GÁNH THAN ÂN TÌNH

0
262

Ngoclinh Hoang

Em Hoàng Thị Cúc.

Em là lớp trưởng lớp cô chủ nhiệm sau 1975. Hình như em lớn hơn các bạn cùng lớp hai hay ba tuổi(lâu ngày cô quên

Em năng nổ, quán xuyến lớp học như một người chị cả. Mỗi khi lớp đi lao động xã hội chủ nghĩa gì đó thì em tự phân công cho các bạn người nào việc nấy, và dĩ nhiên lúc nào em cũng gánh lấy phần nặng nhọc nhất. Thành quả lao động lúc nào lớp mình cũng hơn các lớp vạn. Cô chỉ đứng sau lưng cho em dựa mỗi khi các bạn kiện tụng. Trường sư phạm thuở xưa không dạy cô cuốc đất trồng rau nên cô mù tịt. Em như một cô bạn nhỏ, một đứa học trò ngoan, một cánh tay đắc lực của cô trong những năm bắt đầu làm quen với một lối giáo dục mới trong sự hoang mang, chán nản và nghèo đói.

Tính tình em thẳng thắn, trung thực. Em không bao giờ nói điều không tốt của các bạn sau lưng họ. Em sẵn sàng tranh luận với cô khi cô nhận xét điều gì đó không đúng cho lớp học. 

Vài năm sau khi không còn học với cô nữa, thỉnh thoảng em vẫn đến thăm cô. Đem trái cây rừng đến cho các con của cô. Có những buổi sáng sớm mờ sương, trời lạnh buốt. Cô đang trùm mền êm ấm thì nghe gõ cửa và tiếng của em”Cô ơi cô”. Vùng dậy mở cửa thấy em trùm áo đội mũ bịt khăn, em bảo”em gánh hàng ra chợ sớm ghé gởi cô cái bắp cải”. Uh cô muốn khóc. Cô ấm em lạnh. Quà của em khi thì trái bí, lúc cái bông cải, lúc mấy bó rau lang….. 

Cuối năm 1981. Cô chuẩn bị sinh con gái út. Em ghé thăm thấy bụng cô bự. Đi vòng quanh nhà, quan sát kỹ lưỡng dưới bếp…..Xong em vòng lên nhà hỏi cô” cô ơi, cô sắp sinh rồi mà sao cô không chuẩn bị than củi chi hết”. Cô trả lời “cô không nằm than”- cô nói dối em, đó chỉ là một nửa sự thật, cô cũng cần than để sưởi ấm những hôm trời lạnh( lúc đó trời Đà Lạt mùa đông còn lạnh lắm), hoặc để đốt lò hơ khô quần áo em bé trong những ngày mưa dầm- nhưng cô không có tiền để đủ mua một gánh than. Em im lặng không nói gì nhưng cô nhìn thấy mắt em ngân ngấn nước…..

Một tuần sau, em gánh đến một gánh than. Em dặn ”cô ơi, than này em vô rừng chặt cây, sắp lò đốt than. Hôm nay em vô dỡ lò gánh về cho cô. Cô cần lắm”. Cô khóc. Cô cảm động. Cô tủi thân. Cô hạnh phúc.

Mẹ chồng cô mắt lấp lánh sáng khi nhìn  em trút gánh than vô bao để lại nhà….. Hai ngày sau thì cô sinh. Ở bịnh viện về đã thấy Bà có nồi than rắc muối cho cô bước qua bước lại(mà cô không bước). Đêm khuya trời trở lạnh bà đốt nồi than nhỏ, hơi ấm lan vô phòng dỗ cô giấc ngủ ngon…..

Mấy năm sau cô rời Đà Lạt. Rồi cô cũng xa Việt Nam sau đó. Đi nhiều nơi , đến nhiều chỗ gánh than ân tình năm ấy của em vẫn ở trên vai cô. Cô hay nghĩ và nhớ đến em.

Hơn ba mươi năm cô bỏ Đà Lạt. Hôm nay trở về lại được gặp em. Nhìn thấy nhau cô trò mừng mừng tủi tủi. Em khoe”cô ơi em đã hết cực, hết làm vườn mà cho họ thuê. Em có quán tạp hoá. Em có hai đứa con đẹp trai đẹp gái, một đứa đã xong đại học……”.  Và cuối cùng cô cũng biết em đã ly dị mười tám năm rồi.

Như sợ cô lo. Em nói toàn điều tốt đẹp nhưng cô cảm nhận đôi mắt em vẫn thấp thoáng nỗi buồn.

Chia tay em lần này cô trút được gánh than trĩu nặng trên vai mấy mươi năm rong ruổi. Nhưng cô vẫn luôn nhớ em. Nhớ miệng em cười mà mắt em ngân ngấn nước. Nhớ nhiều nếp nhăn xuất hiện khá sớm trên khuôn mặt em.

Nhớ tấm lòng của em chỉ muốn cho đi mà không muốn nhận lại. Nhớ cô học trò bé nhỏ mà đã sớm vất vả, sớm khôn ngoan. 

Nhớ em. Thương em. Cúc ơi.

632500cookie-checkGÁNH THAN ÂN TÌNH