Mô hình Việt Nam cho Bắc Hàn ?

0
307
Nhân Tuấn Trương

Hôm đầu tháng Sáu tôi có viết một status nói về “Biển Đông và bán đảo Triều tiên qua lăng kính Thuyết Heartland của Mackinder”. Bài viết đặt trên giả thuyết rằng người đọc đã biết qua các lý thuyết địa chính trị Heartland của Mackinder và Rimland của Spykman.

Ta thấy rằng vùng Đông dương (Việt Nam – Lào – Campuchia) và bán đảo Triều tiên có chung một quan điểm về “địa lý” của cả hai lý thuyết.

Theo thuyết Rimland, đây là những vùng đất “đụng độ” giữa hai thế lực “đến từ biển cả” và “lục địa”.

Thế lực “đến từ biển cả” dĩ nhiên là Mỹ. Thế lực “lục địa” là Trung Quốc và Nga.

Chiến tranh Cao Ly 1951-1953 và chiến tranh Việt Nam 54-75 (còn gọi là chiến tranh Đông dương lần hai) thể hiện rõ rệt sự đối đầu giữa hai thế lực “biển cả” và “lục địa”.

Cả hai lý thuyết về địa chính trị này đến nay trong chừng mực vẫn còn giá trị.

Sự “đụng độ” giữa các “thế lực”, phía “chinh phục” không đơn thuần đến từ “biển cả”, nhưng phía “lục địa” vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Đơn giản mà nói thì TQ sẽ không bao giờ chấp nhận VN (hay bán đảo Đông Dương) và Triều tiên lọt vào vòng ảnh hưởng của Mỹ. Việc này xảy ra “lợi ích chiến lược”, thậm chí “sự tồn tại của Trung Quốc” sẽ bị đe dọa.

TQ sẽ bằng mọi cách để giữ nguyên trạng, ít ra đối với một VN như là một bản sao không hoàn chỉnh của mình.

Nhưng vấn đề hai miền Nam-Bắc Hàn không đơn thuần như trường hợp VN.

Hôm kia Bộ trưởng ngoại giao Mỹ ông Pompeo, nhân dịp ghé VN, có nói rằng Bắc Hàn nên đi theo con đường của VN để bình thường hóa ngoại giao với Mỹ.

Điều này khẳng đinh ý kiến của các học giả VN phát biểu không lâu trước đây trên BBC. Quí vị học giả cho rằng VN là một “mô hình” cho lãnh đạo Bắc Hàn.

Nếu ý kiến này được thể hiện, Bắc Hàn sẽ trở thành một “quốc gia độc lập có chủ quyền”, tách rời mọi quan hệ với Nam Hàn.

Điều này bề mặt đã thể hiện trên thực tế, hai bên Nam, Bắc Hàn đều có “ghế” ngồi ở LHQ. Tức là, trên quan hệ quốc tế, hai miền Nam, Bắc Hàn là “hai quốc gia độc lập, có chủ quyền”.

Nhưng có lẽ nhiều người quên rằng kết ước ngày 19 tháng Hai năm 1992 giữa hai miền Nam và Bắc Hàn, hai bên nhìn nhận rằng quan hệ hai bên không phải là “quan hệ quốc gia với quốc gia”, việc gia nhập LHQ của hai bên chỉ một trường hợp “đặc biệt”, có ý nghĩa “tạm thời” trong quá trình đi đến thống nhứt đất nước.

Cũng vì lý do này hôm 12 tháng năm tôi có viết bài cho rằng Bắc Hàn sẽ không bao giờ “cóp py” mô hình của VN.

Ngay cả khi có sự lên tiếng của Pompeo, biểu lộ quan điểm của Mỹ, tôi vẫn cho rằng Bắc Hàn sẽ không bao giờ đi theo con đường VN để “mở quan hệ ngoại giao với Mỹ”, như VN hết cả.

Nếu Bắc Hàn hủy kho vũ khí hạt nhân, hủy bỏ các loại hỏa tiễn tầm xa tầm gần… điều kiện để được “kết thân” với Mỹ. Điều này thực hiện thì tờ “bảo hiểm nhân thọ” của Kim jong Un xem như xé bỏ! Kim jong Un có thể tin tưởng vào thiện chí của Mỹ “bảo vệ và tôn trọng chế độ chính trị” Bắc Hàn hay không ? Hay là số phận của Kim jong Un cũng được “an bài”, như Saddam Hussein và Khadhafi, mà viên chức Mỹ (quên tên) đã từng bộc lộ trước đây vài tuần báo chí ?

Trong khi TQ, và ngay cả Nhật và Nga, các nước này có “đồng ý” để Bắc Hàn ngả về phía Mỹ hay không ?

Thuyết Rimland nếu áp dụng cho TQ thì cũng áp dụng cho Nga (và trong chừng mực cho Nhật).

Trong khi quan hệ hai bên Nam-Bắc Hàn, chiếu theo những kết ước giữa hai bên, không phải quan hệ “quốc gia với quốc gia”. “Nguyện vọng” của hai bên là “thống nhứt đất nước”.

Hôm trước có đọc một bài của một học giả nước ngoài, người này cho rằng Mỹ lần nữa là “nhà cái” chia bài để quyết định số phận Nam, Bắc Hàn. Đúng quá phải không ?.

Nhưng Nam Hàn “có da có thịt” không phải là “hình nộm” để Mỹ giật dây thế nào cũng được. Chính phủ Nam Hàn đã thẳng thắn lên tiếng từ chối đòi hỏi của ông Trump về việc đóng góp tiền bạc để được Mỹ bảo vệ. Vì Mỹ đã đặt hỏa tiễn THAAD, vì lợi ích của Mỹ ở Nam Hàn.

Hiện nay “chiến tranh thương mại” đã mở màn giữa Mỹ và TQ. Mà ta đoán rằng mục đích chiến tranh thương mại của Mỹ là đòi hỏi TQ một nhượng bộ về địa chính trị.

Rõ ràng “thế lực” đe dọa TQ không còn đến từ biển, mà bao trùm như “thiên la địa võng”. Có chiến tranh thương mại rồi sẽ có chiến tranh mạng, chiến tranh không gian, chiến tranh chính trị…
Mỹ sử dụng các thứ vũ khí này để làm cho TQ “quì gối” mà không cần tới chiến tranh “nóng”.

Vấn đề là TQ sẽ mở cuộc chiến tranh “nóng”, vì thấy rằng các “lợi ích cốt lõi” bị thiệt hại hay “sự tồn tại của TQ” bị đe dọa.

Các nước nhược tiểu (như VN) sẽ không bao giờ quyết định được số phận của mình. Nhưng một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân, Nam Hàn là một cường quốc đáng kể về kinh tế. Họ có thể ngồi yên để Mỹ “chia bài” quyết định mọi thứ ?

Nhưng không bao giờ VN là một mô hình cho Bắc Hàn noi gương. Làm vậy Bắc Hàn sẽ trở thành một quốc gia độc lập. Tính chính đáng của giòng họ Kim sẽ bị mất đi. Chế độ không có lý do tồn tại, ngay cả khi có Mỹ chống lưng.

Con đường đi tới của hai bên Nam, Bắc Hàn là “thống nhứt đất nước”. Trong ngắn hạn hai bên có thể thành lập “quốc gia liên bang” với mô hình “một quốc gia hai chế độ”. Lâu dài, có thể thống nhứt bằng cách “sáp nhập”, như Đông Đức “hòa tan” vào Tây Đức.

Còn chiến tranh thương mại đang mở màn thì sao ? Về lâu dài thì nó tác hại đến cả thế giới. Các liên minh “không thể ngờ” có thể được thành hình, nhằm bảo vệ quyền lợi chung của một số quốc gia. Hy vọng là ông Trump không “sai lầm” khi mở đầu cuộc chiến.

323640cookie-checkMô hình Việt Nam cho Bắc Hàn ?