứt, vùi dập tâm hồn, tiếng hát của anh giữa lúc những người hâm mộ, yêu nhạc vàng đang khát khao được nghe tiếng hát của anh? Quả là tồi tệ hết mức.

(Ảnh dưới: Hình ảnh Toán Xồm vẫn vật đường phố, ảnh Lộc Vàng châm thuốc cho Toán Xồm hút, trước một tháng Toán Xồm giã từ cuộc đời khổ đau và ảnh ML cùng anh Minh Bùi, Đang Sun, Thuy Dovil, ca sĩ Kim Ngưu và nghệ sĩ Lộc Vàng tại quán cà phê 46 An Dương, Hà Nội)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular