Quanh khu nhà tôi, gần như sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng có từng nhóm các cô gái quê tập trung trong các con đường nhỏ. Có người xách đồ ra đó, trang điểm cho các cô ngay ngoài đường. Mấy tay xe ôm chở các cô chạy tới mấy khách sạn cách đó chỉ vài căn. Các cô vô khách sạn cho những người đàn ông Đài loan, Trung quốc ngắm nghía, sờ nắn để tuyển vợ. Nghe nói những người này, vì lí do gì đó không lấy được vợ ở xứ sở của họ, nhờ dịch vụ môi giới qua Việt nam mua vợ.
Các cô gái đó là những món hàng, được chính cha mẹ các cô bán cho đám “môi giới”. Cách đây vài hôm, tôi xem một phóng sự trên BBC, về một cô gái Campuchia, bị chính mẹ đẻ bán sang Malaysia, phải bán dâm và lao động như nô lệ, rồi bị chính quyền bắt giam… Một số các cô gái trong câu chuyện của tôi có lẽ may mắn hơn cô gái Campuchia kia, nhưng thực ra, các cô cũng chỉ là những món hàng, cũng bị chính cha mẹ của mình bán đi.
Không biết tự bao giờ, nhiều cô gái nông thôn Nam Bộ có tư tưởng phải báo hiếu cha mẹ bằng bất cứ giá nào. Nhiều cô đi lấy Đài loan, Trung quốc. Nhiều cô khác thì lên thành phố, làm đủ nghề, làm những gì để nhanh có nhiều tiền nhất, để báo hiếu cho cha mẹ. Thật bất ngờ, đó cũng là tư tưởng của cô gái Campuchia trong cái phóng sự trên BBC.
Ban đầu, khi nghe một số cô nói như vậy, tôi chỉ nghĩ, lười làm hám tiền thì lấy cha mẹ ra làm bình phong. Nhưng rồi, tiếp xúc dần với nhiều người, nhất là những người bệnh ở quê, tôi mới hiểu rằng, đó là một nét văn hóa, mà cả cha mẹ các cô gái cũng cho đó là lẽ đương nhiên.
Bên cạnh đó, tôi chứng kiến khá nhiều cảnh ngược lại. Đó là những ông chồng xe ôm, xích lô, bốc vác… ngày ngày vất vả mưu sinh. Trong khi đó thì những bà vợ xăm chân mày, suốt ngày quây quần bên bàn tứ sắc. Nhiều người cho rằng, lấy chồng thì đương nhiên chồng có nhiệm vụ nuôi họ. Họ không cần đi làm, không cần độc lập về kinh tế.
Những ông chồng lam lũ, vất vả thì không sao. Nhưng khi có chút tiền, thì bắt đầu có “ghệ”, thậm chí phòng nhì phòng ba, đùm đề con cái. Những người vợ không quan tâm đến việc đó, miễn là mang tiền về đủ cho họ làm tóc, sơn móng tay, xăm chân mày, chơi tứ sắc, trưa ăn ở quán bà Bảy, tối ra quán ông Năm.
Rồi khi những ông chồng lam lũ bị tai nạn, liệt hai chân, nằm một chỗ. Không còn mang tiền về, đã vậy lại còn phải chăm sóc. Các bà vợ bỏ về nhà cha mẹ ruột, hoặc theo làm bé ông nào nhiều tiền, bỏ mặc chồng ngay từ khi còn nằm trong bệnh viện. Nhiều bà còn bỏ cả con, thảy cho ông bà nội hay ông bà ngoại nuôi, coi như mình son rỗi. Thật ngạc nhiên, người ta coi đó là những chuyện bình thường, đương nhiên.
Muốn giải phóng phụ nữ, không phải chỉ vài lẵng hoa, không chỉ ngày 8/3, hay 20/10. Đó phải là cả một cuộc cách mạng về tư duy, văn hóa.