Giao Thanh Pham
(Tập thứ 57c)
Nếu nói về lịch sử của Thánh Địa Jerusalem thì phải viết cả chục cuốn sách mới hết được. Giống như Mecca của người theo đạo Hồi, Jerusalem là niềm mơ ước của cả tỷ người theo Thiên Chúa Giáo ước mong được đến một lần trong đời.
Thời tiết ở đây vào tháng 3 phải gọi là khá mát mẻ và dễ chịu. Người dân của các quốc gia trên thế giới đến đây đông kinh khủng, không có chỗ để chen chân. Con đường đá khối suốt trong cổ thành khá trơn trợt, lồi lõm khá khó cho người lớn tuổi đi lại nhưng cũng chẳng cản được họ. Người ta đi riêng hoặc thành nhóm, từ vài người đến những đoàn vài chục người.
Đến từ Á Châu, có những đoàn lữ hành và những đoàn khách hành hương của người Việt, người Hoa, người Korea, người Ấn Độ và người Phi Luật Tân. Dân Phi đến đây đông nhất vì đa số dân Phi Luật Tân theo đạo Công Giáo. Họ kéo đến Nhà Thờ Thánh Anna (mẹ của bà Maria) đông nghẹt, bắt số để lên Cung Thánh đồng ca. Một tập tục nghe nói đã có từ lâu. Điểm đặc biệt là không hề thấy bất kỳ sắc tộc nào hát tiếng Anh hoặc tiếng Latin nhưng toàn tiếng bản xứ, nghe hay, độc và lạ. Ngôi nhà nguyện nhỏ, chỉ cần độ chục người hát, không cần micro nghe cũng đã rất vang và đầy ấm cúng.
Cổ thành Jerusalem chia ra làm 2 khu vực, Old và New (Cũ và Mới) buôn bán rất sầm uất, những tiệm bày bán đồ lưu niệm là nhiều hơn cả, nhưng lâu lâu lại thấy có một tiệm nước bán nước cam vắt và nước lựu ép, bên cạnh những tiệm bán bánh bột nướng và kẹo dẻo của người dân ở khu vực này, tuy không thể sánh được với kẹo của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Tưởng cũng cần nhắc lại và viết thêm chi tiết ở đây. Thời đó, Đền Thờ Jerusalem là một trung tâm tôn giáo linh thiêng nhất đối với người Do Thái, nhưng họ đã biến Đền Thờ này thành một khu chợ trời buôn bán bát nháo và hỗn tạp, khiến Chúa Giê Su phải nổi cơn thịnh nộ. Thánh sử Gioan thuật lại: “Lễ Vượt Qua của dân Do Thái gần đến, Chúa Giê Su lên thành Jerusalem. Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim bồ câu và cả những người đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung những bàn bày tiền của những người đổi bạc. Người xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng, Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Ngày hôm nay, chung quanh Thánh Địa Jerusalem lại trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất trên đất Do Thái, tuy họ không còn bán bò, chiên và chim bồ câu nữa nhưng hàng quán san sát không để hở một miếng đất nào.
Người theo đạo Thiên Chúa Giáo, nhất là người Công Giáo, ước mong đến Do Thái để được đi trở lại những con đường mà Chúa Giê Su đã đi qua trong cuộc đời 33 năm sống kiếp con người của Ngài. Đất Do Thái không lớn, đủ để trong vài ngày, người ta có thể đến thăm tất cả những nơi mà Chúa Giê Su đã một lần đặt chân đến, tất cả đều nằm trong phạm vi vài chục cây số. Xa nhất là khu vực Biển Hồ Galilee, cách Tel Aviv khoảng hơn 120 cây số. Rồi tới Nazareth nơi Chúa sinh sống và lớn lên trước khi đi giảng đạo vào năm 30 tuổi, Bethlehem nơi Chúa sinh ra, Vườn Cây Dầu nơi Ngài thường đến để cầu nguyện và chặng đường 14 Đàng Thánh Giá trước khi Ngài đến nơi bị hành hình.
Bức tường thành của Jerusalem đã được xây, đã bị phá và đã được xây lại ít là 8,9 lần trong lịch sử. Bức tường thành mà chúng ta thấy ngày hôm nay, dưới thời trị vì của Đế chế Ottoman trong khu vực, Quốc Vương Suleiman “The Magnificent” đã quyết định xây dựng lại toàn bộ các bức tường thành của Đền Thánh Jerusalem, một phần dựa trên những phần còn sót lại của những bức tường cổ của khu vực (the Old City – Cổ Thành). Ông ta cho người khởi công xây lại trong suốt 4 năm, từ năm 1537 đến 1541, những bức tường này vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Cổ thành Jerusalem được cả 3 nhóm Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo chém giết nhau để được trở thành chủ nhân ông trong suốt thời gian hơn 5 ngàn năm lịch sử của nó. Đến ngày hôm nay, không nhóm nào, được bất kỳ ai trong 3 nhóm này công nhận. Họ chiến đấu đổ biết bao nhiêu xương máu để giành được nó trong một giai đoạn của lịch sử, ngay cả sau khi những con người thuộc 3 nhóm này nằm xuống, họ vẫn tranh giành nhau để được chôn cất gần bức tường thành.
Ngày cuối cùng ở đây, chúng tôi ghé thăm nhà của Thánh Phê Rô (Peter), người Môn Đệ được Chúa giao cho chiếc chìa khóa vào cửa Thiên Đường, một con người theo Kinh Thánh viết lại là một ngư phủ nghèo nàn, một kẻ yếu đức tin khi Chúa nói ông hãy thả lưới mé bên tay phải, sau khi cả đêm đánh bắt chẳng được con cá nào, một người dám nghi ngờ khi Chúa gọi ông bước chân xuống nước giữa biển hồ Galillee và đã hoảng hốt khi thấy mình bị chìm dần. Thánh Phê Rô cũng chính là người chối bỏ Chúa Giê Su khi bị người ta hỏi đến trong khi Chúa bĩ đem ra xử “Tôi thề là không biết người này”.
Chả hiểu sao, trong suốt cuộc hành trình qua 3 quốc gia Ai Cập, Jordan và Do Thái, chúng tôi không hề gặp một trận mưa lớn nhỏ nào, nhưng vào ngày cuối cùng trước khi rời Do Thái sang Hy Lạp, một trận mưa khá lớn, dai dẳng rả rích đã đưa tiễn chúng tôi ra tận phi trường Ben Gurion của Do Thái. Ra đi nhưng lòng còn nhiều vương vấn, lại ước mong có một lần trở lại.
*** Bài kế tiếp: ẢNH HƯỞNG của TRUNG QUỐC TRONG TOÀN KHU VỰC …