LUẬT KHOA
Không phải mọi ngôn luận đều được bảo vệ. Ai cũng biết chuyện đó.
Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ để chúng ta phân biệt loại ngôn luận nào cần được bảo vệ, loại ngôn luận nào không cần được bảo vệ. Bạn có thể gán ghép chủ quan một loại biểu đạt là chấp nhận được, là tự do ngôn luận và có thể gạt bỏ một loại biểu đạt khác là lăng mạ, gây hấn.
Trong các thảo luận liên quan đến các phát ngôn của ca sĩ Duy Mạnh mới đây, nhiều nhà bình luận đưa ra hàng loạt các “tiêu chuẩn” và “lằn ranh”.
Ví dụ, có người cho rằng ngôn luận mà “vi phạm những chuẩn mực đạo đức cơ bản mà bất cứ ai cũng đồng thuận dù có tư tưởng nào” thì phải bị phạt. Nhưng làm gì có thứ gì gọi là chuẩn mực đạo đức cơ bản mà bất cứ ai cũng có thể đồng thuận?
Tôi còn nhớ khi bài viết có tên “30/4: Giải phóng hay xâm lược?” ra mắt bạn đọc trên Luật Khoa, nó đã liên tục bị chỉ trích là “xét sửa lịch sử”, “phủ nhận và xúc phạm xương máu cha ông đã cho chúng ta nền độc lập hòa bình ngày nay”. Vi phạm cái chuẩn mực “đạo đức” ấy nặng không? Nặng lắm chứ, nặng hơn cả vài lời chửi thề, nói tục, hay dùng từ ngữ mang tính xúc phạm đối với phụ nữ. Nhưng đó lại là góc nhìn của một nhóm người.
Số khác, những người ủng hộ, lại biện luận rằng bài viết chỉ là một góc nhìn khoa học dựa trên công pháp quốc tế. Mà nghiên cứu khoa học bao giờ cũng mở, vậy nên anh cứ thoải mái phản biện, việc gì phải nói về đạo đức của tác giả bài viết?
Nhiều người lớn tiếng trên mạng xã hội khẳng định Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam “bán nước” qua các chính sách của họ đối với Trung Quốc, rồi họ cũng văng tục chửi rủa ông Hồ Chí Minh, bôi bẩn lên cả ảnh chân dung của ông ấy.
Sẽ có người quả quyết Hồ Chí Minh là vị “Cha già kính yêu” của dân tộc Việt Nam, người đại diện cho tương lai, vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Bôi bẩn ảnh của ông là xúc phạm lãnh tụ, là phi đạo đức, là đi ngược lại cái “giá trị” quốc gia của Việt Nam, “gây bức xúc trong toàn dân”.
Riêng Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản thì có thể được cho là bộ mặt của chính quyền, là những người hy sinh chục năm trong bộ máy nhà nước để lên đến vị trí mà họ đang có, dành tâm tư nguyện vọng cả đời lo cho nước cho dân. Bảo họ “bán nước” không phải là một sự sỉ nhục quá lớn đối với cuộc đời chính trị của họ sao? So lời nói này với vài lời nói tục, nói phét chửi đổng của một anh chàng ca sĩ quèn hết tên hết tuổi thì tội này quá nặng, phải xử cho ra nhẽ chứ.
Nhưng cũng sẽ có người cho rằng việc đấy là bình thường. Các vị nói trên cũng chỉ là chính trị gia, họ có quyền lợi thì họ phải có nghĩa vụ. Và nghĩa vụ quan trọng nhất là gánh chịu sự công kích của công dân, dù nặng nhẹ đến đâu. Bôi bẩn ảnh và chửi vài câu, rõ ràng không gây ảnh hưởng gì đến hòa bình hay an ninh quốc gia.
Nói đến đây không phải để phân định ai đúng ai sai, mà hy vọng bạn đọc có thể đồng ý với người viết rằng không có thứ gì được gọi là “chuẩn mực đạo đức”, “chuẩn mực luân lý” mà “ai cũng phải đồng ý”.
Chẳng phải rất nhiều người theo dõi ca sĩ Duy Mạnh cũng đã khen anh chàng ca sĩ này sống thật? Và chẳng phải cũng rất nhiều người thường trích câu ngạn ngữ thời @ “bọn nói đạo đức thường sống không ra gì” đó sao. Hãy chuẩn bị tâm thế đón nhận rằng bất kỳ thứ gì bạn cho là chuẩn mực, sẽ có hàng ngàn (thậm chí hàng triệu) người khác phản đối.
Giới hạn của sự xúc phạm
Về mặt pháp lý, tự do biểu đạt, thông thường, gắn liền với tự do xúc phạm, tự do công kích. Tự do biểu đạt mà không gắn liền với tự do xúc phạm thì khó mà còn toàn vẹn nội hàm của nó.
Hãy thử tưởng tượng mà xem.
Một người ăn chay có thể sẽ cảm thấy ghê tởm và bị xúc phạm khi nhìn thấy những quảng cáo thịt bò bằm hay sữa trên truyền hình. Nhà nước có cần can thiệp để đảm bảo những người ăn chay không bị xúc phạm khi xem các chương trình đại chúng?
Hay tôi, một người vô thần, có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu những bản tin thời sự cổ vũ lễ Phật Đản, lễ Giáng Sinh. Vậy pháp luật cũng nên bảo vệ cảm xúc của một người vô thần như tôi và cấm đoán việc đưa tin công khai về lễ lạt tôn giáo chăng?
Một người trong lúc cãi vả dùng từ ngữ thô tục đối với đấng sinh thành của bạn, điều này có đủ cho phép bạn đáp trả thứ ngôn ngữ đó bằng vũ lực, hay sự can thiệp của nhà nước?
Một trong những nguyên tắc cơ bản khi nói về mối liên hệ giữa sự xúc phạm và tự do ngôn luận là không nên giới hạn tự do ngôn luận dựa trên cảm nhận của một người về một hình thức biểu đạt nhất định.
Lập luận này không phải người viết tự mình nghĩ ra để nói bừa. Các quốc gia cả hai bờ Đại Tây Dương đều đi đến đồng thuận rằng nghĩa vụ bảo vệ tự do biểu đạt không đơn thuần là bảo vệ những ngôn luận trung dung, hòa hoãn, “huề cả làng”; chính quyền của một quốc gia còn cần bảo vệ cả những biểu đạt xúc phạm (offend), gây sốc (shock) hay kinh tởm (disturbing).
Cách tiếp cận được ghi nhận trong án Handyside v. United Kingdom, khi Tòa án Nhân quyền Châu Âu giảng giải Điều 10 – Công ước về Quyền Con người của Liên minh Châu Âu (ECHR). Lập luận này tiếp tục trở thành nền tảng cho các thảo luận pháp lý hiện tại và tương lai tại châu Âu về quyền tự do biểu đạt: Quyền tự do biểu đạt là gốc, các giới hạn pháp lý dành cho quyền này phải thỏa mãn những điều kiện ràng buộc chứ không phải là giới hạn pháp lý định hướng quyền.
Riêng ở Hoa Kỳ, sự cố chấp về khung bảo vệ tuyệt đối dành cho quyền tự do biểu đạt có lẽ không đâu rõ ràng hơn qua việc bảo vệ lời… dọa bắn tổng thống mà Luật Khoa đã có dịp phân tích qua bài viết “Mỹ: Dọa bắn tổng thống cũng là tự do ngôn luận.”
Vâng, vâng, tôi biết nhiều bạn đọc đang phê phán tôi là “khập khiễng” khi so sánh văn hóa pháp lý và văn hóa xã hội Việt Nam với phương Tây. Hãy để tôi hỏi lại các bạn câu này: Bạn có chắc rằng Tây phương thì tự do, phóng túng hơn người Việt Nam? Căn cứ ở đâu bạn đưa ra nhận định như vậy?
Thực tiễn cho thấy, tùy vào lĩnh vực, tùy vào phạm vi, người phương Tây thật ra bảo thủ và lo ngại ngôn luận “không kiểm soát” chẳng kém gì chúng ta, và thậm chí trong một số trường hợp còn cực đoan hơn. Trong các chủ đề như nạo phá thai, tác hại của trò chơi điện tử, cho đến các vấn đề liên quan đến mạng xã hội, người trưởng thành Tây phương, mà đặc biệt là Mỹ, đều cho thấy họ cổ hủ và hà khắc hơn hẳn Á Đông. Ví dụ, quan điểm của người Trung Quốc về nạo phá thai đều được ghi nhận là “rất cấp tiến” (very liberal).
Hay ngay sau sự kiện tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) bị nhóm khủng bố Hồi giáo tấn công bằng súng vì đăng tranh biếm họa của nhà tiên tri Muhammad, rất nhiều các học giả phương Tây không lên tiếng bảo vệ tòa soạn này. Thay vào đó là một loạt những nghiên cứu khẳng định quyền tự do ngôn luận phải gắn bó với nền tảng văn hóa và các mối quan hệ xã hội, và vì vậy cần bị định hướng trong khuôn khổ (các nghiên cứu như Insults, humour and freedom of speech và Insults, Free Speech and Offensiveness).
Cách lập luận này khác với cách lập luận một số học giả và nhà quan sát Việt Nam chỉ ở màu da của người đưa ra lập luận mà thôi.
Vậy nên, việc lúc nào cũng định khung người châu Á thì phải khép kín hơn, thủ cựu hơn và coi trọng đạo đức, nền nếp hơn… thật sự là một món bảo bối rất cùn.
Phương Đông và phương Tây, nếu có khác nhau, lại khác ở mức độ lý tính khi xác định lằn ranh giữa tự do biểu đạt và xúc phạm.
Theo phân tích của Giáo sư Triết học – Chính trị David Archard thuộc trường Đại học Queen’s University Belfast (Anh), bị xúc phạm không thôi là chưa đủ để thu hút sự quan tâm của pháp luật nói chung, chưa nói đến pháp luật hình sự hay hành chính.
Ông cho rằng sự xúc phạm thường không dẫn đến một hệ quả – hành động xác định được dưới lăng kính pháp lý. Mục tiêu duy nhất của sự xúc phạm là hạ thấp giá trị của một con người; nhưng thực tế chúng lại không thể gây ra những tổn hại nhân phẩm cụ thể. Thậm chí, việc sử dụng ngôn từ xúc phạm quá nhiều có thể làm tổn hại nhân phẩm của chính người nói, chứ không phải người nghe.
Vậy nên, việc xử lý các hình thức biểu đạt mang tính chất xúc phạm chỉ có tính chính danh nếu chúng đi kèm với một quan hệ xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lấy ví dụ về hành vi bôi nhọ, phỉ báng (defamation).
Cho dù pháp luật hầu hết các quốc gia phương Tây đều có ghi nhận các án lệ dân sự (hoặc hành chính) liên quan đến phỉ báng, tiêu chí đầu tiên mà họ đặt ra là nội dung xúc phạm phải sai sự thật.
Thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công lý, niềm tin công chúng, từ đó tạo ra những tác hại nghiêm trọng lên cá nhân hoặc tổ chức, và vì vậy cần sự can thiệp của nhà nước. Còn nếu những thông tin đó đúng sự thật, hoặc không có giá trị thực chứng nào (những dạng xúc phạm phổ thông như “thằng con hoang”, “đồ chó má”, “đ** m*”…) dù có tính xúc phạm, khó nghe đến đâu, tự thân nó vẫn không thể bị xem là vi phạm pháp luật.
Tương tự, các phát ngôn gây thù hận (hate speech) bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở phương Tây không đơn thuần chỉ vì chúng mang tính xúc phạm hay gây sốc. Phát ngôn thù hận được sử dụng để cô lập một nhóm dân cư, sắc tộc, tôn giáo, hạ thấp giá trị của cả cộng đồng dân cư. Trong lịch sử, chúng luôn luôn tạo tiền đề cho hành vi vũ lực nhắm tới các nhóm thiểu số, tuyên truyền bài xích hay thậm chí là cổ xúy diệt chủng.
Trong một số trường hợp, như tiêu chuẩn về Nguyên tắc Tổn hại (Harm Principle của J.S.Mill) được áp dụng. Tại Hoa Kỳ, các tòa án đưa ra hai tiêu chí là “đe dọa thực tế” (true threat) và “hành vi vô pháp tức thời” (imminent lawless action).
Trong đó, “đe dọa thực tế”, tức là tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh mà bất kỳ một cá nhân lý tính nào cũng có thể nhìn thấy và hiểu rằng người nói đang đưa ra một biểu đạt nghiêm túc nhằm gây tổn hại đến cơ thể họ. Còn biểu đạt dẫn đến “hành vi vô pháp tức thời” thì xem xét đến bối cảnh của phát ngôn, xem nó có mục tiêu kêu gọi và kích động một hành vi vi phạm pháp luật ngay lập tức hay không.
***
Xúc phạm là một tiêu chuẩn vô cùng trừu tượng, tùy tiện và dễ bị lạm dụng. Và càng nguy hiểm hơn nếu chúng ta cổ súy cho sự can thiệp của nhà nước vào các phát ngôn đơn thuần bị xem là xúc phạm. Quan trọng hơn cả, ai sẽ là người đánh giá một hình thức ngôn luận là xúc phạm hay không xúc phạm, để từ đó ngăn cấm hay trừng phạt chúng?
“Quần chúng”?
“Dư luận”?
“Số đông nhân dân tiến bộ”?
Đó là những thuật ngữ đã được nhiều chính quyền chuyên chế hiện đại áp dụng gần cả trăm năm nay để đàn áp những tiếng nói phản biện. Cánh cửa kiểm duyệt và trừng phạt các phát ngôn “xúc phạm” là cánh cửa không thể đóng lại khi đã mở ra. Nó có thể làm hài lòng bạn, nó có thể không làm hài lòng bạn, nhưng nó chắc chắn trao cho chính quyền quá nhiều lựa chọn để khiến người ta im lặng.