GIA ĐÌNH, HỌC ĐƯỜNG, MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI – TẠO RA CÁCH HÀNH XỬ CỦA CON NGƯỜI.

0
184

Giao Thanh Pham

Con người ta khi lớn lên, bắt đầu bước những bước chập chững “vào đời” là đã bị cái môi trường sống đó ảnh hưởng vô cùng lớn lao trên cách hành xử của họ. Người ta thường bào chữa bằng câu “Ai sống làm sao, mình sống làm vậy”, thật không sai chút nào. Bởi cái việc “mình sống làm vậy” đó, nó thủng thẳng, nó chậm chạp nhưng chắc chắn, đã bào mòn đi những cái hay, những cái tốt đẹp, mà họ được gia đình luyện tập cho ngay từ thuở mới chập chững biết đi.

Nó cứ từ từ ăn mòn cái suy nghĩ, cái tư duy, cái cung cách sống tử tế mà họ đã từng được đào luyện, như những con sóng đánh vào ghềnh đá liên tục không ngừng nghỉ, cho đến một ngày nó chiếm đoạt hoàn toàn, nó thay đổi hết tất cả những nhận thức của con người trong xã hội đó, mà họ không hề nhìn ra và họ sẽ xử sự như những con robots không cần suy nghĩ.

Bởi vậy, cái nền móng để xây dựng “Một Con Người Văn Hóa”, chính là những năm mà người đó được đào tạo và giáo dục trong cái mái ấm gia đình của họ. Cái nền móng đó nếu được xây đắp kỹ lưỡng và vững chắc thì khi phải đối mặt với phong ba bão táp của cuộc đời, nó mới đứng vững được.

Xã hội tốt hay xấu lệ thuộc hoàn toàn vào cái cách sống, vào cái lối sinh hoạt, vào sự suy nghĩ và nhất là vào những gì đã được gia đình giáo dục, của mỗi phần tử sống trong cái xã hội đó. Nếu mỗi phần tử trong xã hội, đều được gia đình giáo dục và tôi luyện kỹ lưỡng khi còn nhỏ, thì may ra còn chút hi vọng không bị … đổi màu, bằng không, chắc chắn sẽ bị “ai sống làm sao, mình làm vậy” như xã hội Việt Nam hiện nay.

Ở các nước có nền giáo dục gia đình và xã hội cao như Singapore, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, thì việc ném xuống đường một mẩu rác, là chuyện không thể có, không thể tưởng tượng được, không thể chấp nhận được, vì tất cả mọi người sống trong cái môi trường đó không làm như vậy bao giờ. Việc khác nhổ ngoài đường là chuyện ngoài sức tưởng tượng của những con người đang sống và sinh hoạt trong cái môi trường văn minh đó là vậy.

Nhưng ngược lại, những điều kể trên, lại được thấy thật bình thường ở xã hội Việt Nam. Nó bình thường đến độ như mặt trời phải mọc ở hướng Đông hoặc ở Việt Nam thì phải có … Cấm Xả Rác và đủ mọi thứ Cấm khác. Không Cấm, Không Phải Việt Nam. 

Sự biến đổi này nó không thể có trong ngày một ngày hai, nhưng nó đã ăn mòn trong suốt gần nửa thế kỷ dài đằng đẵng, chậm chạp nhưng chắc chắn. Người ta cứ vinh danh cái nếp sống văn minh của các thời Cộng Hòa trước năm 1975, và người ta dễ dàng đổ thừa cho tất cả những thói hư tật xấu của xã hội Việt Nam hiện nay là do … Cộng sản mà ra. 

Chẳng lẽ không có ai đặt ra cái câu hỏi: “Thế thì gần 20 triệu người đã sống và lớn lên trong các thời Cộng Hòa trước 1975 ở miền Nam Việt Nam đã làm gì với cái trách nhiệm giáo dục con cháu của họ trong suốt 47 năm qua? Họ đã thực hiện cái bổn phận giáo dục con cháu họ gần nửa thế kỷ vừa qua ra sao và như thế nào? Hay là chính họ, cũng đã để … nhuốm và hôi tanh mùi bùn?” 

Bởi cứ nhìn cho kỹ thì chẳng khó để thấy ở Việt Nam hiện nay, các ông bà trung niên và lão niên trên 55 tuổi, chính là những người thực hiện những hành vi kém văn minh kể trên nhiều không thua gì bọn trẻ thế hệ thứ 2, thứ 3 hiện nay.

Dễ dàng để thấy, người dân ở những “xã hội văn minh” họ cùng nhau chung vai sát cánh, cùng nhau đóng góp để tạo ra cái “văn hóa” trong sáng và tốt đẹp cho cái xã hội mà họ đang sống. Người ta cũng dễ dàng đổ thừa, chỉ có “đám dân ngoài Bắc” mới thế, nhưng không phải vậy, ta có thể nghe những giọng nói lanh lảnh, những tiếng ồn ào chí chóe, rặt một giọng Nam ở khắp nơi hiện nay. Hay là họ cũng đã bị những thói hư tật xấu của “đám dân ngoài Bắc” này nó đồng hóa họ mất rồi?

Tất cả những sự kiện, những “thay đổi” đó, nó bắt đầu ở sự giáo dục ngay từ trong gia đình nhưng quan trọng hơn nữa là nó được chuyển tiếp qua sự giáo dục ở học đường và ở ngoài xã hội nơi chúng lớn lên. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là do sự “giáo dục để đặt việc tôn trọng quyền lợi của người khác, quyền lợi của cộng đồng, lên trên quyền lợi của cá nhân mình”. Nó không đi quá xa với cái câu mà chúng ta đã từng được dậy “Muốn người khác làm cho mình điều gì, thì mình phải làm việc đó cho họ trước đã”.

Khi con người sống ở trong một xã hội, một môi trường mà người này luôn tìm mọi cách để “ăn gian” người khác, để “khôn lanh” hơn người khác, để “tài giỏi” hơn người khác thì chắc chắn sẽ chỉ dẫn đến cái kết quả như cái môi trường sống ở Việt Nam hiện nay. Người ở các xứ sở văn minh, họ không hơn dân mình ở điều gì, ngoài cái cách sống và lối xử sự Công Bằng với nhau. Muốn công bằng đến với mình thì phải công bằng khi đối xử với những người chung quanh trước đã.

Họ không chen lấn, không xô đẩy, không cắt ngang cái hàng mà những người đến trước họ đã phải khổ công đứng chờ trước họ. Đó là nhờ họ đã được gia đình dạy dỗ phải biết tôn trọng sự Công Bằng, cho người khác và cho chính mình. Họ không đứng đái ngoài đường, không xả rác, không khạc nhổ, không ồn ào ở những nơi công cộng, vì họ tôn trọng sự sạch sẽ, sự lịch sự của cá nhân từng con người đang sống và sinh hoạt ở chung quanh họ. Đó cũng là nhờ cái tinh thần tôn trọng sự Công Bằng, không hơn, không kém.

Nó cũng nằm ở lòng Tự Trọng, Phẩm Giá và Nhân Cách của từng người trong xã hội mà họ đang sống. Cứ từng người, từng phần tử trong cái xã hội đó, tự làm giảm giá trị của mình, tự hạ lòng Tự Trọng của mình, tự hạ Phẩm Giá và Nhân Cách của chính mình, mà khi số đông những người khác ở chung quanh cùng chấp nhận và đồng lòng coi những sự kiện đó là lẽ đương nhiên, thì chắc chắn là ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, tất cả những con người sống trong cái xã hội đó sẽ dần dà đánh mất đi và không còn biết Ý Nghĩa của lòng Tự Trọng, Phẩm Giá và Nhân Cách của một con người là gì nữa cả.

Một thùng nước sạch, khó có thể tẩy đi một ca nước dơ, nhưng ngược lại, một ca nước dơ dễ dàng làm bẩn cả một thùng nước sạch. Thế đấy, việc gìn giữ nguyên một cái xã hội to lớn cho nó có bản chất “văn hóa” không phải dễ, vì chỉ cần vài phần tử xấu vẫn có thể làm vấy bẩn nguyên một cộng đồng to lớn dễ dàng. Nó cần sự đóng góp của tất cả mọi phần tử trong đó.

NỀN GIÁO DỤC, LÒNG TỰ TRỌNG và LỐI SỐNG CÔNG BẰNG là những điều đóng góp quan trọng để tạo ra cái xã hội văn minh của một dân tộc là vậy.

Trước tiên hết, ông bà, cha mẹ, thầy cô và bà con lối xóm chính là những cái gương lớn nhất, có tầm ảnh hưởng nhiều nhất trên các thế hệ trẻ.  

NẾU GIA ĐÌNH và XÃ HỘI KHÔNG BẮT ĐẦU TỪ ĐÓ, THÌ TỪ ĐÂU?

Cổ Ngữ của Phi Châu có câu rất hay “It takes a village to raise a child” nghĩa là “Cần cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ nên người” là thế.

626780cookie-checkGIA ĐÌNH, HỌC ĐƯỜNG, MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI – TẠO RA CÁCH HÀNH XỬ CỦA CON NGƯỜI.