17/17 vị Thẩm phán Tối cao đã ra phán quyết không huỷ án điều tra và khẳng định “có vi phạm tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án”. Nghĩa là 17 vị Thẩm phán khẳng định Hồ Duy Hải chính là hung thủ giết hai cô gái. Nhìn từ góc độ pháp lý và đạo lý của phán quyết này, chúng ta thấy gì:
1) Quyết định của Hội đồng TPTANDTC khẳng định có vi phạm tố tụng và theo đánh giá của rất nhiều học giả pháp luật Hình sự phân tích vi phạm tố tụng này là “nghiêm trọng” nhưng với nhận định “không làm thay đổi bản chất vụ án” thì phán quyết vẫn đưa ra.
Điều này tạo ra một tiền lệ cực kỳ tai hại, đó là cơ quan tiến hành tố tụng dù có điều tra sai nhưng sau đó lập luận không thay đổi bản chất vụ án thì phán quyết số phận của một con người vẫn được đưa ra. Dù sinh mệnh ấy đang kêu oan.
2) Phán quyết trên đi ngược lại chế định đặc biệt quan trọng trong luật hình sự, đó là nguyên tắc “suy đoán vô tội” nhằm tránh oan sai, được quy định rõ tại Điều 31 của Đạo luật tối cao là Hiến pháp và Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Vậy quy định ban hành có ý nghĩa thực tiễn thế nào đây?
3) Gần 13 năm ròng rã kêu oan của người Mẹ già và có lẽ trời động lòng nên đứa con của mình hai lần thoát chết thần kỳ trước ngưỡng cửa thi hành án TỬ HÌNH. Đây không phải là mê tín mà phải có tâm linh gì đó rất thiêng liêng.
Toàn bộ xã hội, những người yêu công lý hiểu được nghiệt ngã khốn cùng của oan sai nên đã “kêu gào, la hét” với hi vọng rằng “dù Hải có là hung thủ thì cũng phải được xem xét lại cẩn trọng”. Sự gào thét này không cảm tính mà ở đó có cả sự phân tích pháp lý rất rõ ràng nhưng với lập luận “có sai phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất” và thế là:
“Mạng sống của một con người giờ đây như ngàn cân treo sợi tóc”. Sự gào thét, la hét trôi vào hư không. Đau đớn quá!
4) Những Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thừa nhận sai sót “có dấu vân tay không phải của hung thủ cũng không sao, chưa thực hiện đầy đủ việc đối chiếu cũng không sao, tự mua thớt, dao làm vật tương đồng gây án cũng không sao, rút tài liệu ra khỏi hồ sơ cũng không sao…”.
Có thể sau khi về cơ quan, họ sẽ bị “kỷ luật hành chính nội bộ, điều chuyển công tác…” thế là xong. Tiền lệ sẽ thế nào đây, ai có thể cho tôi biết được không?
5)….Còn còn nhiều lắm, muốn viết nhiều nữa nhưng không thể, lòng thấy đau đớn và xót xa quá.
P/S: Còn cách nào để thay đổi Phán Quyết của Hội đồng TPTANDTC hay không. Theo luật vẫn còn (1%) với điều kiện, chúng ta phải mạnh mẽ, không buông xuôi và cần phải đứng lên… Tôi sẽ có bài phân tích vấn đề này trên góc độ pháp lý vào ngày mai.
Không biết, mẹ của Hồ Duy Hải giờ đang ở đâu, có còn nước mắt để khóc cho đứa con của mình?
KHÔNG! Vì nước mắt đã cạn. Chắc chỉ có TRỜI XANH mà thôi!
Sài Gòn, ngày 08/5/2020 ❤️🌹
LS Lê Ngọc Luân