Mới đây một tòa án phía Bắc tuyên hủy một phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vì lý do các tài liệu lập ở nước ngoài không được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 và Điều 478 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong khi chính Luật Trọng tài Thương mại không đòi hỏi như vậy.
Tòa án đã không phân biệt được sự khác nhau giữa thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự với thủ tục trọng tài theo Luật Trọng tài Thương mại (mà vì lẽ đó tố tụng tại tòa khác với tranh tụng bằng trọng tài), nên đã cưỡng bức trọng tài cũng phải áp dụng yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu nước ngoài, mặc dù chính những nhà lập pháp cũng không có ý định đó lúc ban hành luật trọng tài.
Điều này thật ra không đáng ngạc nhiên lắm, bởi lẽ tòa án vẫn có tiếng là nơi mà các “phiên đấu giá bản án” thường diễn ra, nên hễ ai ra giá cao hơn thì dù lập luận ngu ngốc đến mấy, các vị thẩm phán khả kính vẫn nhắm mắt đưa chân làm liều.
Vì vậy, đừng nhìn tòa nhà pháp đình uy nghi đạo mạo mà vội lầm tưởng đó là nơi mang lại “công lý”, nhầm chết!
Trọng tài là định chế phân xử tranh chấp thương mại hiện đại được thiết lập nhằm thay thế hệ thống tố tụng truyền thống của tòa án, vốn nhiêu khê và rườm rà. Đây là trào lưu chung của tất cả các nước trên thế giới từ nhiều thập kỷ qua.
Khi ban hành Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, các nhà lập pháp Việt Nam đã cố gắng cập nhật sự phát triển mới nhất của trọng tài quốc tế bằng cách luật hóa phương thức phân xử tranh chấp hiện đại này, nhằm mục đích củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thực thi luật trọng tài gặp trở ngại lớn là các tòa án được trao quyền xem xét lại các phán quyết trọng tài khi có thỉnh cầu của một bên tranh tụng. Nếu tòa án phát hiện phán quyết trọng tài là kết quả của một quá trình phân xử có sự vi phạm thủ tục trọng tài, thì phán quyết đó có thể bị tuyên hủy.
Điều này thật ra hoàn toàn phù hợp với quy định chung của luật trọng tài trên thế giới, nhưng cần lưu ý rằng tòa án chỉ xem xét vấn đề thủ tục, mà không can thiệp vào nội dung vụ kiện. Dù vậy, tòa án các nước vẫn rất ngần ngại khi quyết định tuyên hủy phán quyết trọng tài.
Ở Việt Nam thì tuy luật cũng chỉ cho tòa án xem xét vấn đề thủ tục, mà không can thiệp vào nội dung vụ kiện, nhưng trên thực tế các thẩm phán vẫn tìm cách hủy phán quyết trọng tài bằng những lập luận rất tào lao và ngớ ngẩn, với lý do và nhằm chứng minh “có sự vi phạm thủ tục trọng tài” (!).
Đa phần những vụ xử của tòa với kết quả tuyên hủy phán quyết trọng tài đều có mùi tiền, tiền càng nhiều thì thẩm phán càng liều!
Chính họ, những thẩm phán bất lương, tham lam và trì độn đó, mới là những kẻ phá hoại nền tư pháp nước này. Chính họ đã và đang hàng ngày chống phá chính sách thu hút đầu tư nước ngoài giúp phát triển nền kinh tế của đất nước, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.