Nam Lộc
Hôm nay là ngày 25 tháng Tư, 2020. Xin mạn phép chia sẻ cùng quý vị và các bạn một chút tâm sự của ngày này 45 năm về trước. và cũng là ngày mà tôi đã bắt đầu bước vào một cuộc đổi đời đầy những cay đăng, xót xa cho thân phận của một người tỵ nạn.
Ngày hôm qua 24 tháng Tư, 1975, lệnh cấm trại 100%, ngồi viết phóng sự và trực suốt đêm tại phòng Báo Chí Quân Đoàn III ở Biên Hòa. Sáng nay về Sài Gòn đem giao một số bài viết cho nhật báo Tiền Tuyến ở Cục Tâm Lý Chiến. Tình hình đất nước đang vô cùng căng thẳng, nhất là sau khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và các tỉnh miền Trung cho đến một số ở miền Nam gần Sài Gòn cũng đang lần lượt lọt vào tay CS Hà Nội và quân Giải Phóng miền Nam! Vào lúc này thì người Mỹ đang ráo riết di tản các nhân viên của họ theo kế hoạch của Hoa Thịnh Đốn, trong số đó có gia đình tôi, vì cô em gái làm việc cho DAO. Cô đã đưa cả bố mẹ cùng hầu hết anh chị em (ngoại trừ tôi) vào nơi cô làm việc để được người Mỹ âm thầm đưa đến Tân Sơn Nhất trên những chuyến xe bus mầu vàng, chạy liên tục như đàn bướm trong thành phố đầy hoang mang và hoảng loạn, hoảng loạn như chính tâm trạng của tôi và cả chắc cũng tương tự như của nhiều người lúc bấy giờ!
Từ tòa soạn Tiền Tuyến, tôi ghé ngang báo Diều Hâu thăm thiếu tá Phạm Huấn, và đại úy Hà Huyền Chi là những người anh thân thương đã đỡ đầu chúng tôi trong các buổi Đại Hội Nhạc Trẻ hàng năm để gây quỹ giúp Cô Nhi, Quả Phụ Tử Sĩ. Gặp đại úy Lê Cự Phách, tức nhà văn Du Tử Lê ở báo Tiền Phong, biết tôi thích đọc thơ anh, mỗi lần về anh lại cho tôi một quyển. Trước khi rời nơi đây, tôi ghé qua bên đài phát thanh quân đội thăm trung tá Nguyễn Quang Tuyến tức nhà văn Văn Quang, mà ông đang làm quản đốc. Ông Văn Quang vừa họp xong trong phòng bước ra ngoài, vui vẻ chào đón và hỏi thăm tôi về tình hình ở quân đoàn. Tôi tường trình qua loa rồi bước ngay vào mục đích riêng của mình là xin ông một lời cố vấn rằng, nếu có cơ hội ra khỏi VN thì tôi có nên đi hay không? Tôi nhớ mãi câu trả lời gọn gàng của ông: Đi được thì cứ đi, các “ông lớn” cũng chuẩn bị cả rồi! Câu nói của ông làm tôi thêm hoang mang và suy nghĩ!
Tôi nắm tay ông từ giã, dự định sẽ về nhà ngủ một giấc thật dài để bù lại đêm qua và cũng để quên đi những xao xuyến, giằng co ở trong lòng! Nhưng chợt thấy đói nên ghé ngang Đêm Mầu Hồng rủ Tùng Giang và Lệ Thanh ghé quán Bà Cả “Đọi” ăn trưa. Sau đó cả ba đi bộ đến trụ sở quốc hội gặp chị Phúc, người chị cả của gia đình, đang làm việc tại đây, cũng để thăm dò tình hình và nhân tiện nhờ chị tái gia hạn dùm tôi tấm thẻ báo chí để dự thính ở quốc hội (đến giờ này tôi vẫn còn lo những sinh hoạt bình thường)! Chị Phúc nói với chúng tôi, các dân biểu cũng chia làm hai nhóm, người lo tìm đường ra đi, kẻ thì chuẩn bị tham chánh, hoăc đảm nhận các chức vụ quan trọng trong chính quyền mới! Tôi hỏi chị về chuyện ra đi, chị cũng trả lời tương tự như anh Văn Quang: Đi được thì cứ đi, nhưng cậu Lộc coi chừng đừng để trở thành người đào ngũ! Câu nói của chị càng làm tôi thêm hoang mang và bối rối!
Bước qua bên đường, ghé Givral uống cà phê, gặp ông anh Trầm Tử Thiêng, người nhạc sĩ giáo chức mà chúng tôi rất kính nể, và anh cũng là người nghệ sĩ cuối cùng mà tôi gặp mặt trước khi xa Sài Gòn. Tôi đưa ra cùng một câu hỏi, nhưng lần này bị Tùng Giang “cự nự”: Sao mày lo quá vậy Lộc, hãy cứ để cho số phận an bài! Anh Thiêng bảo: “Nhưng số phận không phải chỉ hoàn toàn là do ở Thượng Đế, mà đôi lúc cũng tùy thuộc vào quyết định của chính mình”, và có ngờ đâu câu nói này đã theo đuổi tôi trong suốt cả cuộc đời còn lại!
Trở về nhà cô em, nơi tụ họp của gia đình, mọi người đã ra đi. Im lặng và trống vắng, tôi đặt mình xuống giường, ngủ như chết! Đến khoảng 5 giờ chiều bỗng có người vừa bấm chuông, vừa gõ cửa ầm ầm, tôi tỉnh giấc và bước ra ngoài xem ai mà hối hả thế, thì gặp ông VõVV, một giới chức cao cấp làm việc tại Bộ Kế Hoạch, anh Võ đến tìm người em trai của tôi là luật sư Nam Khang. Tôi bảo anh, Khang đã vào DAO để chuẩn bị được người Mỹ di tản cùng với gia đình. Anh gật đầu, rồi bất chợt hỏi tôi: Nam Lộc có rảnh không, đi với tôi vào Tân Sơn Nhất chơi, tiện tôi đi công tác đón một yếu nhân của bộ đi họp ở ngoại quốc về. Tôi lưỡng lự từ chối, anh Võ lại đốc thúc, ở nhà làm gì, đi thăm dò tình hình xem sao? Chợt nghĩ, ừ nhỉ, tại sao không? Tôi rửa mặt vội vàng, mặc chiếc quần jean, không kịp đi giầy, sỏ vào đôi dép da của Mẹ để sẵn ngòai cửa, rồi chui vào chiếc xe Volkswagen Beetle chật chội của anh Võ để ra phi trường. Trên đường đến TSN, xe đã bị quân cảnh, cảnh sát rồi MP Mỹ chặn lại hỏi giấy tờ năm lần, bẩy lượt. Lòng tôi cũng hơi bấn loạn, thuộc loại “không” cò tật mà vẫn giật mình, vì tôi có toan tình gì đâu! Nhưng anh Võ đã có sẵn “bùa hộ mệnh”, tấm sự vụ lệnh to tổ chảng của Bộ, với lá cờ VNCH kéo dọc và chéo ngang nên gặp giới chức công lực nào họ cũng phất tay cho đi.
Vào đến phi trường, còn sớm giờ đón khách, anh Võ rủ tôi đi vào khu tập trung của những người Việt đang được chính phủ Mỹ di tản, tôi hết hồn khi nhìn thấy một rừng người khoảng cả ngàn, vừa đứng, vừa ngồi chen chúc trong khuôn viên bên ngoài trụ sở cùng khu vực Gym của cơ quan DAO để chờ được gọi tên lên máy bay. Rảo vội một vòng, tôi nhận thấy có rất nhiều người quen biết, trong số đó có cả các chính khách dân sự, các sĩ quan chỉ huy cao cấp cùng nhiều quân nhân ở các Sư Đoàn hay Quân Đoàn mà tôi đã gặp. Có các bạn hữu của tôi, và có cả những người đã “hứa là sẽ đưa tôi đi” nếu tình thế khẩn trương, ấy thế mà bây giờ họ đã đứng ở đây? Nhìn cảnh tượng này, khiến tôi lại tăng thêm niềm hoang mang và hoảng loạn.
Hai anh em trở lại xe, bỗng dưng ông Võ cản tôi: Nam Lộc ở lại đây đi, chờ gia đình vào rồi nhập bọn để được di tản cùng! Tôi lắc đầu từ chối, và viện dẫn đủ mọi lý do, nào là không chuẩn bị, không mang theo quần áo, không có đủ giấy tờ, tiền bạc và sau cùng là trách nhiệm trong quân đội v..v…! Nhưng nói tới đâu, ông lại thuyết phục và đưa ra lời giải thích tới đó, để rồi rốt cục tôi nghe ông và ở lại phi trường. Ông Võ còn hẹn thêm là 9 giờ sáng mai, tức là ngày 26 tháng Tư, ông sẽ trở lại, đưa hai người em vào, đồng thời sẽ ghé nhà cô em lấy mấy bộ quần áo cho tôi (cò ngờ đâu đến 16 năm sau tôi mới gặp lại ông qua chương trình HO, sau hơn 10 năm ông đi tù cải tạo và 6 năm vất vưởng sống ở VN).
Trở lại khung cảnh náo nhiệt tại khuôn viên DAO, phi trường TSN lúc bấy giờ, tôi không biết mình sẽ phải làm gì, gặp ai và phản ứng thế nào nếu có người nhận ra mình, một quân nhân đang hiện dịch? Rồi đến khi nào thì gặp được gia đình? Nếu bị bắt và bị đưa về quân lao thì có ai biết mà lo lắng cho mình? Bên cạnh đó là tiếng cười ròn rã của những người đang chờ đợi các chuyến bay, trộn với tiếng khóc than, oán trách thật bi ai, tất cả đã đưa tôi từ tâm trạng hoang mang, lo lắng, đến khủng hoảng tinh thần. Tôi chợt nhớ lại câu nói của anh Trầm Tử Thiêng lúc ban chiều: “Số phận không phải chỉ hoàn toàn là do ở Thượng Đế, mà đôi lúc cũng tùy thuộc vào quyết định của chính mình”. Nhưng hỡi ôi, quyết định của tôi để ở lại nơi đây, vào giờ này, không phải do Thượng Đế, cũng chẳng phải của chính mình mà là của ông Võ! Rồi cuộc đời sẽ đưa tôi về đâu? Có lẽ không lời diễn tả nào thích hợp hơn bằng bài hát Kinh Khổ mà anh Thiêng đã viết, có thể diễn tả tâm trạng vào thời điểm đó của tôi hay của bao người đang dở khóc, dở cười, bên cạnh lời cầu nguyện mà Mẹ tôi và các bà Mẹ VN khác đang dâng lên Thượng Đế cho tương lai của những đứa con mình?
Xin hẹn sẽ viết tiếp tiếp vào ngày mai, nhưng bây giờ kính mời quý vị và các bạn cùng nghe Kinh Khổ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng qua giọng hát Khánh Ly:
https://www.youtube.com/watch?v=CPPpkyOLS1o
(Bút ký này xin được tưởng nhớ đến những người đã khuất mà tôi xin mạn phép nhắc tên trong bài viết: Thiếu tá Phạm Huấn, thi sĩ Du Tử Lê, anh VõVV, các nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Tùng Giang, và xin kính tặng những người vẫn còn sống bình an trên cuộc đời này: Nhà văn Văn Quang, thi sĩ Hà Huyền Chi, chị Phúc, Lệ Thanh)
Tháng Tư lại về đem những ký ức u buồn đến với cộng đồng người Việt tỵ nạn của chúng ta. Năm nay là lần thứ 45 tưởng niệm ngày miền Nam VN rơi vào tay Cộng Sản, và cũng là một tháng Tư buồn thảm nhất sau tháng Tư 1975. Không khí của đại dịch Vũ Hán bao phủ một mầu tang trên toàn thế giới. Với những biện pháp giới hạn hoạt động khiến cho năm nay dù có muốn, chúng ta cũng không thể tổ chức tụ họp đông đảo để làm lễ tưởng niệm ngày quốc hận 30 tháng Tư như những năm trước đây.
Trong hoàn cảnh đó, và để giúp quý vị nguôi ngoai niềm nhớ về quê hương, đất nước và ôn lại những kỷ niệm đã trải qua, đồng thời để giới thiệu bộ DVD “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi”, kể từ hôm nay cho đến 30 tháng Tư, 2020, chúng tôi xin mạn phép sưu tầm và chia sẻ cùng quý vị một số sáng tác của cá nhân chúng tôi cùng các nhạc sĩ khác, về biến cố lịch sử ghi dấu ngày VN rơi vào tay Cộng Sản khiến cho hàng triệu người phải lần lượt bỏ nứơc ra đi tìm tự do. Kính mời quý vị thưởng thức và giúp phổ biến đến thân hữu của mình.
https://www.sbtn.tv/mot-thang-tu-buon-tham-cua-45-nam-vien-xu-nam-loc/