KHI ĐẠO ĐỨC CỦA CHÍNH MÌNH ĐÃ LÀ NGHI THỨC TANG LỄ 

0
302

Manh Dang cùng với Nhu Y Phan 

Trong cuộc đời mình, tôi đã hai lần tiễn đưa những người thân yêu nhất đi chuyến cuối trong đời về cõi vô tận. Mỗi lần tiễn đưa, tôi lại được hướng dẫn nghi lễ mai táng. Bắt đầu bằng việc vuốt mắt lần cuối, chỉnh sửa tư thế thân thể cho người mất. Chọn áo quan. Chọn cách thức mai táng hỏa táng hay địa táng (chôn). Nhờ thầy xem ngày, giờ, tuổi hợp, tuổi xung khắc. Chọn nơi quàn. Chuẩn bị vật dụng để nhập quan cùng người mất. Cắt bỏ khuy áo quần để trong quan. Báo tang. Chuẩn bị ảnh thờ, tang phục, hoa quả, nhang, nến, mâm cơm. Cắt cử người đón khách viếng thăm, trả lễ. Thực hiện các nghi lễ nhập quan, cúng cơm, động quan, di quan, cúng thất, cúng chung thất… chắc phải đến cả ngoài trăm chi tiết. 

Lúc ấy, đã đau thương người thân mình mất đã đành, mà vẫn phải nén lại để lo lắng các thứ. Cứ sợ kém chu đáo về lễ nghi sẽ làm ảnh hưởng đến sự an nghỉ của người thân mình.

Nhưng lúc này, giữa những ngày dịch giã, phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thì việc ra đi của người thân đã phải theo một cách rất khác. Cách không nghi lễ ! 

Trên đường Hoàng Lê Kha

Cách nay mươi ngày, vào đầu những ngày thượng tuần tháng 08, hai vợ chồng vị đồng nghiệp của tôi, cũng là bạn học ra đi trong cùng một buổi chiều. Chị trước, anh sau cách nhau chưa đầy 4 tiếng đồng hồ. Thi thể được đưa đi gấp rút, không thắp được một nén hương tưởng nhớ, không được một người thân nào tiễn biệt, kể cả người con gái ruột đang đau đớn bàng hoàng về sự ra đi cùng lúc của cha mẹ mình. Điều duy nhất gia đình được biết về việc mai táng là lời hẹn sẽ hoàn trả hài cốt cha mẹ trong vòng 10 ngày sau. 

Nếu không vì dịch giã, người ra đi là cán bộ lãnh đạo một cơ quan lâu năm như anh. Đồng nghiệp, thuộc cấp, công trạng của anh đối với chính quyền địa phương không hề ít. Thì chắc chắn anh chị đã có một tang lễ xứng đáng. Nhưng không có tang lễ nào cả ngoài sự lạnh lẽo, cô quạnh. 

Hình ảnh giao tro cốt người mất lan truyền trên mạng xã hội sau một ngày đã nhận 2,9 ngàn lượt like, 1,3 ngàn lượt chia sẻ và gần 1.000 bình luận – Ảnh: Facebook Lan Nguyen Van

Hôm kia, một đồng nghiệp của tôi đăng lời cảm thán trên trang cá nhân của mình về trường hợp bà nhạc của anh ấy mất 5 ngày trước đó ở bệnh viện. Gia đình hầu như không được thông tin gì về việc mai táng của mẹ mình, Đột nhiên, vào ngày thứ 6 thì gia đình nhận được hủ sứ đựng tro cốt của bà cụ được đưa về nhà. Con cháu đưa bà vào bệnh viện bằng xương bằng thịt với tất cả sự nâng niu, yêu thương rồi bặt tin khi bà mất. 5 ngày sau nhận về nhà hủ tro cốt… đau xót xiết bao, thấu tận tâm can!

Cũng thế, nếu không vì dịch giã, thì bà nhạc của đồng nghiệp tôi đã được linh mục giáo xứ, giáo dân đến nhà cùng cầu nguyện, thăm viếng hàng ngày. Gia đình được lựa chọn những dịch vụ tốt nhất cho mẹ mình, như áo quan, sinh phần … thì nỗi đau xót cũng được nguôi ngoai phần nào. Đằng này …

Chắc chắn, những câu chuyện đau xót tương tự được các bạn nghe thấy ngày càng nhiều hơn trong thời điểm này.

Thôi thì thời thế thế thời phải thế. Xem ra, mọi nghi thức tang lễ bổng trở nên xa xỉ vì sự tiết giảm đến mức tối thiểu một cách bất dắc dĩ. Con cháu đang ở đâu thì tự thắp nến cầu nguyện, cầu siêu cho thân nhân của mình ở đó. Những nghi lễ nhờ vào các cơ sở tôn giáo, các vị chức sắc tôn giáo trợ giúp cũng đều phải đành gác lại.

Ngẫm, nếu tin vào các tín điều : “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12:7) và “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5.7). Thì xem ra, những ai sống giữ gìn đạo đức mẫu mực trong cuộc đời là đã tự dọn mình hoàn hảo cho cuộc sống ở cõi vô tận. Nói khác, cuộc sống đạo đức mẫu mực của người mất đã chính là nghi thức tang lễ trang trọng nhất để bảo đảm cho sự an nghỉ của họ khi rời xa cõi tạm. 

Theo đó, hóa ra mọi nghi thức tang lễ trên đời này chỉ còn là sự an ủi cho những người đang sống mà thôi, không hẳn là dành cho người đã mất. Cũng thế, chẳng phải chúng ta luôn luôn tưởng nhớ về người quá cố qua cách sống của họ, qua di sản tinh thần mà họ để lại chứ không phải vì tang lễ dành cho họ có rình rang không hay sao ?

Thế nên, khi nhận ra rằng đạo đức của chính mình đã là nghi thức tang lễ, thì hình ảnh anh nhà quàn đi xe gắn máy “ship” những hũ đựng tro cốt của người mất cũng trở nên nhẹ nhàng và cần được xem là bình thường trong điều kiện xã hội đang bất bình thường vì dịch giã nhỉ ! 

Tôi nghĩ, nên thế…

Như lời chia buồn, như nén tâm hương để tưởng nhớ người đã mất.

Saigon, những ngày giãn cách xã hội.

Manh Dang

632440cookie-checkKHI ĐẠO ĐỨC CỦA CHÍNH MÌNH ĐÃ LÀ NGHI THỨC TANG LỄ 
SHARE
Previous articleLời cảm ơn
Next articleGÁNH THAN ÂN TÌNH