Trong lúc Việt Nam đang vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vụ đối đầu với Bắc Kinh ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông thì Giáo sư Carl Thayer của Học Viện Quốc phòng Úc nhận định rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào vụ tranh chấp này.
Cho tới thời điểm này, Mỹ là nước duy nhất lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “bắt nạn” Việt Nam về hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông ngay sau khi Hà Nội lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình hôm 19/7.
Tin cho hay Trung Quốc đã cử một tàu khảo sát được nhiều tàu hải cảnh hộ tống tới khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 3/7 và Bộ Ngoại giao ở Hà Nội trong những tuần qua liên tiếp kêu gọi Trung Quốc hãy rút các tàu đó ra khỏi khu vực này.
Ngoài Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một số các quan chức cấp cao trong chính phủ và quốc hội Mỹ đã lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, và bày tỏ ủng hộ đối với Việt Nam giữa lúc vụ đối đầu tại Bãi Tư Chính tiếp diễn.
Trong lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Úc tham dự diễn đàn an ninh thường niên giữa Mỹ và Úc, “việc lên án Trung Quốc đã được đưa ra,” theo GS Thayer, người từng là thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Hawaii.
Cũng tại Úc hôm 4/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, theo GS Thayer, “Mỹ dưới thời (Tổng thống) Trump sẽ không ép (tàu) Trung Quốc phải ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.” Theo giải thích của Giáo sư Thayer, ngoài các đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Thái Lan và Philippines, thì Mỹ sẽ không hành động để can thiệp.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Bangkok vừa kết thúc cuối tuần qua, Phó thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tố cáo Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.
Bất chấp những nỗ lực của Việt Nam tìm cách đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị nhưng thông cáo chung của ASEAN, theo GS Thayer, chỉ có hai đoạn nói về Biển Đông – đoạn đầu nói về những tiến bộ đạt được với Trung Quốc và đoạn còn lại nói về những vấn đề nghiêm trọng nhưng không cho biết đó là những vấn đề gì.
Cho đến hôm 5/8, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Federica Mogherini, người đang có chuyến thăm tại Việt Nam, đã lên tiếng khẳng định quan điểm của EU ủng hộ “đảm bảo tự do hàng hải, hàng không vì lợi ích của các nước, các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế” sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề căng thẳng Biển Đông trong cuộc gặp với đại diện cấp cao của EU tại Hà Nội.
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã phải thất vọng về phản ứng của cộng đồng quốc tế trừ Hoa Kỳ,” GS Thayer nhận định và cho biết rằng đại sứ Việt Nam tại Úc đã bày tỏ lo ngại về việc báo chí ở Úc không đăng tải thông tin về sự việc và không có bình luận gì từ phía chính phủ Úc.
GS Thayer cho rằng điều quan trọng đối với Việt Nam lúc này là khi Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới thăm Washington trong thời gian tới trong năm nay, “liệu Việt Nam và Mỹ có nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược hay không? Và liệu Việt Nam sẽ làm điều đó vì áp lực từ Trung Quốc hay không?”
Việt Nam đang muốn bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hàng hải của mình trong Biển Đông, trong khi Hoa Kỳ đang tìm cách kiềm hãm cao vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, thách thức vị thế cường quốc số 1 của họ. Dù mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã nồng ấm lên trong những năm gần đây nhưng 2 quốc gia cựu thù mới chỉ dừng ở mức quan hệ đối tác toàn diện.
Theo ông Thayer, Việt Nam đang bị thúc ép để tiếp nhận một hàng không mẫu hạm của Mỹ cập cảng Tiên Sa trong năm nay. Năm ngoái, tàu sân bay USS Carl Vinson lần đầu tiên cập cảng ở Đà Nẵng, đánh đi tín hiệu về sự hiện diện của Mỹ nhiều hơn trên khu vực Biển Đông.
Trung Quốc ‘leo thang’
Vụ đụng độ đang diễn ra được coi là tranh chấp căng thẳng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông kể từ năm 2014, khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương 981 vào khu vực mà Hà Nội nói là vùng đặc quyền kinh tế của mình, làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình trong và ngoài nước chống lại hành động của Trung Quốc.
GS Thayer, người chuyên nghiên cứu về Việt Nam, cho VOA biết hôm 5/8 rằng có tới 80 tàu Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động khảo sát trong khu vực mà Việt Nam nói là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Ông Thayer cho biết thông tin mà ông có được là từ một phóng viên của Thông Tấn Xã Việt Nam. Truyền thông trong nước không đăng thông tin về việc Trung Quốc điều thêm hàng chục tàu tới khu vực Bãi Tư Chính để hộ tống tàu Hải Dương 8.
GS Thayer nói ông không mấy ngạc nhiên về con số 80 tàu của Trung Quốc đang hiện diện ở đây bởi vì vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng đã có đến hơn 100 tàu của họ được điều đến khu vực đó.Cách đây hơn 1 tuần, Việt Nam thông báo gia hạn thời gian hoạt động của dàn khoan Hakuryu 5 tại Lô 06.1 ở Bể Nam Côn Sơn của Bãi Tư Chính đến ngày 15/9. Một số nguồn tin cho hay Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội rút giàn khoan ở khu vực này đi và đổi lại, Trung Quốc sẽ rút các tàu của họ. Nhưng Việt Nam bác bỏ đề nghị này.
Trước đó hôm 1/8, theo giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng công suất cao và có các hành xử nguy hiểm tại Bãi Tư Chính nhằm ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại lô 06.1. Ông Thayer trích dẫn thông tin chính thức của Việt Nam được truyền bá qua các bản tin giấy cho biết 35 tàu của Trung Quốc đã được xác định tại khu vực này nhưng không biết vào ngày nào.
“Một trong những điều họ vẫn chưa làm mà họ đã làm hồi năm 2014 là đưa các phóng viên nước ngoài lên tàu hải cảnh để ghi nhận về vụ việc,” GS Thayer cho rằng đó là điều Việt Nam nên làm vào lúc này.