Wednesday, October 16, 2024
HomeCHỐNG THAM NHŨNGHậu thanh tra đất Đồng Tâm: Trái luật và vượt thẩm quyền...

Hậu thanh tra đất Đồng Tâm: Trái luật và vượt thẩm quyền (bài 3)

Nguyễn Đăng Quang

20-2-2018

Tiếp theo

Bài 1: Có ai tin vào thanh tra Hà Nội

Bài 2: Đôi điều nhắn gửi ông Nguyễn Đức Chung

1/. Tâm phục, khẩu phục hay gian dối, lươn lẹo?

Ngày 17/01/2018, đến dự Hội nghị tổng kết năm 2017 của Thanh tra Hà Nội, đề cập việc thanh tra đất tại cánh đồng Sênh (Đồng Tâm, Mỹ Đức), Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo “Kết luận thanh tra (đưa ra) phải được tâm phục, khẩu phục.”,rồi khen Thanh tra HN “đã ban hành kết luận kịp thời”, và đánh giá “lập luận, căn cứ và kết luận thanh tra là xác đáng, đúng quy định”.? Nhưng rồi ông Chung phải cay đắng thừa nhận: “Một bộ phận người dân chưa tâm phục, khẩu phục”.

Vâng, thưa độc giả, ngày nay người dân đã rất quen, không xa lạ gì với xảo ngôn “nói ngược” của các quan chức. Khi họ nói “cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân”, hay “một bộ phận người dân” thì ta phải hiểu ngược lại. Không tin, xin mời ông Chung về Đồng Tâm làm cuộc khảo sát “thăm dò dân ý” để xem ý kiến 10.000 người dân ở đây ra sao?

Thực ra, tôi không muốn nói ra những từ ngữ mà người dân Đồng Tâm dành cho bản Kết luận này của Thanh tra HN, mà chỉ xin nhắc lại ý kiến rất xác đáng về bản Kết luận này của một trí thức rất gắn bó với công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô từ hơn ba chục năm qua. Trong thư đề ngày 27/7/2017 gửi UBND Hà Nội, KTS Trần Thanh Vân đánh giá bản Kết luận của TTHN là “coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá.”.

Tại Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980, Nhà nước thu hồi 208ha đất của tỉnh Hà Sơn Bình giao cho Bộ Quốc phòng làm sân bay Miếu Môn, trong đó có 47,36ha của xã Đồng Tâm. Số đất này nằm trên cánh đồng Cổng Đồn (xã Đồng Tâm), và đã được người dân bàn giao đầy đủ cho BQP từ năm 1981. Còn diện tích 59ha đất ở cánh đồng Sênh nằm kế bên (59 hay 49ha, cần đo lại để có con số chính xác), thì người dân vẫn tiếp tục canh tác ổn định từ đó đến nay, không có sự tranh chấp nào với bất cứ ai. Bỗng nhiên từ giữa năm 2016, Huyện ủy và UBND Mỹ Đức ép tất cả cán bộ và đảng viên ở xã Đồng Tâm phải ký xác nhận đất cánh đồng Sênh là “đất quốc phòng”. Việc làm này rõ ràng là có ý đồ đen tối, chuẩn bị cho mưu đồ cướp trắng 59ha đất “bờ xôi ruộng mật” của người dân. Lòng tham làm mờ con mắt, ỷ thế quyền lực trong tay, họ bất chấp pháp luật và đạo lý để làm càn. Xin hỏi quý vị: Liệu cái “Giấy xác nhận” kia có giá trị pháp lý và thay cho “Giấy chứng nhận QSDĐ” (Sổ đỏ) được hay không?

Nay quý vị đưa ra kết luận “Đất cánh đồng Sênh không phải là đất nông nghiệp, toàn bộ diện tích đất ở đây là “đất quốc phòng”, điều đó có cơ sở pháp lý, có tâm phục, khẩu phục không?  Cho dù quý vị có hàng ngàn lần nói như vậy, nhưng quý vị lại không một lần viện dẫn được văn bản pháp lý của bất cứ cấp có thẩm quyền nào đối với 59ha đất nông nghiệp này, thì kết luận trên của quý vị “có tâm phục, khẩu phục” không, hay đó chỉ là trò “lươn lẹo, dối trá” như KTS Trần Thanh Vân đã nhận xét, thưa quý vị?

2/. Hà Nội đã làm sai luật và vượt quyền

Ngoài việc đưa ra kết luận “lươn lẹo, dối trá” như đã đề cập, người viết bài này cho rằng, cơ quan Thanh tra HN đã phạm 2 sai lầm thô thiển trong việc thực thi pháp luật khi họ vi phạm trắng trợn và thô bạo 2 điều luật sau đây:

Thứ nhất là SAI LUẬT: Bản chất vụ Đồng Tâm là việc Tập đoàn Viettel của BQP nhảy vào tranh chấp 59ha đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh với người dân địa phương. Thanh tra HN thừa biết rõ Viettel không phải là doanh nghiệp do UBND Hà Nội thành lập và không thuộc sự quản lý của Tp.Hà Nội. Khoản 2 Điều 21 Luật Thanh tra 2010 quy định NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA CẤP TỈNH như sau: “Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của Sở, UBND cấp huyện; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập”. Như vậy, Điều 21 Luật Thanh tra năm 2010 không cho phép Thanh tra HN tiến hành thanh tra việc tranh chấp giữa các đơn vị trong đó có một đơn vị (tổ chức) không phải là đơn vị cấp dưới và thuộc sự quản lý của mình. Do vậy, việc UBND Tp.HN lập đoàn thanh tra và phán xử 59ha đất trên là “đất quốc phòng” là sai trái và không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Tp.Hà Nội. Nói một cách khác, việc thụ lý và đưa ra kết luận thanh tra như vậy là trái luật. Do đó, mọi kết luận và phán xử về 59ha đất này này của Thanh tra Thành phố Hà Nội, dù nội dung kết luận ra sao, cũng đều là vô hiệu, sai luật và không có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Thanh tra hiện hành năm 2010.

Thứ hai là VƯỢT QUYỀN: Các cơ quan chức năng Hà Nội cho biết, diện tích 208ha đất nông nghiệp năm 1980 mà Nhà nước thu hồi của dân để giao cho Bộ Quốc phòng làm sân bay Miếu Môn, đã được UBND Tp.HN, tại Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 hợp thức hóa bằng cách cấp “Sổ đỏ” cho Quân chủng PK-KQ với diện tích thực tế là 236,70ha (thay cho 208ha). Đồng thời, ngày 23/10/2014, đại tá Trịnh Văn Chuyển, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 28 là đơn vị được Quân chủng PK-KQ giao quản lý Sân bay Miếu Môn, trong văn bản số 961A/TB-LĐ gửi cụ Lê Đình Kình đã khẳng định như sau: “Thực tế hiện nay đơn vị vẫn quản lý diện tích 208ha và được thể hiện trên đường bao là 16 mốc giới”.

Như vậy, diện tích 208ha (nay là 236,70ha) là đất có chủ, đã được UBND Tp.Hà Nội cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho BQP và Lữ đoàn 28 là đơn vị đang quản lý và sử dụng. Theo Khoản 1 Điều 203 bộ Luật Đất đai năm 2013, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên có Giấy Chứng nhận QSDĐ phải thuộc quyền của Tòa án chứ không thuộc quyền giải quyết của UBND các cấp. Do đó, việc Hà Nội lập đoàn thanh tra và đưa ra kết luận phán xử 59ha đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng là vượt thẩm quyền và trái luật. Vả lại, cho đến cuối năm 2014, Quân chủng PK-KQ và UBND Hà Nội không ai nói đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng, vậy cớ sao Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức đưa ra chủ trương “ký xác nhận đất đồng Sênh là đất quốc phòng”?

Việc tranh chấp 59ha đất ở cánh đồng Sênh xảy ra từ cuối 2016, nhưng tại sao Viettel và BQP không kiện ra Tòa án – như Điều 203 Luật Đất đai đã quy định – là nơi có thẩm quyền thụ lý và phán xử về mặt pháp lý, mà lại nhờ UBND Tp.Hà Nội đứng ra phân xử? Đây là một uẩn khúc mà chỉ có Viettel và UBND Tp.Hà Nội biết rõ mà thôi. Nhiều người cho rằng việc này liên quan đến chuyện Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức bắt cán bộ và đảng viên xã Đồng Tâm ký xác nhận “đất đồng Sênh là đất quốc phòng”, và liên quan chặt chẽ đến Văn bản hợp tác đầu tư ký kết giữa Tập đoàn Viettel và UBND Tp.Hà Nội ngày 4/6/2016, theo đó UBND Hà Nội “có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng tại huyện Mỹ Đức để xây dựng nhà máy sản xuất”. Phải chăng, chính uẩn khúc đó nằm ở đây? Thực ra, nếu Tp.Hà Nội muốn giao 59ha đất này cho Viettel thì sao Hà Nội không ra quyết định thu hồi diện tích trên rồi đền bù thỏa đáng cho người dân? Tôi nghĩ, dù cho người dân không muốn song họ cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận trên cơ sở cùng đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

3/. Đề xuất và Kiến nghị:

Gần một năm qua, người dân Đồng Tâm sống trong bất an. Hơn ai hết, họ rất muốn được yên ổn làm ăn, tập trung lao động sản xuất, chăm lo cuộc sống để nuôi sống bản thân và gia đình. Người dân không muốn cướp đất của ai, nhưng họ cũng không để ai cướp đất của mình. Họ đang rất tin tưởng vào đường lối, chính sách của Nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật. Chính quyền các cấp của Tp. Hà Nội phải có trách nhiệm đảm bảo cho họ thực thi các quyền đó. Nhưng nếu buộc họ phải đương đầu, tôi tin họ sẽ biết cách, vì họ không sợ bất cứ một thế lực nào, dù cho thế lực đó có kinh khủng đến đâu. Nhưng theo thiển ý của tôi, đừng để sự việc vượt qua tầm kiểm soát mà các bên không muốn. Con số 59ha đất là lớn, nhưng ngay cả 590ha đi nữa cũng không đáng để các bên lao vào giành phần thắng về mình. Cái giá phải trả sẽ nguy hiểm khôn lường nếu ai cũng muốn làm điều đó.

Tôi không muốn nói ra đây mọi điều cần phải nói, nhưng với những gì đã trình bầy ở trên, tôi trân trọng đề nghị ông Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung hãy sáng suốt ra quyết định tạm đình chỉ Văn bản số 2346/KL-TTTP của Thanh tra Thành phố Hà Nội để mở đường cho việc tìm kiếm một giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Đồng Tâm sao cho các bên đều có thể chấp nhận được, và không bên nào cảm thấy mình “thua” cả . Nếu thực hiện được điều này, tôi tin ông không chỉ giữ được uy tín cá nhân và uy tín của UBND Tp.Hà Nội, mà ông còn mang lại uy tín và thể diện cho Đảng và Nhà nước nữa. Nếu có thể giúp các bên đạt được một giải pháp an lành, tôi xin sẵn sàng góp hết sức lực nhỏ bé của mình. Mong lắm thay.

Hà Nội, 20/2/2018, kỷ niệm 229 năm ngày Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.

Nguyễn Đăng Quang

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular