Tui có 1 ông anh và 1 người bạn thân, cả 2 đều uyên bác, là Tiến sỹ thứ thiệt chứ không phải là Tiến sỹ giấy như các bạn đã biết.
Nói thế để các bạn hiểu trình độ của họ rất cao nhưng thú thật, cách “hành văn” của họ đúng là “khó nuốt” quá. Hèn chi họ đăng facebook có những ý kiến vô cùng xác đáng, mang lại những lợi ích và có tầm khai dân trí nhưng lượng đọc, lượt like chẳng có bao nhiêu chỉ vì họ viết kiểu hàn lâm! Ví như tôi đây vốn là đứa rất ham đọc, thường có thể nhét đủ mọi thể loại vào đầu nhưng với cách viết hàn lâm thì tôi cũng ngán đọc lắm!…
Ngay từ khi biết chơi facebook thì tôi đã viết ào ào với 1 kiểu viết do nó chọn tôi chứ không phải tôi chọn nó. Nghĩa là, tự nhiên cái giọng văn của tôi nó mộc mạc, chẳng có cú pháp hay nghệ thuật gì. Lúc đầu tôi chẳng để ý mình viết thế nào, chỉ biết nghĩ sao thì viết vậy thôi nhưng sau 1 thời gian dài thì tôi nhận ra: tôi có một cách viết cực kỳ bình dân và vô cùng dễ hiểu. Điều này được tôi xác nhận rõ hơn khi lâu lâu tôi hay nhận được những tin nhắn xa lạ: họ khen tôi có 1 lối viết bình dị, đọc cái là hiểu ngay, không hoa văn hay mang tính chất phô bày kiến thức…
Và lâu lâu tôi hay nhớ, đọc lại những bài chính trị ngày xưa tôi viết: đúng là tôi có 1 lối viết hoàn toàn khác biệt với các cây viết chuyên về chính trị thủa ấy. Bài nào của tôi cũng sặc mùi cảm xúc, nghĩa là tôi không viết bằng lý trí, bằng lý tính mà là viết bằng cảm xúc. Tôi phẫn nộ, bức xúc ra sao thì viết y như vậy. Mà khổ nỗi, xúc cảm là thứ dễ đi vào lòng người hơn là sự phân tích khô khan, dù là chặt chẽ và mang tính chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà tuy tôi viết chính trị, đó là những đề tài nhạy cảm, khó nuốt nhưng lượt đọc và lượt chia sẻ lại khá cao. Lúc đó, một người anh thân thiết đã thẳng thắn nói với tôi rằng:
“Em nên bảo trọng, cái cách viết của em một ngày nào đó sẽ làm hại em!”
Tôi hỏi tại sao thì anh nói: “Em nghĩ mà xem, tại sao CS lại chiến thắng và tồn tại đến giờ này? Là vì họ dựa vào tầng lớp bần cố nông, mà tầng lớp bình dân đó đông vô số kể. Nếu thu phục, ru ngủ được cái số đông đó thì mới tạo nên cuộc “Cách Mạng” thần thánh. Chứ tầng lớp trí thức và giàu có thì có được bao nhiêu? Mà khởi nghĩa thắng hay thua lại hoàn toàn phụ thuộc vào số đông!”
Nói nôm na là: những bài viết của tôi nhẹ nhàng, cảm xúc và dễ đi vào lòng người. Mà lòng người ở đây lại toàn là giới bình dân! Họ không cần phải có học thức, phải hiểu biết thì mới hiểu được. Chỉ cần họ có thể thấu cảm bài viết thì xem như là đã thành công. Mà cái thành công đó lại có nguy cơ gây tội vạ cho tôi. Ví dụ bạn thử viết 1 bài đại ý hô hào: CS ác lắm, lật đổ nó đi xem bạn được bao nhiêu like và ăn bao nhiêu gạch đá? Còn bạn viết kiểu đánh vào lương tâm, lương can con người, khơi gợi cái nhân văn sâu thẳm bên trong con người ta, chỉ cho người ta thấy cái ác nó nằm ở đâu, đánh vào sự thương cảm, lấy nước mắt của thiên hạ thì hiệu quả lại hoàn toàn khác!
Nói đến điều này tôi lại nhớ về một người: Đoan Trang! Trước khi bị bắt cô ấy xuất bản 1 cuốn sách mang tựa đề: “Chính trị bình dân”. Ngay cái tên “Chính trị” trong mắt người Việt nó đã hàm chứa sự nhạy cảm và ai cũng ngại nhắc đến. Mà thật ra chính trị có gì đâu mà cao siêu, nó đơn giản chỉ là cơm ăn áo mặc hàng ngày nhưng nó được người ta bao bọc bằng sự sợ hãi nên nhắc đến chính trị là đã thấy ngán, e phải gặp phiền phức. Có lẽ Đoan Trang đã thấu rất rõ điều này nên cô ấy mới gắn thêm cái từ “Bình dân” sau từ “Chính trị”. Cô ấy muốn tầng lớp “bình dân” ai cũng có thể đọc, ai cũng dễ dàng hiểu chính trị là gì và đừng sợ hãi. Và đó cũng là 1 trong những lý do khiến cô phải vào tù, chắc các bạn đã hiểu!
Quay lại cách viết “Hàn lâm” hay ” Bình dân” thì tôi phải nhắc đến ông Hiếu Gió (Bùi Thanh Hiếu). Tôi thích văn chương của ổng vô cùng, bài nào ổng đăng tôi cũng đọc ngấu nghiến, nhất là những chuyện ông viết về đời tù hay về quá khứ chuyện xưa tích cũ của ổng. Ổng có 1 lối viết giản đơn, ngắn gọn, đọc cái là hiểu ngay nên chẳng làm mệt não người ta. Trên fb tôi thấy có nhiều người viết có ý sâu, kiến thức hay nhưng thú thật là mệt não lắm, đôi khi đọc nửa chừng phải bỏ dở. Cách viết ấy không thể phục vụ số đông được, mà muốn truyền tải một thông điệp gì đó cần thiết cho cuộc sống thì bắt buộc phải có số đông đọc hiểu, nếu viết “khó” quá chẳng ai buồn đọc thì lấy gì để lan tỏa???

À, nãy giờ tui lan man chủ đề về viết “Hàn lâm hay bình dân” dài dòng quá, nhưng túm cái váy lại là tui chỉ muốn nói: Tui vẫn thèm viết chính trị thí mẹ nhưng tui thèm “sống” hơn! Tui năm nay 70 tuổi nhưng hưởng “sung sướng” chưa được bao lâu, giờ không lo đi tìm trai mà cứ cắm đầu cắm cổ viết chính trị nữa thì chắc chắn tui sẽ phải vô đồn ngồi uống trà. Mà tui đương khỏe mạnh thế này bỗng dưng gia đình tui nhận được tin tui lấy dây thun quần th.ắ.t c.ổ ch.ế.t trong đồn thì bỏ mọe. Thế nên, tui chuyển sang viết tình iu tình báo cho nó lành, may ra còn sống thêm được ít năm mà hưởng khoái lạc
. Tỉ dụ mấy câu truyện vừa đăng của tui nè, cũng nhận được nhiều lời khen và cả một đống like nên tui khoái lắm. À mà này:
Giá như cứ 1 like, 1 còm tui được người ta chuyển cho 1k thì đỡ quá nhể. Móa, tui cũng khổ tâm lắm vì thằng con tui cứ chửi tui cả ngày: nhà thì đang đói nhăn răng, viết có được đồng nào không mà cứ cắm đầu cắm cổ viết hoài, nếu viết ra cơm ra cháo thì hãy viết!
Đấy, thế nên tui chỉ biết ngậm ngùi nói với con tui rằng: thông cảm cho mẹ, mẹ đã “trót mang lấy nghiệp vào thân” thì phải chấp nhận!
“Đời bất công nên cọng lông không bao giờ thẳng” mà con!
P/s: Đấy cái ảnh bình dân không són phân (í nhầm son phấn) còn gì