HOÀNG ĐẾ ĐỎ VÀ CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHÂN DÂN

0
1170
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chế độ dân chủ nhân dân đã khoác hoàng bào đại cán khi Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc sửa đổi hiến pháp theo gợi ý của Tập Cận Bình.

Xoá bỏ giới hạn nhiệm kì Chủ tịch nước, xác định tư tưởng của mình trong hiến pháp, Tập Cận Bình xác lập địa vị lãnh tụ của mình, nhất thống quyền lãnh đạo đảng, quyền lực nhà nước và binh quyền ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Một hoàng đế đỏ đăng cơ;
Hay nền quân chủ đã trở lại bằng phiên bản cộng sản?

Trong giấc mộng Trung Hoa

Bằng cách nhuộm đỏ “giấc mộng Trung Hoa”, giấc mộng giành lại vị thế trung tâm thiên hạ của Trung Quốc, Tập Cận Bình từng bước điều chỉnh đến sau cùng là thay đổi cơ bản đường lối cải cách, mở cửa của Đặng Tiểu Bình.

Nền kinh tế Trung Quốc sau Đặng liên tục tăng trưởng ở mức cao, tiệm tiến rồi vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ một công xưởng của thế giới, với thặng dư xuất nhập khẩu cao, Trung Quốc chuyển mình thành một nhà đầu tư trọng yếu. Lặng lẽ thôn tính các thương hiệu có tầm cỡ của các nền kinh tế phát triển hàng đầu, cho đến sự hiện diện của đầu tư Trung Quốc vào các thị trường mới nổi như Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi…Từ “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc thực hiện chính sách viện trợ và ODA hào phóng, cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia phát triển. Trung Quốc can dự vào các xung đột quốc tế, không ngừng gây ảnh hưởng với các quốc gia láng giềng, xung đột trực tiếp với Nhật, gây hấn với Ấn Độ và cả phương Tây, Mỹ.

Bất chấp các chuẩn mực chung về dân chủ, nhân quyền, Trung Quốc từ chỗ phớt lờ đến tự mình xác lập các chuẩn mực riêng và ra sức vận động để được thừa nhận rộng rãi. Tập Cận Bình trực tiếp kêu gọi cải tổ các định chế quốc tế, tự mình chứng mình mô hình chính trị Trung Quốc không còn là một đặc thù mà đáng để thế giới học tập.

Mô hình chính trị mới hay hoàng triều của đảng?

Mô hình chính trị mà Trung Quốc cho đến là sửa hiến pháp vùa rồi thực chất là sự lai ghép giữa một chế độ quân chủ tập trung và một nền dân chủ quí tộc kiểu mới
Đảng cộng sản hiện hình là tầng lớp quí tộc mới, quyết định cơ cấu, bộ máy và nhân sự của hệ thống quản trị quốc gia.
Đảng, từ của giai cấp công nông, tự cho mình là tổ chức qui tụ tinh hoa của dân tộc, đồng hoá việc đảng với việc nước. Bằng phương thức dân chủ tập trung, các đảng viên lựa chọn cơ quan lãnh đạo cao nhất của mình, rồi xác định đó là bộ máy quyền quy tối thượng của quốc gia. Như một thứ mệnh trời.
Đảng cộng sản là một triều đại mới thì Uỷ ban trung ương đảng là một hoàng triều có nhiệm kỳ.
Chính hoàng triều kiểu mới này bầu ra hội đồng quân vương là Bộ chính trị và Thường vụ Bộ chính trị là cơ quan cao nhất điều hành quốc gia. Các định chế nhà nước chỉ là hệ thống công tác theo sự phân công của cơ quan điều hành tối cao này.
Hoàng triều cộng sản cũng bầu ra hoàng đế kiểu mới, nhất thống quyền lực của đảng với quyền lực nhà nước và binh quyền của quốc gia.
Tập Cận Bình trong gần 10 năm cầm quyền đa tiến hành một cuộc chỉnh đảng chưa từng thấy, đả hổ diệt ruồi, không chỉ thanh trừng các đối thủ chính trị, mà còn nhằm chứng mình một cơ chế chính trị không cần đến đa nguyên đa đảng cũng có thể tự chỉnh đốn, tự đổi mới và kiểm soát được quyền lực. Có lẽ đây cũng là ý tưởng chính trị mạnh mẽ mà Tập Cận Bình muốn xuất khẩu từ mô hình chính trị của mình. Ủa tưởng ấy mạnh mẽ đến mức, Tập Cận Bình xé toạc cả nguyên tắc giới hạn nhiệm kì Chủ tịch nước mà các tiền bối đã phải xác lập bằng máu sau thời kỳ Mao Trạch Đông đưa đất nước tới vực thẳm Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hoá.

Quyền uy và quyền lực

Cơ chế kiểm soát quyền lực cơ bản trong hệ thống quyền lực tập trung của Tập Cận Bình là hệ thống Uỷ bạn kiểm tra kỉ luật của đảng do chính đại hội bầu, có quyền lực gần như độc lập với Ủy ban Trung ương, có trách nhiệm giám sát hoạt động của hệ thống quan chức cùng cấp, kể cả hội đồng quan vương và hoàng đế. Một hình thức kiểu tôn nhân phủ của các triều đại phong kiến xưa.

Trong khuôn khổ mô hình chính trị mà Tập Cận Bình đăng cơ, giới quan sát gần như ít chú ý đến những đề xuất cơ bản khác mà thiếu nó, một hoàng đế có thể thành bạo chúa.
Đó là trị quốc bằng pháp luật.
Theo tư tưởng này ý chỉ của hoàng đế phải được hiện thực hoá bằng hệ thống qui phạm pháp luật. Xã hội vận hành trong khuôn khổ pháp luật đó.
Mặt khác trao thêm cho chính quyền địa phương thẩm quyền lập qui, để vận dụng linh hoạt, kịp thời các qui phạm pháp luật của đê chế vào thực tiễn địa phương, bảo luu những sắc thái địa phương trong một hệ thống chính trị tập trung quyền lực cao độ.

Có thể còn nhiều nội dung phức tạp khác trong lần sửa đổi hiến pháp này của Tập Cận Bình. Nhưng những đường hướng cơ bản để xác định mô hình chính trị mà Tập đề xuất đó là xác lập hệ thống quyền uy tối thượng thuộc về đảng và lãnh tụ của đảng.
Hệ thống ấy bảo đảm tính liên tục của quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị như một không gian thiết yếu cho đời sống thịnh vượng của nhân dân, cho quá trình cạnh tranh quốc tế cũng như cho những sáng kiến cải cách phù hợp với các biến đổi thời đại.
Chính quyền uy ấy thống nhất các quyền trong hệ thống quyền lực để thúc đẩy pháp trị thành phương thức trị quốc chủ yếu. Hệ thống quyền lực dưới quyền uy ấy được thiết kế uyển chuyển để có thể vận hành thống nhất nhưng linh hoạt trong một đất nước mà thực tế luôn song hành đồng thời yêu cầu tập quyền và tản quyền.

Nhưng đó là ý chí của Tập Cận Bình.

Nếu đó là chế độ dân chủ nhân dân như gần một trăm năm trước đảng cộng sản ra đời hứa hẹn, thì mọi người cần lao phải trải qua một quá trình phấn đấu cam go để gia nhập tầng lớp quí tộc mới, trở thành đảng viên.

Liệu Trung Quốc có quyền biến được những giá trị đặc sắc của mình thành chuẩn mực trong một không gian sinh tồn đa dạng và phức tạp hơn bội phần?

Khi chiếc áo đại cán chỉ còn như thời trang triều đại, liệu những AQ thời nay có lại may cho mình một biểu tượng công bằng, dân chủ mới mẻ nào khác không?

261850cookie-checkHOÀNG ĐẾ ĐỎ VÀ CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHÂN DÂN