Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
RFA 2023.08.08
Dường như Việt Nam đang áp dụng ‘tiêu chuẩn kép’ trong việc giảm án tử hình giữa bị cáo là quan chức chính quyền qua các vụ án kinh tế, hối lộ so với các tử tù là thường dân, đặc biệt thể hiện trong vụ xét xử vụ đại án ‘chuyến bay giải cứu’ mới đây và án tử hình bị đe dọa thực hiện đối với một số tử tù được cho là có án oan như Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, ý kiến từ ông Trần Tiến Đức – cựu Vụ trưởng một Ủy ban quốc gia thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây và nguyên Cố vấn Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam nêu quan điểm với Đài Á Châu Tự Do, hôm 08/8/2023 từ Hà Nội.
Ông Trần Tiến Đức cho rằng, chính phủ nên sớm nghiên cứu cải cách tư pháp để tiến tới bãi bỏ hình phạt tử hình, điều này sẽ là tin tốt lành mang hy vọng cho các gia đình của các tử tù được cho đang chịu các án oan lâu nay vẫn chờ được thay đổi hình phạt, đồng thời đây là một động thái để Việt Nam hướng tới hội nhập với khuynh hướng của đa số các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã không còn có hay không sử dụng hình phạt tử hình lâu nay nữa.
Đặc biệt, nếu Chủ tịch Nước Việt Nam tận dụng quyền hạn hiến định của mình để ân xá, thay đổi, xem xét lại án tử hình với các trường hợp tử tù có yếu tố án oan, việc này sẽ làm nâng cao uy tín và sự ủng hộ trong dân đối với người đứng đầu nhà nước, còn đối với chính quyền nếu có án oan sai mà sửa sai, thì dân chúng sẽ rất ‘hoan nghênh’, vẫn theo ý kiến của vị cựu quan chức thuộc chính quyền Việt Nam này.
“Theo dõi những vụ án này, tôi thấy đây là một sự bất công rất lớn, và nếu nói về công lý, tôi nghĩ rằng công lý không được thực thi, bởi vì những tội tham nhũng với số tiền rất lớn, theo khung hình phạt cũng bị khép vào án tử hình, và những người phạm tội ấy, từ tiền người ta tham nhũng, người ta nộp lại, và coi đấy là tiền khắc phục, cho nên người ta thoát được án tử hình.
Trong khi đó, những người như là Nguyễn Văn Chưởng hay là Hồ Duy Hải, trước hết, những án đó là những án oan sai, rất nhiều chứng cứ mà các luật sư biện hộ nêu ra đã không được tòa xem xét nghiêm chỉnh,” ông Trần Tiến Đức, người đồng thời cũng là nhà quan sát thời sự, chính trị và xã hội dân sự Việt Nam nói với RFA trên quan điểm riêng hôm thứ ba.
“Tôi lấy ví dụ như một trong những chứng cứ rất quan trọng là sự không có mặt ở hiện trường phạm tội mà trong thuật ngữ của tòa án vẫn gọi là ‘alibi’ (chứng cứ ngoại phạm), trong cả hai vụ án này, tôi đều thấy những người bị kết tội đều có những nhân chứng nói rằng họ không có mặt ở hiện trường vụ án, nên họ không thể nào gây án. Như vậy, tại sao những vụ án oan sai đó lại cứ để kéo rất dài, mà bây giờ lại chuẩn bị thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng, tôi thấy đấy là một sự bất công.”
Công lý chưa được thực thi và dấu hỏi về ‘tiêu chuẩn kép’
Và ông Trần Tiến Đức tiếp tục đặt câu hỏi về công lý ở Việt Nam:
“Công lý chưa được thực thi, phải chăng là do những người này không có tiền để người ta ‘chạy án’? Nếu cứ xem xét một cách bình thường, công luận có thể đi đến kết luận như vậy. Cho nên tôi hoàn toàn phản đối, đó là việc thứ nhất.
Và tôi cũng không muốn có nhiều án tử hình, vì tôi nhớ cách đây khoảng hơn một chục năm, khi hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự, tôi có một hội thảo với Hội Luật gia Việt Nam và hội thảo đó cũng ra khuyến nghị là Việt Nam nên sớm xem xét việc bỏ án tử hình.
Thế nhưng bây giờ, trong những hoàn cảnh cụ thể như thế này, một án tử hình mà có nhiều vấn đề còn khúc mắc lại sắp sửa được thi hành; còn những người mắc trọng tội (quan chức…) mà thực ra không có lý do gì để bảo chữa cho họ, thì họ lại thoát tội tử hình, thì tôi cũng như nhiều người bạn bè quen tôi đều không đồng tình.”
Đề cập vấn đề liệu đây có phải là một dạng ‘tiêu chuẩn kép’ được áp dụng cho ‘công lý’ tại Việt Nam hiện nay hay không, ông Trần Tiến Đức nói tiếp:
“Tôi nghĩ rằng chuyện tiêu chuẩn kép cũng có thể là (từ ngữ) dùng được, như người ta thấy rằng những người bị những án liên quan tham nhũng là những người có chức, có quyền, vậy thì chúng ta cũng có thể đặt vấn đề liệu những người có chức có quyền thì được xét xử theo một chuẩn mực khác, còn những người dân bình thường, thấp cổ bé họng lại được xét xử theo một chuẩn mực khác.
Vậy nếu xét cho cùng, cũng có thể gọi đấy là một chuẩn mực kép, mà đã là trong thực thi công lý, thì không thể nào có chuẩn mực kép được. Đã là một chuẩn mực thì phải được áp dụng cho mọi công dân, và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.”
Trước việc trong công luận có ý kiến cho rằng việc hủy hay xem xét lại các bản án tử hình với các trường hợp có yếu tố được cho là oan sai có thể gặp khó khăn, do một số quan chức có chức vụ, quyền hạn cao trong đảng, nhà nước Việt Nam hiện nay, kể cả một số người mới nghỉ hưu, nhưng vẫn còn có ‘thế lực’ và ‘ảnh hưởng’ trong nội bộ, có thể bị ảnh hưởng, do đó việc này sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có thể xảy ra, ông Trần Tiến Đức đưa ra bình luận:
“Đó là một điều chắc chắn mà người ta cũng tính đến, nhưng như tôi đã nói, đã là công dân thì đều bình đẳng trước pháp luật, và kể cả những người thực thi pháp luật cũng phải tuân thủ pháp luật. Với vấn đề là đã có án oan sai mà sửa sai, tôi cho điều đó dân chúng sẽ rất hoan nghênh, người ta sẽ tha thứ cho những người đã phạm phải sai lầm.
Còn nếu nói một cách cơ bản, điều này cho thấy rằng hệ thống tư pháp phải hoàn toàn độc lập với hệ thống hành pháp, đó là điều mà tất cả các nước văn minh đều thực hiện, và chính vì vậy, tôi không thể nói là các nước không có án ‘oan sai’, nhưng những oan sai trước sau cũng phải được xem xét và phải được sửa đổi.”
Trước xu thế được nhiều quốc gia là thành viên Liên Hợp quốc lựa chọn, theo đó trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc, 162 nước đã không có vụ hành quyết nào trong ít nhất 10 năm, trong đó 112 nước đã bãi bỏ án tử hình trong luật, tính đến năm 2019, theo Liên minh châu Âu EU, như thông tin được loan trên truyền thông Việt Nam mới đây, liệu đã đến lúc Việt Nam hòa nhập mạnh hơn về phương diện này với quốc tế, bằng việc nhà nước sớm bãi bỏ án tử hình trong hệ thống luật pháp của mình hay không, ông Trần Tiến Đức nêu quan điểm:
“Tôi nghĩ rằng mạng sống con người là điều quý nhất mà Tạo hóa đã ban cho chúng ta, cho nên việc tiến tới hủy bỏ án tử hình là một xu thế của một xã hội văn minh, và tôi nghĩ Việt Nam sớm hay muộn cũng sẽ phải đi theo xu thế đó của thế giới.”
Về việc nếu điều này xảy ra, thì sẽ có phải là một tin tốt lành, đặc biệt cho bản thân các tử tù án oan và gia đình của họ hay không, ông Trần Tiến Đức nói thêm:
“Việc đó nếu xảy ra, sẽ gieo vào con người một niềm hy vọng, một niềm tin của chiến thắng của cái thiện.”
Một ‘thách thức lớn’ với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Trước thông tin trong công luận Việt Nam cho rằng người đứng đầu nhà nước Việt Nam mới đây có thể đã có cuộc họp với khối tư pháp, nội chính để ‘bàn về’ vụ án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, hai trong số những tử tù được cho là có án oan được công luận quan tâm nhất hiện nay, trong giả thiết nếu có việc này diễn ra, ông Trần Tiến Đức bình luận:
“Tôi cũng có nghe, đọc được tin đó, tất nhiên đây là điều mà tôi hoan nghênh, dù sao ông Chủ tịch nước mà họp với khối nội chính để xem xét việc đối với hai án tử hình này, theo tôi đó là một điều rất đáng quan tâm. Nhưng còn có thực thi được hay không, với quyền hạn của Chủ tịch nước có thể bãi bỏ án tử hình (ân xá-PV) thì đó là quyền của ông Chủ tịch nước, không biết ông Chủ tịch nước có thực thi quyền đó hay không, đó là điều chúng ta còn phải chờ đợi.”
Từ ngày 05/8, một số nhà hoạt động đã khởi xướng “Kiến nghị hoãn thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng” trên trang mạng avaaz.org, đến chiều 08/8 đã thu thập được hơn 4.000 chữ ký trực tuyến .
Là một trong những người ký tên vào bản kiến nghị gửi người đứng đầu nhà nước Việt Nam và ban lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam về việc hủy bỏ bản án tử hình đối với tử tù có án được cho là oan sai như đề cập ở trên, ông Trần Tiến Đức chia sẻ thêm với RFA trong dịp này, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng khi đã có đông đảo trí thức ở trong và ngoài nước, nhất là các trí thức Việt Nam quan tâm đến điều như vậy, tôi cho rằng đấy là một mối quan tâm chính đáng, và đó cũng là điều mà giới chức cầm quyền ở Việt Nam nên xem xét và lưu ý đến.”
Cuối cùng, trước câu hỏi riêng đối với cá nhân ông Chủ tịch nước Việt Nam, một nhà lãnh đạo sinh năm 1970, được cho là thuộc thế hệ trẻ và trên thực tế là người trẻ nhất trong ‘tứ trụ’ của ban lãnh đạo Đảng, chính phủ, quốc hội và nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay, người dân Việt Nam và công luận sẽ nghĩ thế nào nếu đương kim Chủ tịch nước sử dụng quyền hạn được hiến định của mình để kịp thời ân xá án tử hình cho các tử tù án oan sai đã được đề cập, và tiến tới xem xét lại bản án với họ, ông Trần Tiến Đức đáp:
“Theo tôi đó sẽ là một thách thức rất lớn đối với ông Võ Văn Thưởng, nhưng nếu ông làm được điều ấy thì uy tín của ông trong dân sẽ tăng lên và ông sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân,” vị cựu Vụ trưởng một Ủy ban quốc gia trực thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước đây và nguyên Cố vấn Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm cá nhân.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-there-a-double-standard-in-reducing-the-death-penalty-for-corrupt-officials-08082023075032.html