CÚ NGỐJUL 4, 2018, 8:50:02 AM
Dưới đây là một vài kiến thức về tài chính, kinh tế cơ bản được tờ Business insider đăng tải. Với nhiều người, có thể đây không phải là thứ cần quan tâm lắm. Nhưng sống trong một xã hội đầy biến động, nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng lên cuộc sống, hẳn đôi lúc bạn cũng tự hỏi “một quyết sách tài chính ở một quốc gia ảnh hưởng thế nào đến mình?”.
Vậy trước hết, hãy cùng tích lũy cho mình một vài kiến thức cơ bản, biết đâu sẽ có lúc chúng có giá trị với bạn. Ít nhất là về sự hiểu biết 🙂
1. Kinh tế có 2 thành phần chính là kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô.
Kinh tế vi mô nghiên cứu hành vi, động cơ của người tiêu dùng, giá cả, lợi nhuận, v.v… Kinh tế vĩ mô nghiên cứu nền kinh tế rộng hơn và những giá trị lớn hơn như lãi suất, GDP và các công cụ khác mà bạn thường thấy trong mục kinh tế của các tờ báo. Kinh tế vi mô hữu ích hơn cho các nhà quản trị còn kinh tế vĩ mô có lợi hơn cho các nhà đầu tư.
2. Luật cung – cầu: nền tảng của kinh tế
Bất cứ khi nào nguồn cung tăng sẽ làm cho giá giảm và cầu tăng sẽ làm giá tăng. Vì thế, khi bạn sản xuất thừa ngũ cốc, giá thực phẩm sẽ giảm và ngược lại. Hãy suy nghĩ một cách trực quan, bạn sẽ thấy quy luật này đúng ở mọi nơi trên thế giới. Bạn sẽ thấy rất rõ sự biến động của giá cổ phiếu liên quan chặt chẽ với cung cầu.
3. Hiệu dụng biên
Mỗi khi bạn có thêm 1 cái gì đó để sử dụng, giá trị của nó đối với bạn sẽ giảm đi. Vì vậy, 100 đô la sẽ có giá trị hơn khi bạn kiếm 1000 đô/tháng so với 1 triệu đô/tháng. Điều này được sử dụng rộng rãi trong việc thiết lập giá cả.
4. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Đây là công cụ cơ bản nhất để đo kích thước của 1 nền kinh tế. Theo khái niệm, GDP sẽ bằng tổng thu nhập của tất cả người dân trong 1 quốc gia hoặc tổng giá trị thị trường của tất cả sản phẩm và dịch vụ được sản xuất trong quốc gia đó. Hiện nay, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo GDP (khoảng 14 nghìn tỷ USD). Điều đó có nghĩa rằng, mỗi năm có 14 nghìn tỉ USD giá trị hàng hoá và dịch vụ được sản xuất tại Mỹ.
5. Tốc độ tăng trưởng
Sự phát triển của 1 nền kinh tế được đo bằng tốc độ tăng trưởng GDP. Vì GDP là thước đo thu nhập của 1 quốc gia, nên tốc độ tăng trưởng GDP sẽ cho thấy thu nhập trung bình một người dân tăng lên bao nhiêu mỗi năm.
6. Lạm phát
Bạn đã biết rằng giá của hầu hết các sản phẩm hiện nay đều cao hơn so với thời cha ông chúng ta. Lạm phát (tính theo phần trăm) cho thấy mức độ tăng giá của hàng hoá so với năm trước. Trong nền kinh tế phát triển, lạm phát hàng năm vào khoảng 2% – điều đó có nghĩa rằng giá các món hàng tăng trung bình 2% mỗi năm. Vai trò cơ bản của Ngân hàng trung ương (NHTW) là quản lý tỉ lệ này và giữ nó ở 1 con số dương thấp. Sau đây là biểu đồ cho thấy mức độ lạm phát của Mỹ trong suốt 100 năm qua.
7. Lãi suất
Khi bạn cho ai đó vay tiền, bạn mong đợi sẽ nhận được thêm một khoản tiền đền bù. Phần tiền này gọi là tiền lãi. Lãi suất là 1 số dương phản ánh số tiền bạn sẽ nhận được “thừa ra” so với khoản ban đầu bạn cho vay. Hãy theo dõi biểu đồ lãi suất dưới đây. Trong ngắn hạn, lãi suất thường được quy định bởi các NHTW. Hiện nay, nó gần tiến về mức 0. Về lâu dài, lãi suất sẽ do thị trường quyết định và phụ thuộc vào tỉ lệ lạm phát và các viễn cảnh của nền kinh tế. Những cơ chế NHTW dùng để kiểm soát lãi suất ngắn hạn được gọi là chính sách tiền tệ.
8. Lãi suất – Lạm phát – Tăng trưởng
Gần như có 1 mối quan hệ ngược chiều giữa lãi suất và tỉ lệ tăng trưởng GDP, ngoài ra lãi suất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ lạm phát. Vì thế, khi bạn gia tăng lãi suất, lạm phát sẽ có xu hướng đi xuống tuy nhiên đi cùng với nó là kinh tế phát triển chậm lại. Do vậy, không có gì khó hiểu khi việc quy địnhlãi suất luôn khiến các nhà chức trách phải đau đầu. Ở Mỹ, cục Dự trữ liên bang chịu trách nhiệm quy định lãi suất ngắn hạn và và đó luôn là một trong những thông tin kinh tế được theo dõi nhiều nhất.
9. Chính sách tài khóa
Chính phủ có thể kiểm soát nền kinh tế bằng cách điều chỉnh chi tiêu. Nhóm các cơ chế sử dụng ngân sách hình thành nên chính sách tài khóa. Khi chính phủ chi tiêu nhiều, dẫn đến cầu nhiều hơn và giá tăng nhiều hơn. Điều này có nghĩa rằng nền kinh tế tăng trưởng tốt nhưng đồng thời mang theo lạm phát cao và ngược lại. Do đó, chính phủ cố gắng chi tiêu nhiều hơn trong giai đoạn tăng trưởng thấp và lạm phát thấp, đồng thời thắt chặt chi tiêu trong thời kì tăng trưởng và lạm phát cao.
10. Chu kì kinh tế
Nền kinh tế có những thời kì bùng nổ và khủng hoảng với chu kì khoảng 7 năm. Khởi đầu chu kì sẽ là sự bùng nổ của nền kinh tế, sau đó nó phát triển đến mức cực thịnh, tiếp đến sẽ bước vào suy thoái (thời kì tăng trưởng âm/thất nghiệp gia tăng) và cuối cùng là sang chu kỳ tiếp theo.
11. Chi phí cơ hội
Khi thực hiện một hành động gì đó, bạn có thường so sánh lợi ích của hành động ấy so với các hành động khác. Ví dụ, vào tối thứ 6 khi phải làm việc cật lực cho 1 dự án, bạn có thể nghĩ rằng “Trời đất, mình đáng lẽ nên làm việc gì đó khác.” “Việc khác” ấy (trong trường hợp này là tiệc tùng cùng bạn bè) có 1 giá trị cao, và nó chứng tỏ dự án hiện tại của bạn tốt hơn, hấp dẫn hơn. Giá trị của hành động mà bạn bỏ lỡ được gọi là “chi phí cơ hội”. Vì thế, nếu bạn bỏ 1 công việc trả lương 120 nghìn Đô/năm để bắt đầu lại, chi phí cơ hội của việc bắt đầu lại là 120 nghìn Đô/năm. Bạn nên chọn những công việc mang lại doanh thu cao hơn những công việc khác mà mình đã từ bỏ.
12. Lợi thế so sánh
Bạn đang phát triển một dự án công nghệ và vào một ngày nọ, khách hàng đến và hỏi rằng liệu bạn có thể xây dựng một trang web cho họ không. Liệu bạn sẽ đồng ý phát triển trang web cho họ hay nhường cơ hội này lại cho người bạn của mình? Làm thế nào để quyết định được? Thông thường một người sẽ tính toán anh ta sẽ mất bao nhiêu thời gian để xây dựng trang web và liệu có thể sử dụng thời gian đó để kiếm được nhiều hơn với dự án đang thực hiện. Sau đó, anh ta sẽ tính xem liệu người bạn kia có thể phát triển trang web hiệu quả hơn mình hay không.
Nếu người bạn đó có thể mang lại hiệu quả tốt hơn và bạn có nhiều điều phải làm với dự án của mình, bạn sẽ bỏ qua cơ hội này. Đây được gọi là lý thuyết về lợi thế so sánh. Người bạn của bạn có một lợi thế và bạn hoàn toàn không có lý do gì để nhận lấy công việc kia. Các quốc gia, doanh nghiệp và người dân chỉ nên làm những việchọ có thế mạnh và dành phần còn lại cho người khác.