Kỳ vọng gì trước phiên giám đốc thẩm của tử tù Hồ Duy Hải?

0
801
Cụ bà 92 tuổi biểu tình trước trụ sở LHQ tại New York kêu oan cho Hồ Duy Hải nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10-12-2014 trong thời tiết lạnh 2*. Ảnh chụp ngày 12/12/2014 14:21 Hải Nguyễn.

Ngày mai 06/05, dự kiến Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ chủ tọa phiên xử giám đốc thẩm kéo dài ba ngày vụ án Hồ Duy Hải, người bị kết án về hai tội “giết người” và “cướp tài sản,” xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An cách nay hơn 12 năm.

Từ Long An, trước khi lên đường ra Hà Nội dự phiên giám đốc thẩm, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, cho VOA biết kỳ vọng của bà trong phiên tòa sắp diễn ra.

“Tôi kỳ vọng phiên tòa sắp tới đây sẽ tuyên trả tự do cho con trai tôi. Hồ Duy Hải sẽ được minh oan trong phiên giám đốc thẩm. Hồ Duy Hải sẽ được sum họp với gia đình.”

Trước đó, vào cuối năm 2019, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã kháng nghị, đề nghị TAND Tối cao hủy bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã kết án Hải tử hình.

Trang Kiểm Sát Online của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao hôm 05/05/2020 đăng hình bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con. Photo Kiem Sat.

Trang Thanh Niên trích lời Luật sư Trần Hồng Phong, luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, cho biết: “Cơ quan tiến hành tố tụng Long An có hành vi rút ra khỏi hồ sơ vụ án nhiều tài liệu quan trọng, là chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Bịa đặt kết quả giám định dấu vân tay của Hồ Duy Hải.”

“Ngụy tạo vật chứng, hung khí con dao gây án, khi Cơ quan Điều tra (CQĐT) kết luận Hồ Duy Hải dùng dao cắt cổ 2 nạn nhân nhưng thực tế không thu giữ được tang vật. Sau khi bắt giam Hồ Duy Hải, CQĐT cử người ra chợ mua một con dao và dùng làm chứng cứ buộc tội,” LS Phong cho biết thêm.

Hôm 05/05, trang Kiểm Sát của VKSND Tối cao cho rằng “hai bản án tuyên tử hình Hải là chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ, bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa ra lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, nhiều mâu thuẫn trong lời khai; vi phạm tố tụng nghiêm trọng.”

Bà Loan chia sẻ với VOA:

“Từ phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đây, tôi chưa thấy nền tư pháp Việt Nam mang lại sự công bằng gì cả.

Từ phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đây, tôi chưa thấy nền tư pháp Việt Nam mang lại sự công bằng gì cả.

“Họ là những người đại diện cho tòa án và viện kiểm sát, họ phải bảo vệ sự công bằng cho người dân, còn đằng này họ đè người dân đen thấp cổ bé miệng để họ tuyên tử hình con tôi trong các phiên xử trước đây. Thật là bất công!

“Từ trước đến nay tôi không có niềm tin gì cả. Tôi hy vọng là phiên giám đốc thẩm sắp tới đây, cán cân công lý sẽ được chỉnh sửa và nền tư pháp phải mang lại sự công bằng cho người dân vô tội.”

Vào ngày 14/01/2008, dư luận tỉnh Long An bị chấn động trước sự việc 2 nhân viên nữ của Bưu điện Cầu Voi bị sát hại tại nơi làm việc. Thông qua điều tra, cơ quan công an đã tạm giữ một số đối tượng nghi vấn. Sau đó, Hồ Duy Hải đã bị bắt, khởi tố, đưa ra xét xử; bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó đã tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Ân xá Quốc tế kêu gọi hủy án tử hình Hồ Duy Hải
Đường dẫn trực tiếp

Tác giả Võ Văn Quản viết trên trang Luật khoa Tạp Chí hôm 05/05: “Với vụ án của Hồ Duy Hải, nhờ vào sự kiên cường của thân mẫu anh, nhờ vào sự nhiệt thành của các luật sư tham gia, nhờ sự lên tiếng của báo chí, và quan trọng nhất là nhờ vào công luận Việt Nam, chúng ta có lẽ đang được chứng kiến một quy trình tư pháp phần nào công khai và sòng phẳng.”

Ông Quản viết thêm: “Với những đặc trưng khó có thể chối bỏ của nền tư pháp Việt Nam, không khỏi bùi ngùi khi nghĩ rằng bản án sẽ không thể nào làm thay đổi cách nhìn của người dân đối với hệ thống tư pháp, và lại càng không thể làm thay đổi chính bản chất thật sự của hệ thống.”

532790cookie-checkKỳ vọng gì trước phiên giám đốc thẩm của tử tù Hồ Duy Hải?