Hôm nay, đọc được bài viết nói về bà cụ hơn 80 tuổi lên xe buýt và phải đứng 15 phút, do 8 cái ghế có ghi ưu tiên trên xe đều được các bạn trẻ ngồi. Buồn hơn nữa, là câu chuyện đó lại xảy ra ở Thủ Đức.
Còn nhớ có lần tôi viết cái gì đó, liên quan đến việc khách của khoang hạng thương gia tranh nhau xuống trước, có bạn comment: Xạo. Có vài người mà tranh nhau gì. Thực ra, việc giành xuống trước nó có nguyên nhân từ cái xe buýt chở khách từ máy bay vô nhà ga. Trên đó chỉ có 2 ghế ngồi gần cửa lên, phía trước trống, có thể để vali và đồ.
Tôi đã rất nhiều lần đi cái xe buýt ấy. Có vài lần tôi là người xuống trước tiên, nhưng tôi lại nhường ghế cho người già hơn tôi. Tuy nhiên, rất ít khi những người già, lớn tuổi lại được ngồi cái ghế ấy, nếu không phải là người xuống trước. Những người khác trẻ hơn, khỏe hơn, khi gọi điện có vẻ là có nhiều quyền lực sai khiến người này người khác, thường chen ngồi vô đó.
Tuần trước, tôi và bà xã có vẻ là người lớn tuổi nhất trong khoang. Ngoài ra, trong khoang còn có hai cháu bé. Chúng tôi xuống sau khoảng 6, 7 người. Tất cả họ đều đồng loạt nhường 2 cái ghế đó, và cả 2 ghế ngay phía sau. Đây là việc rất hiếm hoi ở khoang thương gia, khi có nhiều người trong khoang đó tỏ ra lịch sự và biết nhường nhịn người khác.
Khi lên xe, thấy 2 cháu nhỏ đi sau, tôi kéo bà xã xuống dưới, nhường ghế cho hai cháu nhỏ và mẹ các cháu vì cô ấy xách cái vali có vẻ khá nặng, trong khi chúng tôi thì chỉ có cái ba lô nhỏ. Tuy nhiên, khi hai cháu bước lên xe còn đang lơ ngơ chờ mẹ, thì một anh chàng cỡ 40 tuổi, thiệt mập, ở phía sau, chen qua trước mặt mẹ của hai cháu đang mang cái vali, nhanh chóng bước lên và ngồi xuống cái ghế đó, đặt cái ba lô sang ghế bên cạnh.
Tôi chưa có thói quen coi mình là người được ưu tiên, nhưng tôi biết giá trị của 2 cái ghế đó. Những người luôn giành ngồi vô 2 cái ghế đó như anh chàng kia có thể nghĩ rằng, tôi quê mùa, không biết rằng 2 cái ghế đó là tốt nhất trong xe. Trong đầu anh ta và những người luôn chen lấn để ngồi lên cái ghế đó không có khái niệm về nhường nhịn, hoặc ưu tiên cho ai đó hơn bản thân họ, trừ người mà họ đang nịnh bợ. Làm sao anh ta và những người như anh ấy hiểu được là chúng tôi đang nhường cái ghế đó cho người khác?
Tất nhiên, sân bay Tân Sơn Nhất là một trong rất ít nơi còn sử dụng loại xe buýt ấy, và họ cũng không có khái niệm ưu tiên, hoặc không dám công khai ưu tiên người tàn tật, phụ nữ có thai, đi cùng trẻ nhỏ, và người lớn tuổi. Vì nếu họ viết những dòng chữ ấy lên xe, lỡ có VIP đi thì kẹt cho VIP quá.
Tại sao tôi lại nói chuyện ở khoang thương gia? Ở khoang thương gia mà còn như thế, thì chuyện các bạn trẻ không nhường chỗ cho cụ bà trên 80 tuổi trên một chuyến xe buýt thông thường sẽ chẳng có gì là lạ cả. Trong một xã hội mà sự tranh giành, chụp giựt được cho là sáng suốt, tài tình, trở nên phổ biến ở cả những tầng lớp lẽ ra phải gương mẫu, thì làm sao có thể yêu cầu các bạn trẻ biết nhường nhịn?
Thôi thì các cụ già chịu khó vậy. Lớp trẻ hiện nay có hư đốn hay hỗn hào, cũng có một phần trách nhiệm của các cụ cả đấy. Giá như hồi ấy không “đào tận gốc, trốc tận rễ” nhỉ.