KÝ SỰ QUẬN TƯ

0
251

Kim Cúc Ngô Thị 

Khi cái tên Nguyễn Thành Tài trở đi trở lại trên các mặt báo, không phải với tư cách phó chủ tịch thành phố mà với tư cách một tội nhân/bị cáo, tôi bỗng nhớ tới một bài ký đã viết năm 1994, trong đó có nhắc tới Nguyễn Thành tài trong cương vị chủ tịch Quận 4. Bài ký được đăng làm ba kỳ trên báo Tuổi Trẻ, ban đầu ở trang ruột nhưng sau đã chuyển ra trang bìa khi được độc giả phản hồi nồng nhiệt.

Quận 4 thập niên 1990 vẫn còn là vùng-trũng với vô số đường hẻm sâu hun hút, là địa bàn thuận lợi cho các ổ nhóm cướp giật hoạt động/ẩn náu; là dọc ngang những bàu rau muống/ lạch nước đen kịt, hôi thối, có vẻ nhiều chục năm vẫn chưa hề dịch chuyển, là “đất dữ” khiến ai nghe tới tên cũng ớn lạnh…

Nguyễn Thành Tài khi đó ở tuổi bốn mươi, là chủ tịch một quận nghèo đang có những đổi thay tốt đẹp hợp lòng dân, đã được đề-bạt, rút-lên thành phố… Không ai ngờ “sự nghiệp chính trị”/lãnh đạo của ông đã kết thúc theo cách quá đáng buồn. 

Tôi post lại bài ký này, một mảnh hồi ức về Sài Gòn cách đây gần ba mươi năm, có chút gì đó vừa cay đắng vừa ngậm ngùi về một xứ sở đang tràn đầy những đời người dạt trôi theo nhiều cách rất khác nhau, có thể từ sự lựa chọn chủ động, cũng có thể từ sự đun đẩy rất bạo tàn của thời cuộc, của hệ thống…  

…………………….

*KỲ 1 : Ở MỘT NƠI VẪN CÒN ĐỦ TÌNH YÊU

 Ngay từ những tên gọi, vùng đất ấy đã gợi lên biết bao quá khứ. Từ năm 1868, những cư dân Đàng Ngoài trốn ách phong kiến đi tìm đất sống đã cưỡi ghe bầu, vượt sóng biển, tấp vào vàm rạch Bến Nghé sình lầy nước mặn, muỗi mòng rắn rít, “trên bờ cọp gầm dưới sông sấu nghé (kêu)” này. Những người “khách” ấy đã cất những căn nhà sàn nửa trên cạn nửa dưới nước, lập thành một vùng cư dân tạm bợ có tên “Khách Hội”, về sau trại ra thành Khánh Hội. Rạch Bàng đầy sợi bàng, sợi lát đã cung nguyên liệu cho nghề dệt chiếu và hình thành nên vùng Xóm Chiếu. Những chông cọc mà Nguyễn Ánh đang lưu vong cho cắm đầy các kênh rạch để cố chống cự với thuyền binh Tây Sơn đã để lại tên rạch Cầu Chông. Còn cầu Ông Lãnh ghi nhận công trạng của lãnh binh Nguyễn Cư Trinh đã cho bắc cây cầu gỗ vắp để dân Khánh Hội qua sông họp chợ từ giữa thế kỷ 18. Nhà Rồng lại mô tả đúng hình thức ngôi nhà có hai con rồng chầu hai bên cái mỏ neo và đầu ngựa, dấu hiệu thương trường của Chi nhánh Tiêu cục Vận tải Thủy bộ thuộc Hoàng gia Pháp…

Quận 4, bởi vị thế địa lý và số phận lịch sử của mình, đã trở thành một vùng kho tàng bến bãi, là chợ cơ bắp giá rẻ cho bao nhiêu ông chủ lớn và nhỏ, cũ và mới, là thế giới của cu-li, thợ thuyền, của nghèo đói túng cùng… Suốt hơn một thế kỷ từ khi cảng Nhà Rồng được xây dựng – 1860, cho đến năm 1975, quận 4 vẫn là một hòn đảo tách biệt, dù chỉ bước sang bên kia cầu đã là một Hòn ngọc Viễn Đông hoa lệ. Vẫn chằng chịt kênh rạch, ngập ngụa rác rưởi, hẻm dài hẻm cụt cùng những khu ổ chuột chất đống hàng chục vạn người bị chiến tranh dồn đuổi. 

Gia tài văn hóa Quận 4 cho đến ngày giải phóng: nhà hát, không; nhà hàng, không; công viên, không; rạp xi-nê, một cái nhỏ; hiệu sách: bốn cái nhỏ; trường cấp III, chỉ có một. Nhưng quận 4 có tới bốn mươi ba ngôi chùa Phật Giáo và hơn mười nhà thờ Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài… Sách thu được qua nhiều lần hô hào chỉ rặt thứ lạc-xoong, gồm Phụ nữ Diễn đàn, Phụ nữ Ngày mai, tiểu thuyết ba xu… 

“Sang trọng” nhất cho văn hóa quận 4 là những tên tuổi đã chọn địa bàn ghê gớm này làm nơi cư ngụ. Những Giản Chi, Vũ Bằng, Nguyễn Cao Đàm… hẳn đã tìm thấy nơi đây ít nhiều chất liệu cùng mối đồng cảm sâu xa với mảnh đất, với con người. 

CÓ MỘT CON ĐƯỜNG CẮT NGANG QUÁ KHỨ 

Đó là con đường mang chính tên vùng đất của mình, như thể đứa con thừa hưởng tên cha: Khánh Hội. Con đường mới mở ấy phơi ra trước mắt người đi đường những gì trước đây vẫn bịt kín trong sự bí hiểm đầy đe dọa. Lộ ra những mái lá, vách phên, những cầu tiêu lộ thiên, những đoạn rạch ứ rác, những mặt người xanh xám thiếu ăn thiếu ngủ, là bộ mặt đặc trưng cho tầng lớp bình dân quận 4 tay-làm-không-kịp-cho-hàm-nhai.

Buổi sáng, bạn hãy đến và đứng chung vào dãy người đang sắp hàng dài “đọc báo tập thể”. Có đủ: sơ-mi bỏ trong quần tề chỉnh, may-ô quần đùi xốc xếch, váy ngủ, pyjama nhàu nhò… Người cầm tờ nhật trình mới ra, người chỉ có một mẩu báo cũ nát, đều cắm cúi đọc, như những kẻ nhàn hạ và trí thức nhất trên đời. Trong những nhà cầu sơ sài đến mức chỉ đủ để không tỏ ra quá bất lịch sự, những người ngồi bên trong cũng đang cười nói râm ran với người bên cạnh hay cũng lại theo dõi tin tức trên báo, hoặc lơ đãng ngắm trời mây… Mát mẻ, đông vui, thoải mái và hồn nhiên là những cuộc đọc-báo-buổi-sáng.

Có tất cả 5.147 nhà cầu như thế trên khắp các kênh rạch, ao đìa Quận 4. Mùi tanh tưởi của phân người trộn với rác rưởi, xác súc vật sình thối là một mùi đeo đẳng hành hạ lổ mũi và lá phổi người dân từ năm này sang năm nọ. Chỉ ở Trung tâm Y tế Quận 4, trong quí 1-1994 đã có 251 ca lao phổi, 469 ca tâm thần, 72 ca bệnh phong, 284 ca tiêu chảy… và 44 người tự tử. 

Bạn hãy đứng trên cầu Đại Bổ (!) và ngắm những giề lục bình đùn lên nhau, chưa bao giờ di chuyển. Dưới những giề lục bình ghê rợn ấy đã có lần trồi lên cả xác người. Rồi bạn bước sang cầu Cống Lương để ngắm cái màu đen kịt kịt đã đặc kẹo lại sau không biết bao nhiêu năm tích lũy đủ loại chất thải của con người. Màu đen ấy đã trở thành kẻ hỗ trợ cho những người yếu thế khi xảy ra các cuộc lưu huyết. Kẻ dưới nước thì lặn hụp trong cái địa ngục khủng khiếp ấy những mong được sống. Kẻ trên bờ thì tay dao tay mã tấu cứ chém sả khắp mặt nước để cố sục cho ra địch thủ.

“Ăn quận 5, nằm quận 3, hát ca quận 1, trấn lột quận 4” 

Ca dao tân thời đã chẳng tôn xưng Quận 4 lên vị trí chúa trùm ấy là gì?!

“ĂN CHƠI” NHƯ NGƯỜI QUẬN 4 – HIỀN HÒA NHƯ NGƯỜI QUẬN 4 

Phố ẩm thực Vĩnh Khánh

Nhưng chẳng lẽ Quận 4 chỉ có mỗi trấn lột? Không đâu. Cho dù Quận 4 là địa bàn hoạt động của đủ loại anh chị thì đa phần người dân Quận 4 chỉ biết đến tội ác qua tờ báo mà anh bán báo vui tính ngày hai lượt vẫn đạp xe diễu qua, chào mời rôm rả: “Ngày buồn ra ngẩn vào ngơ/Nhìn lên phòng khách thấy tờ công an…” – “Chuyện đời nghĩ thật gớm ghê/ Giết người khủng khiếp không hề run tay…” . “Tin mới… Báo mới…”… 

Buổi sáng, quán cà-phê, anh thanh niên hai mươi tuổi mới ra khỏi trại cải tạo đang ngồi nhâm nhi ly cà-phê đen, bên những “liên miên khúc” dường như bất tận. Anh ta thèm một chỗ làm ở công trường xây dựng đàng kia, một chân phụ hồ hay đẩy xe đều tốt. Nếu có một công việc ổn định, anh ta chắc sẽ chẳng bao giờ phải quay lại dù chỉ một ngày trong suốt năm rưỡi trời giam giữ vừa qua, bởi cái tội mượn xe người ta rồi mang bán. Thế nhưng, công việc sao mà ít và thời gian có được việc làm sao mà ngắn ngủi, hết thất nghiệp ngắn thì lại thất nghiệp dài. Ngày mai với anh ta rồi sẽ ra sao?

Buổi sáng, tiếng kèn đám ma nỉ non, não ruột. Đám tang của một cô gái, một người mẹ trẻ. Cô đã lấy một thanh niên mà gia đình không đồng ý. Đứa con đã được sinh ra nhưng mâu thuẫn gia đình không vì thế mà giảm bớt. Gia đình cô vẫn nhứt quyết không chấp nhận chàng rể. Cô gái còn quyết liệt hơn. Cô tẩm xăng dầu vào người và tự châm lửa. Người nhà phát hiện, dập lửa, mang cô đến bệnh viện cấp cứu. Tỉnh ra, thấy đang được truyền thuốc, cô dứt hết dây nhợ, dứt khoát đi tới cái chết một mình. 

*KỲ 2: ĐẤT HIỀN HÒA VÀ KHÔNG THIẾU LÒNG TIN 

Buổi sáng, một người đàn ông khoảng bốn mươi dựng chiếc xích lô ngoài Phòng Văn hóa Thông tin Quận 4 vào gặp cho được cán bộ phụ trách. “Không thể nào chịu được. Tôi đạp xích lô từ sáng tới khuya để nuôi bảy miệng ăn. Còn cổ, suốt ngày ka-ra-ô-kê. Tôi về nhà không lúc nào thấy có cổ. Năm đứa con, mặc kệ, nhà cửa cơm nước, mặc kệ. Mà tôi đâu có cấm, hồi còn ở kinh tế mới, hai vợ chồng còn đi hát chung mà. Nhưng đi quá mười giờ thì tôi cấm…”. Anh Phan đã tới tận nhà có ka-ra-ô-kê đánh vợ, to tiếng với chủ nhà lúc nửa đêm và sau đó bị địa phương phê bình. Nhưng anh không thể không làm cho ra lẽ. Anh không muốn cái máy ka-ra-ô-kê kia làm tan nát gia đình… Không thể kiếm ra công việc làm thì ở nhà coi con chớ anh không chấp nhận kiểu hát hỏng đàn đúm quá quắt của cô ta.

Đêm khuya, ti vi đã im tiếng, những nhà thức coi phim cũng đã vặn nhỏ âm thanh thì những tiếng quát tháo ầm ỹ bỗng náo lên. Cô Duyên bia ôm, mười chín tuổi, đang đay nghiến anh chồng mười tám tuổi của mình: “Mày có nuôi được tao đâu. Thân mày, mày còn lo chưa xong mà. Mày lận dao tới đó định đâm ai? Mấy thằng cha đó bộ mày tưởng dễ đâm lắm hả? Mày còn làm cái kiểu đó thì tao tống cổ mày ra khỏi nhà…”. Chẳng nghe anh chồng hó hé câu nào. Con nhà nông dưới tỉnh, anh chàng đã theo bè bạn lên thành phố vui chơi, rồi cuối cùng tới ở nhà cô Duyên đóng vai chồng hờ vợ tạm. Cô gái không biết chữ, không nghề nghiệp, chỉ có tuổi trẻ và chút nhan sắc để có thể mang ra ra bán chác mà nuôi thân. Cô không xấu hổ với công việc của mình. Hàng xóm cũng chẳng ai dòm dỏ, đàm tiếu. Ở nơi đây, tất cả những chuyện loại đó không có gì là lạ.

Đêm khuya, bỗng rộ lên tiếng hát, tiếng cười. Những nhóm pê đê vui vẻ đang tiêu phí những tháng ngày dông dài của mình. Tấp vào góc này đàn hát, tấp vào góc kia đùa cợt, họ chẳng bận tâm việc người khác có thể khó chịu vì mình. Ka-ra-ô-kê, sau đó là bù khú, họ có một niềm vui chẳng giống với tất cả đám đông còn lại.

Đêm khuya, vẫn còn tiếng nhạc, tiếng thuyết minh phim. Bao nhiêu gia đình đang thức. Những bộ phim Cô gái Đồ Long, Nam Cái Bắc Cái, Tinh Võ môn, Bao Công, Thanh đao huyền bí đang lấy hết của họ hết ngày này sang đêm khác.

Người ta vẫn còn kể nhau nghe chuyện bà Tê bắt trộm. Ham phim bộ, cả mẹ con bà cháu khóa cửa sang ngồi ké nhà hàng xóm. Chừng tức bụng, quay về, bỗng thấy cửa đã bị mở khóa ngoài và chèn cứng bên trong. Lấy hết sức tông vào, bà thấy đồ đạc trong nhà đã bị cho gọn hết vào bao, lại còn có cả một thằng thanh niên đang tắm. Bà tóm lấy nó. “Mày ở đâu? Sao mày dám vô nhà tao mày tắm?”. Nó ngập ngừng một tí rồi đáp: “Dạ… Tại con đang chờ mấy thằng kia tới… mà lâu quá, nóng quá, mới tắm một cái”. Bà Tê la lên: “Trời đất ơi, mày dám vô nhà tao ăn trộm mà còn chê nhà tao nóng với mát hả? Chắc mày là ông nội tao quá!”. Nó vội cải chính: “Dạ không phải, tại con tưởng nhà đi đâu xa, ai biết dì đi coi ti vi ở gần…”. 

Cuối cùng, bà Tê đã thả thằng ăn trộm. Nó biến nhanh như một kẻ cướp. “Có bắt đánh nó cũng tội nghiệp. Mà đồ nhà mình thì chưa mất”. Bà nói, hiền khô. 

Ai bảo trong câu chuyện của bà Tê không chứa chất phần nào một nét văn hóa rất Quận 4?

NHỮNG TÂM HỒN ẤY BAY TRÊN MỌI RÀO CẢN 

Giờ đây, một thế giới khác đang mở ra. 

Ở đây không có sự bon chen, chẳng có nỗi phiền muộn, không thể có tội ác và chẳng tồn tại cái gì ngoài tình thương. Những em bé ấy hoàn toàn lệ thuộc một cách tin cậy vào những người đang chăm chút, che chở mình. Nằm trên địa bàn phức tạp của một quận nghèo và là cơ sở trực thuộc Phật giáo, Trường Trẻ em Khuyết tật Quận 4 thu hút nhiều trẻ em từ các địa bàn khác đến học và cả sự giúp đỡ của những người đầy lòng nhân ái. 

Trong lớp Sen vàng, bạn hãy nghe Nguyễn Thị Thanh Vân hát: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ. Em sẽ là màu nắng của cha. Em đến trường học bao điều lạ…”. Vân hát rất đúng nhạc, cả gương mặt, cả thân người như rạng rỡ lên dù tiếng em phát ra rất ngọng nghịu. Bài hát nói những điều mà em không có. Vân mồ côi cả cha lẫn mẹ và sau một tai nạn gây chấn thương thần kinh, em không đi đứng, cử động bình thường được. Còn trí khôn thì vĩnh viễn dừng lại ở tuổi thiếu niên. Giờ đây, ở tuổi hai mươi bốn, mắt em vẫn tròn lên hạnh phúc khi được hát-khoe với khách. Một nụ cười tự hào làm sáng cả căn phòng, khiến những bạn học em dù nghe được nhưng không thể nói, đều thèm muốn làm theo. 

Nguyễn Thị Phương Chi, mười một tuổi, đã ra hiệu xin hát. Em cũng làm điệu bộ, cũng nghiêng đầu, há mồm, nhưng chỉ phát ra những tiếng ú ớ. Và điều đó khiến em thất vọng, không tiếp tục nữa. Dương Hoàng Chinh và Nguyễn Trọng Giang đều ở tuổi hai mươi mốt, hình như không hề có hy vọng được trình diễn. Các em chỉ tiến tới trước, chăm chăm nhìn khách với vẻ chờ đợi, để rồi khi được mỉm cười khuyến khích, các em đã nắm tay khách đặt lên đầu mình, tỏ ý muốn được vỗ về, khen ngợi. 

Ở lớp này, các em đã được tập cho thói quen có thể báo hiệu khi muốn đi vệ sinh. Các cô đã cố giúp các em khả năng có thể tự thu xếp cho mình, trước hết ở những công việc rất riêng này, nhất là những em nữ, còn có chuyện riêng hàng tháng. 

Học sinh lớn nhất, hai mươi sáu tuổi, Lưu Vĩnh Ngọ, đã ở trường năm năm và được trường chu cấp hoàn toàn. Em chẳng còn người thân và nơi duy nhất có thể dung nạp em là mái trường này. Ngồi riêng một góc, em hướng ánh mắt mình về phía khách một cách dè dặt, buồn rầu… 

Chỉ cần một lớp học và chỉ cần vài gương mặt học sinh, những người bước vào đây sẽ thấy mọi tranh chấp trên đời trở thành vô nghĩa. Với sự bất hạnh của những trẻ em ở đây, những người chỉ có được sự bình thường tương đối của con người cũng trở thành người may mắn  nhất.

Còn đây là một ngôi trường khác, ngôi trường dường như đặt trong sự nghịch lý nhất của yêu cầu giáo dục: nó nằm ngay giữa chợ. Phía ngoài là ngôi chợ Hãng Phân nổi tiếng về nạn giật dọc, cả những vụ cướp của gây án mạng chỉ mới gần đây. Còn bên trong cánh cổng là một thế giới khác. Đồng phục xanh trắng học sinh, khăn quàng và những gương mặt tươi tắn, những đôi mắt sáng trưng. 

Trường Chuyên Vân Đồn thành lập đã gần mười năm nhưng dời về cơ sở bốn tầng đẹp đẽ vừa khánh thành này chỉ mới mấy tháng. Tập trung những học sinh ưu tú nhất từ khối 4 đến khối 9 của hai mươi trường cấp I, II trong quận, Vân Đồn như một nét tự hào của vùng Quận 4 vốn chưa có một thành tích văn hóa nào thật rõ để có thể cân-bằng-lại với những tiếng tăm chẳng lấy gì làm vui vẻ. 

Trong ngôi trường khá mới và chỉ được vun quén nhờ ngân sách của quận này, đã xuất hiện những cái tên không còn xa lạ trên mặt báo: Trần Duy Toàn (thủ khoa thi vào Đại học Nông Lâm), Phạm Bích Thủy (thủ khoa tốt nghiệp Đại học Sư phạm), Tạ Nguyễn Tấn Trương (đã du học Úc)… 

Đã xuất hiện một cái nếp gần như truyền thống: vào ngày 20-11, những học sinh ưu tú đã trở lại trường cũ, ngoài việc thăm viếng thầy cô hình như còn một ẩn ý khác: khuyến khích lớp đàn em hãy cố công học và vững tin ở ngôi trường mình theo học. 

Đã có những gia đình thừa điều kiện gửi con đến những ngôi trường tiếng tăm ở các quận khác, vẫn đưa con mình đến học Vân Đồn như một xác tín đầy cảm động. 

Đã có những học sinh sau khi ra công tác ở một số ngành quay lại trường và muốn được giúp đỡ trường bằng chính chuyên môn của mình. 

Đó là những tình thương yêu như một phần thưởng quý giá dành cho ngôi trường của vùng đất nghèo tiền bạc nhưng không hề nghèo lòng tin cậy.

*KỲ 3: AI BIẾT ĐƯỢC, CHUYỆN 15 NĂM SAU 

Trên một sân thượng nhìn xuống dưới kia là cảng, các em học sinh lớp 5 Trường Vừa Học Vừa Làm 1 tháng 6 của Quận 4 đang chăm chú nghe giáo viên Văn Minh Thắng hướng dẫn làm bài. Hầu hết học sinh là con em gia đình nghèo, mồ côi, lang thang… Ngoài học văn hóa hoàn toàn miễn phí, các em còn được học nghề may, thêu… và được vui chơi thoải mái.

………………………

VÀ NHỮNG NGÀY, NHỮNG CUỘC ĐỜI VÌ EM, CHO EM… 

Bạn hãy đọc vài đoạn trong bài luận “Ghi lại những cảm xúc chân thật của em về cuộc sống xung quanh” của những học sinh lớp sáu, bảy trường Vân Đồn:

“Trường Vân Đồn vừa được xây xong với bộ mặt khang trang nổi bật lên giữa khu phố phức tạp với chợ búa rộn rịp, các quán nhạc xập xình. Nhìn bộ mặt đẹp đẽ đó ít ai thấu hiểu được nỗi khổ tâm của chúng em và các thầy cô giáo trong trường. Có những khi cô giáo đứng trên bục giảng phải cố gắng nói lớn để át đi những tiếng động ồn ào chung quanh. Có những lúc nhà trường phải yêu cầu các quán xá vặn nhạc nhỏ bớt. Nếu mỗi người chỉ biết vì mình thì xã hội sẽ không thể nào vươn lên. Nếu những người dân không chấp hành đúng yêu cầu của nhà nước, công dân không thừa nhận pháp luật thì đất nước ta sẽ ra sao?…” (Dương Thanh Thảo). 

“…Cái xấu còn đi cả vào trường học, nơi dạy dỗ chúng ta nên người tốt, khiến một học sinh lớp mười một đã giết một người bạn cùng lớp, cùng trường. Chỉ vì một phút nóng giận mà người học sinh đó phải bỏ dở việc học hành, và làm cho hai gia đình phải đau khổ. Một bên thì đau khổ vì có đứa con phạm tội, một bên thì đau khổ vì con bị chết… Còn đâu đạo lý làm người mà cha ông ta ngày xưa đã đúc kết trong ca dao, tục ngữ, truyện đời xưa. Con cái bỏ nhà ra đi chỉ vì một lời mắng của mẹ, con cái cầm dao giết cha vì không được cha cho tiền để đua đòi với bạn”. 

Ai không đù lòng tin về một đổi thay, tuy chậm nhưng có thực ở Quận 4, hãy đến đây để nhìn thấy. Không chỉ con đường Khánh Hội thẳng tắp, đen bóng, với ánh đèn sáng rực vào mỗi đêm, thứ ánh sáng không hề khuyến khích bất cứ loại tội ác nào. Con đường 14 (Vĩnh Hội sau này) cũng đã sáng điện và đang chuẩn bị trải nhựa để hoàn chỉnh. 

Cả một khu dân cư hoàn toàn mới, mới từ những dãy nhà với nhiều kiểu kiến trúc khá đẹp, mới từ những con đường nội bộ sáu mét, tám mét thẳng tắp từ đầu đường vào tận cuối ngõ. Không còn dấu vết nào của những ao rau muống tù đọng cùng những nhà cầu lộ thiên, những con hẻm hun hút đầy đe dọa cho những người lạ từ nơi khác đến. 

Nếu mỗi chiều trên cầu số 1 đường Khánh Hội, các cụ già tuổi hưu vẫn rủ nhau ra ngồi hóng gió và ngắm người xe qua lại thì ở những khu nhà mới này, trong mắt của những người chủ mới vẫn còn hiện ra đôi nét ngỡ ngàng. Sự thay đổi nhà cửa, láng giềng, đường sá… chừng như đã làm thay đổi cả những thói quen của họ.

Những con đường mới như những nhát dao giải phẫu cả quyết. Cần làm lại một cái gì đó. Cần trả giá để có được cái tốt hơn. 

Đường Hoàng Diệu đang chuẩn bị kéo dài để gặp đường Khánh Hội. Trên trục xuyên ngang của mình, nó sẽ trả cho Trường Vân Đồn một mặt tiền sáng sủa, để các em học sinh đỡ bị vây hãm bởi những tiếng ồn ào chợ búa. 

Đường Tân Vĩnh sẽ nối quận 4 với Nhà Bè và quận 1 bởi hai cây cầu mới: cầu qua đường Tôn Đản và cầu Ông Lãnh xây mới. 

Bên phải đường Khánh Hội sẽ là khu công viên mười tám hecta. Bên trái là khu thể thao văn hóa đang khởi công. Nhà văn hóa quận sẽ được xây mới, và thêm một trường cấp III nữa, để dân quận 4 đỡ phải tủi thân vì nằm sát quận 1 mà lại quá cách xa về nhiều mặt, nhất là văn hóa.

Thế nhưng, để thực hiện được tất cả những chương trình ấy, quận 4 cần có những gì? 

Quyết tâm? Hình như đã quá đủ sau mười chín năm chấp nhận các thua thiệt cho đất và người nơi đây. Người thực hiện? Cũng không thiếu. Với giàn cán bộ ở tuổi trên dưới bốn mươi, có học thức, thật sự gắn bó đời mình với công việc mà mình đảm trách, thật sự muốn mang tới cuộc đổi đời cho vùng đất từ non ba trăm năm nay vẫn chẳng tốt lên được là mấy. 

Chỉ có một thứ rất thiếu: tiền. Mà  những con số đẻ ra nghe chóng mặt: 3.935 căn nhà ven kênh Bến Nghé và Kênh Tẻ,  3.138 căn nhà trên hai rạch Cầu Dừa và Cầu Chông phải giải tỏa. Có nghĩa là phải xáo trộn đời sống của gần 40.000 người. Những người dân quận 4 nằm trong khu quy hoạch đang hồi hộp chờ đến lượt mình.

Bác Phạm Văn Sẻ, 72 tuổi, thương binh, ở hẻm 183 Bến Vân Đồn, đã sống bốn mươi năm trong căn nhà nửa trên đất nửa trên sình và đã tạo ra một gia đình ba thế hệ trong diện tích chưa tới sau mươi mét vuông, nói:

– Nếu được cấp đất thì tôi sẵn sàng đi. Còn không có đất mà chỉ bồi thường một triệu đồng một mét vuông, thì làm sao gia đình tôi có được chỗ ở mới?

Anh Bùi Văn Nam, 38 tuổi, từ công nhân chuyển sang nghề bán nước ngọt, lại nghĩ khác:

– Tôi đồng ý sẽ tìm cách tự giải quyết trong thời gian nhà nước giải tỏa để cải tạo quy hoạch lại khu vực. Nhưng sao không cho dân trở về lại xóm cũ, xây dựng nhà theo đúng quy định mới?

Bài toán không dễ có lời giải. Cả chủ tịch quận Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch Phan Thám, và bao nhiêu cán bộ quận 4, cán bộ thành phố vẫn đang cố gắng tìm đáp án tối ưu. 

Còn những em bé đang xúm xít trên đống cát trước một ngôi nhà đang xây thì chỉ chú ý tới trò chơi của mình. Một bé gái chừng ba tuổi, nhỏ nhắn và trắng  trẻo, xinh xẻo như một con búp bê bỗng tách ra, đứng lên. Đó là bé Thi. 

Rất từ tốn và bình tỉnh, em nói với bé trai lớn hơn một tí đang cùng chơi:

– Mày đánh tao hả? Tao về nhà lấy hàng (mã tấu) ra chém mày. Mặt mày máu không, má mày hết nhìn ra mày luôn á. 

Rồi em chạy thập thõm trên cát, không tỏ vẻ gì tức giận. 

Em chưa thuộc bất cứ bài hát nào vì mới vào mẫu giáo mấy tháng đã phải nghỉ học. Nhưng vốn ngôn-ngữ-đời-thường của em thì rất mực phong phú. Nó đã “vào” em, như tất cả những gì tự nhiên nhất của môi trường này.

Ai biết mười lăm năm nữa, khi bé Thi mười tám tuổi, em sẽ thành một con người thế nào. Lúc đó, Quận 4 sẽ không còn là Quận 4 của hiện tại. Em đã là công dân trong một môi trường khác…

Và chắc chẳng ai còn nhớ, ngay cả em, câu nói mà em đã thốt ra vào một lúc bất chợt, trong một buổi chiều tháng tư năm một chín chín tư… .

604030cookie-checkKÝ SỰ QUẬN TƯ