LỜI BIỆN HỘ TẠI PHIÊN TOÀ PHÚC THẨM XÉT XỬ ÔNG LÊ VĂN DŨNG (TỨC LÊ DŨNG VOVA)

0
1638
ÔNG LÊ VĂN DŨNG (TỨC LÊ DŨNG VOVA)

Luân Lê

(Ngày 16/8/2022)

Thưa HĐXX, thưa đại diện Viện kiểm sát!

Để bắt đầu việc bào chữa cho ông Dũng, tôi muốn đặt ra hai loại câu hỏi, và tôi cũng sẽ tự trả lời chúng hòng giải quyết các vấn đề trong vụ án này.

ĐIỀU GÌ GIÚP CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC SỰ ỔN ĐỊNH?

Đó là sự thay đổi, được hiểu là sự cải thiện và chuyển biến. Phủ định để tạo cái mới.

ĐIỀU GÌ GIÚP CHÚNG TA BIẾT ĐIỀU ĐÚNG ĐỂ HÀNH ĐỘNG?

Đó là việc có thể sai khi thực hiện mà điều đó được chấp nhận như tiên đề có tính đối chiếu để, hoặc thêm phần chắc chắn hoặc phải khắc phục vấn đề.

Do đó, trở lại với nội dung của ông Dũng bị buộc tội, với hơn hai trăm trang chuyển dịch từ lời nói sang chữ viết (trích ra từ 05 video bị cáo buộc), cho thấy ông Dũng đang thực hiện một thứ quyền cơ bản của con người: quyền Tự do ngôn luận – dưới hai khía cạnh: tự do quan điểm và tự do biểu đạt. Và tất cả các bàn thảo, bày tỏ này đều phù hợp với ICCPR 1966 của LHQ và đặc biệt quan trọng là Bình luận chung số 34 của Uỷ ban nhân quyền của LHQ, trong đó chi tiết và khuyến nghị cụ thể các vấn đề cần phải đảm bảo sao cho một nhà nước là dân chủ và với các tính chất đúng nghĩa của các đòi hỏi về pháp quyền.

Các phát ngôn và biểu đạt của ông Dũng được thể hiện với nội dung và cách thức cũng như phạm vi của nó là như thế nào? Chúng được nhận diện và tóm gọn vào bốn nhóm thuộc tính như sau:

1. Phản ánh các vấn đề thực tế xã hội, công chức, các cơ quan nhà nước, chính trị, đoàn hội; và

2. Các chỉ trích, phê phán, đánh giá, nhận định và cả các giải pháp có thể có mà bị cáo cho là đúng đắn hoặc phù hợp; và

3. Đưa ra thông tin, thậm chí đặt ra các yêu cầu theo thẩm quyền và trách nhiệm công dân trước các đòi hỏi thực tế; và

4. Đối chiếu, so sánh, bày tỏ quan điểm về sự kiện, suy đoán hoặc phỏng đoán theo nhận thức và chủ kiến cá nhân.

Tham chiếu với toàn bộ các nội dung, mà với một phần các trích đoạn bản chuyển dạng sang chữ viết được kết luận giám định, không cho thấy rằng những hành vi mà ông Dũng thực hiện có yếu tố nhục mạ hoặc tấn công miệt thị ác ý với các cá nhân chính trị, mà dựa trên kiến thức cùng nỗi bức xúc lẫn quyền năng chính đáng.

Đồng thời, ông Dũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp, theo khả năng và mong muốn của chính mình để xử lý cái xấu, cái tệ, cái lạc hậu (cũ kỹ) thông qua tính hệ thống dựa vào sự hợp lý và bền vững.

Xét cùng với sự độc lập trong địa vị cá nhân lẫn sự phù hợp về mặt quan điểm trong đường lối, chủ trương của chính Nhà nước, Đảng cộng sản thông qua tuyên bố của ông Tổng bí thư: cần thiết lập lồng cơ chế để nhốt (kiểm soát) quyền lực.

Những thực hành trên hoàn toàn là các hành động hợp hiến và hợp pháp, chúng dựa trên các quyền cơ bản quy định trong Hiến pháp, với ICCPR và cần nhấn mạnh là tương đồng với các khuyến nghị của LHQ về sửa đổi, bãi bỏ một số điều luật trong BLHS và BLTTHS để đảm bảo sự tương thích của luật pháp quốc gia với các điều ước quốc tế có tính phổ quát chung. Hơn nữa, các bàn thảo và kiến giải trên các báo chính thống của nhà nước cũng đề cập, tranh luận về các vấn đề tham nhũng, tha hoá quyền lực của cán bộ, công chức, do vậy, những quan điểm của ông Dũng cần được xem xét trong sự phù hợp với thực tế hơn là việc bị đặt vào trong sự phải chịu sự trừng phạt về mặt hình sự – điều mà khiến cho tiêu chí và các điều kiện cần có để đảm bảo hiện diện một nhà nước pháp quyền bị đe doạ (phủ nhận).

Về mặt nội dung là như vậy. Còn về mặt tố tụng (chứng cứ) thì vấn đề là gì?

Trước hết cần bàn tới việc vắng mặt của các giám định viên là một vi phạm tố tụng, nó xâm phạm cùng một lúc vào ba nguyên tắc cơ bản trong BLTTHS: nguyên tắc tranh luận (trực tiếp, công khai và khách quan); nguyên tắc công bằng (cả xét xử); và nguyên tắc suy đoán vô tội. Vì rằng, các giám định viên, với việc không có thẩm quyền, lại đã đóng một vai trò có sức mạnh to lớn – mà còn hơn cả tổng sức mạnh của các cơ quan tiến hành tố tụng gộp lại – đã nhầm lẫn về chức năng khi đã kết tội bị cáo bằng chính ý chí chủ quan của chính mình, thông qua việc họ giám định cấu thành tội phạm: nhận định hành vi của ông Dũng là có phạm vào tội danh trong BLHS hay không. Việc đưa ra nhận định và kết luận hành vi của bị cáo là mặt khách quan được liệt kê trong điều luật là một quy kết gây phương hại tới chức năng và cấu trúc của hệ thống tư pháp. Điều đó là hệ quả của một thực tế đặc thù riêng khác của xã hội chúng ta, đến từ một điều luật đặc thù trong BLHS, khi một nhóm người lại có khả năng định tội về mặt hành vi cho một ai đó trước tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này đi ngược lại yêu cầu và các nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang định hình và cố gắng tiến tới.

Việc các giám định viên thường vắng mặt trong các phiên toà đối với tội danh tại Điều 88 BLHS 1999, và nay là Điều 117 BLHS 2015, là một vấn đề nghiêm trọng, bởi chúng tôi không thể tranh luận để thẩm tra và đánh giá bằng chứng với sự im lặng mà một bên đã chủ động tạo ra. Song, với phẩm chất, chức năng và chuyên môn được trao cho, chúng tôi vẫn sẽ luôn luôn đặt ra việc triệu tập các giám định viên tham gia phiên toà trong các vụ án với loại tội danh này, ngay cả khi những yêu cầu đó “không được đáp ứng” trên thực tế hoặc bị xem là “không cần thiết” tại các phiên toà. Chúng tôi vẫn sẽ kiên trì và không bỏ cuộc.

Các kết luận giám định có bốn vi phạm nghiêm trọng, được tìm thấy qua bốn vấn đề sau:

• Nhầm lẫn chức năng: nhầm lẫn giám định định mức với giám định cấu thành tội phạm; và

• Không có thẩm quyền: các văn bản pháp luật (được liệt kê cụ thể tại phiên toà) không cho ta thấy Bộ TTTT hay Sở TTTT có thẩm quyền giám định tư pháp về các nội dung cũng như các vấn đề được thực hiện trong vụ án; và

• Địa phương hoá việc kết tội (một khái niệm pháp lý mới do tôi đặt ra xuất phát từ tính đặc thù đối với các tội danh an ninh chính trị về mặt tư tưởng, quan điểm tạo nên) khi một nhóm người của một tỉnh có thể kết tội một người nào đó chỉ dựa trên ý chí chủ quan của chính mình. Thử nghĩ, chỉ năm, hoặc ít hơn, chỉ cần ba con người, mỗi tỉnh thành trên cả nước đều có thể lập nên một thiết chế có khả năng định tội cho bất kỳ một người nào mà không dựa vào cơ sở nào khác, ngoại trừ ý chí và sự đánh giá của những người này; và

• Không tuân theo bất cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để làm căn cứ cho các nhận định, vốn đã vượt quá thẩm quyền lẫn tính khách quan bắt buộc phải có.

Như vậy, các kết luận giám định này không đảm bảo thuộc tính và giá trị để được xem là chứng cứ hay bằng chứng để kết tội bị cáo, nên cần loại bỏ ra khỏi các sự luận tội.

Vấn đề cuối cùng cần được nói đến, mà chúng cũng là một nội dung quan trọng, rằng ông Dũng chưa được tiếp cận, đọc tài liệu, hồ sơ vụ án kể từ khi kết thúc điều tra; mặt khác, tại giai đoạn điều tra, do bị ràng buộc và bị hạn chế bởi Điều 74 BLTTHS, ông Dũng chưa được tiếp cận để nhờ luật sư bảo vệ – cả hai điều này dẫn tới việc xét xử với nguyên tắc công bằng, vì thế, chưa được đảm bảo.

Từ đó, thưa HĐXX, tại phiên toà này và để kết thúc việc bào chữa, tôi đưa ra các đề nghị được tập trung vào hai nội dung, rằng:

• Đối với vụ án này: Dựa theo Điều 359.1 và Điều 157.2 BLTTHS, tuyên huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, xét trên cơ sở rằng hành vi của bị cáo là không cấu thành tội phạm; và

• Đối với việc sửa đổi luật pháp để đảm bảo sự phù hợp với xu thế cũng như đòi hỏi về một nền luật pháp chuẩn mực có chung các giá trị phổ quát của thế giới, đề nghị tiến tới bãi bỏ, sửa đổi Điều 117 BLHS và Điều 74 BLTTHS, nhằm đảm bảo những yêu cầu cơ bản trong một xã hội pháp quyền đúng nghĩa.

Trân trọng cảm ơn HĐXX và tôi hy vọng rằng, với các căn cứ và cơ sở đã nêu tường tận vừa rồi, HĐXX sẽ cân nhắc và từ đó đưa ra quyết định phù hợp nhất, mà chúng đảm bảo cho bị cáo được hưởng các quyền cơ bản và tối thiểu nhất về sự công bằng.

(Luân Lê)

631830cookie-checkLỜI BIỆN HỘ TẠI PHIÊN TOÀ PHÚC THẨM XÉT XỬ ÔNG LÊ VĂN DŨNG (TỨC LÊ DŨNG VOVA)